(Xây dựng) – Trên lườn nóc mái đình chùa, hay trên các vỉ kèo các đình, trên thành các bậc cửa bằng đá … ta thấy có đúc, chạm hình cá. Đuôi cá có hình đuôi cá thật, nhưng đầu lại có thêm râu, mắt, kiểu đầu rồng. Đó là dựa theo sự tích CÁ HÓA RỒNG.
Rồng là con vật trong thần thoại. Theo sử sách Trung Quốc, rồng được sinh ra bởi sự kết hợp giữa khí biển và khí mây. Cũng có thuyết cho rằng rồng là loài biến thể của một loài cá lớn và dài ở biển Đông. Do đó, rồng có thể vùng vẫy dưới nước, lại có thể bay lên trời, tung lượn, phun nước xuống trần gian thành những cơn mưa. Còn cá là loài ở dưới nước, không thể như rồng được. Nhưng cũng theo thần thoại, có những loài cá có thể hóa thành rồng được. Theo sử sách, đó là lý ngư, là cá gáy, cá chép. Có sách chép loại cá tương truyền cá hóa rồng có tên là cá anh vũ. Anh vũ là tên một loài chim (con két, con vẹt), và cũng là một loài cá ngon ở tỉnh Phú Thọ. Cá muốn thành rồng không phải dễ. Cá phải vượt Long môn hay Vũ môn. Theo Bửu Kế, tác giả của Tầm nguyện tự điển, Vũ môn là tên một con sông hiểm trở mà vua VŨ (Trung Quốc) đã đào trong việc trị thủy. Đó “ là con sông có một khúc hiểm trở, nước không thông lên trên được, nên hễ con cá nào nhảy lên được thì hóa rồng “. Còn Đào Duy Anh trong Hán Việt từ điển thì cho rằng Vũ môn “ là tên một khúc núi ở thượng du sông Trường Giang nước Tàu, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, chân núi có vực rất sâu, tương truyền đến mùa thu nước lụt lớn thì cá đua nhau tới đó nhảy thi, con nào vượt qua vũ môn thì hóa rồng “.
Chuyện cổ tích Việt Nam có kể, vào một năm, trời hạn hán, vì số Rồng quá ít, không đủ làm mưa điều hoà cho khắp mọi nơi, Trời mới đặt ra một kì thi kén các vật lên làm Rồng gọi là “Thi Rồng”. Khi chiếu Trời ban xuống, vua Thuỷ Tề loan báo cho tất cả các cư dân dưới nước tham gia vào cuộc thi. Cuộc thi có ba kì. Mỗi kì vượt qua một đợt sóng. Con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt được cả ba đợt thì mới được hóa Rồng. Trong một tháng trời, đại diện của bao nhiêu loài thuỷ tộc đến thi đều bị loại cả vì không con nào vượt được cả ba đợt sóng. Sau có cá Rô nhảy qua được một đợt nhưng cũng bị rơi ngay. Rồi đến Tôm nhảy qua được hai đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi, đã gần hoá Rồng, nhưng đến lượt thứ ba đuối sức ngã bổ xuống mà lưng đã còng lại. Đến lượt con cá Chép vào thi thì gió thổi ào ào, mây kéo ầm trời. Cá Chép ta vượt luôn một hồi qua ba đợt sóng, và lọt vào cửa Vũ môn. Cá Chép đỗ. Vẩy, đuôi, râu, sừng mọc đủ, vóc dáng thật oai linh, thật đúng là thần Rồng. Cá chép hoá Rồng phun nước làm gió táp, mưa sa, muôn loài sung sướng. Sự sống đã hồi sinh..
Ở nước ta, có một số địa danh mà trong sử sách cũng đã ghi ở các nơi đó, hàng năm cá chép đua nhau đến nhảy thi, để thỏa ước mơ hóa rồng.
Miển Bắc, tại tỉnh Hưng Hóa (tên cũ của tỉnh Phú Thọ ngày nay), có ngọn núi tên là Long Môn. Đại Nam nhất thống chí – tỉnh Hưng Hóa có ghi rõ về núi Long Môn có tên nữa là núi Thác Bờ, đá núi chắn ngang nửa sông, thế nước xoáy mạnh ầm ầm, trông rất dữ dội. Đại Thanh nhất thống chí chép : núi ở huyện Gia Hưng, trông ra sông Cái. Tương truyền trên núi có cây ngải tiên, mùa xuân nở hoa, sau khi mưa, hoa rụng xuống nước, con cá nào nuốt lấy hoa ấy thì vượt được Long Môn mà hóa thành rồng “. Nơi mục viết về sông ở tỉnh, có ghi cá anh vũ thường vượt sông Gia Hưng hóa thành rồng bay đi. Đại Thanh nhất thống chí chép : bên bờ sông có hang, sản nhiều cá anh vũ, thứ cá này sắc xanh biếc, miệng cúp xuống và đỏ như mỏ chim anh vũ, tương truyền giống cá này hóa rồng ”.
