Bạn hay quên điện thoại, luôn hốt hoảng tìm chìa khóa nhà, không thể nhớ tên của vài người quen cũ và được mọi người gọi là “não cá vàng” thì hãy đọc ngay 8 bí quyết rèn luyện trí nhớ sau đây của Prudential để cải thiện và phát huy hết khả năng của não bộ nhé.
1. Rèn luyện nếp sống trật tự, ngăn nắp
Trí nhớ tốt giúp cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn nhưng nếu áp lực công việc, năng lực hoạt động của não suy giảm dẫn đến tình trạng quên trước, quên sau thì hãy bạn chủ động rèn luyện nếp sống có trật tự, ngăn nắp từ những điều cơ bản nhất.
Bắt đầu từ thời gian biểu và kế hoạch làm việc mỗi ngày để tránh quên mất một cuộc hẹn quan trọng hay trễ hạn nộp báo cáo, kể cả việc thức dậy đúng giờ, ăn đúng bữa luôn nhé! Đừng quên sắp xếp đồ đạc trong nhà, phòng làm việc, túi xách một cách ngăn nắp và dễ tìm. Những thói quen tưởng như quá nghiêm chỉnh và gò bó này sẽ giúp bạn không phát điên lên vì… để chìa khóa xe trong cốp xe rồi đóng cốp xe lại! Hãy để dành “dung lượng” bộ nhớ cho những việc quan trọng và ý nghĩa hơn.
2. Ghi chép công việc hàng ngày
Hãy sử dụng giấy ghi nhớ hay sổ tay để ghi chép thông tin từ những cuộc họp bạn đã tham gia, hoặc danh sách những công việc bạn cần làm theo thứ tự ưu tiên. Việc này giúp giảm gánh nặng cho các tế bào thần kinh khi không phải học thuộc lòng quá nhiều thông tin cùng một lúc.
Ngoài ra, khi chúng ta tìm hiểu một sự vật hoặc sự việc nào đó, trí nhớ ban đầu sẽ được lưu trữ trong não bộ tạm thời và có thể dễ dàng bị lãng quên. Nhưng khi bạn viết thông tin xuống giấy, bạn sẽ củng cố vị trí của thông tin ấy trong trí não của mình.
3. Không làm nhiều việc cùng một lúc (multi-task)
Trừ khi bạn có khả năng làm nhiều việc cùng lúc với sự tập trung cao độ thì khi bạn phải hoàn thành nhiều thứ trong cùng một thời điểm sẽ khiến não bị rối, hiệu suất công việc giảm đi rõ rệt. Bạn chỉ nên nạp vào bộ não của mình một lượng thông tin vừa đủ thì mới có thể nghiền ngẫm, từ đó xây dựng kết nối giữa các tế bào thần kinh để tiến hành quá trình xử lý thông tin và cho ra một kết quả tốt nhất.
Thay vì vừa làm báo cáo cho sếp, vừa đọc báo và kiểm tra email thì hãy tập trung chọn một việc quan trọng nhất và hoàn thành trước tiên.
4. Dành thời gian ngồi thiền mỗi ngày
Mỗi ngày, bạn hãy cố gắng ngồi thiền 10 phút, có thể là vào sáng sớm hay buổi tối trước khi đi ngủ để trò chuyện với nội tâm của mình. Nếu bạn chưa sẵn sàng ngồi thiền thì hãy dành vài phút mỗi ngày tĩnh lặng, tập trung hít thở từ đó học được cách tập trung suy nghĩ và loại bỏ những cảm xúc bồn chồn, khó chịu. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng quá trình ngồi thiền sẽ giúp máu đi vào khu vực não bộ có nhiệm vụ tập trung và nhận thức; từ đó kích thích, đẩy nhanh sự hoạt động của các tế bào thần kinh, tăng cường trí nhớ.
