Thỏa thuận xong, vợ và con rể của đại gia này vác một ba lô to tướng chứa đầy tiền vào nhà, trả hết luôn 1,5 tỷ đồng.
Săn được con cá thủ vàng buổi trưa, nhưng 9 giờ tối, thủy triều mới lên, tàu mới vượt qua những rặng sú vẹt mênh mông ven bờ cảng Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình) được, nên Bùi Đình Thắng và đám thủy thủ cứ kéo con cá chạy nhong nhong ngoài biển.
Khi thủy triều dâng mấp mé chân đê, con tàu chứa chú cá bạc tỉ cập bến. Trên đê, hàng trăm người, gồm cả làng Tân Sơn, đã đứng ngồi lố nhố đón sẵn từ chập tối để được tận mắt loài cá mà nhiều năm nay không ai trông thấy nữa.
Khi tàu vừa tiến vào đê, mẹ Thắng chạy ra đưa cho một sấp tiền bảo quay tàu ra ngoài biển, khi nào gọi mới được vào bờ. Hóa ra, mẹ Thắng còn chưa thực hiện xong lễ cúng bái.
Con cá thủ vàng mà Bùi Đình Thắng bắt được
Theo phong tục của ngư dân vùng biển, mỗi khi đánh bắt được con cá lạ, hoặc cá quý, sẽ phải tổ chức cúng bái rất cầu kỳ. Cuộc cúng bái của mẹ Thắng kéo dài từ chập tối đến 9 giờ đêm mà vẫn chưa xong, nên chưa được phép mang “lộc biển” lên bờ.
Ngoài biển, Thắng cũng thắp nhang trên mạn tàu, rồi cùng anh em hướng ra biển quỳ lạy cám ơn… Hà Bá. Nội dung cúng bái đại để: “Chúng con vừa bắt được một con cá quý của Hà Bá. Chúng con thắp hương khấn vái, đội ơn Hà Bá cho được hưởng lộc lớn này…”.
Khấn vái thành kính xong, ném hết lộc xuống biển. Cả cọc tiền, toàn tiền thật, mệnh giá to, năm chục, một trăm ngàn đồng, cũng được anh em chia nhau rải xuống biển như bươm bướm. Người miền biển là vậy, lấy được từ biển cái gì, họ đều biết ơn và lại quả chu đáo.
Ngồi ngoài biển chờ đến 11h đêm thì có điện thoại thông báo lễ cúng trong bờ đã xong, yêu cầu cho tàu cập bến.
Ông Thành đã bán con cá với giá 1,5 tỷ đồng
Phải 4 trai tráng mới khiêng nổi con cá lên bờ. Nhìn con cá, với những cái vẩy mép trên vàng chóe, mép dưới đỏ tía óng ánh, những người đi biển nhiều kinh nghiệm đều biết chắc chắn nó là cá thủ vàng. Hơn nữa, đây là con thủ vàng đực, nên lại càng giá trị. Bởi vì, cá thủ vàng cái thường phải mang cái bụng trứng rất to, nên bong bóng nhỏ, thịt ít hơn thủ vàng đực. Đặt con cá lên bàn cân, thấy nó nặng đúng 70kg.
Ngay khi con cá thủ vàng được khiêng lên bờ, thì một đại gia cưỡi chiếc Camry đen láng coóng đỗ xịch trên đê, ngay trước nhà Thắng.
Chả là, khi Thắng gọi điện thông báo bắt được cá thủ vàng, gia đình đã gọi điện lung tung khắp nơi để khảo giá, tìm người mua. Bố và cậu ruột của Thắng đã điện thoại cho mấy đại gia ở Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai… chuyên thu mua cá thủ vàng để họ về trả giá.
Tuy nhiên, người có mặt đầu tiên lại là ông Tuấn, người Tiền Hải (Thái Bình) một đại gia chuyên thu mua cá thủ vàng bắt được ở hai tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Bùi Đình Thắng – anh chàng may mắn trúng ‘lộc giời’
Theo lời đồn, vợ chồng đại gia này không làm gì ngoài việc thu mua cá thủ vàng. Mạng lưới thông tin của ông ta gắn khắp nơi, chỉ cần ai tóm được cá thủ vàng, lập tức “thám tử” thông báo và ông ta có mặt ngay. Khi ông ta có mặt, kiểu gì ông ta cũng mua được. Nhiều khi, cả năm trời ông ta không mua được con nào, song vợ chồng vẫn sống xa hoa giàu có.
Vừa có mặt, liếc qua con cá, ông Tuấn đã gọi ông Thành, bố đẻ Thắng vào phòng riêng để trả giá. Vị đại gia này bảo: “Phải khẳng định đây là con cá rất quý, cực kỳ đắt tiền. Gia đình anh chị phúc đức lắm mới có được lộc này đấy. Tuy nhiên, quý thế nào thì nó cũng có giá chung, anh cứ phát biểu thẳng, nếu thấy hợp lý, tôi sẽ mua”.
Ông Thành kéo vợ vào phòng riêng bàn bạc: “Cách đây chục năm, có người bắt được một con, bán hơn trăm triệu, thôi thì tiền mất giá, mà giống cá này ngày càng hiếm, nên ta cứ đòi vống lên 1,4 tỉ, nếu ông ta trả xuống còn 1 tỉ thì hợp lý”.
Nghe đến số tiền ấy, vợ ông Thành choáng váng, nó bằng cả một tòa nhà lớn ngoài thị trấn Diêm Điền. Có số tiền ấy, mua ngôi nhà ở trung tâm thị trấn, rồi làm ăn, đời sau không phải lênh đênh biển cả nữa.
