Thoái Hoá Gen Ở Cá Bảy Màu Và Một Số Đặc Điểm Thoái Hoá Điển Hình
Những người chơi cá 7 màu sau một thời gian đầu bỡ ngỡ, sẽ nhận ra rằng chơi cá 7 màu không phải là quá khó khăn.
Cá 7 màu vốn có tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian đạt độ chín sinh dục ngắn (chỉ khoảng 3-4 tháng), mỗi lần sinh sản số lượng đàn con từ vài chục tới cả trăm con. Những yếu tố đó tưởng như sẽ giúp cho người chơi 7 màu dễ dàng duy trì được dòng cá mà mình yêu thích.
Tuy nhiên thực tế lại chỉ ra rằng vấn đề làm đau đầu hầu hết những người chơi 7 màu ở Việt Nam đó là việc làm sao để dòng cá mà mình đang sở hữu duy trì được những yếu tố về sức khỏe và vẻ đẹp một cách lâu dài qua các đời con cháu.
Kể từ năm 2009, thời điểm mà tôi cho rằng những bậc đàn anh đã đặt những viên gạch đầu tiên, tạo ra nền móng chính thức, một chỗ đứng cho phong trào chơi cá 7 màu trong cộng đồng cá cảnh Việt Nam, cho tới nay tôi đã chứng kiến rất nhiều dòng cá 7 màu được du nhập. Số lượng các dòng cá ngày càng đa dạng và có thể nói là nhiều dòng cá mới, lạ và đẹp đã xuất hiện tại Việt Nam.
Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn là trong chỉ một vài năm ngắn ngủi, có không ít các dòng cá chỉ xuất hiện 1 thời gian ngắn trong cộng đồng nuôi, rồi sau đó biến mất hoặc rất ít được nhắc tới.
Nguyên nhân của sự mai một những dòng cá này theo tôi xuất phát từ việc có quá nhiều những dòng cá mới được du nhập về trong một thời gian ngắn, khiến cho cộng đồng không thể dung nạp chúng kịp thời. Hoặc do một sự biến đổi tất yếu của cuộc sống, những dòng cá mới sẽ thay thế cho những dòng cá cũ có vẻ đẹp không sánh bằng?? Hay, nhìn từ một góc khuất, thì sự mai một đó xuất phát từ một cộng đồng chơi cá 7 màu không có cá tính, thiếu đi những cá nhân chơi cá theo bản sắc và vẻ đẹp thực chất của dòng cá đó. Người ta đam mê cá vì độ hot và đắt tiền của cá nhiều hơn là vẻ đẹp thẩm mỹ nguyên bản mà chú cá ấy đem lại.
Nhưng cũng thật khó trách 1 người nuôi cá vì mục đích thương mại khi họ từ bỏ 1 dòng cá mà nhu cầu thị trường đã bão hòa trong khi những dòng cá hot khác thì người mua đang tranh giành nhau để được sở hữu. Khi những người chơi cá thương mại đã từ bỏ dòng cá cũ, chỉ còn lại một số ít chúng được một số người trong cộng đồng giữ lại. Nhưng với những người chơi cá phong trào thì chỉ việc giữ cho số cá đó duy trì dân số qua các đời cá đã là một khó khăn lớn, chứ đừng nói đến những vật cản như sự thoái hóa gene và những yếu tố ngoại lai khác.
Cần thiết phải quan tâm tới thoái hóa gene:
– Đối với nhiều dòng cá cảnh khác, thoái hóa gene thậm chí không nằm trong khái niệm của người chơi. Tuy nhiên đối với cá 7 màu thì đây là một vấn đề thực sự không thể bỏ quá vì sự thoái hóa này thể hiện rõ trên kiểu hình của cá, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như vẻ đẹp của cá ngay từ đời con đầu tiên.
Ngoài ra một yếu tố nữa cũng làm nản lòng nhiều người chơi 7 màu đó là yếu tố di truyền giảm dần của các tính trạng được mong đợi khiến cho nhiều người chơi cảm thấy thất vọng khi đàn cá họ đang nuôi trải qua các đời cứ mất đi dần những tính trạng mà họ yêu thích nhất.
