Chúng ta có thể thấy rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay đã góp phần thay đổi các hoạt động, lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động của nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ đã giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành, trong đó dịch vụ công trực tuyến đang được Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Vậy, dịch vụ công trực tuyến là gì và nội dung của dịch vụ công trực tuyến là như thế nào, hãy cùng tìm hiểu với Luận Văn 2S nhé.
Khái niệm dịch vụ công trực tuyến là gì?
Để nắm rõ khái niệm dịch vụ công trực tuyến, trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu hai khái niệm dịch vụ công và dịch vụ hành chính công là gì. Theo đó:
Dịch vụ công được hiểu là các hoạt động phục vụ nhu cầu cơ bản, thiết yếu của cá nhân vì lợi ích chung của xã hội, do Nhà nước chịu trách nhiệm trước xã hội (trực tiếp đảm nhận hoặc ủy quyền và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân thực hiện) nhằm mục đích đảm bảo sự ổn định và công bằng xã hội.
Dịch vụ hành chính công là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận. Các dịch vụ này do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân qua hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan Nhà nước đó quản lý. (Nguồn: https://luanvan2s.com/dich-vu-hanh-chinh-cong-la-gi-bid114.html)
Theo Nghị định số 43/2011/NĐ CP, dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan Nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân thông qua môi trường mạng.
Dịch vụ hành chính công trực tuyến được xem là giải pháp thực hiện cải cách hành chính phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội của nước ta hiện nay. Nếu như trong nền hành chính truyền thống, đôi khi việc thực hiện cùng một thủ tục hành chính sẽ có sự khác nhau về quy định, biểu mẫu, trình tự thực hiện, thời gian trả kết quả… khác nhau giữa các địa phương, cơ quan cùng cấp, cùng chức năng thì dịch vụ hành chính công với hình thức “trực tuyến” đã giải quyết triệt để những vấn đề này. Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến còn cho phép giám sát các hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng.
Khái niệm dịch vụ công trực tuyến là gì?
Đặc điểm của dịch vụ hành chính công trực tuyến là gì?
Thứ nhất, dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công được thực hiện trên môi trường mạng máy tính. Nó có đủ đầy đủ các đặc điểm của dịch vụ hành chính công như: Luôn gắn với công việc quản lý nhà nước, do cơ quan hành chính nhà nước đảm nhiệm, cung cấp các “hàng hóa” dịch vụ hành chính, tư pháp, hoạt động không vụ lợi, chỉ thu phí và lệ phí nộp ngân sách nhà nước,…
Tuy nhiên, do thực hiện qua môi trường mạng nên ngoài các đặc điểm cơ bản trên, dịch vụ công trực tuyến cùng có một số đặc điểm khác biệt so với dịch vụ công thông thường như:
-
Ít hạn chế về mặt không gian: Đối với dịch vụ công trực tuyến, mọi công dân và tổ chức có thể thực hiện các thủ tục hành chính công ở bất kỳ đâu, miễn là ở đó có máy tính kết nối Internet.
-
Không hạn chế về mặt thời gian: Về lý thuyết, dịch vụ công trực tuyến có thể cung cấp ở mọi thời điểm, không phụ thuộc vào ngày lễ, ngày nghỉ và giờ hành chính của các cơ quan nhà nước.
-
Các đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến phải đảm bảo được một số điều kiện: Đối với dịch vụ công trực tuyến, chỉ những đơn vị đảm bảo được một số điều kiện nhất định như: Nhân lực xử lý dịch vụ công trực tuyến, nhân lực quản trị kỹ thuật, đầu tư và thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, thực hiện duy trì hoạt động, nâng cấp và chỉnh sửa cổng thông tin điện tử,…
-
Yêu cầu người dùng dịch vụ phải có những điều kiện nhất định: Người được phục vụ phải có những điều kiện nhất định như có máy tính phải có kết nối mạng Internet, có hiểu biết và sử dụng tốt các kỹ năng máy tính, về mạng Internet, trong một số trường hợp phải biết sử dụng các phần mềm chuyên dụng hoặc trên website của cơ quan nhà nước,…
Các cấp độ của dịch vụ công trực tuyến
Sự tác động đến đối tượng cung cấp và đối tượng sử dụng trong dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến không chỉ mang lại lợi ích cho người dân thông qua việc làm giảm số lần giao dịch trực tiếp với công chức tại trụ sở đơn vị cung cấp dịch vụ mà còn giúp giảm bớt các tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu. Chính vì thế, việc đánh giá được thực hiện thông qua kiểm tra và đánh giá trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước là cần thiết, cho thấy mức độ trưởng thành, sẵn sàng đối với dịch vụ công trực tuyến. Theo chương I, điều 3, khoản 4 của nghị định số 43/2011/NĐ-CP quy định về các tiêu chí để đánh giá mức độ phát triển của đơn vị công trực tuyến, cụ thể gồm:
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là gì?