Ông Thành vào gặp vị đại gia kia phát giá 1,4 tỉ đồng. Không ngờ, sau khi nhấp xong ngụm trà, vị đại gia này bảo: “Anh gọi vợ vào đếm tiền đi”.
Cửa Ba Lạt – nơi Thắng bắt được cá thủ vàng
Ông Thành như chết đứng, lập cập chạy ra thông báo với vợ. Bà vợ cũng như đứng tim. Sợ hớ, nên vợ ông Thành vào gặp đại gia kia bảo không đồng ý bán nữa, vì giá đó rẻ quá, phải 1,6 tỉ đồng.
Đại gia tên Tuấn bảo: “Cái thứ này là lộc giời lộc biển cho, không nên mặc cả nhiều, nếu cứ mặc cả, sẽ mất hết lộc. Thôi thế này, anh đòi 1,4 tỉ, chị đòi 1,6 tỉ, tôi cắt đôi thành 1,5 tỉ đồng”.
Nghe thấy hai chữ “mất lộc”, vả lại, số tiền 1,5 tỉ cho con cá là quá lớn rồi, lộc to lắm rồi, nên vợ ông Thành đồng ý bán.
Thỏa thuận xong, vợ và con rể của đại gia này vác một ba lô to tướng chứa đầy tiền vào nhà, trả hết luôn 1,5 tỷ đồng.
Bán xong con cá, được 1,5 tỷ, Thắng chia cho 5 người làm thuê, mỗi người 75 triệu đồng. Với những ngư dân làm thuê trên tàu, số tiền ấy bằng mấy năm vất vả sóng gió.
Khi đại gia Tuấn và những người hộ tống vừa đi khuất, điện thoại của các đầu nậu buôn cá thủ vàng liên tục gọi đến. Sau khi nghe mô tả cân nặng, chiều dài của con cá, một đại gia ở Hải Phòng bảo, giá trị của nó phải 3 tỉ đồng. Còn đại gia ở Hà Nội thì bảo sẽ trả 3,5 tỉ đồng!
Khi đó, Thắng vẫn nói với đại gia ở Hà Nội là chưa bán con cá. Đại gia kia bảo, sớm mai sẽ có mặt tại Thái Thụy để trả tiền và lấy cá luôn.
Thấy có thể kiếm thêm được ối tiền, tờ mờ hôm sau, hai cậu cháu Bùi Đình Thắng phóng xe máy sang Tiền Hải tìm gặp đại gia Tuấn. Hai cậu cháu nói khó với đại gia Tuấn để đại gia này bán lại cho con cá với giá 3 tỉ đồng, những mong đưa được cá về, bán cho đại gia ở Hà Nội để kiếm lời 500 triệu đồng. Tuy nhiên, đại gia Tuấn bảo: “Ngay đêm đó, vợ chồng tớ đã chở thẳng con cá lên TP. Thái Bình. Tại TP. Thái Bình, đã có xe lạnh chờ sẵn chở thẳng lên Nội Bài. Người ta chuyển nó lên máy bay sang Nhật Bản, Hồng Kông hay Trung Quốc thì tớ chịu. Tớ chỉ là đầu mối cung cấp, kiếm ít lợi nhuận thôi”.
Chàng thanh niên Bùi Đình Thắng gặng hỏi vị đại gia kia rằng, đã bán được con cá bao nhiêu tiền, song vị đại gia này không nói rõ, chỉ nói rằng, dù con cá còn để ở nhà, số tiền 3 tỉ cũng không thể mua lại được!
Đại gia Tuấn cũng tâm sự với Thắng rằng, dù buôn bán thủ vàng bao nhiêu năm nay, song cũng chẳng hiểu biết gì mấy về nó, và cũng chưa được ăn bao giờ. Ông ta chỉ nghe người Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc nói ăn bong bóng cá chữa được ung thư nên nó mới đắt thế (?!).
Vì loài cá quá quý hiếm nên mọi thứ trên mình nó đều cực đắt. Riêng vẩy cá cũng có giá tới 300 triệu đồng/kg ở thị trường Việt Nam, còn sang thị trường các nước kia, giá lên đến cả tỉ bạc.
Ở Nhật, vẩy cá thủ vàng thường được làm đồ trang sức đắt tiền, những nghệ sĩ ghita cũng thường dùng vẩy thủ vàng để chơi đàn. Con cá thủ vàng 70kg do Thắng đánh bắt được, sẽ có giá như thế nào ở thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, chỉ có trời mới biết, vì nó vô cùng lắm, không thể tính được.
Theo Guinness Việt Nam thế kỷ XX: Con cá thủ vàng đắt nhất do ông Nguyễn Võ Thanh (Nghệ An) đánh bắt được và bán với giá 160 triệu đồng (1998). Con cá nặng 78kg, có thân dài gần 2m, được mệnh danh là đại đặc sản trên thị trường quốc tế với giá 22,5 triệu đồng/1kg. Ðặc biệt, bong bóng cá còn được dùng làm chỉ tự tiêu trong phẫu thuật.
Ðến năm sau, cũng trên đoạn hạ lưu sông Lam ở xã Phú Thọ, Nghệ An, vợ chồng anh Nguyễn Huy Phúc lại đánh bắt được con cá thủ vàng khác cân nặng 45kg bán được trên 100 triệu đồng. (Kỷ lục trên chỉ tính từ năm 2000 trở về trước, sau đó không thấy ghi thêm con cá nào khác, mặc dù nhiều con cá bạc tỷ được bắt lên khỏi các cửa sông.
(Theo VTC News)