Lời người viết:
Bài viết này đã đăng trên
Vietimes
nhưng không hiểu vì sao tờ báo ấy lại sử dụng bản “nháp” (chưa phải bản chính thức, mặc dù đã trao đổi thống nhất với tác giả). Bản gửi Tiền Vệ là bản chính thức và đầy đủ.
A man’s errors are his portals of discovery
(Những sai lầm của con người chính là cánh cổng lớn mở ra những phát kiến)
– James Joyce
1.
Một thế kỷ nay cái tên James Joyce đã làm buốt đầu nhân loại yêu nghệ thuật, nhưng cũng cái tên ấy đã làm dịu bao cơn đau quằn quại của những người khát sống. Tôi đang kể cho các bạn nghe câu chuyện về một người đàn ông Ireland.
Nằm ở tây bắc châu Âu, Ireland là một hòn đảo mà về độ lớn thì đứng thứ 3 châu Âu và thứ 21 trên thế giới, diện tích chỉ có 81.638 km2. Thế nhưng, đảo quốc nho nhỏ ấy có những đồng cỏ đẹp nhất thế gian và đủ nguồn năng lượng cao quý để sinh ra những nhà văn đủ làm rung chuyển văn hóa thế giới: George Berkeley, Sheridan le Fanu, Jonathan Swift, George Bernard Shaw, Richard Brinsley Sheridan, Oliver Goldsmith, Oscar Wilde, W.B. Yeats, Patrick Kavanagh, Samuel Beckett, Brian O’Nolan (Flann O’Brien), John Millington Synge, Seán O’Casey, Seamus Heaney, Bram Stoker, Elizabeth Bowen, Kate O’Brien, Seán Ó Faoláin, Frank O’Connor, William Trevor cùng James Joyce và nhiều nữa. Trong số ấy có 4 cây bút đã ôm giải Nobel về cho một quốc gia mà cho đến nay chỉ có vẻn vẹn 4 triệu người (kể cả Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh thì số dân cũng chỉ là 6 triệu). Họ là Shaw, Yeats, Beckett và Heaney. Thậm chí Shaw còn không thèm nhận Nobel vì cả sự nghiệp văn chương của mình ông tấn công vào lòng tin mù quáng và tính đạo đức giả của con người. Với ông, Nobel cũng là một trong những đại diện của những thứ mà ông châm biếm. Đứng trước một vinh dự đỉnh cao thế giới và một khoản tiền thưởng rất lớn như giải Nobel mà Shaw chỉ nhếch mép cười như thế đã đủ cho chúng ta thấy được khí phách của người Ireland là như thế nào. Tuy nhiên, quý ông lịch lãm/người quân tử nào cũng “nể” vợ (mà Shaw thì quá nổi tiếng về khoản này, ông còn đùa rằng ông chỉ là người làm vườn không công của vợ); và vì “tuân chỉ” mệnh lệnh của phu nhân (người coi giải thưởng này là vinh dự của tổ quốc Ireland) nên cuối cùng ông chỉ không nhận khoản tiền của giải thưởng, với yêu cầu Quỹ Nobel phải dùng nó để dịch các tác phẩm của Thụy Điển sang tiếng Anh.[1]
Với James Joyce thì dù không mang Nobel về cho Ireland cho đủ bộ “ngũ long”, “ngũ xà” hay “ngũ Nô” của thế kỷ XX vì nhiều lí do rất đau xót nhưng ông luôn được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thế kỷ XX.
Ireland còn có những tên tuổi lừng danh khác là John Banville, Roddy Doyle, Pádraic Ó Conaire, Máirtín Ó Cadhain, Séamus Ó Grianna, Dermot Bolger, Maeve Binchy, Frank McCourt, Edna O’Brien, Nuala Ní Dhomhnaill, Paul Muldoon, Thomas McCarthy, Joseph O’Connor, Eoin Colfer, John McGahern và Colm Tóibín. Những cái họ mang mẫu tự O’ hay Ó như những tia sáng mặt trời mang sắc mầu Ireland rải khắp nhân gian. Với những người say mê với ngôn ngữ và văn học tiếng Anh thì chỉ cần vài cái tên như Jonathan Swift, George Bernard Shaw, Oscar Wilde hay Samuel Beckett là đã thừa đủ đem lại niềm hoan lạc trí tuệ cho họ suốt cả một đời.
2.
Chàng trai Jim Joyce (tên đầy đủ là James Augustine Aloysius Joyce [tiếng Ireland: Seamus Seoighe]) sinh ra ở cái nôi chật chội mà khổng lồ ấy, vào năm 1882, tại thủ đô Dublin. Dù gần suốt giai đoạn trưởng thành Joyce sống lưu vong nhưng Dublin luôn ở trong tim và Joyce luôn viết về nó. Và với sự xuất bản siêu phẩm Ulysses năm 1922 của Joyce, sau này từ năm 1954 người dân Dublin đã vinh danh Joyce trong “ngày hội Bloom” (Bloom là nhân vật chính của Ulysses) vào 16 tháng 6 hàng năm. Suốt cả ngày này người ta tái hiện mọi sự kiện trong cuốn tiểu thuyết ấy, đó là thời gian Joyce có cuộc hẹn gặp người vợ tương lai Nora Barnacle: 16 tháng 6 năm 1904. Trong ngày này người ta đọc Ulysses, diễn kịch, tập trung trong các quán để uống bia rượu, mọi người ăn mặc theo kiểu thời vua Edward VII (trị vì quần đảo Anh vào những năm 1901–1910, sau này nhà vua đã từ bỏ ngai vàng để được đi theo tiếng gọi con tim là được cưới một phụ nữ Mỹ đã qua 2 đời chồng) và đi dọc theo những tuyến phố mà nhân vật Bloom đã đi qua (với địa điểm đáng chú ý nhất là quán rượu Davy Byrne’s Pub tại 21 phố Duke). Người ta còn tổ chức đọc Ulysses kiểu marathon, có khi kéo dài đến 36 tiếng. Năm 2004, lễ hội Joyce đã kéo dài đến 5 tháng (1/4–31/8/2004)! Vào ngày Chủ nhật trước ngày kỷ niệm 100 năm của những sự kiện trong cuốn sách có 10.000 người dân Dublin đã được mời miễn phí một bữa sáng kiểu Ireland tại phố O’Connell. Ngày này còn được tổ chức ở nhiều nơi bên Mỹ và Hungary (quê cha của nhân vật Bloom) hay tại Trieste (nơi Joyce viết 2 phần đầu cuốn Ulysses) ở tây bắc nước Ý cùng nhiều sự kiện thể thao khác như “Lilac Bloomsday Run” ở Washington, Mỹ. Ulysses là thế nào mà ghê gớm vậy?
