Chủ đề 15: Tạm biệt NẤM
Trong các bệnh về nấm tác động đến cá nước ngọt thì nấm thân là phổ biến nhất. Đây cũng là một trong các loại bệnh ở cá nhiệt đới mà những người nuôi cá hay gặp phải. Như chúng ta sẽ thấy sau đây, loại bệnh này không đáng ngại lắm vì thường nó rất dễ phòng tránh.
Tác nhân chính gây ra căn bệnh này là các loại nấm thuộc họ Saprolegiaceae, đây là các thành viên phổ biến của nòi Saprolegnia (Mốc nước) và họ hàng gần của nó – nòi Achyla. Nói chính xác hơn, hai chủng thường được tìm thấy ở cá nhiệt đới là Saprolegia parasitica và S. declina; vì lẽ đó, bệnh này đôi khi được biết đến với tên gọi saprolegniosis.
Nấm có điều kiện phát triển sẽ hình thành một khối hình sợi mảnh, hay sợi nấm, rồi sau đó phát triển để hình thành các mảng nấm (mycelium). Một số các sợi nấm phát triển sâu như rễ vào bên trong khối vật chất hữu cơ mà chúng tấn công. Số khác lại phát triển hướng ra bên ngoài, tạo nên sự phát triển các xơ như ta thường thấy ở bệnh này. Cuối cùng là tạo thành các túi bào tử dạng chùy chứa bào tử nấm ở các đầu sợi. Khi các túi bào tử này chín, chúng sẽ vỡ ra và giải phóng vô số bào tử nấm vào nước.
Nấm thân có hình dạng đặc trưng và không thể lẫn với các bệnh khác. Cá bị nhiễm nấm sẽ có một hay nhiều các đốm bông phát triển lớn dần nhìn giống như sợi len cotton hay khuôn bánh mì trên cơ thể hay vây cá. Chúng thường có màu trắng nhưng các vụn nhỏ hay tế bào tảo huyền phù có thể bị giữ lại trong các sợi nấm và hình thành màu nâu xanh hay xanh lá cho các khối nấm. Chỉ duy nhất có một bệnh khác gần giống với nó là thương tổn màu trắng ở vùng miệng và thân bị mục do loại vi khuẩn Flexibacter. Sự nhầm lẫn là do cái tên “Nấm miệng” thường gọi cho căn bệnh do vi khuẩn này gây ra.
1. Là các cư dân vô hại lúc bình thường
Ở điều kiện bình thường, nấm Saprolegnia là những cư dân vô hại trong các bể cá nước ngọt, chúng tấn công các khối vật chất hữu cơ chết và đang phân hủy . Các bào tử của chúng có thể được tìm thấy ở mọi bể cá, nơi mà chúng trôi theo dòng nước cho đến khi vô tình bám lên vật chất phù hợp cho chúng nảy mầm và phát triển. Thức ăn thừa của cá hay cá chết là mục tiêu thông thường của chúng, và cả trứng cá không được thụ tinh nữa.
Chúng ta thường thấy chúng phát triển trên cá mà ít khi biết rằng,
sự phát triển của chúng là dấu hiệu của một bể cá ít được làm vệ sinh.
Saprolegnia (mốc nước) phát triển trên các khối vật chất hữu cơ chết và đang phân hủy chứ không làm tổn thương những chú cá nhiệt đới khỏe mạnh với lớp chất nhờn bao phủ, tuy vậy chúng sẽ tấn công cơ hội lên những vùng tổn thương của cá. Những vết thương này có thể là kết quả của các em cá hung tợn khác, bắt cá bằng lưới khô cứng hay bằng tay, hay những vùng bị tổn thương bởi các bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng bên ngoài gây ra.
Những tổn thương do ammoniac gây ra cho da cá, mang và vây thường thấy ở các bể mới set-up với hệ thống lọc vi sinh chưa hoàn thiện, trong một bể cá quá đông cũng như khi vận chuyển quá nhiều cá trong một bọc. Tất cả những yếu tố đó đều làm cá stress và làm giảm hệ thống miễn dịch của nó.
Ngay khi nấm có cơ hội gắn vào cá, nó sẽ nhanh chóng lan rộng ra các vùng khỏe mạnh khác. Thường thì cuộc xâm lăng chỉ tấn công ở vùng bề mặt cơ và lớp mang, nhưng tổn thương này kéo theo việc mất rất nhiều dịch lỏng và chất điện phân. Người ta cũng cho rằng chúng tiết ra các chất hóa học độc hại và cuối cùng làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Cá không được chữa trị sẽ chết trong vài ngày vì sự hoại tử các cơ và mất dịch lỏng, hay chết ngạt nếu mang cá bị tấn công.
