Cẩm nang Du lịch BÀ VÌ 2022 từ A-Z: lưu trú, ăn chơi, đặc sản… mới nhất

Ba Vì là huyện thuộc vùng bán sơn địa, nằm về phía tây bắc thủ đô Hà Nội. Phía đông giáp thị xã Sơn Tây, phía nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía tây
giáp tỉnh Phú Thọ và phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc. Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi ban tặng sơn thuỷ hữu tình, với hệ sinh thái phong phú. Địa hình
đa dạng có cả núi, rừng, thác, suối, sông, hồ cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Ba Vì mùa nào đẹp

Từ tháng 4 đến tháng 10, Ba Vì trở thành điểm “trốn nóng” lý tưởng khi nắng hè oi bức hơn. Từ tháng 10 đến tháng 11
là mùa hoa dã quỳ nở rộ dọc những con đường.

Di chuyển

Du khách di chuyển bằng xe riêng chạy thẳng Đại lộ Thăng Long, Láng – Hòa Lạc, Yên Bài đến Thiên Sơn Suối Ngà. Một
cung đường khác nhiều người lựa chọn là qua quốc lộ 32. Thời gian di chuyển khoảng một tiếng. Nếu đi bus, bạn chọn xe 74 Mỹ Đình – Xuân Khanh và
tuyến 71 Mỹ Đình – Bến xe Sơn Tây, tới điểm cuối thì chuyển xe 110 đến Vườn Quốc gia Ba Vì.

Chơi đâu

Vườn quốc gia Ba Vì

Với diện tích gần 11.000 ha, vườn quốc gia Ba Vì được coi là “lá phổi xanh” phía Tây thủ đô Hà Nội. Tại vườn quốc gia có các địa điểm tham
quan như nhà thờ cổ bỏ hoang, phủ kín rêu phong mang vẻ huyền bí, hay nhà kính xương rồng.


Vườn quốc gia Ba Vì nhìn từ trên cao. Ảnh: Phong Vinh

Cũng như Đà Lạt, Sa Pa hay Tam Đảo, người Pháp xây dựng ở Ba Vì nhiều biệt thự nghỉ dưỡng ở cốt 400, 600 và 1.000. Chỉ khác là chúng đã bị tàn
phá theo thăng trầm thời gian cùng thời cuộc. Bởi thế, du khách sẽ ngỡ ngàng trước những nền móng kiến trúc từ hàng trăm năm trước khi đi sâu vào
trong rừng. Những khu nghỉ dưỡng, những bếp lò, những bức tường, tất cả đều được bao phủ bởi cây rừng và sương núi.

Ở cốt 600, khu dinh đại tá là một công trình tiêu biểu của kiến trúc Pháp tại Ba Vì, hiện vẫn còn khá nguyên vẹn. Nơi
đây có hàng rào dây thép gai, tường đá bao quanh, cao hơn 2 m, dày 0,5 m và một số ụ súng trung đại liên.

Dấu tích Pháp còn sót lại trong vườn quốc gia. Ảnh: Phong Vinh

Đi lên chút nữa là khu trại hè dành cho con em người Pháp và các quan lại chính quyền thuộc địa, gồm 4 khu nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố
bằng đá. Nằm giữa khu rừng tự nhiên với nhiều loài cây gỗ lớn như sồi, dẻ, cà lồ, kháo…, trên có phong lan treo bám tạo nên khung cảnh nên thơ,
kỳ ảo, thu hút khách du lịch tới tham quan và chụp ảnh.


Nhà thờ đổ Ba Vì. Ảnh: Hương Chi

Nhà thờ đổ nằm ở độ cao 800 m, giữa tán rừng già. Bị bỏ hoang đã nhiều năm, phần mái của nhà thờ không còn, trơ ra giáo đường âm u giữa cây lá
um tùm.

Trên bức vách, dấu thập tự phủ một màu hoài cổ, hắt tia nắng chiều bàng bạc qua ô cửa sổ. Ở đây, sương lúc nào cũng lẩn khuất, thỉnh thoảng sà
xuống bao trùm lấy ngôi thánh đường. Màu xanh của rêu, màu xám của nấm mốc, màu bạc của sương mù tạo nên không gian huyền ảo.