Khởi đầu nghiệp chữ nghĩa của Joyce – bài thơ “Et Tu Healy” (1891) – đã mang dấu hiệu bi kịch, bởi vì nó mà cha của Joyce, ông John Stanislaus Joyce, bị mất việc làm, đẩy gia đình đến chỗ khốn khó. Thời vị thành niên Joyce được dạy dỗ tử tế nhưng rồi phải bỏ khi cha mất việc, thế rồi Joyce tự học. Ở tuổi 16 Joyce đã bỏ đạo Catholic, thế nhưng triết lý cao cả của Thánh Thomas Aquinas vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến Joyce suốt cả cuộc đời.
Năm 1898 Joyce đến Đại học Dublin (UCD) học ngôn ngữ, chú trọng vào cả tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ý. Với vốn ngôn ngữ ấy (và cả ngôn ngữ rất cá tính của Ireland nữa) cùng với đời sống lưu vong khắp nơi đã cho Joyce có một hệ thống từ vựng có một không hai, và sau này Joyce đã đổ hết vào cuốn Finnegans Wake (xuất bản năm 1939) khiến cho đến tận bây giờ vẫn ít người hiểu nổi.
Tốt nghiệp UCD năm 1903 Joyce sang Paris “học thuốc” nhưng rồi phải nhanh chóng trở về. Bà mẹ rất sợ cái sự bất kính Chúa của Joyce nên muốn ép Joyce phải xưng tội nhưng rồi đến tận khi bà chết vì ung thư thì Joyce vẫn trơ ra, thậm chí giận bà đến mức không chịu quỳ bên linh cữu lúc cả nhà cầu nguyện cho bà. Sau đó Joyce còn nghiện rượu. Nghèo túng, Joyce cào cấu kiếm tiền bằng viết điểm sách, dạy dỗ và hát hò. Joyce sở hữu một giọng tenor rất hay và đã từng đoạt huy chương năm 1904 tại liên hoan âm nhạc và múa Feis Ceoil. Cũng năm này Joyce muốn xuất bản A Portrait of the Artist as a Young Man, một tập truyện luận đề theo thiên hướng duy mỹ, nhưng bị từ chối. Joyce quyết định viết lại thành tiểu thuyết với cái tên Stephen Hero. Cũng năm này Joyce gặp cô hầu phòng Nora Barnacle, và họ đã hẹn gặp nhau lần đầu vào một ngày sau này đã trở thành lịch sử: 16/6/1904.
Joyce nghiện rượu ngày càng nặng. Sau một lần say xỉn dẫn đến ẩu đả Joyce được cha Alfred H. Hunter chăm sóc. Và đây chính là nguyên mẫu của nhân vật Leopold Bloom trong Ulysses.
Sau đó cùng với Nora nhà văn của chúng ta bắt đầu cuộc lưu vong sang lục địa châu Âu. Từ 1904 đến 1920 là những cuộc qua lại giữa Trieste và Zürich. Tại những nơi này Joyce kiếm sống bằng nghề dạy học. Sau cú tạt “về nhà” năm 1912 để tranh đấu vụ xuất bản Dubliners, Joyce rời Ireland mãi mãi. Năm 1915 tại Zürich Joyce đã gặp những người bạn vàng: họa sỹ người Anh Frank Budgen (1882–1971) – người cho Joyce những ý kiến quý giá để viết Ulysses và Finnegans Wake và đại thi hào Mỹ Ezra Pound (1885–1972) – người suốt đời ái mộ Joyce và đã dẫn ông đến gặp vị cứu tinh lâu dài của đời mình: Harriet Shaw Weaver.
Suốt 20 năm sau, từ 1920 đến 1941 Joyce sang Paris và qua lại giữa thành phố này và Zürich. Trong quãng đời này Joyce dành phần lớn thời gian viết Finnegans Wake. Joyce đã chết vì bị ung độc và được chôn cất ở ngay cạnh sở thú Zürich.
3.
Đằng sau cuộc đời Joyce có những gì?
Joyce ảnh hưởng mạnh mẽ tới Hugh MacDiarmid, Samuel Beckett, Jorge Luis Borges, Flann O’Brien, Máirtín Ó Cadhain, Salman Rushdie, Robert Anton Wilson và Joseph Campbell.
Những tác phẩm chính của Joyce gồm:
Dubliners:[2] tập truyện là những trải nghiệm của Joyce về Ireland, là nền tảng cho văn chương của Joyce, là bối cảnh cho các tác phẩm của Joyce. Các truyện ngắn trong tập này phân tích sự tù đọng và tê liệt của xã hội Dublin. Truyện ngắn “The Dead” nổi tiếng nhất trong tập đã được dựng thành phim vào năm 1987.
A Portrait of the Artist as a Young Man:[3] cuốn tiểu thuyết này được viết lại từ Stephen Hero. Trong một cuộc cãi vã với Nora tác giả đã đốt mất một phần chỉ vì Nora khăng khăng rằng nó sẽ không bao giờ được xuất bản. Nhân vật chính Stephen Dedalus phần lớn là hiện thân của Joyce. Trong cuốn này Joyce đã khởi động những thủ pháp mà sau này ông phát triển lên cao độ như là độc thoại nội tâm, chú tâm đến thực tế tâm lý nhân vật hơn là ngoại cảnh. Cuốn này cũng đã được dựng thành phim vào năm 1977.
Trong danh sách “100 tiểu thuyết hay nhất”[4] nhà xuất bản Random House xếp cuốn này đứng hàng thứ 3.
Exiles:[5] đây là vở kịch duy nhất mà Joyce xuất bản (1918). Vở kịch này quay lại với “The Dead” và hướng tới Ulysses.
