Tổng thống Mỹ Biden (trái) và Thủ tướng Israel Yair Lapid (phải) ký “Tuyên bố Jerusalem”. Ảnh: AFP/TTXVN
Hành trình của ông Joe Biden chỉ gồm hai quốc gia là Israel và Saudi Arabia. Đó là những nước đối đầu lớn nhất trong khu vực của Iran và họ đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.
Kênh truyền hình CNN đưa tin chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ diễn ra chỉ vài tuần sau khi Israel thông báo đang làm việc với các đối tác trong khu vực về một liên minh phòng không do Mỹ dẫn đầu. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz nói với Knesset (Quốc hội Israel) rằng ông hy vọng chương trình sẽ tiến thêm một bước nữa nhân chuyến công du của ông Biden.
Saudi Arabia đã gây áp lực để Mỹ đảm bảo an ninh nhằm kiềm chế Iran nếu các cuộc đàm phán hạt nhân thất bại. Vòng đàm phán gần nhất ở Doha cách đây hai tuần đã dẫn đến bế tắc, với việc Mỹ cho rằng Iran đã bổ sung các yêu cầu không liên quan vào bàn đàm phán.
Đầu ngày 15/7, chỉ vài giờ trước khi ông chủ Nhà Trắng hạ cánh xuống vương quốc này, Saudi Arabia đã tiến một bước gần hơn tới việc bình thường hóa quan hệ với Israel bằng cách mở cửa không phận cho tất cả các hãng hàng không. Các hãng hàng không của Israel trước đây đã bị cấm đi vào không phận của Saudi Arabia đối với hầu hết các chuyến bay.
Tháng trước, các nhà lập pháp Mỹ đã ban hành điều luật để tạo ra một hệ thống phòng không tích hợp nhằm tăng cường hợp tác giữa Israel và một số nước láng giềng Arab, trong đó có các quốc gia mà nhà lãnh đạo Biden sẽ gặp gỡ tại Saudi Arabia trong tuần này. Hệ thống phòng thủ trên được xây dựng nhằm bảo vệ các quốc gia đó khỏi Iran.
Hồi đầu tháng 7, Vua Abdullah của Jordan, người sẽ gặp Tổng thống Biden ở Saudi Arabia, bày tỏ ủng hộ việc gia nhập “NATO Trung Đông” với các quốc gia cùng chí hướng, song không nêu cụ thể đó những đất nước nào.
Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nasser Kanani cho biết Tehran coi kế hoạch quân sự giữa Arab-Israel là một động thái khiêu khích và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ. Ông Kanani cáo buộc Mỹ đang lan truyền “chứng sợ Iran” giữa các nước trong khu vực.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp với Tehran, bày tỏ không quan tâm đến việc tham gia một liên minh chống Iran. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, nhưng không phải hợp tác nhắm vào bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực và tôi đặc biệt đề cập đến Iran”, ông Anwar Gargash, cố vấn của Tổng thống UAE, trả lời kênh CNN. Ông nói thêm UAE đang trong quá trình cử đại sứ đến Tehran.
Một số nhà phân tích nói rằng nếu Iran phát hiện ra mình bị các nước láng giềng tấn công, họ có thể sẽ trả đũa.
Trita Parsi, Phó chủ tịch Viện Quincy ở Washington, đánh giá việc thành lập một liên minh quân sự Arab-Israel là một ý tưởng khủng khiếp, vì nó sẽ khắc sâu vào những chia rẽ hiện có trong khu vực và làm giảm khả năng xảy ra đột phá ngoại giao. Ông Parsi nói với CNN rằng các liên minh như vậy nhằm khiến Trung Đông chống lại một nhà nước nhất định thay vì đạt được hòa bình thực sự.
Quốc kỳ Mỹ và Saudi Arabian tung bay tại một quảng trường ở Jaddah, Saudi Arabia, trước thềm chuyến thăm của ông Biden. Ảnh: AFP
Hôm 14/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Yair Lapid đã ký một tuyên bố chung mới, trong đó có cam kết không bao giờ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và giải quyết các hoạt động gây bất ổn của Iran.
Giáo sư Mohammad Marandi tại Đại học Tehran nói với CNN: “Có khả năng chuyến thăm của ông Biden sẽ gây thêm căng thẳng”.
Kịch bản đó đã khiến các quốc gia vùng Vịnh lo ngại – những người đang cảnh giác về việc vướng vào ranh giới lửa giữa Iran và Mỹ.