– Điều làm tôi khá bất ngờ đó là đa phần người chơi cá 7 màu ở Việt Nam đều biết về vấn đề thoái hóa gene, nhưng nhiều người nhắc đến nó chỉ với 1 cái phẩy tay. Có vẻ thoái hóa gene là một vấn đề của người sản xuất chứ không phải của người chơi cá.
Tôi đồng ý, với điều kiện bạn hãy từ bỏ việc cho cá sinh sản để duy trì dòng cá và sẵn sàng chấp nhận mua cá 7 màu với giá nhập khẩu từ nước ngoài như một người chơi cá vì vẻ đẹp của nó đơn thuần, chứ đừng nói gì đến việc lai tạo cá, cũng đừng kêu ca than vãn khi cá của bạn ốm bệnh chết vì sức khỏe yếu. Còn không thì tốt nhất bạn nên góp 1 tay vào để làm giảm tình trạng thoái hóa của dòng cá mà bạn đang nuôi, đơn giản nhất là bằng cách thỉnh thoảng trao đổi bổ sung một vài chú cá cùng dòng từ những người bán khác nhau để cải thiện gene cho cá của cả 2 phía.
– Tôi từng có dịp nhìn tận mắt 2 bể cá 7 màu ở cạnh nhau, của chung một người nuôi. Bể thứ nhất nuôi dòng cá Blue Grass HTD mới trải qua đời thứ 3 của cặp cá giống nhập từ Thái Lan, bể thứ hai nuôi dòng cá Blue Grass đã trải qua 4 năm truyền qua các đời con cháu từ cặp cá giống bố mẹ đầu tiên. Bể cá Blue Grass HTD có những cá thể chấm bi rất nhuyễn, đạt màu sắc và sức khỏe tốt, kiểu hình khỏe và kích thước lớn. Bể Blue Grass còn lại màu sắc vẫn đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên số lượng cá thể bị nhiễm đỏ toàn phần (red grass) và bị nhiễm màu đa sắc (multi grass) xuất hiện rất nhiều, kích thước của cá cùng tháng tuổi cũng nhỏ hơn, và đặc biệt là chấm bi rất to, khoảng cách giữa chấm bi rất lớn, đuôi cá thường không thể bung được thành hình delta như tổ tiên, khoảng 30% cá thể thậm chí không có chấm bi trên đuôi vây mà thay vào đó là những vòng cung liền mạch của dạng hoa văn mosaic. So sánh Cá Blue Grass này với hình ảnh của những con cá Blue Grass đầu tiên, tổ tiên của chúng khi được nhập về Việt Nam cách đây 4 năm, thì chúng hoàn toàn thua kém về phẩm chất.
Rất tiếc là tôi chưa có điều kiện để cung cấp hình ảnh minh họa để các bạn có thể tự mình đánh giá được tác động của sự thoái hóa gene lên một dòng cá.
Một số đặc điểm thoái hóa di truyền điển hình:
– Một số dòng cá tôi cho rằng đã bị thoái hóa đi rất nhiều hoặc không còn thấy xuất hiện trong cộng đồng chơi cá 7 màu Việt Nam hiện nay nữa (hi vọng là mình đã sai):
RREA Silver Grass
RREA Super White
RREA Full Gold
Sunset mắt đen
Silver Blue Grass mắt đen
RREA Red Grass
RREA Yellow Lace King Cobra (không phải yellow lace king cobra đang bán tràn lan ở Việt Nam bây giờ thực chất là dòng cá do cộng đồng 7 màu Việt tự lai tạo và đặt tên)
Blue Moscow mắt đen
RREA Tuxedo White
RREA Red Grass Seethru
RREA Yellow Leopard
RREA Blue Topaz
RREA Blue Galaxy…
– Tôi xin đề cập đến một số quy tắc di truyền không mong đợi điển hình của các dòng cá 7 màu tại Việt Nam, với mục đích cung cấp thông tin chung cho những người chơi, hi vọng phần nào đó khiến người chơi 7 màu lưu tâm và chú trọng đến những phương pháp để khắc phục những hiện tượng này. Thực tế cho thấy có một số dòng cá 7 màu có tính trạng di truyền ổn định tương đối so với các dòng cá 7 màu còn lại.
