Futsal là môn thể thao phổ biến và phát triển nhanh chóng, phủ sóng rộng khắp ở Iran. ĐT nam thống trị châu Á, còn ĐT nữ là ngôi sao đang lên.
Futsal Iran thành công vang dội nhờ phong trào bóng đá đường phố phát triển hàng đầu khu vực châu Á. Các trận đấu bóng với khung thành rộng 1 mét, cao 60 cm (người Iran gọi là Gol Koochik) được người dân đặc biệt ưa chuộng. Rất nhiều cầu thủ futsal xuất sắc có xuất thân từ bóng đá đường phố.
Giải vô địch futsal Iran là một trong những giải quốc nội hấp dẫn hàng đầu châu Á và thế giới. Sau giải này, giới futsal Iran tổ chức cuộc bầu chọn nhân vật và tập thể hay nhất của futsal Iran trong năm, hay còn gọi là Quả bóng vàng futsal Iran.
Thành phần tham gia bầu chọn là hơn 120 người gồm đội trưởng, HLV, Giám đốc thể thao của các CLB tham gia giải Super League, các tuyển thủ và cựu tuyển thủ quốc gia cùng đại diện giới truyền thông.
Sức mạnh của futsal Iran
Năm 2012, sau trận ĐT Iran đại thắng ĐT Australia với tỷ số 9-0, HLV Steven Knight của ĐT Australia tâm phục khẩu phục: “Khán giả có thể xem ĐT Iran không biết chán. Không đội nào muốn đối đầu với Iran vào lúc này.”
Hossein Tayyebi, Mohammad Taheri và Mohammad Keshavarz là ba cầu thủ đáng chú ý hàng đầu của ĐT Iran.
Cùng quan điểm với người đồng nghiệp, HLV người Tây Ban Nha Jose Mendez của ĐT Uzbekistan ngưỡng mộ Iran: “Theo quan điểm của tôi, ĐT Iran là một trong ba đội mạnh nhất thế giới, bên cạnh ĐT Brazil và Tây Ban Nha. Họ có nhiều cầu thủ đẳng cấp và kinh nghiệm từng chinh chiến nhiều năm ở World Cup và các giải đấu lớn.
Theo ông Abbas Torabian, chủ tịch của Liên đoàn futsal Iran, thành công của Iran đến từ sự không e sợ khi chạm trán với các đối thủ lớn. “Từ năm 1998, một trong các đường hướng chính để đẩy mạnh môn thể thao này là tăng cường thi đấu với các đội hàng đầu thế giới. Thắng thua không thành vấn đề, quan trọng là cầu thủ học được cách đạp lên vai người khổng lồ mà đi”.
“Hiện tại chúng tôi có 3 đội tuyển quốc gia với một giải đấu quốc nội cực mạnh. Giải đấu này chia thành hạng nhất, hạng hai, hạng đấu trẻ và quy mô địa phương. Đó là lý do giải thích vì sao HLV của ĐTQG thỉnh thoảng gặp những cơn đau đầu vì không biết chọn ai, bỏ ai.”
Huyền thoại Vahid Shamsaei
Vahid Shamsaei là cầu thủ hay nhất lịch sử futsal Iran, đồng thời là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất của futsal thế giới. Chỉ sau 189 trận ra sân trong màu áo Iran, Vahid ghi 390 bàn, hơn người xếp thứ hai là huyền thoại Manoel Tobias của Brazil 82 bàn.
Ông từng 5 lần được bình chọn là cầu thủ futsal hay nhất châu Á vào các năm 2000, 2003, 2007, 2008 and 2015. Vahid cùng ĐT Iran giành 8 chức vô địch châu Á.
Huyền thoại Vahid Shamsaei. Ảnh: Mehr.
Ở giải futsal châu Á, Vahid 7 lần giành ngôi vua phá lưới. Thành tích ghi bàn của ông ở giải đấu này vô cùng đáng nể. Giải năm 2001 ông ghi 31 bàn, 2002 ghi 26 bàn, 2003 ghi 24 bàn, 2004 ghi 32 bàn, 2005 ghi 23 bàn, 2006 ghi 16 bàn, 2007 ghi 11 bàn, 2008 ghi 13 bàn và 2012 ghi 7 bàn.
Chuyện bi hài ở futsal nữ
Mặc dù ở Iran, các nguyên tắc tôn giáo cấm không cho phụ nữ vào sân xem đội bóng đá nam thi đấu nhưng bóng đá nói chung và futsal nói riêng là môn thể thao được nhiều phụ nữ nước này ưa chuộng.
Vài năm gần đây, ĐT futsal nữ Iran là ngôi sao mới nổi của futsal châu Á. Thành lập từ năm 2001 nhưng mãi đến năm 2007, nữ Iran mới tham dự giải đấu lớn đầu tiên là Asian Indoor Games. Họ kết thúc giải với vị trí thứ 5.
Năm 2013, nữ Iran giành ngôi á quân Asian Indoor Games sau khi thua nữ Nhật Bản. Năm ngoái, nữ Iran đã lên ngôi hậu sau khi đánh bại chính đối thủ Nhật Bản nhiều duyên nợ.
Trong năm 2015, futsal nữ Iran từng dính vào scandal bi hài. Số là LĐBĐ Iran bị cáo buộc “phi đạo đức” vì cho 8 cầu thủ nam chưa tiến hành phẫu thuật chuyển giới tham dự đội futsal nữ. Các phẫu thuật chuyển giới hợp pháp ở Iran mặc dù nước cộng hòa Hồi giáo vẫn duy trì những nguyên tắc đạo đức rất nghiêm khắc trong vấn đề đời sống tình dục như cấm hôn nhân đồng tính, cấm quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Phân biệt đối xử nam nữ ở Iran cũng rất hà khắc. Pháp luật Iran quy định sau khi đăng ký kết hôn, người vợ phải có sự cho phép của người chồng mới được ra nước ngoài. Chính vì thế hồi tháng 9 năm ngoái, đội trưởng Niloufar Ardalan của ĐT futsal nữ Iran đăng tải một tấm ảnh lên mạng xã hội với nội dung là cô phải ngồi nhà xem đồng đội thi đấu vì chồng không cho đi.
Chiến dịch vận động đòi sự bình đẳng cho nữ giới Iran.
Sau sự kiện này, nam phóng viên Masih Alinejad người Iran thường trú ở Mỹ phát động chiến dịch với hashtag #ItsMensTurn, mang ý nghĩa đây là thời điểm để những người đàn ông chủ động mang đến sự bình đẳng cho nữ giới.
Anh Masih lý giải: “Hành động của người chồng Niloufar không đại diện cho nam giới Iran. Tư tưởng của cánh đàn ông Iran, đặc biệt là thế hệ trẻ giờ đã khác trước rất nhiều. Chúng tôi không sử dụng các đạo luật hà khắc làm công cụ để áp đặt quyền làm chủ gia đình”.
Bộ phận đông đảo nam giới Iran đăng tải tấm hình cầm bảng ghi thông điệp ủng hộ chiến dịch: “Đến lúc đàn ông trả lại quyền ra nước ngoài cho phụ nữ”.