Về sự nghiệp thơ ca thì Joyce cũng xuất bản khá nhiều tập. Bắt đầu với tác phẩm châm biếm “The Holy Office” (ra mắt năm 1904). Sau đó là tập thơ dài hơi 36 bài Chamber Music mà Joyce giải thích đó là những âm thanh như khi người ta đái vào thành bô (xem tham khảo Phụ lục i). Ngoài ra còn có bài “Gas from a Burner” (xuất bản năm 1912) và tập Pomes Penyeach 13 bài (xuất bản năm 1927) [mà bạn có thể đọc bài thơ cuối trong “Phụ lục ii” ở cuối bài viết này]. Cuối cùng phải kể đến tập Collected Poems (1936). Đặc điểm nổi bật ở thơ ông là giầu nhạc tính.
Ulysses: từ năm 1906 Joyce đã có ý tưởng cho tiểu thuyết bất hủ này. Năm 1921 thì Joyce viết xong tác phẩm, sau khi đọc duyệt kĩ càng Joyce tuyên bố nó được chính thức hoàn thành vào lần sinh nhật thứ 40 của ông (2/2/1922). Tác phẩm được xuất bản lần đầu tại Paris năm 1922, rồi tại Anh (nhờ công của Harriet Shaw Weaver). 500 bản in tại Anh đến Mỹ để rồi bị thu giữ và phá hủy, vì người Mỹ đã cấm Ulysses (cho đến tận năm 1933).[6] Một năm sau 500 bản khác được in ra để thay thế nhưng chúng đã bị đốt ngay tại trạm hải quan ở cảng Folkestone của Anh. Cũng vì bị cấm đoán nên người ta đã in lậu khá nhiều.
Năm 1922 là thời điểm quan trọng bậc nhất của chủ nghĩa hiện đại trong lịch sử văn học tiếng Anh khi Ulysses của James Joyce và tác phẩm thơ dài 434 dòngThe Waste Land
[7] của T.S. Eliot ra đời. Hai ông đã trở thành hai đại diện lớn nhất về văn xuôi và thi ca của chủ nghĩa hiện đại. Trong Ulysses Joyce đã sử dụng nhiều thủ pháp như dòng ý thức, giễu nhại, đùa tếu và tất cả các thủ pháp có thể để đưa ra các nhân vật của mình. Mọi hoạt động trong tiểu thuyết này chỉ diễn ra trong vòng một ngày, đó là ngày 16 tháng 6 năm 1904. Joyce tái hiện Odyssey của Homer trong Ulysses, thay thế các nhân vật Odysseus (tức Ulysses), Penelope và Telemachus bằng Leopold Bloom, cô vợ Molly Bloom và Stephen Dedalus (đối nghịch lại những hình mẫu cao cả của họ trong Odyssey). Tiểu thuyết này của Joyce đi sâu vào mọi mặt của đời sống Dublin với đầy rẫy sự bẩn thỉu và đơn điệu. Điều quan trọng là Joyce đã cố gắng thể hiện một Dublin hết sức chi tiết, với mục đích “tôi muốn đưa ra một bức tranh toàn thể nhất về Dublin để nếu như có một ngày thành phố này bỗng nhiên biến mất khỏi mặt đất thì người ta có thể xây dựng lại nó dựa vào cuốn sách của tôi.”[8]
Ulysses gồm 18 chương, mỗi chương gồm những sự kiện diễn ra trong gần 1 giờ, bắt đầu lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào khoảng sau 2 giờ sáng hôm sau. Mỗi chương đều có một văn phong riêng, đều quan hệ tới một đoạn cụ thể trong Odyssey và đều liên hệ tới một mầu sắc, một ngành nghệ thuật, khoa học hay bộ phận cơ thể có liên quan. Joyce còn sử dụng thần thoại cổ điển như một bộ khung của cuốn sách và chú tâm vào các chi tiết bên ngoài để thể hiện những hành động đang xẩy ra trong tâm trí các nhân vật.
Năm 1967 Joseph Strick đã làm phim về Ulysses, đến năm 2004 Sean Walsh lại dựng một bộ khác. Nhà xuất bản Random House và các học giả lớn của thế giới xếp cuốn này đứng thứ 1 trong danh sách “100 tiểu thuyết hay nhất” thế kỷ XX.
Finnegans Wake: Joyce bắt đầu viết cuốn này từ năm 1923, đến năm 1926 ông cũng chỉ mới viết xong 2 phần đầu, và công việc tiếp tục cho đến tận những năm 1930. Có những phản ứng khác nhau về cuốn sách, thậm chí có người có ý thù địch. Đến 1939 thì Finnegans Wake được xuất bản.
Những phương pháp của Joyce như dòng ý thức, những lời ám chỉ và những giấc mơ lộn xộn đã được đẩy lên hết cỡ trong Finnegans Wake. Tác phẩm này từ bỏ tất cả những quy ước về xây dựng cốt truyện và nhân vật, được viết bằng một ngôn ngữ “tối tăm” và “lập dị” dựa trên những lối chơi chữ đa tầng vô cùng phức tạp. Nếu Ulysses diễn ra trong một ngày thì Finnegans Wake xẩy ra trong một đêm với logic của những giấc mơ. Vì thế mà nhiều người không thể đọc được nó, tuy vẫn biết được các nhân vật và cốt truyện khái quát.
Các trò chơi chữ trong Finnegans Wake đều đa ngôn ngữ. Trong tác phẩm này người ta thấy những quan điểm về lịch sử của Giambattista Vico,[9] siêu hình học của Giordano Bruno.[10] Vico đưa ra quan điểm về “vòng tròn lịch sử” mà mọi nền văn minh đều đi từ hỗn loạn đến thần quyền, quân quyền, dân chủ rồi lại trở về hỗn loạn. Bản thân Finnegans Wake cũng là một “vòng tròn” lớn khi bắt đầu bằng phần cuối của câu cuối cùng đang dở dang.
Cái nhan đề Finnegans Wake rất khó dịch. Trong bài “Vấn đề cái mới trong tiểu thuyết thế kỷ 20”[11] nhà phê bình Hoàng Ngọc-Tuấn có giải thích như sau:
Nhan đề
Finnegans Wake
không thể chuyển ngữ được. Âm tố
fin
trong tiếng Pháp có nghĩa là ‘kết thúc’, còn âm tố
egans
là cách đọc chữ
again
theo giọng Ái Nhĩ Lan, trong tiếng Anh có nghĩa là ‘lập lại’ hay ‘trở lại’. Chữ
wake
mang nhiều nghĩa: thức dậy, tái sinh, sự thức canh người chết, dấu vết còn lại sau một vật chuyển động… Tất cả điều này có thể được làm sáng tỏ bằng đoạn văn mở đầu và đoạn văn kết thúc tác phẩm.
