Giá vàng miếng SJC cuối ngày 29/10 được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 57,65 – 58,35 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Vàng nhẫn SJC 9999 niêm yết ở mức 51,55 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 6 triệu đồng/lượng.
Ông Nguyễn Văn Dưng – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM – cho biết cả hai loại vàng nhẫn và vàng miếng đều có hàm lượng vàng như nhau nhưng sự chênh lệch giá cao như vậy có nhiều lý do.
Vàng nhẫn SJC đang thấp hơn vàng miếng 6 triệu đồng/lượng (Ảnh minh họa)
Cụ thể, kể từ khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012, vàng miếng pdo Nhà nước độc quyền sản xuất; Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.
Từ thời điểm đó, các giấy phép được cấp để sản xuất vàng miếng, cả giấy phép được cấp cho công ty SJC đã không còn hiệu lực. Tuy nhiên do vàng miếng SJC là thương hiệu có uy tín, chất lượng, chiếm tới 95% thị trường vàng miếng, đồng thời để tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh xáo trộn cho hoạt động kinh doanh sản xuất vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Lúc này, Công ty SJC vẫn kinh doanh sản xuất các loại vàng bình thường, trừ vàng miếng SJC. Các sản phẩm vàng miếng trước đó do SJC sản xuất vẫn được lưu thông và được Ngân hàng Nhà nước gia công lại để đảm bảo tiêu chuẩn.
“Như vậy, từ đó đến nay vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước sản xuất, còn vàng nhẫn SJC 9999 là vàng trang sức do công ty SJC tự sản xuất. Chính vì độc quyền sản xuất, mang thương hiệu và tiêu chuẩn quốc gia nên vàng miếng SJC luôn có giá cao hơn vàng nhẫn” – ông Nguyễn Văn Dưng lý giải.
Ngoài ra, ông Dưng cũng cho biết thêm, từ khi áp dụng Nghị định 24, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới. Trong ngày 29/10, giá vàng miếng SJC trong nước cao hơn vàng thế giới 9,5 triệu đồng/lượng. Nghị định 24 quy định chỉ có Nhà nước mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Khoảng 10 năm trở lại đây, Nhà nước chưa có đợt nhập khẩu vàng nguyên liệu mới, cũng không có doanh nghiệp nào được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức và các sản phẩm từ vàng nên phải đi mua vét khắp nơi trong nước với giá cao, thậm chí chủ động mua vàng từ SJC để làm nguồn nguyên liệu.
Trong khi đó, người dân lại đang có xu hướng tích trữ vàng miếng SJC hơn là vàng nhẫn, khiến nguồn cung không còn nhiều.
Các nguyên nhân trên dẫn đến vàng miếng SJC luôn cao hơn vàng nữ trang và cũng dẫn đến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng, giá vàng trong nước không còn liên thông với thị trường thế giới. Vào khoảng tháng 6-7/2020, giá vàng SJC chỉ cao hơn giá vàng thế giới từ 1-2,5 triệu đồng/lượng nhưng hiện nay đã lên đến 9,5 triệu đồng/lượng, một khoảng cách chênh lệch chưa từng có.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch giá quá cao như vậy chỉ có người mua chịu thiệt, họ không dám bỏ tiền đầu tư vàng thời điểm này, bằng chứng là sức mua vàng đang gần như bằng 0; đồng thời cũng kích thích nhập lậu vàng nhiều hơn.
“Để giải quyết bài toán này thì Nhà nước thí điểm cho phép thêm doanh nghiệp đủ năng lực được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất nhằm cân bằng cung cầu, bình ổn thị trường. Chúng ta chỉ thí điểm một vài năm, nếu thị trường chuyển biến tốt hơn thì mới đưa ra quyết định. Việc các doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu cũng dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu ” – chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)
Người mua vàng lỗ tiền triệu mỗi lượng sau một tuần
Bất kể mua vàng miếng hay vàng nhẫn do các doanh nghiệp chế tác, người mua trong nước tuần này đều đang chịu khoản lỗ tiền triệu chỉ sau một tuần nắm giữ.