2. Cách chữa trị
Khi nhận thấy nấm bùng phát trong bể, bạn phải tìm mọi cách loại bỏ nguyên nhân tiềm tàng phía sau. Có nghĩa là bạn phải loại được nguồn gốc thật sự gây tổn thương cho cá, điều này sẽ đòi hỏi chút thời gian điều tra cũng như loại bỏ các con cá hung tợn hay đá sắc nhọn, kiểm tra pH và các thành phần khác của nước có trong ngưỡng cho phép không, phải đảm bảo rằng bể cá của bạn không quá đông và tiêu diệt vi khuẩn hay ký sinh trùng lây nhiễm gây ra vết thương trên da và vây. Có thể bạn cũng cần luyện lại cách vớt cá cho đúng.
Theo kinh nghiệm của tôi, các loại sán ở thân và mang cá thuộc chủng Dactylogyrus và Gyrodactylus là nguyên nhân chính kéo theo sự nhiễm nấm thân. Những loại sán này chỉ có thể quan sát dưới kính hiển vi công suất thấp nhưng lại gây ra những tổn thương rộng và khó quan sát thấy ở mang và phần cơ của cá bị kí sinh nặng. Cá vàng và cá dĩa thường rất dễ trở thành nạn nhân cho loại sán này.
Vấn đề khó khăn đối với sán ở đây là nhiều loại có thể kháng lại dylox (cũng được biết đến với tên gọi masotin hay trichlorofon), là thành phần chính thường tìm thấy trong các loại thuốc trị sán. Có lẽ các bạn nên tìm thử loại thuốc praziquantel, cũng có tên khác là droncit hay Prazipro, để trị sán.
Việc cố gắng tiêu diệt toàn bộ bào tử nấm trong một bể cá không những không cần thiết mà còn bất khả thi.
Chúng không những kháng được thuốc mà còn hiện diện khắp nơi trong không khí và nước.
Việc chữa trị ngay khi các dấu hiệu đầu tiên của bệnh xuất hiện là cực kì cần thiết. Bởi vì
nấm thân không phải là bệnh truyền nhiễm
– theo đúng nghĩa đen, do đó ta nên chữa cá bị bệnh ở một bể chứa khác. Cá nhiệt đới nếu có phần cơ thể bị nhiễm nấm lớn thì gần như không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn được.
Có rất nhiều loại thuốc trên thị trường để trị nấm ở cá.
3. Dùng muối
Chúng ta từng được dạy rằng nấm là loài thực vật nhưng thiếu đi chất diệp lục. Bây giờ ta đã biết điều đó là sai và chúng là loài tách biệt khỏi thực vật và động vật. Một thứ mà nấm có chung đặc điểm với những thực vật thật sự là chúng kỵ muối. Đây cũng là lý do mà bệnh nấm thân không được tìm thấy ở bể cá nước mặn. Cho 1 muỗng café muối hột (không chứa iot) vào mỗi gallon (3.8L) nước có thể giúp chữa bệnh hiệu quả. Trên thực tế là
nếu bệnh chỉ mới phát triển, ta chỉ cần cho muối là xong.
Muối cũng có thể được dùng phối hợp với các thuốc trị nấm khác.
Muối còn có một công dụng khác: bằng cách làm giảm sự chênh lệch áp suất thẩm thấu giữa dịch cơ thể cá với môi trường bể, nó cũng làm giảm việc mất dịch lỏng của cơ thể ở những vết thương hở. Muối sẽ diệt các loại thực vật và ốc bể nhưng đó không phải là vấn đề nếu bạn chữa cá bị bệnh ở bể bệnh viện. Hãy nhớ là: Bạn không phải đang cố gắng loại bỏ nấm ra khỏi bể, mà chỉ ra khỏi cá.
Cá vàng có thể dễ dàng chịu được nồng độ muối cao.
4. Nếu nấm cứng đầu hơn
Những trường hợp nấm khó điều trị có thể được chữa thành công bằng thuốc tím. Có rất nhiều loại thuốc tím khác nhau và công thức hóa học có mắt trên thị trường. Sử dụng chúng theo hướng dẫn thật cẩn thận bởi nó là chất oxi hóa cực mạnh – nó có thể gây ra những vết cháy hóa học nghiêm trọng hay có thể chí mạng lên biểu mô ở da và mang cá. Thuốc tím cũng có thể trở thành chất độc dưới điều kiện pH cao, làm tích tụ lượng mangan dioxit ở mang các loại cá nhiệt đới. Không sử dụng nó với chất formalin.