Hãy đọc đoạn mở đầu:
riverrun, past Eve and Adam’s, from swerve of shore to bend of bay, brings us by a commodius vicus of recirculation back to Howth Castle and Environs.
Ta thấy chữ đầu tiên của tác phẩm,
riverrun
, không được viết hoa, như thể nó là một chữ ở giữa câu.
Hãy đọc đoạn kết thúc của tác phẩm:
End here. Us then. Finn, again! Take. Bussoftlhee, mememormee! Till thousendsthee. Lps. The keys to. Given! A way a lone a last a loved a long the
Tác phẩm kết thúc với mạo tự
the
bỏ lửng, và không có dấu chấm câu, dẫn ngược người đọc trở lại từ đầu với chữ
riverrun
. Điều này gợi đến sự tiếp tục không ngừng của chuyển động thế giới bên trong và bên ngoài dòng ý thức của con người. Ở đây, sự chuyển động chợt quay ngược lại từ đầu như ý niệm lịch sử tái diễn theo chu kỳ của Giambattista Vico: câu cuối của tác phẩm chợt quay vòng lại, nối tiếp với câu đầu, như một người hay một thế giới chìm đắm trong những cơn mộng triền miên chợt thức giấc, chợt sống lại, và làm lại từ đầu một lịch sử khác, để lại dấu vết của lịch sử cũ sau lưng. Câu này tôi chỉ trích nguyên văn, mà không thể chuyển ngữ, vì tính phức tạp của kỹ thuật đa-ngôn-ngữ (multilingual) của Joyce không cho phép đổ đồng tác phẩm vào một ngôn ngữ cá biệt nào.
Từ giữa thế kỷ XX người ta đã cho rằng nếu Ulysses là đỉnh cao của thế kỷ XX thì Finnegans Wake là tác phẩm của thế kỷ XXI.
4.
Nói đến James Joyce thì phải nói đến chủ nghĩa hiện đại, vì ông là đại diện lớn nhất của nó trong văn xuôi.
Trước hết xin đừng nhầm lẫn chủ nghĩa hiện đại (modernism) trong văn học với văn học hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại trong văn học là một trào lưu văn học đạt đến đỉnh cao trong khoảng 1910-1920, nó đã đưa ra những vấn đề mỹ học tương tự như trong nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa. Một ví dụ cụ thể là người ta đã ví lối viết trừu tượng của nữ nhà văn Mỹ Gertrude Stein (1874–1946) với những bức tranh lập thể của danh họa Pablo Picasso (1881–1973).
Có thể dẫn lời nhà xã hội học người Đức Georg Simmel (1858–1918) để nói về chủ nghĩa hiện đại trong văn học: “Những vấn đề sâu sắc nhất của đời sống hiện đại đều phát sinh từ sự đòi hỏi của mỗi cá nhân muốn có được sự tự do ý chí và cá tính của mình trong cuộc sống đối diện với các thế lực phức tạp của đời sống xã hội, các di sản của lịch sử, văn hóa và những kỹ thuật sống.”
Chủ nghĩa hiện đại đã phát triển một văn phong có đặc điểm là luôn quan tâm tới cái lạ trong thi pháp, phân mảnh hình thức, viễn cảnh đa chiều và sự phá cách đối với các hình thức kể chuyện truyền thống. Các tác gia của chủ nghĩa hiện đại ngoài James Joyce ra thì còn có các đại diện là những cái tên “kinh khủng” như Knut Hamsun, Virginia Woolf, T. S. Eliot, Gertrude Stein, H.D., Ezra Pound, Mina Loy, William Faulkner, Ernest Hemingway, Rainer Maria Rilke, Franz Kafka, Robert Musil, Joseph Conrad, Andrei Bely, W. B. Yeats, F. Scott Fitzgerald, Luigi Pirandello, D. H. Lawrence, Katherine Mansfield, Jaroslav Hašek, Samuel Beckett, Menno ter Braak, Marcel Proust, Mikhail Bulgakov, Robert Frost và Boris Pasternak.
Các tác giả của chủ nghĩa hiện đại muốn vượt thoát ra khỏi sự trói buộc của dòng văn học hiện thực bằng cách đưa ra những khái niệm như là “dòng thời gian đứt đoạn”. Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa hiện đại là lối “siêu” kể chuyện mang tính bứt phá. Có thể nói chủ nghĩa này là một phong trào muốn thoát ly khỏi ảnh hưởng về ngữ nghĩa, văn phong và hình thức của chủ nghĩa lãng mạn. Nó khai thác những chủ đề trần tục và có một thái độ bi quan nặng nề, từ bỏ thái độ lạc quan của văn học thế kỷ XIX (còn gọi là thời đại Victoria; với những đại diện như là Charles Dickens, chị em nhà Brontë, Christina Rossetti, Benjamin Disraeli, George Eliot, Elizabeth Gaskell, George Gissing, Thomas Hardy, Rudyard Kipling, Robert Louis Stevenson, Lord Alfred Tennyson, William Thackeray, Oscar Wilde, Beatrix Potter…). Các tác phẩm của chủ nghĩa hiện đại (như The Waste Land của T.S. Eliot) thiếu vắng một nhân vật “anh hùng” trung tâm, như một sự phản ứng với thuyết duy ngã của các nhà lãng mạn như Shelley (1792–1822) và Byron (1788–1824), đó là sự phản ứng với lối tư duy nhị nguyên và sự phá bỏ lối kể chuyện thông thường bằng một tập hợp những mảnh vỡ rời rạc và những giọng nói chồng chéo.
Các tác giả của chủ nghĩa hiện đại luôn vượt qua những giới hạn của tiểu thuyết hiện thực do họ quan tâm tới những nhân tố lớn hơn như một sự đổi thay về xã hội hay lịch sử. Điều đó được thể hiện rõ nét trong lối viết “dòng ý thức” trong các tác phẩm của Virginia Woolf (Vườn Kew), James Joyce (Ulysses), Katherine Porter (Flowering Judas), Jean Toomer (Cane), William Faulkner (Âm thanh và cuồng nộ)…
Chủ nghĩa hiện đại thực sự là một phản ứng mạnh mẽ đối với sự bùng phát của đời sống đô thị đang trở thành lực lượng trung tâm trong xã hội, hơn nữa, đó còn là sự bận tâm tới hình thức của văn học. Trong khi chủ nghĩa lãng mạn nhấn mạnh vào tính chủ quan của sự trải nghiệm thì các tác giả của chủ nghĩa hiện đại quan tâm sâu sắc tới tính khách quan của hoàn cảnh. Họ đã chuyển từ mỹ học nhận thức (mang tính tri thức) sang mỹ học bản thể (mang tính hữu thể). Đó chính là trọng điểm của chủ nghĩa hiện đại.
