Theo phong tục dân gian, ngày 23 tháng Chạp là lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Thị trường vàng mã, đồ cúng và cá chép những ngày này tại đang trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương kinh doanh tại Hà Nội cho biết, do tâm lý của người dân đang thay đổi trong cách cúng ngày lễ này, nên lượng bán hàng vàng mã năm nay không tăng, thậm chí còn giảm nhẹ. Thay vào đó, người dân hướng đến việc thả cá phóng sinh nhiều hơn.
Đồ vàng mã hết thời
Khảo sát tại các chợ bán vàng mã trên phố Hàng Mã, chợ 8/3, chợ Mơ (Hà Nội) cho thấy, lượng bày bán hàng không còn nhiều như những năm trước. Chị Nguyễn Thị Bảy, sản xuất và kinh doanh đồ mã tại nhà trên phố Bạch Mai cho hay, năm nay, lượng đặt hàng từ các đầu tiểu thương và người dân không còn được như những năm trước, giảm khoảng 20%.
“Nhiều mối khách quen trước đây từ các tỉnh thành ven Hà Nội cũng thông báo lượng đặt hàng sụt giảm. Chính vì vậy, năm nay, gia đình chuyển hướng thêm sang việc kinh doanh cá chép đỏ phục vụ người dân thả trong ngày lễ ông Công ông Táo”, chị Bảy cho biết.
Vàng mã năm nay hạ nhiệt.
Chị Nguyễn Thu Trang, khách mua đồ lễ tại chợ Mơ – Bạch Mai cho biết, những năm trước, gia đình thường chi từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng cho việc sắm sửa vàng mã, các đồ lễ cúng tiễn. Nhưng năm nay, gia đình đã chuyển lên ở chung cư, vì vậy, gia đình đã quán triệt tuyệt đối không thực hiện đốt vàng mã, tránh nguy cơ cháy nổ.
“Việc hạn chế, dừng hẳn đốt vàng mã là điều nên làm. Bởi không chỉ gây ô nhiễm, lãng phí tiền của, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hơn nữa, việc thờ cúng, tiễn thuộc nhiều ở cái tâm mỗi người. Vì vậy, gia đình hưởng đến việc thả phóng sinh, hay làm các việc thiện thay vì cúng bằng vàng mã”, chị Trang nói.
Tại chung cư 536 Minh Khai, bà Nguyễn Thị Quế cho biết, năm nay, gia đình chỉ mua ba bộ quần áo, mũ ông Công, ông Táo, chứ không mua nhiều đồ như năm ngoái, gồm tiền vàng, thỏi vàng thần tài, hình cá chép để hóa nữa. Không chỉ ở chung cư, mà ngay cả các hộ sinh sống phía dưới mặt đất cũng đã có sự thay đổi nhiều trong cách cúng tiễn.
Trên phố Hàng Mã – vốn được mệnh danh là “đất vàng mã” của Hà Thành với cả trăm hộ kinh doanh, nhiều hộ cho biết, lượng hàng bán ra cũng không được như nhiều năm trước, giảm khoảng 25-30%. Nhiều hộ kinh doanh chỉ dám nhập về lượng hàng bằng 40-50% năm trước để “túc tắc” bán.
Bà Thu, một hộ kinh doanh vàng mã tại phố Hàng Mã cho biết, những năm trước, người dân chuộng đốt vàng mã nên các sản phẩm vàng mã bán rất tốt. “Chúng tôi nhập về nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú như hình ông Công ông Táo; những bộ quần áo, hia, mũ được đính hoa, đá tỉ mỉ; hình cá chép vàng được thiết kế cầu kì với đủ kích thước… Nhưng năm nay, gia đình chỉ nhập về một vài loại cơ bản để bán trong dịp ông Công ông Táo và Tết Nguyên đán, với giá chỉ từ 150.000 – 250.000 đồng/bộ.