Thuốc tím sẽ làm nước có màu tím than, nó sẽ từ từ nhạt đi, và rất độc hại cho thực vật cũng như bộ lọc vi sinh. Do đó việc chữa trị nên diễn ra trong bể bệnh viện để hạn chế sự tồn tại của các vật chất hữu cơ. Ở một số trường hợp, cũng có thể thử sử dụng dung dịch trị nấm Griseofulvin (fulvinex) với liều 1 viên 500mg fulvinex hòa vào 50L (13.2 gallons) nước.
Một số phương pháp chữa trị khác được khuyên dùng bao gồm sử dụng xanh metylen và các loại hóa chất chứa đồng khác. Nên lưu ý là xanh metylen có thể nhanh chóng phá hủy bộ lọc vi sinh và khiến cho nồng độ ammoniac độc hại tăng cao. Đồng có thể là chất độc nguy hiểm nếu được sử dụng trong nước mềm và cũng tiêu diệt các động vật nhuyễn thể khác. Cả đồng và xanh metylen đều làm chết cây.
Nếu bạn buộc phải dùng các chất chứa đồng trong công thức phân tử, hãy đảm bảo nước của bạn có đặc tính từ vừa đến rất cứng, và nên kiểm tra nồng độ đồng ít nhất 2 lần mỗi ngày. Nếu dùng đồng sunfat, hàm lượng đồng không nên thấp hơn 1 mg/l và cũng không được phép vượt quá 1.5 mg/l; ít hơn nữa nếu trong nước mềm. Sử dụng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. (Lưu ý: Chất kháng sinh thường vô hiệu trong việc chống lại nấm nhưng có thể dùng kèm trong hầu hết các trường hợp khi có hiện diện các bệnh chính hoặc cơ hội do vi khuẩn gây ra.)
5. Các bệnh nấm khác
Tôi sẽ đề cập tiếp 2 bệnh ít phổ biến hơn về nấm thường được nhắc đến trong những cuốn sách về bệnh ở bể cá liên quan đến nấm:
nấm mục mang
(hay branchiomycosis) và ichthyophonosis.
Branchiomycosis
là bệnh cấp tính về nấm ở mang thường gây chết cá. Nấm sẽ tấn công vào biểu mô ở mang, ăn sâu và phát triển bên trong và thậm chí làm nghẽn luôn các mạch máu. Điều này làm các mô ở mang cá bị hoại tử.
Bệnh mục mang thường dễ bị bỏ qua, khó nhận biết ở những giai đoạn đầu của bệnh nhưng may mắn đây không phải là bệnh thường gặp.
Trong khi bệnh nấm thân rất dễ nhận ra ở cá nhiệt đới, muốn quan sát bệnh mục mang ta cần cách ly cá ra khỏi bể và mở kiểm tra nắp mang thường xuyên.
Cũng như bệnh nấm thân, bệnh mục mang dễ ngăn ngừa hơn chữa trị. Tác nhân chính gây ra bệnh thường là do môi trường sống và tất cả các yếu tố tác động đến biểu mô ở vùng mang. Trong tất cả các tác nhân thì hai tác nhân quan trọng nhất gây ra bệnh này là nồng độ chất thải hữu cơ cao và các loại sán ở mang. Tôi thường thận thấy bệnh này bùng phát ở những thùng vận chuyển cá vàng, thường chúng bị nhốt chung cực kì đông. Khi cá đến nơi cần tới thì chất lượng nước đã cực kì tồi tệ – nồng độ ammoniac vượt xa ngưỡng cho phép xa còn pH thì tuột thảm hại.
Những triệu chứng ban đầu rất mơ hồ và không rõ ràng trong môi trường tự nhiên. Cá có thể thở nhanh hơn bình thường và cá có các hành động như muốn phun nhổ hay ho. Chúng thường tỏ ra biếng ăn hay phun thức ăn ra khi đang cố nhai thức ăn. Những triệu chứng này có thể gióng lên hồi chuông báo động cho những người nuôi cá giàu kinh nghiệm, đặc biệt là khi cá mới được nhập về hay bể chứa cá vừa trải qua một giai đoạn chứa nước có các thông số cực kì tồi tệ. Nếu những triệu chứng ban đầu này bị bỏ qua, bệnh có thể lây lan rất nhanh trong mang. Phần mô trong mang bị phá hủy càng nhiều, cá càng thể hiện tình trạng hô hấp khó khăn như đớp không khí trên mặt nước, lờ đờ hay thở dốc. Cá sẽ sớm chết vì ngạt thở.
Nếu bạn nghi ngờ cá bị mục mang, bắt nó bằng vợt và kiểm tra kỹ cả 2 mang.
Nếu nó có branchiomycosis, mang sẽ như có những vùng vết bẩn màu trắng hay đỏ sậm, gây ra bởi sự tụ máu và hoại tử ở các lớp mang.
Chữa trị bệnh branchiomycosis rất khó, và hoàn toàn không đảm bảo sẽ thành công.
