Đến thời điểm này, hẳn là bạn đang có cảm giác phấn chấn, hồi hộp chờ đợi kỳ
nghỉ lễ dài vào cuối tháng. Những lúc rảnh rỗi, bạn sẽ mơ tưởng và suy
tính về việc sẽ mang gì trong vali và diện đồ gì trong chuyến du lịch sắp tới.
Trang phục đi biển
Hãy tuân thủ những lời khuyên dưới đây, để chỉ mất tối đa 3 ngày chuẩn bị trang phục, hành lý cho chuyến đi dài cả tuần với chiếc vali cỡ vừa.
*3 ngày trước khi khởi hành: Bạn sẽ bắt đầu chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho chuyến đi, chủ yếu là thuốc men và mỹ phẩm.
Trước hết, về quần áo, bạn có thể chọn những bộ đồ mình muốn mặc cho chuyến đi du lịch (sẽ được gợi ý ở phần dưới), nếu có bộ đồ nào muốn giặt sạch thì hãy giặt chúng vào lúc này.
Để tiết kiệm diện tích mang mỹ phẩm, hãy mua những chai lọ cỡ nhỏ (khoảng 10-20ml) để chiết bớt các loại kem dưỡng, nước hoa hồng, dầu gội, sữa tắm, thậm chí cả kem chống nắng, nước hoa.
Chuẩn bị: một gói giấy ăn, một vài gói giấy ướt, băng vệ sinh, son dưỡng môi chống nắng.
Chuẩn bị một số loại thuốc cơ bản như thuốc chống say tàu xe, thuốc cảm, thuốc đau bụng, đau đầu, băng cá nhân, cao dán.
– Nếu muốn mang thêm sách báo để đọc khi đi tàu xe thì chỉ mang tối đa một cuốn sách hoặc một cuốn tạp chí.
– Mua một ít đồ ăn vặt để ăn trên đường.
*48 giờ trước khi khởi hành: Lúc này, bạn mới bắt đầu xếp đồ vào vali. Khi chọn trang phục và phụ kiện để mặc đi biển, hãy lưu ý những quy tắc dưới đây
– Hãy ưu tiên chọn trang phục có màu trung tính và phụ kiện có màu sắc sặc sỡ, như vậy việc phối đồ để mặc sẽ dễ dàng hơn, mang cảm giác thoải mái, thoáng mát, nhẹ nhàng, chỉ vừa đủ sắc màu ở phụ kiện giúp bạn nổi bật hơn mà vẫn tinh tế, linh hoạt trong nhiều hoàn cảnh.
– Hãy ưu tiên chọn những món đồ có tính đa năng, ví dụ chọn một chiếc áo dáng dài vừa có thể dùng để khoác bên ngoài bikini khi đi biển, vừa có thể mặc với quần jeans để đi chơi buổi tối, chọn một chiếc khăn vừa có thể quấn bên ngoài áo bơi, vừa có thể thắt làm áo yếm hay chân váy, hay chân váy maxi có thể kéo lên làm váy quây v.v…
– Không chọn những trang phục yêu cầu phải bảo quản cầu kỳ như áo lụa, quần áo dễ phai màu.
– Chỉ mang tối đa 3 đôi giày dép.
Cụ thể, bạn có thể tham khảo danh sách xếp đồ dưới đây:
– 3 bộ đồ bơi: Nếu là bikini hai mảnh thì bạn có thể thay đổi, kết hợp quần nọ với áo kia để có nhiều diện mạo khác nhau.
– 2 chiếc áo dáng dài (có thể là sơ mi hoặc áo phông), có thể thay bằng váy hai dây ngắn trên đầu gối.
– 4-10 chiếc quần lót, 2-3 chiếc áo lót
– Một bộ đồ ngủ: Nên chọn quần áo kín đáo, không chọn đồ ngủ lụa kiểu gợi cảm, để có thể tiện lợi nếu bạn cần bước ra khỏi phòng khách sạn để đi dạo hoặc có việc cần hỏi nhân viên khách sạn.
– 1 chiếc quần short
– 2 chiếc áo phông, 3 chiếc áo ba lỗ, 2 chiếc áo kiểu đẹp khác mà bạn muốn diện
– 1 chiếc chân váy, 1 chiếc quần jeans (nên chọn quần jeans trắng)
– 1 chiếc áo len mỏng hoặc áo khoác mỏng
– 1 chiếc khăn choàng có độ dày vừa phải
– 1 đôi dép xỏ ngón, 1 đôi giày thể thao (kèm 1 đôi tất); 1 đôi giày cao gót đế xuồng
– 1 chiếc vòng cổ to bản, nhiều màu sắc, 1 đôi khuyên tai bản lớn/dạng vòng tròn
– 1 chiếc mũ rộng vành có thể gập gọn trong vali
– Các loại mỹ phẩm, thuốc men mà bạn đã chuẩn bị, các loại dây sạc điện thoại, máy ảnh.
– Bạn nên gọi điện trước cho khách sạn để hỏi xem họ có máy sấy tóc hay không để không phải mang đi.
– Bên ngoài vali, bạn chuẩn bị một chiếc túi tote khổ rộng để có thể xách theo khi ngồi trên tàu/xe/máy bay, bên trong đựng một chiếc ví cầm tay nhỏ có thể kết hợp với trang phục tiệc tối, ví tiền, giấy tờ tùy thân, kính râm, sách, đồ ăn vặt, và có thể để chiếc khăn choàng vào trong chiếc túi này đề phòng bạn cảm thấy lạnh vì điều hòa trong xe/máy bay.
