Chuyển phôi ngày 5 – 6 hiện đang là một trong những hướng điều trị mang lại hiệu quả cao trong thụ tinh ống nghiệm, được chứng minh là có nhiều ưu điểm hơn so với chuyển phôi ngày 2-3.
Thụ tinh trong ống nghiệm hay còn gọi là IVF đang ngày càng chứng tỏ được vai trò quan trọng trong điều trị vô sinh – hiếm muộn. Hàng năm có tới hai triệu chu kỳ IVF được thực hiện tại các cơ sở y tế trên toàn thế giới. Từ đó dẫn đến sự ra đời của khoảng năm trăm ngàn em bé mỗi năm.
Bằng phương pháp này nhiều gia đình đã được hưởng trọn vẹn hạnh phúc khi được làm cha mẹ. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề trong điều trị vô sinh hiện nay cần sự chung tay của giới chuyên môn để nâng cao thêm hiệu quả của chu trình điều trị.
Trước đây thông thường các lab IVF sẽ nuôi cấy phôi khoảng 2-3 ngày rồi tiến hành chuyển các phôi này vào buồng tử cung. Tuy nhiên việc chuyển phôi ngày 2-3 lại mang đến nhiều rủi ro:
– Số lượng phôi ngày 2 và 3 trung bình mà một bệnh nhân thu được sau chu kỳ điều trị IVF là rất lớn. Rất khó để biết được chính xác phôi nào trong số những phôi này có khả năng làm tổ và tạo em bé.
– Để duy trì được tỷ lệ có thai cao người ta phải tiến hành chuyển nhiều phôi cùng một lúc. Nhưng hậu quả của việc này là tỷ lệ đa thai cao dẫn đến ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của mẹ và bé. Thậm chí đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sảy thai.
Vì vậy người ta đang cố gắng làm thế nào để chọn chính xác phôi có tiềm năng làm tổ và tạo em bé khoẻ mạnh qua đó giảm số lượng phôi chuyển mà vẫn duy trì được tỷ lệ thành công cao.
Chuyển phôi ngày 5 được thực hiện như thế nào?
Một trong các chiến lược đã và đang được sử dụng trên toàn thế giới để nâng cao tỷ lệ có thai và tỷ lệ sinh em bé là tiến hành nuôi cấy và chuyển phôi nang.
Kiểu phôi này thường xuất hiện sau thời điểm thụ tinh năm ngày nuôi cấy nên giai đoạn này còn được gọi là phôi ngày 5.
Ưu điểm của chuyển phôi ngày 5
Việc nuôi cấy thêm hai hoặc ba ngày trong phòng thí nghiệm đã giúp loại bỏ một số phôi không có khả năng phát triển. Chính vì thế số lượng phôi nang vào ngày 5 thường ít hơn số lượng phôi ngày 2 và ngày 3. Ngược lại khả năng làm tổ của những phôi nang này cao hơn nhiều so với giai đoạn sớm.
Sự hiệu quả của nuôi cấy và chuyển phôi ngày 5 đã được chứng minh rõ ràng trong các báo cáo nghiên cứu trên toàn thế giới. Một tổng kết dựa trên 27 nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Cochrance Review 2016 cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống của chuyển phôi ngày 5 cao hơn so với chuyển phôi ngày 3. Như vậy có thể thấy việc nuôi cấy phôi ngày 5 là lựa chọn tốt để nâng cao hiệu quả thành công của IVF:
– Chọn lựa được phôi khỏe, có khả năng làm tổ cao.
– Giảm các nguy cơ mắc bệnh di truyền của trẻ
– Chuyển ít phôi giúp giảm khả năng đa thai (thường chỉ chuyển 1 – 2 phôi)
Chuyển phôi ngày 6 có những đặc điểm gì?
Như đã được đề cập đến ở trên, phôi nang thường xuất hiện vào ngày 5 sau thụ tinh. Tuy vậy có một số phôi tiến triển chậm hơn nên đạt tới giai đoạn phôi nang sau sáu ngày nuôi cấy. Vì vậy, việc lựa chọn và chuyển các phôi nang vào ngày 6 cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, một số bệnh nhân băn khoăn liệu có nên giữ lại và sử dụng phôi ngày 6 hay không và kết quả chuyển phôi loại này như thế nào?
Thực ra sự thắc mắc này của các cặp đôi đang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm là rất có cơ sở. Hơn nữa, những câu hỏi này cũng chính là những câu hỏi mà các nhà khoa học đặt ra khi tiến hành thực hiện nuôi cấy và chuyển phôi nang.
Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để đánh giá về vấn đề chuyển phôi nang ngày 6. Như tác giả Shapiro và cộng sự năm 2001 đã báo cáo so sánh tỉ lệ làm tổ và có thai giữa chuyển phôi ngày 5 và 6. Kết quả cho thấy số ca chuyển phôi ngày 5 cao hơn rõ rệt so với số ca ngày 6 (118 và 65) và tỉ lệ làm tổ, có thai đều cao hơn ở ngày 5.
Ngoài ra, Poulsen trong năm 2017 cũng báo cáo một nghiên cho thấy kết quả chuyển phôi ngày 5 tốt hơn so với ngày 6. Ngược lại, nhóm nghiên cứu của Kaye công bố kết quả hồi cứu của 468 chu kỳ trên 392 bệnh nhân cho thấy tỉ lệ thai lâm sàng và sinh sống của ngày 5 và ngày 6 không có sự khác biệt. Như vậy, có thể hiểu phôi ngày 6 hoàn toàn có khả năng làm tổ và tạo em bé khoẻ mạnh.
Việc chuyển phôi ngày 6 sẽ được ưu tiên nếu bệnh nhân không có phôi ngày 5 được lưu trữ. Ngoài ra bạn có thể thảo luận với bác sĩ và chuyên viên phôi học của mình nên lựa chọn phôi nào để chuyển trong từng trường hợp cụ thể.
Chuyên viên phôi học Vũ Đình Chất – Trưởng Phòng Lab Trung tâm IVF Hồng Ngọc
Xem thêm các bài viết chuyên môn tại: https://ivfhongngoc.com/vi/kien-thuc-vi/bai-viet-chuyen-gia/