Nghĩa là đã đến lúc phải nói lời chia tay với mô hình trường bán công (BC) hiện nay. Nhưng 90 trường BC từ mầm non đến THPT ở TP.HCM sẽ được giải quyết như thế nào?
Yếu và thiếu
“Nếu nhận xét một cách ngắn gọn nhất về đặc điểm của các trường phổ thông BC, tôi sẽ nói yếu và thiếu” – hiệu trưởng một trường BC ở TP.HCM đã khẳng định như thế. Quả thật phần lớn trường BC đều có cơ sở vật chất yếu kém, xuống cấp, thiếu phòng học chuẩn, thiếu sân chơi, thiếu phòng bộ môn, phòng thực hành – thí nghiệm…
Trong khi đó với phương pháp tuyển sinh: HS không đủ điểm vào trường CL bắt buộc phải học BC khiến đầu vào các trường BC luôn luôn thấp. Rồi do cơ chế tự thu tự chi nên các trường phải tăng tối đa sĩ số HS/lớp để có nguồn thu. Trong điều kiện lực học của HS thấp, thiếu thốn trang thiết bị, phòng ốc, sĩ số lớp lại quá đông (50 – 60 HS/lớp là chuyện thường) thì GV có giỏi cách mấy cũng khó nâng cao chất lượng GD.
Mặt khác, lương GV phụ thuộc số lượng HS (trong khi những năm gần đây nhiều trường BC tuyển HS đầu cấp không đủ chỉ tiêu). Ngay cả trường mầm non BC vốn thuận lợi hơn nhiều so với phổ thông cũng lâm vào cảnh tương tự. Và trong thực tế ngân sách nhà nước vẫn phải cấp bù cho những trường “thu không đủ chi”.
Đa số HS BC thuộc thành phần con em gia đình lao động nghèo. Hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mải miết với chuyện cơm áo gạo tiền, ít có thời gian chăm lo chuyện học hành của con cái nên HS ít đạt kết quả cao.
Bà B.T. – nguyên hiệu trưởng một trường THCS BC ở Q.1 – cảm thán: “Có phụ huynh bán rau ở chợ Cầu Muối phải góp học phí từng ngày. Cứ buổi chiều sau khi dọn gánh bà lại tất tả vào trường góp tiền. Thấy xót xa nhưng không thu, không đốc thúc phụ huynh đóng học phí, nhà trường trả lương cho GV cách nào? Sự bất công không chỉ thể hiện ở chỗ HS nghèo phải đóng tiền cao hơn gấp năm lần so với HS CL (phần nhiều thuộc diện gia đình khá giả) mà còn thể hiện ở chính sách đầu tư tài chính cho GD: HS nghèo không được hưởng sự hỗ trợ GD từ Nhà nước”.
Bình cũ, rượu cũng cũ?
“Định hướng đến năm 2010: chuyển phần lớn các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập, một phần các cơ sở GD không đảm nhận nhiệm vụ GD phổ cập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Chuyển tất cả cơ sở bán công sang loại hình DL hoặc TT. Tỉ lệ HS nhà trẻ ngoài CL chiếm 80%, mẫu giáo 70%, THPT 40%”.
(Theo “Kế hoạch chuyển đổi loại hình trường BC” của Bộ GD-ĐT).
Tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo các sở, ban ngành và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài về kế hoạch chuyển đổi các trường BC, Sở GD-ĐT TP đã đề xuất: chuyển tất cả về CL, trong đó một số trường đủ điều kiện sẽ thực hiện theo hình thức CL tự chủ.
Tuy vậy, hầu hết các trường đều tỏ ra băn khoăn khi nói đến mô hình này. Bà Cao Ngọc Sa – hiệu trưởng Trường THPT BC Thalmann, cho biết: “BC dù khó khăn nhưng nhiều năm nay nhà trường vẫn được Nhà nước hỗ trợ để tu bổ cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, nếu chuyển sang CL tự chủ tài chính tôi nghĩ sẽ còn khó khăn đến cỡ nào”.
Cùng chung tâm trạng ấy, ông Đinh Phan Long, hiệu trưởng Trường THCS BC Mạch Kiếm Hùng, Q.5 đã thử làm nháp “đề án thực hiện trường CL tự chủ”: “Mức học phí phải tăng lên 820.000 đồng/tháng/HS mới tự hạch toán được (mức học phí hiện tại của trường THCS BC chỉ 90.000 đồng/tháng). HS trường tôi sẽ khó kham nổi”.
Theo giải thích của Sở GD-ĐT TP.HCM, trường CL tự chủ không chỉ tự chủ về tài chính (tự bảo đảm một phần hoặc 100% chi phí hoạt động) mà còn tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế… Mới nghe qua nhiều người sẽ lầm tưởng đó là mô hình trường mới nhưng thử phân tích: cơ sở vật chất của Nhà nước, nhà trường được phép thu phí cao để chi cho mọi hoạt động GD, chỉ nhận một phần hoặc không nhận kinh phí nhà nước – có khác gì với trường BC hiện tại?
Cũng tại cuộc họp về việc chuyển đổi trường BC (đã nêu ở trên), có đại biểu đặt vấn đề về việc chuyển trường BC sang hình thức dân lập, tư thục. Nhưng Sở GD-ĐT TP vẫn bảo vệ quan điểm: trường BC có nguồn gốc là trường công lập, không thể chuyển cho tư nhân quản lý (?!).
Cũng xin nhắc lại một sự kiện từng nổi đình nổi đám trong ngành GD TP hồi đầu năm học 2005 – 2006, khi Trường THPT Lê Quí Đôn thực hiện thí điểm mô hình CL tự hạch toán. Tuy dự kiến chỉ mở bốn lớp tự hạch toán nhưng cuối cùng trước sự phản ứng dữ dội từ phía phụ huynh HS và cả công luận, kế hoạch trên đã phải hủy bỏ.
————–
* Bài 2: Cần công ra công, tư ra tư!