Hầu hết các phương pháp dùng để trị nấm thân đều không có tác dụng. Nhiều chuyên gia thậm chí cho rằng trường hợp bệnh nặng thì không thể chữa trị. Nếu phát hiện bệnh sớm, việc chữa trị đôi khi có tác dụng chỉ đơn giản bằng việc tăng chất lượng của nước. Cũng có một số ghi nhận chữa thành công sau khi sử dụng Griseofuvin với liều dùng như khi trị nấm thân.
Khó để chuẩn đoán và chữa trị hơn nữa là vì triệu chứng của nó khá giống bệnh do vi khuẩn nấm gây ra. Việc chuẩn đoán cần sử dụng kính hiển vi đối với những vùng có màu sắc thay đổi (đỏ sậm hay trắng như đã đề cập). Trong hầu hết các trường hợp bệnh nặng về mang, nấm và vi khuẩn có thể cùng tồn tại. Do đó cũng có thể cân nhắc đến việc dùng chất kháng sinh phổ rộng, kèm với Griseofulvin, khi phát hiện cá bị mục mang. Không giống như nấm thân, cả nấm và vi khuẩn gây bệnh ở mang đều có thể lây nhiễm, do đó việc chữa trị nên áp dụng cho toàn bể.
Ichthyophonosis
Không giống như các bệnh đã đề cập, ichthyophonosis diễn ra ở cả cá nước ngọt lẫn nước mặn. Bởi hành vi giật bắn hay lắc mạnh của cá nhiễm bệnh khi đang bơi, ichthyophonosis đôi khi được biết đến qua cái tên bệnh xoay ngang (swinging disease). Nguyên nhân gây bệnh là do loại sinh vật hữu cơ tương tự nấm, loài Ichthyophonis heferi.
Những cuộc tranh cãi về việc liệu Ichthyophonis có thực sự là nấm hay không là đề tài thú vị với các nhà khoa học nhưng chả có ý nghĩa gì với những người nuôi cá. Cho đến gần đây, Ichthyophonosis được biết đến như Ichthyosporidium, và nó đã được liệt kê trong các ấn phẩm trước đây với cái tên này. Cá nhiệt đới bị nhiễm bệnh sẽ hình thành các vết loét da nông và có dạng như hỗn hợp giấy cát, tuy nhiên đích ngắm chính của căn bệnh này là các cơ quan bên trong. Bằng việc mổ tử thi để phân tích, cá bị nhiễm bệnh sẽ có vô số những vết thương dạng u hạt ở các cơ quan nội tạng. Sự kì lạ trong cách bơi ở cá nhiễm bệnh mà ta nhìn thấy là kết quả của những vết thương lên hệ thần kinh trung ương.
Trong quá khứ, đây được cho là một trong những bệnh khiến cá nhiệt đới chết nhiều nhất, nhưng giờ chúng ta đã biết rằng điều đó là do sự nhầm lẫn với bệnh lao ở cá, với những triệu chứng rất giống nhau. Muốn phân biệt được cần kết quả xét nghiệm siêu vi với những mẫu mô lành và biến chất lấy từ cơ quan bị nhiễm bệnh.
Ichthyophonosis được đánh giá là bệnh truyền nhiễm. Người ta cho rằng nó lan nhanh bằng các bào tử được giải phóng từ các vết thương ngoài da và qua việc tiêu hóa cá chết hay sống bị nhiễm bệnh. Vẫn chưa có cách chữa cho chứng bệnh này và các tốt nhất đề phòng tránh là vớt cá chết ngay lập tức ra khỏi bể cũng như những con cá thể hiện triệu chứng của bệnh.
Mã:
http://www.fishchannel.com/fish-heal...to-fungus.aspx
Nguồn:
——————————-
Như các bạn cũng thấy thì trừ 2 bệnh cuối cùng ra thì nấm là một bệnh dễ phòng ngừa và dễ chữa, nó thường là bệnh cơ hội khi vì lý do nào đó mà hệ miễn dịch của cá bị suy giảm (stress, chất lượng nước xấu, cá cắn nhau, v.v…). Mình thích 1 câu đọc của ai đó là “Nuôi cá là nuôi nước” cũng như kim chỉ nam của mình đối với các loại bệnh nói chung ở cá là “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Dù được chăm sóc cách mấy, cá vẫn phải thi thoảng bị ốm đau như con người có lúc bệnh tật thôi. Nhưng hệ miễn dịch của cá khỏe mạnh sẽ nhanh chóng chiến thắng bệnh tật nói chung và nấm nói riêng. Loạt bài của mình đến đây kết thúc! Chúc các bạn có nhiều niềm vui trong việc chăm sóc thú cưng – cá vàng!