Hàng nghìn con cá cùng tạo chiến thuật kỳ diệu để ngăn chim săn mồi
Các nhà nghiên cứu phát hiện cá molly có “chiến thuật hợp sức” tạo ra những gợn sóng kỳ lạ để chim săn mồi không thể bắt bất cứ con cá nào.
Cá molly lưu huỳnh (Poecilia sulphuraria) là loài cá nhỏ màu bạc thuộc họ cá khổng tước, sống trong những ao nước chứa đầy lưu huỳnh ở bang Tabasco, Mexico.
Khi có động, đàn cá sẽ phản ứng bằng cách tạo ra những gợn sóng lan tỏa. Cứ vài giây, hàng nghìn con cá sẽ lặp lại chuyển động lặn nhanh để tạo sóng, đôi khi kéo dài tới hai phút, theo Scientific American.
Juliane Lukas, nhà nghiên cứu tại Viện Sinh thái Nước ngọt và Thủy sản Nội địa Leibniz của Đức (IGB) cho biết: “Thật mê hoặc – bạn có thể đứng đó hàng giờ và chỉ để tâm trí của bạn trôi chảy trong khi những con cá lướt sóng”.
Xem video nghiên cứu:
Cá molly là con mồi của nhiều loài chim ăn thịt, bao gồm diệc bạch, chim bói cá và chim bắt ruồi. Khi con chim lặn xuống tấn công, cá molly sẽ quẫy đuôi và xoay tròn.
Các nhà khoa học ở Đức đã phân tích video quay trong hơn hai năm về những cuộc tấn công của chim săn mồi, cả trong thực tế và mô phỏng. Họ phát hiện hành vi tạo sóng của cá molly là cơ chế tự vệ trước chim săn mồi đang đậu trên bờ, theo tạp chí Current Biology đăng ngày 22/12.
Theo David Bierbach, nhà sinh vật học ở Viện Sinh thái học nước ngọt và Ngư nghiệp nội địa Leibniz, không phải mọi vụ tấn công của chim đều kích thích hành vi trên. Ví dụ, chim bói cá lao thẳng xuống mặt nước và khuấy động cá molly quẫy mình gần như mọi lúc. Nhưng chim bắt ruồi rất nhẹ nhàng, chúng chỉ nhúng mỏ xuống nước và hiếm khi dấy lên phản ứng.
Cơ chế phòng vệ hiệu quả của cá molly
Khi đàn cá tạo gợn sóng lao xao, chim bắt ruồi đậu ở gần đó. Thông qua hơn 200 lượt săn mồi, các nhà nghiên cứu nhận thấy chim bắt ruồi chờ lâu hơn hai lần so với khi mặt nước tĩnh lặng. Khi tấn công, chúng bắt cá kém thành công hơn nhiều so với khi nước lặng. Đối với chim bói cá, nhóm nghiên cứu phát hiện đàn cá càng quẫy nhiều lần, những con chim càng chờ lâu hơn, giống như thể chúng chờ mặt nước yên tĩnh trở lại.
Phản ứng đó hé lộ hành vi quẫy khiến động vật săn mồi khó nhắm vào một con cá hơn. Đồng thời những con chim biết rõ chúng sẽ phí sức nếu cơn sóng nổi lên. Đây là một quan sát thú vị bởi nếu cá molly tìm cách chạy trốn chim săn mồi, kẻ thù của chúng có thể lặn sâu hơn. Nhưng cá molly đã không chạy trốn mà cùng nhau tạo sóng.
Hành vi đồng bộ như đàn châu chấu đồng loạt nhấp nháy hay đàn chim cùng di chuyển ở khoảng cách đều nhau trên bầu trời từ lâu đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu.
Cá molly lưu huỳnh là một trong những trường hợp hiếm hoi mà các nhà nghiên cứu có thể quan sát lợi ích của hành vi đồng bộ. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu hy vọng tìm hiểu được cách con cá đầu tiên lặn xuống như thế nào để phát tín hiệu cho đồng loại và quá trình lặn có khác biệt tùy theo loại xáo trộn hay không.