Chủ nghĩa hiện đại có những đặc điểm sau đây về hình thức:
– Hình thức mở
– Thơ tự do
– Kể chuyện không thứ tự
– Mạch liền kề
– Liên văn bản
– Ám chỉ theo lối cổ điển
– Vay mượn văn hóa và ngôn ngữ nước ngoài
– Sử dụng phép ẩn dụ khác thường
– Phân mảnh
– Quan điểm đa chiều
Và những đặc điểm như sau về nội dung, chủ đề:
– Phá vỡ những định ước xã hội và quan niệm về văn hóa
– Chuyển nghĩa và cảm thức ra khỏi ngữ cảnh thông thường
– Làm bình ổn cái cá nhân tuyệt vọng đang đối mặt với một tương lai bất định
– Vỡ mộng
– Lật lại lịch sử và thay thế quá khứ thần thoại, vay mượn sự kiện mà không cần theo đúng thứ tự thời gian
– Sản phẩm của những đô thị lớn
– Dòng ý thức
– Lỗi nói gián tiếp tự do
– Những đổi thay về công nghệ tràn lấp trong thế kỷ XX
5.
Một thuật ngữ liên tục vang lên từ đầu bài viết này là “dòng ý thức” cho nên không thể không nói đến nó, vì thuật ngữ/thủ pháp này gắn chặt với chủ nghĩa hiện đại.
Đây là một thủ pháp mong muốn phản ánh trung thực ý nghĩ của một cá nhân bằng cách đưa quá trình suy nghĩ của nhân vật hiện ra bằng hình thức chữ viết tương đương, dưới dạng độc thoại nội tâm chẳng hạn. Các tác giả của chủ nghĩa hiện đại đã thể hiện điều đó bằng cách bỏ qua cú pháp và dấu câu, vì thế làm cho độc giả rất khó đọc và nắm bắt được rõ ràng các ý nghĩ và cảm xúc của nhân vật. Dòng ý thức và độc thoại nội tâm hoàn toàn khác với độc thoại kịch thường thấy trong thơ ca và sân khấu. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu trong các nghiên cứu của nhà triết học và tâm lý học Mỹ William James (1842–1910; anh của nhà văn Anh gốc Mỹ nổi tiếng Henry James, 1843–1916).
Các tác phẩm nổi danh có sử dụng lối viết “dòng ý thức” là:
–
Les Lauriers sont coupés
(1888) của Édouard Dujardin; đây có thể coi là tác phẩm đầu tiên mang dấu vết của “dòng ý thức”
–
Hunger
(1890) và
Mysteries
(1892) của Knut Hamsun
–
Lieutenant Gustl
(1901) của Arthur Schnitzler
–
Pilgrimage
(1915-28) của Dorothy Richardson
–
A Portrait of the Artist as a Young Man
(1916),
Ulysses
(1922),
Finnegans Wake
(1939) của James Joyce
–
Mrs. Dalloway
(1925),
To the Lighthouse
(1927),
The Waves
(1931) của Virginia Woolf
–
A Drunk Man Looks at the Thistle
(1926) của Hugh MacDiarmid
–
Steppenwolf
(1927) của Hermann Hesse
–
The Sound and the Fury
(1929),
As I Lay Dying
(1930) của William Faulkner
–
Molloy
(1951),
Malone Dies
(1951),
The Unnamable
(1953) của Samuel Beckett
–
Gravity’s Rainbow
(1973) của Thomas Pynchon
–
Seymour: An Introduction
(1963) của J. D. Salinger
–
Rayuela
(Hopscotch) (1963) của Julio Cortázar
–
Last Exit to Brooklyn
(1964),
Requiem for a Dream
(1978) của Hubert Selby Jr.
–
Tutunamayanlar
(
The Disconnected
) (1972) của Oğuz Atay
–
Illuminatus!
(1975) của Robert Anton Wilson & Robert Shea
–
Dhalgren
(1975) của Samuel R. Delany
–
July’s People
(1981) của Nadine Gordimer
–
Death of Yazdgerd
(1982) của Bahram Bayzai
–
The Butcher Boy
(1992) của Patrick McCabe
–
Trainspotting
(1993) của Irvine Welsh
–
House of Leaves
(2000) của Mark Z. Danielewski
–
Everything is Illuminated
(2002) của Jonathan Safran Foer
– Bộ ba tiểu thuyết
Phineas Poe
(2005) của Will Christopher Baer
– Nhiều tác phẩm của Clarice Lispector
Cũng nên xét đến khái niệm “dòng ý thức” xuất phát từ tâm lý học. Đây là khái niệm chỉ dòng suy nghĩ trong ý thức, tất cả các ý nghĩ mà ta nhận thấy được chứ không chỉ là những ý nghĩ thành lời. William James đã đưa ra khái niệm ấy.
Hiện nay người ta có thể thấy dòng ý thức trong các lĩnh vực khác như sân khấu kịch, điện ảnh, truyền hình, âm nhạc (rap và hip-hop là vài ví dụ).
Trở lại với James Joyce và dòng ý thức thì nổi bật nhất là ông đã dành toàn bộ chương cuối (chương 18) của Ulysses mang tên “Penelope” để thể hiện thủ pháp này. Chương này còn được gọi là màn “độc thoại nội tâm của Molly Bloom”. Nhân vật Penelope thần thoại trong Odyssey đã được Joyce thể hiện trong đời sống hiện đại bởi Molly. Điểm khác biệt chính giữa hai nhân vật là trong khi Penelope thì thủy chung như nhất mà Molly thì lại cặp bồ với Hugh Boylan “lừng lẫy”.