Cá chép phóng sinh đắt hàng
Trái ngược với vàng mã, thị trường cá chép đỏ để phóng sinh trong ngày ông Công ông Táo khá sôi động. Theo tín ngưỡng dân gian, phương tiện của ông Công, ông Táo lên chầu trời là những con cá chép được phóng sinh sau lễ cúng tại mỗi gia đình. Nhằm phục vụ nhu cầu mua cá chép đỏ, nhiều cơ sở kinh doanh cá giống trên địa bàn tỉnh đã chủ động nhập cá hương về ương nuôi, đợi dịp giáp ngày lễ thì bán sỉ cho các tiểu thương về bán lẻ tại các chợ.
Cá chép “lên ngôi” dịp lễ tiễn ông Công, ông Táo.
Ngay từ trước ngày Âm lịch, nhiều hộ kinh doanh tại các chợ dân sinh tại Hà Nội đã nhập cá chép với đủ loại kích cỡ về bán. Anh Phạm Thanh, kinh doanh cá chép tại chợ 8/3 Hà Nội cho hay, đến thời điểm hiện nay, sức mua cá chép của người dân đã tăng mạnh so với 2-3 ngày trước, tăng khoảng 60-70%. Dù giá cả năm nay không biến động nhiều, nhưng sức mua là rất tích cực.
“Giá cá chép đỏ và cá vàng loại nhỏ được bán với giá khoảng 25.000 đồng/3 con. Loại vừa có nhiều loại: giá 15.000 đồng – 20.000 đồng/con, 50.000 đồng/3 con và loại to nhất giá 50.000 đồng/con. Nếu bán hết khoảng 1 tạ cá dịp này, gia đình tôi cũng thu lời lên đến 20 triệu đồng”, anh Thanh nói.
Ngoài đồ vàng mã, cá chép thì mâm cỗ cúng Tết ông Công, ông Táo cũng được nhiều gia đình coi trọng, do vậy, các mặt hàng như gà, xôi, thịt lợn, các loại hoa cũng khá đắt hàng.
Hiện các mặt hàng hoa tại các chợ được bày bán nhiều và sôi động nhất. Giá hoa từng loại cũng đã tăng nhẹ so với ngày thường, nhưng lượng mua được đánh giá là khá tốt. Giá hoa hồng ở mức 10.000 – 15.000 đồng/cành, đắt hơn ngày thường 5.000 đồng/cành; hoa cúc 8.000 – 10.000 đồng/bông, cúc nhỏ từ 25.000-30.000 đồng/bó, tăng 3.000 – 7.000 đồng so với ngày thường; chuối xanh có giá 30.000 – 40.000 đồng/nải, xôi lễ 40.000 đồng/đĩa.
Giá gà tại chợ đang có mức tăng mạnh nhất tăng 30.000 – 40.000 đồng/kg. Gà lông có giá 150.000 đồng/kg, gà làm sạch giá 180.000 đến 190.000 đồng/kg… Mặc dù giá có tăng nhẹ, nhưng gà và hoa vẫn được tiêu thụ tốt. Chị Hằng, tiểu thương bán gà tại chợ Mơ cho hay, giá gà năm nay tăng theo giá thịt lợn, ngoài ra, năm nay lượng gà đẹp phục vụ mâm cúng ít, trong khi sức mua lớn.
Chỉ trong sáng 22 tháng Chạp, chị Hằng đã bán được cả chục con gà lông, còn lại lượng khách đặt gà làm sạch đến mai lấy thì cũng đã lên đến gần 20 con. Dự kiến, dịp lễ ông Công, ông Táo này, gia đình chị bán được 70-80 con, thu lãi tiền triệu mỗi ngày./.
Lễ cúng ông Công, ông Táo cần được quan tâm phát huy nét đẹp văn hóa
VOV.VN – Lễ cúng ông Công, ông Táo đến nay vẫn chưa được các địa phương và ngành chức năng quan tâm phát huy những nét đẹp vốn có.
Đốt vàng mã không phải cách duy nhất để thể hiện hiếu đạo
VOV.VN -Không thể phủ nhận sức hút của “vàng mã” trong đời sống tâm linh của người Việt nhưng đốt vàng mã như thế nào là đủ thì cần có sự tuyên truyền rộng rãi.