Tóm tắt
Mục tiêu: Đánh giá tỷ lệ thai diễn tiến cộng dồn của chuyển 2 phôi ngày 3 so với chuyển 2 phôi ngày 5 nhằm xác định chiến lược chuyển phôi tốt nhất cho các bệnh nhân đến thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được thực hiện tại IVFMD, bệnh viện Mỹ Đức trong thời gian từ tháng 7 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015. Tiêu chuẩn nhận bệnh: tuổi từ 18 – 42 tuổi, kích thích buồng trứng bằng GnRH antagonist, số chu kỳ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm ≤ 2, số phôi hữu dụng ngày 3 (loại I và II) ≥ 8, chuyển 2 phôi ngày 3 hoặc ngày 5. Tiêu chuẩn loại: Các chu kỳ trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM), chu kỳ xin-cho trứng, kích thích trưởng thành noãn bằng GnRH agonist.
Yếu tố đánh giá kết quả chính: tỷ lệ thai diễn tiến cộng dồn và yếu tố phụ: tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ đa thai, tỷ lệ sảy thai, tỷ lệ thai ngoài tử cung. Kết quả: 210 bệnh nhân thỏa điều kiện được chọn vào nghiên cứu được chia làm 2 nhóm với 78 bệnh nhân thực hiện chuyển phôi vào ngày 3 và 132 bệnh nhân chuyển phôi ngày 5. Không có sự khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm bệnh nhân về các thông số độ tuổi, BMI, thời gian vô sinh, độ dày nội mạc tử cung (32,2 so với 31,9; 21,3 so với 21,2; 4,3 so với 4,3; 11,8 so với 11,9; tương ứng với mỗi nhóm). Tỷ lệ thai diễn tiến ở các trường hợp chuyển phôi ngày 5 cao hơn đáng kể có ý nghĩa thống kê so với chuyển phôi ngày 3 (29,5% so với 46,2%; P=0,02). Tỷ lệ thai diễn tiến cộng dồn không có sự khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm chuyển phôi ngày 3 và ngày 5 (60,3 so với 71,2; P>0,05).
Kết luận: Mặc dù tỷ lệ thai diễn tiến ở trường hợp chuyển phôi ngày 5 là cao hơn đáng kể so với chuyển phôi ngày 3, nhưng tỷ lệ thai diễn tiến cộng dồn là tương đương ở cả 2 nhóm.