Molly là một ca sỹ, vợ của nhân vật chính Leopold Bloom, một nhân viên quảng cáo. Trong Ulysses, cái “tính thể xác” của Molly thường được đối chiếu với “tính trí tuệ” của các nhân vật nam, nhất là với nhân vật Stephen Dedalus. Màn độc thoại nội tâm của Molly bao gồm 8 “câu” với chỉ 2 dấu chấm sau “câu” 4 và “câu” 8, tổng cộng có đến 4.391 từ. Bối cảnh là Molly đưa Leopold lên giường, rồi hồi tưởng lại cuộc gặp đầu tiên và khi Molly phải lòng Leopold. Những suy tư cuối cùng trong cơn ngái ngủ của Molly ở chương 18 là như thế này:
… I was a Flower of the mountain yes when I put the rose in my hair like the Andalusian girls used or shall I wear a red yes and how he kissed me under the Moorish wall and I thought well as well him as another and then I asked him with my eyes to ask again yes and then he asked me would I yes to say yes my mountain flower and first I put my arms around him yes and drew him down to me so he could feel my breasts all perfume yes and his heart was going like mad and yes I said yes I will Yes.
Tạm dịch:
… ta là Hoa của núi vâng khi ta cài hoa hồng lên mái tóc như những cô nàng An-đa-lu-sia vẫn thường làm hay là ta sẽ cài một bông hồng đỏ ôi vâng và anh ấy đã hôn ta dưới bức tường chạm hoa văn Hồi giáo và ta nghĩ ây chà anh ta đang là một người khác kia và rồi ta hỏi anh chàng bằng ánh mắt lần nữa vâng và rồi chàng hỏi ta có muốn vâng nói rằng ôi vâng làm bông hoa núi của chàng và đầu tiên ta vòng tay ôm lấy chàng vâng và ấn đầu chàng thấp xuống để chàng cảm thấy bầu vú ta thơm lựng ôi vâng và tim chàng đập loạn lên và vâng ta nói vâng em sẽ là bông hoa núi của anh Vâng…
Năm 1921, Joyce gửi thư cho Frank Budgen rằng “lời cuối (rất người) là dành cho Penelope.” Chương 18 bắt đầu và kết thúc đều bằng từ “yes” (dạ/vâng), một từ mà Joyce cho rằng rất “nữ tính”, thể hiện “sự ưng thuận ngấm ngầm và kết thúc mọi kháng cự.”[12]
6.
James Joyce đã tuyên ngôn trước thế giới từ khi còn rất trẻ rằng ông sinh ra là để đi vào cõi bất tử. Cái tự tin đầy tính “cá nhân” vào tài năng của mình của một chàng trai Ireland đã làm cho văn học thế giới bước lên một bước khổng lồ. Ảnh hưởng của Joyce đối với toàn nhân loại yêu văn hóa nghệ thuật là không ai có thể chối cãi. Rất tiếc, cái ảnh hưởng mang tên James Joyce ấy lại hầu như chưa được gõ cửa “tháp ngà văn chương” của Việt Nam, tôi cũng không hiểu là tại làm sao. Một tác phẩm đỉnh cao của thế giới đã làm rung chuyển nền văn chương nhân loại suốt gần 90 năm qua mà hầu như người Việt Nam chưa từng được biết, thật là lạ.
Ở Trung Quốc, người ta đã dịch Ulysses trong nhiều năm và khi hoàn thành bản dịch thì phần chú thích lên đến con số 60.000. Đó cũng là một công trình vĩ đại. Dù vất vả nhưng ở đâu trên thế giới người ta cũng đã cố gắng dịch Joyce ra ngôn ngữ của mình. Để có những tác phẩm của James Joyce được dịch ra tiếng Việt chắc chắn cần những sự hợp lực to lớn của nhiều cá nhân và tập thể. Hi vọng một James Joyce của văn hóa toàn cầu không bị “phớt Ăng-lê” trên mảnh đất mấy ngàn năm văn hiến của chúng ta.
Cái đọng lại về Joyce là gì vậy? Một con người muốn vượt thoát ra khỏi mọi ràng buộc của những định chế khắc nghiệt với kiếp người. Con người ấy muốn phá bỏ mọi luật lệ gông cùm của con người, xã hội và tôn giáo nhưng vẫn không đi ra ngoài những chân lý của các bậc thánh. Hình ảnh của ông có thể ví như công quả của những bậc chân tu mang tinh thần “tử vì đạo”, những bậc Bồ Tát hay A La Hán. Phương tiện tu hành của vị “tu sỹ” này chính là ngôn từ.
Ngôn từ của Joyce là ánh mặt trời khát khao sự thật, khát khao chân lý vĩnh hằng và tự do tuyệt đối. Ánh sáng ấy không chỉ chiếu vào không gian mà còn soi rọi vào những vùng ẩn khuất nhất của tâm thức con người, mà suốt bao thế kỷ trước đây hình như chúng đã bị “đào sâu chôn chặt” trong cõi thăm thẳm vì những lý do mà không ai muốn công nhận: hèn nhát và vô minh. Con người không dám thú nhận mình dốt nát, và kinh khủng nhất là không đủ dũng khí để nhìn thẳng vào lòng mình. Trước Joyce chúng ta có thể được nghe phong thanh những huyền thoại, giai thoại, ngụ ngôn hay những lối nói ẩn dụ, châm biếm, hài hước về những gì sâu kín. Nhưng chỉ đến Joyce thì có lẽ là lần đầu chúng ta được nghe sự thật về chính mình bằng cái cách thẳng băng như đường đi của ánh sáng mặt trời. Chắ rằng gặp Joyce người ta sẽ trưởng thành vượt bậc, sẽ thấy tự tin hơn trước những gì mông muội như thể có được một sức mạnh mới từ cõi vô biên đem lại. Gặp Joyce chúng ta sẽ được giúp tìm thấy cái “chân như” trong tâm để có một tầm nhìn mới với nhân gian, cái nhìn hồn nhiên như “lại về với trẻ thơ” mà Lão Tử đã dạy. Nguyễn Minh Vương đã nói (như thể ông là một nhà lý luận của chủ nghĩa hiện đại vậy) rất hay:
Chỉ có cái nhìn của long lanh của trẻ thơ mới có thể khai quang, mở phơi Tính thể, Linh thể của sự vật, hiện tượng và cụ thể là một tác phẩm văn học. Sự vật hiện tượng thế nào, hãy để nó như vậy, chớ có đem ý niệm ra để mà luận bàn. Mà nếu có bàn luận thì cũng là để mua vui, còn để mà chê bai hay khen khợi đều giết chết sự vật hay tác phẩm… Đi chệch khỏi con đường đó, con người, nhất là những kẻ mang danh trí thức, nhà phê bình sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của ý niệm nhị nguyên.
