Uống vài ly rượu trong một bữa tiệc có thể là một quyết định khá vui vẻ vào thời điểm đó nhưng nó sẽ khiến bạn khó chịu và choáng váng vào sáng hôm sau.
Nhức đầu, khô miệng, đau bụng… Đó là những hiện tượng chúng ta gặp phải nếu đêm trước đó uống quá nhiều rượu, hay còn gọi là những cơn choáng váng, nôn nao.
Theo Viện nghiên cứu quốc gia về Lạm dụng rượu và Nghiện rượu Hoa Kỳ, ngoài việc mệt mỏi và đau đầu dữ dội, các triệu chứng bên ngoài của cơn nôn nao còn bao gồm cảm giác nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng, đau nhức cơ, đỏ mắt, khát nước, đổ mồ hôi, chóng mặt và khó chịu.
Những tác dụng phụ trên thường bắt đầu sau khi chúng ta ngừng uống vài giờ đồng hồ do nồng độ cồn trong máu giảm, và những triệu chứng này sẽ diễn ra mạnh nhất khi nồng độ cồn trong máu bằng không.
Vậy nguyên nhân của cơn choáng váng, nôn nao này là gì?
Ảnh hưởng của các chất phụ sinh trong rượu
Chất phụ sinh là các chất hóa học được sinh ra trong quá trình lên men rượu như aceton, acetaldehyde, dầu fuzen hay chất tannin. Những chất này chiếm hàm lượng cao trong các loại rượu màu đậm như rượu vang đỏ, rượu bourbon, brandy, whiskey và bia đen. Đây là những tác nhân hàng đầu của cơn nôn nao, choáng váng.
Trong khi chúng giúp tăng cường hương vị của rượu nhưng các nhà khoa học cho rằng các chất phụ sinh về cơ bản là độc tố đối với cơ thể người, dẫn đến những cơn choáng váng.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng bạn nên uống nhiều rượu vokda, gin, rượu vang trắng hay bia sáng màu, chúng vẫn có thể khiến bạn chao đảo vào sáng hôm sau nếu bạn uống quá nhiều.
Lý giải khoa học về các triệu chứng
Xét về mặt sinh học, nguyên nhân gây nôn nao chủ yếu là do mất nước. Bác sĩ Brandon Browne của Khoa Y học Cấp cứu, Trung tâm chăm sóc sức khỏe Scott & White tại Round Rock (Texas, Mỹ) cho biết: “Rượu là một chất lợi tiểu, có nghĩa là nó giúp cơ thể giải phóng chất lỏng, Khi chúng ta bị nôn nao nặng, cơ thể thường bị mất nước nhiều hơn và không thể loại bỏ được các chất phụ sinh. Các chất phụ sinh này khiến cho cơ thể khó chịu, mệt mỏi và mất nước gây mệt mỏi, khô miệng, buồn nôn.”
Bên cạnh vấn đề gây mất nước trong cơ thể, theo Giáo sư Yul Ejnes, Chủ tịch hội đồng y khoa của trường Cao đẳng Bác sĩ Hoa Kỳ, uống nhiều rượu gây kích thích niêm mạc dạ dày, làm giãn cơ thực quản dưới, gây trào ngược và đồng thời làm suy yếu các tế bào não gây chóng mặt. Ngoài ra, người sử dụng rượu cũng bị giảm lượng đường trong máu, gây hạ đường huyết và suy nhược.
Tại sao có những người không bị choáng váng?
Một số người cho biết họ không có những triệu chứng được mô tả bên trên. Mặc dù đây có thể là do di truyền nhưng nhiều khả năng là do cách họ uống rượu có phần sáng suốt hơn. Mỗi người có một sự phản ứng với rượu khác nhau dựa trên các yếu tố như kích thước cơ thể, tốc độ uống rượu, lượng thức ăn và nước họ sử dụng.
Cũng theo giáo sư Ejnes, tốc độ chuyển hóa rượu và các chất phụ sinh có thể thay đổi mức độ của những cơn choáng váng vào ngày hôm sau của chúng ta.
Vậy làm thế nào để tránh những cơn choáng váng, nôn nao?
Cách chắc chắn duy nhất là uống rượu một lượng vừa đủ. Song, uống một ly nước xen giữa mỗi ly rượu cũng là một cách hay để chống lại tình trạng mất nước, nó cũng khiến cơ thể dễ chịu hơn vào sáng hôm sau. Ngoài ra, ngủ đủ giấc sau một đêm uống rượu cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng mệt mỏi như đau đầu.
Cùng với đó, trước khi uống rượu, chúng ta cũng có thể ăn một bữa ăn, tránh để đói. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, bạn nên uống nhiều nước, ăn những món ăn nhiều tinh bột và đường để tăng lượng đường trong máu.