Ở cốt 800, người Pháp còn xây dựng khu cô nhi viện với những ô cửa, mái vòm đặc trưng. Chính vẻ phế tích hoang tàn để lại cùng với lớp địa y
bao trùm trên từng vách đá, kẽ tường càng tăng thêm sự rêu phong cổ kính cho những công trình nơi đây.

Đặc biệt, ở độ cao 1.000-1.100 m tại sườn Tây đỉnh Tản Viên là hệ thống nhà tù chính trị bí mật được xây dựng kiên cố nhằm giam cầm các chiến
sĩ cách mạng. Nhà tù được bố trí thành 3 khu: khu 1 là nơi ở cho cai tù; khu 2, khu 3 là nơi giam giữ phạm nhân. Với tổng thể gần 1.000 m2, hệ
thống nhà tù ở Ba Vì có thể giam giữ 100-200 phạm nhân.


Biệt thự Pháp chỉ còn là phế tích.

Du khách cũng có thể thử thách bản thân bằng cách leo 500 bậc thang lên đỉnh núi tham quan Đền Thượng. Đây là nơi thờ Đức Thánh núi Tản Viên Sơn Tinh.
Ngoài ra, Ba Vì còn có các địa điểm tham quan như Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, động Ngọc Hoa, khu quân sự Pháp…


Vườn xương rồng trong nhà kính ở vườn quốc gia Ba Vì. Ảnh:

Nguyễn Duy

Nếu bạn không đi xe lên đến đỉnh núi, chuyến đi bộ khám phá rừng Ba Vì kéo dài 2 – 4 tiếng phù hợp với những người thích trekking nhẹ nhàng. Đường đi dẫn qua những lối mòn băng
qua rừng nguyên sinh rậm rạp, hay rừng trúc cao vút. Tuyến dễ nhất bắt đầu từ cốt 600 hướng xuống cốt 300, kéo dài hơn 2 tiếng. Du khách cũng có
thể đạp xe để khám phá khu rừng qua một số tuyến đường trải bê-tông.

Khoang Xanh – Suối Tiên

Khoang Xanh nằm ở sườn phía đông của núi Ba Vì,
trong một khu vực có rừng nguyên sinh, và thuộc quần thể vườn quốc gia Ba Vì. Khoang Xanh có nhiều khoảng rừng nguyên sinh và có trên 2 km suối
tự nhiên. Mùa hè, những dòng thác đẹp như thác Mơ, thác Hoa, thác Tràn, thác Mâm Xôi… ngày đêm đổ xuống từ trên núi. Ngoài khu vực suối và rừng
tự nhiên, Khoang Xanh còn nhiều khu vực nhân tạo khác như: công viên nước, hồ tắm khoáng, khu vui chơi dành cho cả trẻ em và người lớn, bùn
khoáng nóng…

Ao Vua

Ao Vua nằm dưới chân núi Tản Viên, thuộc thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Ao Vua là một cái ao nhỏ, nhưng bốn mùa đong đầy nước. Tương
truyền, nước ở ao Vua vốn là do” Vua thủy” hay Thủy Tinh dâng lên để đánh Sơn Tinh. Nơi này còn có giếng Mũi Gươm, gắn với tích Sơn Tinh cắm gươm
xuống núi để quân lính đào giếng lấy nước khi đánh Thủy Tinh. Hiện Ao Vua được phát triển thành khu du lịch, có không gian nghỉ dưỡng, vui chơi,
công viên nước với các trải nghiệm leo núi, lội suối, bơi thuyền…

Thiên Sơn – Suối Ngà

Nằm dưới chân núi Tản Lĩnh, khu du lịch có cảnh quan rừng, hồ, suối thác và cả dịch vụ vui chơi, ăn nghỉ chia thành ba khu Hạ Sơn, Trung Sơn
và Ngoạn Sơn. Du khách nên mang theo đồ cắm trại, bàn ghế, ngồi bên dòng suối hay đi bộ trong rừng cây xanh ở Hạ Sơn.

Lên tới Trung Sơn, du khách có thể nghỉ trong nhà sàn và dùng bữa tại nhà hàng đặc sản gà quay, cá suối, thịt nướng… Đến khu Ngoạn Sơn, du
khách sẽ thấy thác Cổng Trời ở độ cao hơn 60 m đổ xuống sườn núi tạo thành bể bơi thiên nhiên sâu 1,5-2 m.