Là nhóm dịch vụ thực hiện cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính cũng như các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó như quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời hạn, phí và lệ phí thực hiện dịch vụ,…
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là gì?
Là dịch vụ công trực tuyến bao gồm mức độ 1 và ngoài ra còn cho phép người dùng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện sẽ được gửi đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Đặc điểm chung của dịch vụ mức độ 1 và 2 là đơn vị/ người dùng dịch vụ được cung cấp phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước ít nhất 2 lần trong giờ làm việc hành chính. Lần 1 để nộp hồ sơ và lần 2 nhận kết quả.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là gì?
Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người dùng điền và gửi các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ thông qua trực tuyến. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ hoàn toàn được thực hiện trên môi trường mạng. Tuy nhiên, việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Khi được cung cấp và dùng dịch vụ công mức độ 3, đơn vị/ người dùng sẽ có thể khai báo và nộp hồ sơ qua mạng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, chỉ đến cơ quan nhà nước 1 lần duy nhất để nhận kết quả và nộp lệ phí (nếu có).
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là gì?
Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người dùng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến. Việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người dùng. Với dịch vụ công mức độ 4, đơn vị/ người dùng nộp hồ sơ qua mạng, thanh toán lệ phí trực tuyến, trả kết quả trực tuyến và không phải đến cơ quan Nhà nước.
Các cấp độ của dịch vụ công trực tuyến là gì?
Xem thêm:
→ Kho tiểu luận tình huống quản lý nhà nước ngạch chuyên viên 2022
Bản chất và vai trò của dịch vụ công trực tuyến là gì?
Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính triển khai Chính phủ điện tử. Điều này không những tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp mà còn giảm áp lực giấy tờ công việc lên các cơ quan quản lý nhà nước.
Công dân khi đăng ký dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian gửi/ nhận hồ sơ, giảm thời gian đi lại, di chuyển cho người sử dụng.
Tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ, việc cung cấp thông tin về trạng thái hiện tại của quy trình giải quyết thủ tục hành chính đơn giản và nhanh chóng.
Đem lại hiệu quả kinh tế cho cả người sử dụng dịch vụ và cơ quan cung cấp dịch vụ, nên có thể tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm và chi phí nhân công,…
Một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến của công dân
Yếu tố liên quan đến cơ quan hành chính nhà nước
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin: Yếu tố này bao gồm các thiết bị tính toán, thiết bị ngoại vi, thiết bị kết nối mạng, thiết bị phụ trợ,…Các bộ phận này có vai trò kho lưu trữ các dữ liệu, phần mềm nên thường sử dụng những máy tính có dung lượng cao và tốc độ xử lý nhanh.
Hệ thống ứng dụng và cơ sở dữ liệu: Hệ thống ứng dụng bao gồm hệ thống các phần mềm điện tử được cài đặt và hoạt động dựa trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật, thực hiện các yêu cầu nhất định của người dùng mà hệ thống ứng dụng rất đa dạng và phong phú. Cơ sở dữ liệu là tập hợp các thông tin, tài liệu và hồ sơ được phân loại theo từng nội dung, lĩnh vực cụ thể và được lưu trữ bằng dạng số hóa trong hạ tầng thông tin tích hợp dữ liệu.
Trình độ tin học của công chức: Có thể nói, trình độ tin học của công chức có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thao tác và hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cung cấp dịch vụ công. Ở mỗi vị trí khác nhau thì người công chức yêu cầu trình độ tin học khác nhau.
Các yếu tố thuộc về người dân
Môi trường pháp lý, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin: Hệ thống thể chế, văn bản quy định cần đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và phù hợp với thực tế để đảm bảo quá trình triển khai đạt được hiệu quả đề ra tốt nhất.
Sự tiến bộ khoa học, kỹ thuật: Công nghệ thông tin ngày càng có nhiều ứng dụng sâu rộng đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó bao gồm cả quá trình tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ hành chính mà biểu hiện cụ thể nhất chính là hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Nhờ tiến bộ của lĩnh vực công nghệ thông tin mà phần lớn các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính được số hóa và theo dõi thông qua máy vi tính, tạo điều kiện kiên quyết cho quá trình cung cấp dịch vụ trực tuyến.
Thói quen của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch trực tuyến: Thói quen sử dụng các giao dịch trực tuyến, trong đó có giao dịch với các cơ quan hành chính nhà nước đóng vai trò quan trọng đến quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Việc người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao sẽ giúp cải thiện chất lượng cũng như mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khi dịch vụ công trực tuyến có chất lượng tốt càng tạo sức hút cho người dân, doanh nghiệp sử dụng loại hình dịch vụ này thay vì các dịch vụ truyền thống.
Trên đây, Luận Văn 2S đã cùng bạn đọc tìm hiểu những kiến thức xoay quanh khái niệm dịch vụ công trực tuyến là gì. Hy vọng với những chia sẻ của chúng tôi, bạn đọc sẽ giải đáp phần nào những vấn đề, khúc mắc mà bạn đang tìm kiếm nhé!