Ngày 11/7 vừa qua, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cáo buộc Iran đang chuẩn bị gửi hàng trăm UAV cho Nga để Moscow sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“Các thông tin của chúng tôi cho thấy chính phủ Iran đang chuẩn bị cung cấp cho Nga tới hàng trăm UAV, trong đó có cả UAV vũ trang”, ông Sullivan nói.
“Hiện chưa rõ Iran đã chuyển UAV nào cho Nga hay chưa” ông Sullivan cho biết thêm, đồng thời nói rằng đây là một ví dụ cho thấy Nga đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước khác.
Nga hiện chưa bình luận về thông tin này. Còn phía Iran bác bỏ kế hoạch cung cấp UAV cho Nga.
Khi được hỏi về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani trả lời: “Hợp tác giữa Iran và Nga trong một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất định đã diễn ra từ trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát và vẫn chưa có diễn biến đáng kể nào trong những ngày gần đây”.
Tiềm năng phát triển UAV của Iran
Mỹ lo ngại về chương trình UAV của Iran từ trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tháng 11/2021, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty tư nhân của Iran được cho là liên quan đến sản xuất UAV trinh sát và chiến đấu.
Theo phía Mỹ, những công ty này tham gia vào “nghiên cứu tư nhân”, che đậy việc hỗ trợ cho chương trình phát triển UAV của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và tiến hành các giao dịch quốc tế vì phục vụ lợi ích của Chính phủ Iran. Phía Iran cung cấp UAV cho các “đồng minh”, trong đó có cả các nhóm mà Mỹ coi là tổ chức khủng bố.
Thời điểm đó, Bộ Tài chính Mỹ đã cho rằng UAV của Iran “đe dọa hòa bình và ổn định quốc tế”.
Ông Denis Fedutinov, Tổng biên tập tạp chí Drone Aviation phát biểu với RT rằng, UAV của Iran thực sự đáng để nghiên cứu. Tehran đã bắt đầu thiết kế UAV từ những năm 1980.
“Hiện nay Iran có vài chục hệ thống UAV, từ những UAV siêu nhỏ đến những mẫu UAV tầm trung có khả năng hoạt động trong thời gian dài”, ông Fedutinov đánh giá.
Một số UAV của Iran được cho là “sao chép” từ các thiết kế của Mỹ. Ví dụ, Qods Yasir được cho là dựa trên mẫu Boeing Insitu ScanEagle mà Iran chặn được năm 2012, trong khi Shahed 171 Simorgh và Saegheh-2 có nhiều điểm chung với chiếc RQ-170 Sentinel đã xâm phạm không phận của Iran năm 2011.
Có diện mạo tương tự MQ-1 Predator của Mỹ, UAV tấn công Shahed 129 đặc biệt đáng chú ý vì chúng đóng vai trò tích cực trong cuộc xung đột ở Syria từ năm 2014.
“Iran không muốn chia sẻ thông tin về các mẫu UAV và chỉ tiết lộ các những gì có lợi cho họ. Nhưng chắc chắn một trong những lợi thế của họ là kinh nghiệm dày dặn trong việc phát triển UAV”, ông Denis Fedutinov cho biết.
Tuy nhiên, công nghệ của Iran không thể đứng vững trước sự cạnh tranh của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara có thể hợp tác với các nhà cung cấp phụ tùng hàng đầu thế giới, điều này giúp họ dễ dàng phát triển các thiết bị phức tạp hơn.
Vì sao Nga cần UAV Iran?
Ông Viktor Litovkin, một đại tá nghỉ hưu và là nhà bình luận quân sự của Hãng Thông tấn TASS nói rằng “tất cả các loại UAV về cơ bản đều như nhau”.
“Sự khác biệt duy nhất là vai trò của chúng, tải trọng và thời gian bay. Iran không có UAV nào xuất sắc, nhưng cũng không nước nào khác có. Tất cả các máy bay không người lái về cơ bản đều giống nhau”, ông Litovkin giải thích.
Nga cũng phát triển nhiều mẫu UAV. Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov, người phụ trách giám sát ngành công nghiệp quốc phòng Nga tháng trước nói rằng Nga có gần như tất cả các loại UAV, trong đó có trinh sát, tấn công, chiến thuật, hoạt động và tác chiến – chiến thuật.
Ông Borisov cũng thừa nhận, Nga đáng lẽ nên nhận ra lợi ích của UAV từ sớm hơn.
Trả lời câu hỏi của RT về việc “thiếu UAV”, ông Borisov cam kết “đẩy mạnh sản xuất”, nhưng việc này cũng mất nhiều thời gian.
Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy Nga coi UAV Iran là giải pháp tạm thời cho đến khi UAV của Nga được đưa vào biên chế.
Theo ông Fedutinov, nếu một thỏa thuận được ký kết, Nga sẽ quan tâm chủ yếu vào các UAV tấn công và trinh sát.
“Nếu nguồn hàng sẵn có, tôi không thấy có bất cứ rào cản nào đối với việc vận hành các hệ thống như vậy [ở Ukraine]. Còn với những lo ngại về thương vong dân sự hoặc bắn nhầm đồng đội, UAV mang vũ khí chính xác cao sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro đó”, ông Fedutinov nói.
Ông Litovkin bày tỏ nghi ngờ việc UAV của Iran có thể được sử dụng ở Ukraine.
“Không loại vũ khí nào có thể đảo chiều cuộc xung đột. Vũ khí hạt nhân có thể nhưng việc leo thang xung đột ở Ukraine thành chiến tranh hạt nhân là không thực tế. UAV về bản chất không phải là vũ khí mà là nền tảng chiến đấu”, ông Litovkin nói.
Iran có thể đáp ứng nhu cầu UAV của Nga?
“Có vẻ như các công ty Iran có khả năng triển khai sản xuất hàng loạt UAV. Chúng tôi thậm chí có thể nói rằng họ đã bán UAV cho một số khách hàng nhất định”, ông Fedutinov nói khi được hỏi liệu Iran có khả năng xuất khẩu UAV hay không.
Ông Litovkin đồng tình với điều này. Theo ông, “Iran đã sản xuất số lượng đáng kể UAV nhưng hiện vẫn đang được cất trong kho”.
“Iran hiện không tham gia vào cuộc chiến nào, vì thế họ không cần tất cả số UAV đó, trong khi Nga có thể sử dụng chúng trong chiến dịch ở Ukraine. Chẳng có gì lạ khi Nga có thể mua các loại UAV khác nhau từ Iran”, chuyên gia quân sự này đánh giá.
Tuy nhiên, ông Vladimir Sazhin, từ Viện nghiên cứu Oriental tại Viện khoa học Nga đồng thời là chuyên gia về Iran lại cho rằng: “Iran có nhiều đối thủ trong khu vực, trong đó có Israel, các nước vùng Vịnh, Jordan và Ai Cập. Thậm chí đã có cả đề xuất thiết lập một ‘NATO Trung Đông’. Tất cả những diễn biến này đang gia tăng sức ép lên Iran, vì thế tôi không nghĩ họ sẽ đánh liều năng lực phòng thủ của chính mình bằng cách cung cấp UAV cho một nước nào khác”.
Điều gì cản trở Iran?
“Tôi không nghĩ Iran có kế hoạch bán UAV cho Nga từ trước ngày 24/2. Có thể có một vài cuộc thảo luận sau đó, nhưng tôi không cho rằng điều đó thực sự diễn ra”, ông Sazhin nhận định.
Ông cho rằng cũng có các cân nhắc chính trị trong vấn đề này. “Iran trung lập về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Quan điểm của Iran là cần phải đạt được lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt. Tôi không nghĩ Iran có kế hoạch chọn bên, nhất là ủng hộ Nga và phản đối phương Tây”.
Theo ông Sazhin, Tehran hiện đang dồn nhiều công sức vào các cuộc đàm phán ở Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân. “Iran muốn thỏa thuận được khôi phục, vì nước này muốn phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. EU, Nhật Bản và các nước khác ủng hộ Tehran trong chương trình này. Họ không thể đợi các lệnh trừng phạt được nới lỏng và muốn tiếp cận ngay lập tức với nền kinh tế Iran, vốn đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Tehran cũng thực sự cần các khoản đầu tư từ bên ngoài vào tất cả các ngành, trong đó có cả công nghệ. Rõ ràng, Nga cũng không thể giúp được gì, trong khi EU và Nhật Bản thì có thể”, ông Sazhin giải thích.
Các chuyên gia cũng cho rằng nếu cung cấp UAV cho Nga, Iran có thể đối mặt với sức ép từ phương Tây, điều này sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ trong tương lai với những nước có thể đầu tư và cung cấp công nghệ cho Iran.
“Đó không phải là kiểu rủi ro mà Iran sẵn sàng chấp nhận, vì nó không có lợi cho họ. Ngày nay, một thỏa thuận như vậy chỉ có thể giữ kín được trong vài giờ. Ngay cả nếu Iran bí mật cung cấp UAV cho Nga, chúng sẽ bị phát hiện ở vùng chiến đấu. Điều này thậm chí đặt Iran vào tình huống còn khó khăn hơn”, ông Sazhin nhận định./.