Du khách thích tắm suối cần mặc áo phao, chú ý an toàn nếu không biết bơi. Vì trải nghiệm ở Thiên Sơn – Suối Ngà gần thiên nhiên, du khách nên bôi kem chống côn
trùng, quan sát tránh rắn, rết… Địa chỉ tại Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội. Vé vào cửa 150.000 đồng một lượt.

Rừng Bằng Tạ

Rừng Bằng Tạ nằm ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 65 km về phía Tây. Khu bảo tồn tự nhiên này rộng gần 27
hecta, với rừng cây, hồ nước, bãi cỏ… và nhiều loài động vật hoang dã như khỉ, hươu, lợn rừng. Rừng nguyên sinh được khai thác du lịch, với khu
du lịch Đầm Long – Bằng Tạ.

Đồng Mô

Khu du lịch Đồng Mô gồm hồ nước khoảng 200 ha dưới chân núi Ba Vì, với các khu nghỉ dưỡng rải rác trên các hòn đảo, sân golf…

Theo truyền thuyết hồ Đồng
Mô là nơi diễn ra cuộc chiến giành công chúa Mị Nương giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Trong trận chiến, Thủy Tinh đưa nước dâng đến đâu thì Sơn
Tinh làm phép nâng núi cao tới đó. Cuối cùng Thủy Tinh chịu thua, hồ nước rộng lớn còn lại đến nay là kết quả của cuộc chiến xưa kia.


Hoàng hôn trên hồ Đồng Mô. Ảnh: Kiều Dương

Du khách muốn tới địa điểm này có thể thuê xe du lịch hoặc tự lái. Nếu đi theo đại lộ Thăng Long, bạn rẽ phải vào quốc lộ 21, đi thẳng tới khi
có biển báo rẽ trái vào khu du lịch Đồng Mô.

Nếu đi theo đường quốc lộ 32, du khách khi đến đoạn giao với đường Chùa Thông, thị xã Sơn Tây thì rẽ trái. Tiếp tục đi đến bệnh viện Quân Y
105 để rẽ vào đường quốc lộ 21, chạy thẳng cho tới khi thấy biển giới thiệu khu du lịch Đồng Mô. Vé vào cửa trong ngày giá 80.000 đồng một lượt.
Gié thuê lều cắm trại qua đêm từ khoảng 250.000 đồng, tùy vào số lượng người.

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Là một phần của khu du lịch Đồng Mô, làng có tổng diện tích 1544 ha, gồm 7 khu: Khu quản lý điều hành văn phòng, Khu dịch vụ du lịch tổng hợp,
Khu trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí, Khu công viên bến thuyền, Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, Khu Di sản văn hóa thế giới và Khu các
làng dân tộc.

Đến đây du khách sẽ tìm hiểu không gian văn hóa với những ngôi nhà sàn truyền thống, thưởng thức ẩm thực dân tộc, trải nghiệm thực tế với cộng
đồng các dân tộc qua các hoạt động như nấu ăn, trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ… Bạn nên liên hệ để tham khảo các hoạt động, sự kiện của
làng văn hóa trước khi đến.

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam mở cửa từ 8h – 16h từ thứ 2 đến Chủ nhật. Giá vé vào cổng là 30.000 đồng với người lớn, 10.000
đồng với sinh viên và 5.000 đồng với học sinh. Trẻ em dưới 6 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,2 m được miễn phí.

Để đến đây, từ Hà Nội, du khách đi thẳng hướng Đại lộ Thăng Long khoảng 36 km đến khi nhìn thấy biển chỉ dẫn “Làng Văn hóa – Du lịch các dân
tộc Việt Nam”. Ở vòng xuyến, đi theo lối ra thứ nhất là tới. Địa chỉ tại khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Sơn Tinh Camp

Khu cắm trại nằm trong khu du lịch Đồng Mô, tọa lạc tại thôn Muồng Cháu, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. Địa hình phong phú từ đồi núi, lòng chảo và
cả bãi cỏ rộng để tổ chức các hoạt động ngoài trời như team building, trò chơi gia đình. Tại đây, du khách có thể tổ chức cắm trại, tổ chức tiệc
nướng BBQ, đạp xe, leo núi, vui chơi tại bể bơi…