Ở miền Trung nước ta, tại tỉnh tỉnh Nghệ An, trong Đại Nam nhất thống chí – tỉnh Nghệ An có chép tên Suối Vũ Môn : ở núi Vũ Môn trong dãy Giăng Màn, thuộc huyện Hương Sơn, trên núi có thác ba bậc, mỗi bậc đến vài ba trượng, đứng ngoài mấy trăm dặm trông như một làn khói đứng sững trong núi xanh. Tương truyền hàng năm, cứ đến ngày 8 tháng 4 cá chép vượt được suối này thì hóa rồng, phường chài thường bảo nhau mấy ngày trước không bủa chài lưới, đúng ngày ấy thì chỗ này mây mù dày đặc, không ai dám đến gần”. Vì thế, ca dao ta có câu : Mồng bốn cá đi ăn thề / Mồng tám cá về, cá vượt vũ môn.
Tại tỉnh Bình Định cũng có một địa danh tương truyền cá đến vượt Vũ Môn để thành rồng. Đó là Hầm Hồ ở Phú Phong, thuộc huyện Tây Sơn, đây là một dải liên hoàn bậc thang gồm: Suối, thác, hồ, sông, lạch trải dài gần 2km men theo vùng hạ lưu sông Kút. Quách Tấn trong tác phẩm Bước lãng du kể cho ta nghe cảnh Hầm Hô này : “ Đó là một cái suối, có thác, có gành, có hầm nước tuôn (…). Suối Hầm Hô đã nhiều cá, mà đến mùa gió Nam, mùa nước lụt, cá sông về nguồn đẻ dồn về đây lại càng nhiều. Từng bầy kéo nhau vào suối, rồi đua nhau “bay” lên thác để về nguồn. Do đó thác Hầm Hô còn tên nữa là Thác Cá Bay. Gọi là “cá bay” vì thác cao đến ba bốn thước, nếu không bay thì nhảy thế nào qua. Các ông già bà cả bảo rằng mỗi năm Long Vương mở hai kỳ thi lớn. Cá sông Côn phải vào Hầm Hô để thi. Những con nào vượt qua khỏi thác thì được hóa rồng, con nào rớt thì phải đọa. Cho nên Thác Hầm Hô còn có tên nữa là thác Vũ Môn “. Từ đó có câu : Hầm Hô chờ cá hóa rồng / Bâng khuâng nhớ đến anh hùng họ Mai. Họ Mai đây là Mai Xuân Thưởng trong phong trào Cần Vương ở Bình Định.
Cá ước mơ hóa rồng, cũng như con người cũng có những ước mơ trở thành những con người tốt đẹp, có cuộc sống đầy đủ, ấm no, hạnh phúc, có công danh, sự nghiệp, cũng như xã hội có ước mơ phát triển về các mặt. Nhưng cá muốn hóa rồng phải là con cá tài ba, vượt được nhiều thử thách mới đến được Vũ môn, rồi còn phải qua giai đoạn khó khăn nhất là phải vượt qua được Vũ môn thì mới hóa rồng được. Người đời thường lấy hình ảnh cá vượt Vũ môn hóa rồng để khuyên trẻ lập chí : Cá kia có chí hóa rồng / Con người có chí mới không hỏng tài.
Hóa rồng, đó là ước mơ của bao người muốn đền ơn đấng sinh thành :
Biết răng chừ cá gáy hóa rồng
Đền ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa.
Đó cũng là điều mong muốn của mọi người :
Một ngày ở với người khôn
Cũng như con cá vượt vũ môn hóa rồng.
Trong hôn nhân, có những ước ao phận gái lấy được chồng khôn / Xem bằng cá vượt Vũ môn hóa rồng. Trước những ước muốn như thế, chàng trai phải biện bạch: Bậu chê anh quân tử lỡ thì / Anh tỷ như con cá ở cạn chờ khi hóa rồng. Nhưng cá vượt Vũ môn không phải dễ :
Chép lớn còn muốn lên rồng
Nhảy lên chẳng được hóa long, bể đầu.
Hay may ra hóa long, không may, xong đời.
Cá hóa long, theo truyền thuyết là lý ngư, hay cá gáy, cá chép, nhưng dân gian ta còn lấy hình ảnh những con cá khác có thể vượt Vũ Môn thành rồng, đầy ý mỉa mai, phê phán, chẳng hạn như con cá rô thia : Em là con gái đến thì / Như con cá rô thia ăn vực, có khi hóa rồng. Hay con cá mương : Nực cười thầy bói soi gương / Thầy tu chải chấy, cá mương hóa rồng. Thậm chí con dơi : Gan ruồi mỡ muối cho tươi / Xin chàng chín chục con dơi hóa rồng, hay cả con ngựa và cả … con người nữa :
Ngựa ô trổ mã thành rồng
Anh đây trổ mã thành .. chồng của em.