– Nếu không tính tới các trường hợp thoái hóa cá biệt (cá thể trong đàn đẻ ra hoàn toàn khác biệt so với bố mẹ và rất hiếm cá thể khác tương đồng với nó), các tính chất thoái hóa di truyền thường gặp ở cá 7 màu mang tính chất đặc trưng theo dòng, trong cùng dòng cá đó sẽ có một số cá thể khác tương đồng, mang các đặc điểm mới về màu sắc, hoa văn như nhau.
– Trong một số trường hợp, mức độ biến đổi này gần như là chắc chắn, luôn luôn xuất hiện ở cá con ngay từ đời F1 với tỉ lệ tương đối cao (20% -50% hoặc có thể hơn), và những cá thể có đặc điểm mới của đàn con nếu tiến hành ghép cặp tương đồng lại cho kết quả sinh sản đạt tỉ lệ thuần chủng cao (50-80%). Vì vậy trong trường hợp này ngay từ đời F2 một số dòng cá 7 màu đã gần như biến đổi (và có thể coi là hình thành một dòng cá mới).
– Việc đánh giá một dòng cá bị biến đổi có được coi là hình thành một dòng cá mới hay không có lẽ sẽ gây tranh luận rất nhiều, và cũng chưa có một quy tắc nào quy định về vấn đề này. Cho đến khi có một quy tắc thống nhất tương đối, thì tôi chỉ xin đưa ra một số yếu tố để giúp người chơi dựa vào đó đánh giá và tự đưa ra kết luận của riêng mình. Bạn hãy tự đặt ra một số câu hỏi sau và trả lời xem: Dòng cá mới có làm mất đi dòng cá gốc hay không (nếu dòng cá mới ngay đời F1- F2 đã biến đổi và mất đi dòng cá gốc thì nên chăng bạn nên đặt câu hỏi về dòng cá gốc vì nó không thể duy trì đc đặc điểm di truyền điển hình thông qua con cháu của nó thì nó có xứng đáng là 1 dòng cá hay không)? Mức độ thuần chủng của dòng cá mới cao hay thấp? Các tính trạng di truyền của dòng cá mới đã ổn định chưa (hay là đến đời cháu nó lại biến đổi tiếp?)
– Hãy cùng hi vọng một ngày nào đó cộng đồng chơi 7 màu Việt Nam có thể tự mình xây dựng được một quy tắc chung để đánh giá một cách cơ bản và chính xác về những đặc điểm di truyền tính trạng loài cá mà mình yêu quý, cách thức phân biệt những dòng cá hay là quy trình công nhận và đặt tên cho một dòng cá mới ra đời ở Việt Nam. Còn bây giờ thì tôi chỉ có thể giúp các bạn bằng cách thực hiện những thống kê nho nhỏ:
- Tính trạng di truyền không mong đợi về mặt màu sắc:
– Dòng Full Black: cá đực bị nhiễm màu xanh lục.
– Dòng RREA Full Gold: cá đực bị nhiễm màu platinum.
– Dòng RREA Full Red: cá mái bị nhiễm màu xanh lục.
– Dòng RREA Super White: cá bị nhiễm màu xanh dương, trắng, vàng.
– Dòng RREA Red Lace: cá mái bị nhiễm màu xanh dương hoặc màu bạc.
– Dòng RREA Blue Grass: cá bị nhiễm màu đỏ.
– Dòng RREA Red Grass: cá bị nhiễm vàng, một số trường hợp cá biệt hoàn toàn bị chuyển đổi tính trạng đuôi Yellow Grass nhưng hoa văn trên thân vẫn mang màu đỏ và có dấu hiệu chuyển đổi thành dạng da rắn.
– Dòng RREA Blue Topaz: cá bị nhiễm màu xanh lục, đỏ, trắng, vàng.
– Dòng RREA Yellow Leopard: cá bị nhiễm đỏ.
– Dòng RREA White Tuxedo: cá bị nhiễm vàng.
– Dòng Blue Grass mắt đen: cá bị nhiễm đỏ, nhiễm vàng hoặc đen.
– Dòng Blue Green Moscow mắt đen: cá bị nhiễm đen.
– Dòng Tuxedo White mắt đen: cá bị nhiễm xanh hoặc vàng.
– Dòng Chili Endler mắt đen: cá bị nhiễm màu bạc hoặc tím, xanh dương.