Bao lâu cái nhìn còn dựa vào lý tưởng văn minh, tự do, hạnh phúc mà không lập cước trên cái Tâm sơ khai rỗng rang tự tại thì bấy lâu chúng ta còn trong vòng nô lệ, vô minh và ngu dốt… [Có được cái nhìn “như thị” về mọi sự trên thế gian] mới giúp người đọc vượt thoát con đường nhị nguyên đã gây hoang phế điêu linh cho nhân loại suốt dọc dài lịch sử.
Thế giới đã dùng hết nhẵn mọi ngôn từ cao cả và sâu sắc nhất để nói về Joyce, không biết tiếng Việt của chúng ta có đủ phong phú để làm nên điều ấy?
PHỤ LỤC
i) Một bài thơ của James Joyce trong tập Chamber Music (Nhạc thính phòng) qua bản dịch của Lê Cao Phong (Đặng Thân nhuận sắc):
All Day I Hear the Noise of Waters
All day I hear the noise of waters
Making moan,
Sad as the sea-bird is when, going
Forth alone,
He hears the winds cry to the water’s
Monotone.
The grey winds, the cold winds are blowing
Where I go.
I hear the noise of many waters
Far below.
All day, all night, I hear them flowing
To and fro.
Suốt ngày tôi nghe
tiếng động của những dòng nước
Suốt ngày tôi nghe tiếng động của những dòng nước,
Kêu và than,
Buồn như con chim biển, đang bay một mình
Về phía trước,
Nghe những cơn gió khóc cho bài ca đơn điệu
Của dòng nước.
Những cơn gió xám, những cơn gió lạnh đang thổi
Nơi tôi đi.
Tôi nghe tiếng động của nhiều dòng nước
Dưới xa kia.
Suốt ngày, suốt đêm, tôi nghe chúng chảy trôi
Xuôi và ngược.
ii) Bài thơ “Tilly” của James Joyce trong tập Pomes Penyeach qua bản dịch của Nguyễn Hoàng Ái:
Tilly
He travels after a winter sun,
Urging the cattle along a cold red road,
Calling to them, a voice they know,
He drives his beasts above Cabra.
The voice tells them home is warm.
They moo and make brute music with their hoofs.
He drives them with a flowering branch before him,
Smoke pluming their foreheads.
Boor, bond of the herd,
Tonight stretch full by the fire!
I bleed by the black stream
For my torn bough!
Bài thơ thứ mười ba
Chàng du hành theo mặt trời mùa đông
Xua đàn bò bước trên con đường lạnh
Bằng giọng nói ồm ồm, quen với chúng
Dẫn đàn bò trên đỉnh Cabra.
Giọng nói quen gợi ấm áp ngôi nhà
Đàn bò chạy thung thăng và kêu rống
Trên sừng bò làn khói màu mận chín
Chàng quất đàn bò bằng một cành hoa.
Ơi chàng chăn thú, ơi kẻ quê mùa
Đêm nay chàng nằm xoài bên lửa ấm
Còn ta chảy máu bên dòng nước thẫm
Vì đã tan tành hết một cành hoa.
(Bài thơ này trích trong tập
Pomes Penyeach
. “Tilly” – lối văn nói Ireland là thêm vào. Theo R. Ellmann, người chú thích tác phẩm của Joyce, thì tên bài thơ xuất phát từ việc tác giả thêm bài thơ này vào tập thơ
Pomes Penyeach
trước đó chỉ có 12 bài [Xem: R. Ellmann,
James Joyce
; New and Revised Edition, N.Y., Oxford Univ. Press, 1982, p.132])
iii) Bài “James Joyce” trích trong tập TỪ ĐIỂN THI X/X LOẠI [chúng sinh] của Đặng Thân:
JAMES JOYCE
[13]
Ulysses
đứng đầu thật là một tuyệt bút thế mà lúc nó ra đời khắp đất nước quê hương yêu dấu yêu diếm của ông chẳng ma nào dám in lại còn bị cấm khắp nơi suốt từ 1921 đến tận 1936 là 15 năm dập hoa vùi liễu thân Kiều “Nora Barnacle” và thân Kim “Leopold Bloom” kể cả ở nước Mỹ cấp tiến và văn minh nhất quả đất vì thấy nó TỤC quá dâm ô trụy lạc quá rõ chúng nó sao mà ngu như lợn sao mà trì độn đáng thương khi một bông hoa đẹp thì suốt ngàn năm tung hô tưởng thưởng hít hà mà chẳng chịu biết hoa cũng chỉ là bộ phận sinh dục tức là cặc jái hay bề hê của loài cây mà thôi ôi khi mỹ cảm thơ văn đã thăng hoa thành thần thánh thì một sợi lông cũng hóa tâm hồn thanh khiết trong vĩnh hằng giữa vũ trụ hỗn độn từ trang sách này ngày 16 tháng 6 năm 1904 đã vĩnh viễn đi vào lịch sử vì mọi sự kiện trong sách chỉ xảy ra trong một ngày này tại Dublin cho đến hôm nay thì năm nào đến ngày 16 tháng 6 cả thành phố lại hóa thành một đại lễ hội hoành tráng nơi người ta diễn lại mọi câu chuyện y hệt như trong tác phẩm và rồi cũng từ đây Joyce đã bày đặt ra nghệ thuật viết “Dòng ý thức” hay dã man luôn trong chương “Penelope” miên man tiềm thức như kiểu các bạn đang đọc những dòng này các bạn thấy có hay không nếu hay thì cho một tràng vỗ tay có nhà phê bình kinh dị chẳng biết có được học trường viết văn Nguyễn Du hay không đã phán rằng chương này đặc tả dòng suy tưởng/thận triền miên của một gã đang ngồi trong toa lét thế mới khét cuốn sách tuy rất khó đọc nhưng là đỉnh cao của thế kỷ XX vậy mà sau đó ông còn viết một cuốn có nhan đề là
Finnegans Wake