5. Thường xuyên vận động hay tập thể dục nhẹ nhàng
Ngoài giờ tập thể dụng định kỳ, bạn cũng nên thường xuyên tập những bài thể dục nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ chậm trong công viên hoặc các động tác căng cơ toàn thân khi ngồi làm việc quá lâu. Những bài tập nhỏ này có thể giúp bạn xoa dịu trạng thái lo lắng hoặc sự mất tập trung gây rối loạn trí nhớ. Khi bạn vận động tay chân, máu sẽ luân chuyển khắp cơ thể nhanh hơn, đưa đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng lên não để đảm bảo bộ não luôn tỉnh táo và hoạt động ở mức cao nhất.
6. Ngủ đủ giấc
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người ngủ 7-9 giờ/ngày có trí nhớ tốt hơn những người thiếu ngủ hoặc ngủ trễ hơn 11 giờ tối. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Rochester, vào ban đêm não bộ của chúng ta bận rộn chẳng khác gì ban ngày. Khi thức, các tế bào não làm việc vất vả để xử lý các thông tin từ môi trường xung quanh. Đến lúc chúng ta ngủ, trong khi các cơ quan khác nghỉ ngơi thì não vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ để loại bỏ những sản phẩm dư thừa được sinh ra khi thức. Những sản phẩm dư thừa đó chính là các loại độc tố có thể gây ra những căn bệnh rối loạn trí não, như bệnh Alzheimer. Ngoài ra, trong thời gian chúng ta ngủ, não cũng đưa những kỹ năng mới học hoặc lượng thông tin mới thu nạp vào khu lưu trữ trí nhớ dài hạn.
7. Ăn uống khoa học
Não bộ của chúng ta được cấu tạo từ acid amino, protein và vi khoáng. Thế nên việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết bằng thực phẩm sẽ giúp cải thiện chất lượng suy nghĩ, cảm xúc và khả năng ghi nhớ. Chế độ dinh dưỡng lý tưởng cho một trí nhớ tốt cần cân bằng các yếu tố: protein từ thịt, cá, trứng, sữa cung cấp acid amino; các loại hạt và cá cung cấp Omega–3, Omega-6 để tạo thành màng tế bào não. Quan trọng hơn là não dùng đến 20% năng lượng của cơ thể để suy nghĩ và điều khiển hoạt động của cơ thể, vì thế chúng ta luôn cần bổ sung đủ glucose (cơm gạo, mì, bánh mì) cho tinh thần minh mẫn.
Một chút cồn có thể giúp não hưng phấn tạm thời, đặc biệt hữu dụng nếu bạn cần những ý tưởng táo bạo hay làm việc liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật. Tuy nhiên, để não thật sự khoẻ mạnh thì bạn không nên lạm dụng rượu, bia mà nên sử dụng có chừng mực. Một ly rượu vang mỗi ngày được xem là lý tưởng.
8. Uống 1 tách cà phê mỗi ngày
Các nhà khoa học ở Đại học John Hopkins (Mỹ) đã từng nghiên cứu về ảnh hưởng của cà phê lên trí nhớ. Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của những người không thường xuyên ăn hoặc uống chất caffeine. Họ được chia thành hai nhóm: một nhóm tiêu thụ khoảng 200 mg caffeine và một nhóm không, rồi sau đó họ được cho xem các hình ảnh. Ngày hôm sau, cả hai nhóm sẽ được kiểm tra về trí nhớ thông qua các hình ảnh hôm trước. Kết quả cho thấy, nhóm uống caffeine nhận dạng các hình ảnh tốt hơn hẳn so với nhóm còn lại.
Chất caffeine có trong cà phê có thể giúp tăng cường một số ký ức nhất định trong vòng ít nhất một ngày sau khi các ký ức này được hình thành. Nhưng bạn chỉ nên uống khoảng 200 mg caffeine (1 tách cà phê) mỗi ngày và không uống sau 2 giờ chiều nhé! Uống nhiều cà phê quá nhiều sẽ dẫn đến mệt mỏi, mất ngủ đấy!