Từ những trang phục tưởng như ít ỏi mà bạn cất gọn trong chiếc vali cỡ vừa của mình, bạn có thể có rất nhiều lựa chọn và cách phối đồ đủ diện cho cả tuần. Vào ban ngày, khi ra bãi biển, bạn có thể dùng chính những chiếc áo dáng dài hoặc váy ngắn để mặc bên ngoài đồ bơi, chân đi dép xỏ ngón, đội mũ rộng vành và có thể xách theo túi tote để đựng kem chống nắng cùng các vật dụng khác bên trong:
Bạn cũng có thể mặc áo bơi kèm với quần short hoặc chân váy để tự do thả dáng trên bãi biển nếu không muốn xuống bơi.
Hoặc ngược lại, mặc áo phông với quần bơi.
Ngoài những lúc ngoài bãi biển, bạn sẽ muốn mặc đồ thoải mái nhưng kín đáo hơn để đi ăn uống, đi ngắm cảnh. Những lúc này, kết hợp một món đồ màu trắng như quần trắng, chân váy trắng, với áo phông/ áo sơ mi màu trung tính và vòng cổ/ khăn quàng màu sắc sẽ đem lại vẻ nổi bật, trẻ trung, cảm giác thoáng mát và tràn đầy sức sống.
Trang phục lên núi
Chuẩn bị trang phục và hành lý cho chuyến khám phá núi rừng chắc chắn khác rất nhiều so với tư duy du lịch biển của số đông. Thời tiết các vùng núi vào mùa này sẽ không lạnh giá, mà rất mát mẻ, dễ chịu, tuy nhiên cũng khiến nhiều người băn khoăn vì khí hậu vùng núi có thể sẽ mang thời tiết của cả bốn mùa xuân – hạ – thu – đông trong cùng một ngày. Vậy làm sao để có thể mang đủ trang phục vừa đẹp, vừa phù hợp mà vali vẫn thật gọn nhẹ?
Khi đi nghỉ mát trên núi, ngoài việc thời tiết có thể lạnh hơn đồng bằng, bạn còn phải lưu ý một số đặc điểm, ví dụ như nếu bạn cắm trại hay đi dạo trong rừng thì phải chú ý mặc đồ dài tay, kín chân để không bị côn trùng cắn. Ngoài ra, nếu bạn đi cắm trại biệt lập thì việc tắm giặt cũng hạn chế hơn. Vì vậy, trước hết, hãy ưu tiên những loại vải nhanh khô, trong trường hợp bạn đổ mồ hôi dưới trời nắng, hay gặp cơn mưa rừng bất chợt, hay một cuộc lội suối thỏa thích đều khiến bạn yên tâm hơn mà không phải tìm chỗ thay quần áo.
Về phong cách, chắc chắn có hai xu hướng được dành riêng cho những chuyến du lịch lên miền ngược, đó là cảm hứng quân đội và cảm hứng thể thao. Bạn cũng có thể mang theo đồ bơi nếu vùng rừng núi bạn tới thăm có một dòng suối hoặc một hồ nước đẹp, đủ an toàn để bơi lội. Trong trường hợp đó, nhớ mang theo cả dép xỏ ngón hoặc dép lê để có thể đi thoải mái bên bờ hồ, bờ suối. Những chuyến đi băng rừng, lội suối cùng cần có sự có mặt của một đôi dép lê, để đi tạm nếu đôi giày thể thao và tất của bạn bị ướt. Và chính những chuyến phiêu lưu này bạn cũng cần một chiếc balo loại không thấm nước để có thể yên tâm đi lại, leo trèo thoải mái với hai cánh tay tự do, không lo ướt đồ đạc, máy ảnh, điện thoại.
Một chiếc khăn choàng chính là một trong những món đồ không thể thiếu trong vali đi du lịch trên núi của bạn, với sự tiện dụng đa năng bất ngờ: có thể chống nắng hoặc quàng cho đỡ lạnh, có thể tận dụng làm khăn tắm lau khô người sau khi bơi, choàng bên ngoài bikini hoặc gói bên ngoài máy ảnh để bảo vệ cho máy ảnh khỏi bị va đập khi để trong ba lô.
Đối với thời tiết “4 trong 1” của vùng núi, một trong những kiểu phối đồ đơn giản và trẻ trung, gợi cảm nhất chính là kiểu “trên đông dưới hè”. Bạn hãy mang theo một chiếc áo len dài tay, loại không quá dày, mặc bên ngoài một chiếc áo ba lỗ hoặc áo phông mỏng, mặc kèm với quần short, phù hợp với không khí lành lạnh buổi sáng sớm, đến trưa nóng có thể cởi áo len ra buộc ngang hông, và đến tối lạnh lại mặc áo len vào. Chú ý hãy mang theo chai xịt chống côn trùng để xịt cho chân đỡ bị muỗi, vắt cắn nếu bạn vào rừng chơi nhé.
Bạn có thể tham khảo cách chọn đồ để đi chơi như dưới đây, thích hợp với các vùng vừa có núi, rừng, vừa có hồ hoặc suối. Lượng trang phục, giày dép mang theo rất ít, nhưng lại đủ mặc cho 10 ngày.
Tất cả bạn cần trong ba lô du lịch của mình.
Lúc khởi hành & Khi leo núi nhẹ nhàng.
Đi thăm thú xung quanh & Đi bơi.
Đốt lửa trại & Thư giãn trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng.
Tham quan bờ hồ/ bờ suối & Tiệc nướng ngoài trời.
Mua sắm chợ phiên & Trở về.
Ảnh: Instyle, Polyvore
(Theo Congluan.vn)