Vé vào cửa trong ngày là 60.000 đồng với người lớn, 30.000 trẻ em 3 – 10 tuổi. Ở lại qua đêm, vé người lớn là 110.000 đồng và trẻ em 60.000
đồng. Ngoài ra, các loại trại cho thuê có giá từ 200.000 – 800.000 đồng, ở từ 2 người tới 10 người. Ở đây cũng có các khu nhà phù hợp cho gia
đình, giá từ 800.000 đồng một đêm. Du khách có thể mang theo đồ ăn, và thuê bếp nướng hoặc đặt khu cắm trại chuẩn bị, suất từ 150.000 đồng một
người.

Từ trung tâm Hà Nội, du khách đi bằng phương tiện cá nhân theo đại lộ Thăng Long (có 2 đường riêng cho xe máy và ô tô). Sau khi đi thẳng
khoảng 55 km, du khách sẽ thấy biển chỉ dẫn rẽ trái vào đường Vân Hòa, đi thẳng khoảng 500 m sẽ tới khu cắm trại.

Thung lũng Bản Xôi

Ngay gần Đồng Mô là thung lũng Bản Xôi được bao quanh bởi đồi cây xanh và hồ nước điều hòa, khí hậu quanh năm mát mẻ. Hồ Bản Xôi được hình
thành từ các mạch nước trên dãy Ba Vì rộng hơn 11ha.


Ảnh:

Khu du lịch

Đến đây, du khách được tận hưởng không gian sống trong lành của thiên nhiên và thưởng thức nhiều món ăn địa phương như gà ta đắp đất, cá nheo
om chuối đậu, cơm lam muối vừng…

Nơi này có dịch vụ lưu trú cao cấp, khu cắm trại, khu vui chơi trẻ em cùng các trải nghiệm đu zipline, chèo kayak… Địa chỉ làng Chóng, xã
Yên Bài, Ba Vì. Vé vào cửa 80.000 đồng một người lớn, 50.000 đồng một trẻ em.

Trang trại

Một số trang trại đón du khách trải nghiệm cuộc sống nhà nông là Trang Trại Đồng Quê Ba Vì , Detrang Farm… Trong đó,
Detrang Farm rộng khoảng 12 ha với khu chăn nuôi dê, ngựa, lạc đà, đà điểu… Tới đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên dưới nhiều tán cây
xanh, trải nghiệm cho động vật ăn, vắt sữa dê hay các hoạt động dân gian như nhảy sạp, làm bánh trôi nước, làm gốm…


Trải nghiệm cho thú ăn trong nông trại. Ảnh:

Bánh Gạo

Khu cắm trại glamping giữa đồng cỏ phục vụ khách nghỉ trưa hoặc lưu trú qua đêm. Khu trại cho thuê bếp nướng, chuẩn bị đồ ăn để có thể tổ chức
tiệc ngoài trời và đốt lửa trại. Cuối tuần sẽ có những buổi biểu diễn nhạc sống. Lều trại ở đây dựng sẵn, mang phong cách Mông Cổ, bên trong có
đệm hơi, gối thích hợp cho 2-4 người nghỉ. Địa chỉ thôn Ké Mới, Ba Vì, Hà Nội. Giá vé vào cửa là 120.000 đồng một người, miễn phí cho trẻ em dưới
90 cm.

Hồ Tiên Sa

Khu du lịch Hồ Tiên Sa nằm dưới chân núi Tản Viên, phong cảnh hữu tình. Bạn có thể ngồi câu cá, thư giãn ở nhà nổi trên hồ hoặc thuê thuyền
phao ngắm cảnh. Ở đây cũng có công viên nước; xuồng cao tốc phục vụ du khách lướt ván và thăm vòng quanh hồ.

Ngoài ra, Ba Vì còn có khu du lịch sinh thái Thác Đa, khu du lịch Tản Đà, hồ Suối Hai… thích hợp cho kỳ nghỉ cuối tuần.