hiếm người hiểu nổi nên được quy cho là tác phẩm của thế kỷ XXI mong sao nền văn học Việt không bị thui chột trong xứ mù để có ngày học sinh ta được nghe giảng văn về tác phẩm này nhớ lúc sinh thời một bộ trưởng văn hóa Ái Nhĩ Lan muốn đề cử ông lên Hội đồng Nobel thì ông cười khẩy mà rằng ô hô phải chăng ngài muốn mất chức bộ trưởng đấy à vì lúc ấy
Ulysses
vẫn còn bị coi là VĂN CHƯƠNG DÂM UẾ thật là tục tĩu mọi người ức muốn xỉu vì chẳng ma quan chức lãnh đạo nào dám đề cử “cái của nợ” ấy lên làm gì mà mang vạ vào thân ôi “bất bằng chi bấy Hóa Công”
Ulysses
thì được ông rất nhẹ nhàng lịch sự từ chối vì rằng ôi xin lỗi quý vị bàn tay tôi ngoài việc viết ra những tác phẩm bất hủ nó còn làm nhiều việc khác nữa…
… người Ái Nhĩ Lan này mới sinh ra đã tuyên bố với thế giới rằng ta được sinh ra là để làm vĩ nhân thế giới sau quả nhiên vì trong Top 100 tác phẩm hay nhất hành tinh thế kỷ XX có mặt 3 cuốn của ông trong đóđứng đầu thật là một tuyệt bút thế mà lúc nó ra đời khắp đất nước quê hương yêu dấu yêu diếm của ông chẳng ma nào dám in lại còn bị cấm khắp nơi suốt từ 1921 đến tận 1936 là 15 năm dập hoa vùi liễu thân Kiều “Nora Barnacle” và thân Kim “Leopold Bloom” kể cả ở nước Mỹ cấp tiến và văn minh nhất quả đất vì thấy nó TỤC quá dâm ô trụy lạc quá rõ chúng nó sao mà ngu như lợn sao mà trì độn đáng thương khi một bông hoa đẹp thì suốt ngàn năm tung hô tưởng thưởng hít hà mà chẳng chịu biết hoa cũng chỉ là bộ phận sinh dục tức là cặc jái hay bề hê của loài cây mà thôi ôi khi mỹ cảm thơ văn đã thăng hoa thành thần thánh thì một sợi lông cũng hóa tâm hồn thanh khiết trong vĩnh hằng giữa vũ trụ hỗn độn từ trang sách này ngày 16 tháng 6 năm 1904 đã vĩnh viễn đi vào lịch sử vì mọi sự kiện trong sách chỉ xảy ra trong một ngày này tại Dublin cho đến hôm nay thì năm nào đến ngày 16 tháng 6 cả thành phố lại hóa thành một đại lễ hội hoành tráng nơi người ta diễn lại mọi câu chuyện y hệt như trong tác phẩm và rồi cũng từ đây Joyce đã bày đặt ra nghệ thuật viết “Dòng ý thức” hay dã man luôn trong chương “Penelope” miên man tiềm thức như kiểu các bạn đang đọc những dòng này các bạn thấy có hay không nếu hay thì cho một tràng vỗ tay có nhà phê bình kinh dị chẳng biết có được học trường viết văn Nguyễn Du hay không đã phán rằng chương này đặc tả dòng suy tưởng/thận triền miên của một gã đang ngồi trong toa lét thế mới khét cuốn sách tuy rất khó đọc nhưng là đỉnh cao của thế kỷ XX vậy mà sau đó ông còn viết một cuốn có nhan đề làhiếm người hiểu nổi nên được quy cho là tác phẩm của thế kỷ XXI mong sao nền văn học Việt không bị thui chột trong xứ mù để có ngày học sinh ta được nghe giảng văn về tác phẩm này nhớ lúc sinh thời một bộ trưởng văn hóa Ái Nhĩ Lan muốn đề cử ông lên Hội đồng Nobel thì ông cười khẩy mà rằng ô hô phải chăng ngài muốn mất chức bộ trưởng đấy à vì lúc ấyvẫn còn bị coi là VĂN CHƯƠNG DÂM UẾ thật là tục tĩu mọi người ức muốn xỉu vì chẳng ma quan chức lãnh đạo nào dám đề cử “cái của nợ” ấy lên làm gì mà mang vạ vào thân ôi “bất bằng chi bấy Hóa Công”
[14]
nhưng cũng xin các ông ở các loại hội đồng đừng đem cái bệ xí xổm Lilliput
[15]
của mình ra làm “khuôn vàng thước ngọc” ấy ấy ngôn từ sang trọng kinh điển thế mà lại phải dùng cách ám chỉ tới 2 cái ấy rồi đấy mà mà mà hàm hồ đánh giá đo đạc kích cỡ chim hay bướm của những người khổng lồ ồ thế mà khi Joyce đã nổi tiếng như Chúa Trời có nhiều kẻ háo danh hão và hư vinh đến quỳ xuống xin được hôn bàn tay đã viếtthì được ông rất nhẹ nhàng lịch sự từ chối vì rằng ôi xin lỗi quý vị bàn tay tôi ngoài việc viết ra những tác phẩm bất hủ nó còn làm nhiều việc khác nữa…
9/2008
_________________________
Phụ chú của Tiền Vệ:
A Portrait of the Artist as a Young Man
có nghĩa là “Chân dung chàng nghệ sĩ như một người đàn ông trẻ”. Thế nhưng nhiều dịch giả tiếng Việt đã dịch lệch đi. Nếu ta dịch ngược những nhan đề tiếng Việt trở lại tiếng Anh thì sẽ thấy rất khác với ý nghĩa gốc:
– “Chân dung nghệ sĩ trẻ” (Portrait of Young Artist).
– “Chân dung một nghệ sĩ trẻ” (Portrait of a Young Artist).
– “Chân dung chàng nghệ sĩ trẻ” (Portrait of the Young Artist).
– “Chân dung nhà nghệ sĩ lúc trẻ” (Portrait of the Artist When He Was Young).
– “Chân dung người nghệ sĩ “ (Portrait of the Artist).
– “Chân dung một chàng trai trẻ” (Portrait of a Young Man).
– “Chân dung một chàng trai trẻ là một nghệ sĩ” (Portrait of a Young Man Who Is an Artist)
Thậm chí, trên website Bách khoa toàn thư Việt Nam , có người dịch thành “Chân dung một nghệ sĩ thời trẻ” (Portrait of an Artist in his Youth). Và trên website Người đại biểu nhân dân , có người lại dịch thành “Chân dung một chàng họa sỹ trẻ” (Portrait of a Young Painter)!!!