(Last Updated On: 22/01/2022 By Lytuong.net)
Cửa sổ Johari không phải là một mô hình giao tiếp. Thực ra, đây là một kỹ thuật được Joseph Luft và Harrington Ingham sáng tạo năm 1955 ở Mỹ để giúp chúng ta tìm hiểu tốt hơn về mối quan hệ giữa bản thân chúng ta với người khác trong quá trình giao tiếp.
Việc xây dựng cửa sổ xuất phát từ quan điểm, trong mỗi con người chúng ta đều có hai phần: phần chúng ta biết (+) và phần chúng ta không biết (-). Điều này đúng cho cả chúng ta (a) và đối tác giao tiếp của chúng ta (b). Khi hai người giao tiếp với nhau, các vùng biết và không biết này giao với nhau (c) (xem hình 1) và tạo thành những cửa sổ (hình dung theo kiểu không gian ba chiều như hình 2).
Mối quan hệ này được diễn tả thành sơ đồ như hình 3. Các ô tâm lý trong quá trình tương tác với người khác có ý nghĩa như sau:
Ô thứ nhất: Phần công khai (ô “Mở”). Phần này bao gồm các dữ kiện mà bản thân và người khác đều dễ dàng nhận biết về nhau khi tiếp cận lần đầu tiên như màu tóc, vóc dáng, ăn mặc, giới tính … Đối với những lần tiếp cận về sau, phần này gồm những thông tin mà ta và đối tác giao tiếp đã biết về nhau qua những lần tiếp xúc trước đó. Nói gọn lại, đó là ô ta biết về ta và người khác cũng biết về ta.
Ô thứ hai: Phần mù (ô “Mù”). Phần này bao gồm các dữ kiện mà người khác biết về mình, nhưng chính bản thân mình lại không nhận biết ví dụ như những thói quen (nói nhanh, nói nhiều…), cố tật (nhìn lên trên hoặc nhìn xuống khi giao tiếp..), tính khí bất thường…Chúng ta chỉ có thể phát hiện được những dữ kiện này về mình khi được người khác phản hồi cho chúng ta biết và chúng ta chỉ nhận được những thông tin phản hồi này trong giao tiếp và nhất là khi có tương tác trong quá trình sinh họat trong nhóm nhỏ. Đây là ô ta không biết về ta, nhưng người khác lại biết về
Ô thứ ba: Phần che giấu (ô “Ẩn”). Đó là các dữ kiện mà bản thân biết rõ nhưng còn che giấu chưa muốn bộc lộ cho ai biết và tất nhiên người khác không biết được như kinh nghiệm cá nhân, quan điểm, niềm tin, giá trị, tâm sự riêng tư…Những vấn đề này chỉ được bộc lộ dần cho người khác biết khi mối quan hệ giữa chúng ta và người khác đã có những cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Đây là ô ta biết về ta và người khác không biết về
Ô thứ tư: Phần không biết (ô “Đóng”) Phần không biết bao gồm các dữ kiện mà cả chính bản thân và người khác không biết đến và chỉ được khám phá khi bản thân có cơ hội giao tiếp nhiều (nhất là ở nhóm nhỏ) và có cơ hội bộc lộ khả năng của mình như năng lực, tiềm năng, năng khiếu, sự sáng tạo khi ta sống trong một môi trường tạo cho ta nhiều cơ hội và điều kiện để phát huy. Đây là ô ta không biết về ta và người khác cũng không biết về ta.
Theo Sigmund Freud, phần này thuộc về tiềm thức hay vô thức và được khám phá nhanh hay chậm tùy thuộc vào môi trường sinh hoạt (nhóm, nơi học tập, nơi làm việc) có tạo điều kiện nhiều hay ít cho chúng ta hội nhập.
Thông tin phản hồi
Thông tin phản hồi là xu hướng mà người khác sẵn sàng chia sẻ thông tin với ta. Đó là thiện ý cởi mở của họ đối với ta. Trong giao tiếp, nếu ta thường cắt ngang và lấn át ý kiến phản hồi của người khác bằng cách tranh luận về tình cảm và khả năng lĩnh hội của họ thì ta không nhận được thông tin phản hồi. Theo nhà tâm lý học Haim Ginott (Haim G. Ginott, người gốc Đức (1922–1973), giáo viên, nhà tâm lý học trẻ em, nhà tâm lý học trị liệu và một nhà giáo dục các bậc cha mẹ), mọi người phải được phép có bất cứ tình cảm gì họ muốn, tình cảm phải được thể hiện và thừa nhận, chỉ có hành vi mới được giới hạn.
Nếu không có thông tin phản hồi từ người khác, phần MÙ trở nên lớn hơn và cuối cùng sẽ hủy hoại giao tiếp hiệu quả của ta. Do đó cần tôn trọng, khuyến khích người khác chia sẻ cảm tưởng và nhận thức với mình.
Tự bộc lộ
Tự bộc lộ là xu hướng của ta mong muốn chia sẻ với người khác. Bộc lộ trước hết không phải là cái ta nói về bản thân ta mà là về hành vi của ta. Bộc lộ chỉ thích hợp khi nó có liên quan đến hoạt động của ta vì nếu cái gì cũng bộc lộ thì không còn gì hứng thú trong giao tiếp. Bộc lộ có thể thích hợp trong một môi trường này, nhưng lại không thích hợp trong một môi trường khác.