Ăn gì

Thịt dê Ba Vì ít mỡ, thịt săn và ngọt. Thui vàng và ướp với lá hương nhu, cúc tần…, thịt dê có thể chế biến
thành nhiều món như tái chanh, nướng, xào lăn, hấp xả, bóp thấu hoặc hầm rượu vang. Để món ăn ngon hơn, du khách có thể chấm với tương, ăn kèm
với cơm lam, rau xào của Ba Vì. Các địa chỉ gợi ý để thưởng thức dê núi là nhà hàng vườn ẩm thực Ba Vì ở mặt đường quốc lộ Yên Bài – Ba Vì – Hà
Nội, nhà hàng Lá Cọ ở xã Tản Linh.

Thịt đà điểu

trở thành đặc sản Ba Vì khi các trang trại chăn nuôi nhiều. Thịt săn, vị ngọt, mềm hơn bò và có hàm lượng dinh
dưỡng cao. Du khách có thể thưởng thức các món ăn từ đà điểu như lẩu mề, thịt xào lăn hay giò. Một số địa chỉ gợi ý là nhà hàng Oanh Thám, ở khu
chợ Tản Lĩnh, đường lên Đá Chông. Ngoài ra, du khách cũng có thể mua giò, thịt đà điểu tươi về làm quà với giá bá khoảng 270.000 đồng một
kilogram. Để tránh mua thịt giả, bạn nên tới cửa hàng thực phẩm tươi Liễu Quân, xã Vân Hòa.


Gà nướng nguyên con. Ảnh: Bùi Thủy

Gà đồi ở Ba Vì chủ yếu là gà ri lai mía, nặng khoảng 2 kg. Được cho ăn đỗ tương, ngô và dầu cá…, gà ri ở đây cho thịt nạc và da dai.
Thịt gà thường được như nướng cả con, quay than, luộc, rang xả ớt, nộm hành tây… Một số địa chỉ gợi ý để thưởng thức món ăn này là nhà hàng ẩm
thực đồng quê Hương Việt, nhà hàng vườn Ẩm thực xã Yên Bài.

Bánh tẻ làng Phú Nhi là một trong những đặc sản mà du khách không nên bỏ qua. Với phần bánh dẻo mịn, thơm ngậy và nhân đầy ắp thịt, mộc
nhĩ, món ăn này còn thích hợp để mua về làm quà. Bánh tẻ ngon hơn khi chấm với nước mắm chanh, ớt. Món bánh này được bán ở hầu hết các nhà hàng
hay khu tham quan ở Ba Vì với giá khoảng 8.000 đồng một chiếc.

Đặc sản từ sữa: Ba Vì được xem là “vùng đất sữa trắng” bởi có nhiều trang trại chăn nuôi bò, dê lấy sữa. Ngoài sữa tươi thì bánh sữa,
sữa chua hay caramen là những món ăn được nhiều thực khách yêu thích. Trên tuyến đường tham quan các khu di tích, du khách sẽ gặp nhiều cửa hàng
bán sữa. Sữa tươi có thể làm quà tuy nhiên chỉ bảo quản lạnh được khoảng 3 ngày.

Lưu trú

Dịch vụ lưu trú tại Ba Vì khá phát triển, cho du khách nhiều lựa chọn từ bình dân đến cao cấp. Phần lớn các khu du
lịch sinh thái, nông trại đều cung cấp dịch vụ lưu trú giá từ khoảng 400.000 đồng.

Nếu lưu trú trong vườn quốc gia, gợi ý cho du khách là Melia Bavi Mountain Retreat xây dựng trên phế tích Pháp còn
sót lại tại cốt 600, với giá khoảng 4.000.000 đồng một đêm; Ba Vì Resort trên cốt 400. Khu vực cốt 400 cũng có không gian cắm trại giữa rừng
thông.

Những khu nghỉ khác bạn có thể tham khảo là Tản Đà Spa Resort, Family Resort, Paragon Resort, Bavi Annam Garden,
Madela Ba Vì – Nhà bên suối… giá khoảng 1.000.000 đồng một đêm.


Bể bơi vô cực trong một resort ở vườn quốc gia Ba Vì mở cửa cho khách trải nghiệm. Ảnh: Phong Vinh

Du Hy

Rate this post

Viết một bình luận