Tải trọng hay trọng tải và quá tải
Phần giải thích từ ngữ trong Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT sử dụng từ “trọng tải” và QCVN 41:2016/BGTVT sử dụng từ “tải trọng” để giải thích về cách xác định các khối lượng của xe tải.
Ôtô tải (hay còn gọi là xe tải) là xe ôtô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 1.500 kg trở lên.
Tải trọng xe gồm tải trọng bản thân xe, tải trọng toàn bộ xe, tải trọng xe cho phép và tải trọng trục xe được giải thích như sau:
– Tải trọng bản thân xe là khối lượng của xe, đo bằng kilôgam (kg) hoặc tấn (t) ở trạng thái tĩnh được ghi theo thông số quy định trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không kể đến khối lượng người trong xe và khối lượng hàng hóa trên xe.
– Tải trọng toàn bộ xe (tổng tải trọng) là bằng tải trọng bản thân xe cộng với khối lượng của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có).
– Tải trọng toàn bộ xe cho phép là bằng tải trọng bản thân xe cộng với khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
– Tải trọng trục xe là phần của tải trọng toàn bộ xe phân bổ trên mỗi trục xe (trục đơn, cụm trục kép, cụm trục ba).
Trọng tải xe được sử dụng trọng phần giải thích như sau:
– Trọng tải của xe ô tô tải sử dụng để tập lái được hiểu là khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế của xe nguyên thủy do nhà sản xuất quy định.
– Trọng tải thiết kế của xe ô tô tải chuyên dùng, xe ô tô chuyên dùng được hiểu là khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế của xe ô tô tải cùng kiểu loại hoặc tương đương.
Các thuật ngữ pháp lý
Đến đây, chúng ta có các thuật ngữ pháp lý liên quan đến xe tải là khối lượng chuyên chở cho phép (TTCP), khối lượng của xe (TTBT), trọng tải, tải trọng và tổng tải trọng (TTT). Khối lượng của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có) là khối lượng chuyên chở cho phép.
Tải trọng và trọng tải được giải thích từ các nguồn khác
Trước hết, Trọng tải là gì? Trọng tải là khối lượng lớn nhất mà xe có thể chở được (xem Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê của Viện Ngôn ngữ học (đã nhận giải thưởng KH và CN năm 2005). Đó là một thông số không đổi thuộc hồ sơ lý lịch của xe, được ghi trên cánh cửa xe và/hoặc trong Giấy Chứng nhận Kiểm định xe do Đăng kiểm cấp (viết tắt: Giấy CNKĐ). (1)
Đến đây, chúng ta có được khối lượng lớn nhất mà xe có thể chở được chính là khối lượng chuyên chở cho phép và ngược lại. Xác định xe có chở quá tải hay không thì phải căn cứ vào trọng tải thực tế so với trọng tải cho phép.
Trọng tải là do nhà thiết kế, chế tạo định ra từ đầu. Các bộ phận của xe được chế tạo phù hợp để chịu được trọng tải đã định đó. Nếu chở vượt trọng tải, xe sẽ mất an toàn như nổ lốp, gẫy nhíp hoặc khung gầm, đổ vỡ thùng xe, bị lật khi vào đường vòng, mất phanh hay mất lái do quán tính lớn. Như vậy, chưa liên quan gì đến cầu hay đường, xe vượt trọng tải không được lăn bánh trên bất cứ tuyến đường nào. (2)
Đến đây, chúng ta phân biệt được xe chở quá tải và xe quá tải. Xác định xe có quá tải hay không thì phải căn cứ vào tổng tải trọng so với tải trọng toàn bộ xe cho phép (TTTB). Ở đây, hiểu tải trọng là trọng tải. Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, tải trọng còn có nghĩa khác là lực hay ngẫu lực từ bên ngoài tác động lên một vật, xét về mặt sức bền cơ học của vật đó.
Căn cứ vào khối lượng chuyên chở để xác định loại xe được phép lái theo GPLX
Hạng GPLX cho phép người lái xe được phép lái các loại xe theo trọng tải thiết kế tương ứng với hạng GPLX được cấp. Trọng tải thiết kế là khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế của xe nguyên thủy do nhà sản xuất quy định, cũng là khối lượng chuyên chở cho phép theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. GPLX từ hạng B2 trở xuống được lái các loại xe tải có trọng tải đến dưới 3,5 tấn và từ hạng C trở lên được lái các loại xe tải từ 3,5 tấn trở lên.
Như vậy, xe có TTBT là 3200 kg, TTCP là 3450 kg và TTTB là 6650 kg thì được xác định là loại xe có trọng tải là 3450 kg (xe tải dưới 3,5 tấn).
(1), (2): Trích dẫn từ nguồn internet của PGS. TS. Phan Văn Khôi.