– Dòng Blue Japanese Endler mắt đen: cá bị nhiễm màu bạc hoặc xanh lục, vàng,
– Các dòng cá mắt đen: thoái hóa có thể sinh sản ra cá con có tính trạng bạch tạng, một số cá con có tính trạng mắt đỏ.
- Tính trạng di truyền không mong đợi về hoa văn:
– Dòng Grass: chấm bi thoái hóa trở nên to, khoảng cách giữa các chấm bi lớn. Phần cuống đuôi của cá bị mất chấm bi và đổi sang màu xanh lục. Thân cá bị nhiễm màu platinum ở cuống đuôi và chấm bi không đều trên thân. Thoái hóa nhiều đời có thể dẫn đến việc hoa văn chấm bi bị biến đổi thành hoa văn Mosaic dạng vòng. Một số trường hợp bi grass bị biến mất trở thành dạng solid màu (một màu) hoặc bị mất màu hoàn toàn(không màu). Cá biệt trên cuống đuôi cá xuất hiện hoa văn da rắn loại lớn và thiếu đồng nhất.
– Dòng da rắn: hoa văn trên đuôi cá có thể bị mất đi, thay vào đó đuôi cá có màu solid (toàn bộ đuôi vây bị mất hoa văn mà chỉ có màu), hoa văn trên thân cá to và kém nhuyền, không dày, có trường hợp cá hoàn toàn bị mất hoa văn.
- Tính trạng di truyền không mong đợi về kiểu hình:
– Ribbon: Cá đực ribbon khó ép mái, cá mái ribbon khó mang trứng hơn so với thông thường. Tính trạng Ribbon truyền cho đời sau giảm dần qua các đời.
– Swallow: Cá swallow có tỉ lệ di truyền tính trạng thiếu ổn định hơn tính trạng ribbon, giảm dần đối với cá đời con cháu.
– HTD: tính trạng vây lựng. Cá cha mẹ có tính trạng này có thể sinh ra cá con có các tính trạng HTD hoặc HD hoặc không có tính trạng này.
– Vây lưng, vây bụng: Trải qua các đời độ xòe rộng và mức độ to của bản đuôi ngày càng thu hẹp so với đời cá giống.
– Đuôi kiếm: Tình trạng đuôi kiếm sẽ bị di truyền thành các dạng song kiếm, đơn kiếm trên hoặc dưới, không có sự nhất quán và đảm bảo về độ ổn định của độ dài kiếm, một số bị mất tính trạng đuôi kiếm.
– Thân người: thân người cá qua nhiều đời sẽ bị kéo dài và mỏng, đặc trưng nhất là cuống đuôi dài bất thường.
- Tính trạng di truyền không mong đợi về mặt giới tính:
– Tình trạng cá thuộc giới tính thứ 3, thường được xác định là vô sinh: Cá có thân hình lớn bất thường, màu sắc hoa văn như cá trống nhưng lại có kích cỡ và phom người như cá mái. Cần chú ý phân biệt đối với 1 số cá thể mái đặc biệt cũng có màu sắc hoa văn như cá trống nhưng vẫn có khả năng sinh sản(nhưng cá thể này rất ít).
Khi một dòng cá mới được giới thiệu, nếu bạn cảm thấy muốn tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của chúng thì bạn có thể dễ dàng sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh trên mạng bằng cách sử dụng tên gọi của chúng. Thông thường thì những dòng cá có xuất xứ nước ngoài luôn có hình ảnh đi kèm dễ dàng được tìm thấy. Nếu bạn không tìm thấy hình ảnh của chúng trên mạng thì có khả năng rất cao đó là một dòng cá được lai tạo tại Việt Nam, hoặc chỉ là một loại cá đột biến hay thoái hóa gene trong quá trình nuôi được trải qua các thời kỳ chắt lọc và lựa chọn tại Việt Nam.
Dù dòng cá đó có xuất xứ như thế nào, bạn hãy đánh giá chúng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về sức khỏe, vẻ đẹp thẩm mỹ và mức độ thuần chủng trong sinh sản chứ đừng nên dựa vào nguồn gốc hay độ hot của nó. Đó là quan điểm của tôi. 🙂
Hi vọng đây sẽ là một bài viết có ích cho cộng đồng chơi cá 7 màu 🙂