8 Đặc sản đặc trưng mua về làm quà khi du lịch Yên Bái
Khi đi Du lịch Yên Bái du khách có thể khám phá nhiều điểm như Mù Cang Chải, Mường Lò… Bên cạnh đó, đây cũng là nơi để khám phá những món đặc sản nổi tiếng của người dân Thái, Tày, Mường… nới đây. Khi trờ về chắc chắn du khách sẽ không khỏi thắc mắc nên mua đặc sản nào nơi này về biếu bạn bè và người thân. 8 Đặc sản đặc trưng của Yên Bái dưới đây là gợi ý cho bạn những món quà đặc sản hấp dẫn và đáng giá.
1. Măng ớt Trạm Tấu
Măng ớt Trạm Tấu là món ăn chỉ có ở huyện vùng cao Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái được chế biến từ cây măng Lay – một loại cây chỉ mọc ở vùng núi cao. Đây là loại măng rất đặc biệt, kích thước của măng nhỏ bằng ngón tay, bên trong thì lại đặc ruột được gọi là măng ớt.
Măng Lay ở Trạm Tấu mọc rất nhiều ở trên sườn của núi đá. Cứ mỗi độ vào thu, khi mà lưng đèo đã bắt đầu bao phủ bởi những lớp sương thì đó cũng là thời điểm mà những mầm măng đua nhau mọc. Đối với đồng bào người Mông ở Trạm Tấu thì món măng ớt chính là một trong những món ăn không thể thiếu trong những bữa cơm đạm bạc ở trên nương hay trong những bữa cơm thịnh soạn vào dịp lễ, tết.
Cách làm món măng ớt thật đơn giản. Măng đem về được bóc vỏ, dùng khăn ấm lau cho sạch. Đây không phải chuyện tiết kiệm nước mà chính là vì loại măng này nếu đã nhúng vào nước sẽ bị thâm, trông không hấp dẫn, ngon miệng, khi măng được lau sạch, sẽ được xếp vào ống bương hoặc là chum để ủ măng. Cứ một lượt măng lại được rắc một lượt ớt tươi giã nhuyễn trộn với muối trắng. Độ cay hoặc độ mặn tuỳ theo ý thích của từng gia đình. Khi măng đã đầy ống bương hoặc chum, người ta dùng đá nén chặt lại. Chừng 1 tháng sau khi ngâm thì măng có thể ăn được.
Măng ớt khi được ngâm ở trong dung dịch muối trắng và ớt tươi lâu ngày thì nó sẽ có màu trắng hồng, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy rất là thích mắt. Lúc này nếu đưa lên miệng và cắn thử một miếng, sẽ thấy măng ớt rất giòn và ngay đầu lưỡi cảm nhận được vị chua, cay cùng hòa quyện tạo nên hương vị khó quên.
Măng ớt Trạm Tấu là một món ăn dân dã, quen thuộc của đồng bào người Mông ở Trạm Tấu. Dù được làm từ loại măng nhỏ nhưng khi kết hợp hài hòa với nguyên liệu quen thuộc là muối và ớt tươi lại tạo nên hương vị rất đặc biệt, vì thế dù có thưởng thức một lần món măng ớt Trạm Tấu cũng rất khó để quên đi hương vị đó. Nếu có cơ hội đến vùng cao Yên Bái, du khách đừng bỏ qua món đặc sản độc đáo này bởi nó sẽ giúp bạn cảm nhận được hương vị của đại ngàn được gói gọn trong từng miếng măng ớt.
2. Mật ong rừng Mù Cang Chải
Đến du lịch Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, ngoài chiêm ngưỡng nét hùng vĩ của đèo Khau Phạ, Thác Mơ, vẻ nên thơ của ruộng bậc thang La Pán Tẩn mùa lúa chín, du khách còn được thưởng thức các đặc sản mang đậm nét văn hóa vùng như mèn mén, gà đen, rượu thóc, măng rừng, táo mèo, mận tam hoa… Trong đó, mật ong rừng là đặc sản được nhiều du khách lựa chọn mang về làm quà.
Mật ong Mù Cang Chải là một trong những đặc sản của tỉnh Yên Bái. Nhờ sự phong phú của hàng trăm loại hoa rừng, những bầy ong ở Mù Cang Chải đã tinh luyện ra thứ mật nguyên chất, vàng sánh, đậm đặc, tổng hòa hương thơm và vị ngọt tinh túy của núi rừng. Đây là loại mật mà ong làm tổ trong các hang đá, hốc cây, ong tự đi tìm kiếm và hút mật của hoa rừng nên hoàn toàn nguyên chất, màu vàng óng, sánh đặc, có vị ngọt tinh khiết, không bị kết tinh mà còn có tác dụng bồi bổ sức khoẻ và chữa bệnh rất tốt.Mật ong nguyên chất đặc quánh tuôn ra, cho đến khi nào hết mật mới thôi. Một tổ ong thông thường cho 3 – 5 lít mật. Tổ ong được mùa và thuộc loại to nhất chứa đến 10 lít mật.
Mật ong rừng Mù Cang Chải Yên Bái là đặc sản quý giá của núi rừng, đã và đang trở thành thương hiệu nổi tiếng được rất nhiều người ưa thích và tìm mua về sử dụng và làm quà tặng.
3. Măng sặt
Măng sặt có nhiều ở các địa phương, nhưng không phải nơi nào măng cũng ngon, có lẽ Yên Bái là mảnh đất có thổ nhưỡng và khí hậu hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây măng. Chẳng thế mà măng sặt Yên Bái đã trở thành món ăn được nhiều thực khách sành ăn bình chọn là món ngon và hấp dẫn nhất.
Măng sặt được mùa nhất là vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch, thời gian vụ măng ngắn chỉ từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Loại măng này thuộc họ tre, thân nhỏ rất thẳng, búp măng to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, mọc tự nhiên. Loại măng này có nhiều tại các vùng đồi thuộc huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, nhưng nhiều nhất là ở thị xã Nghĩa Lộ.
Măng sặt có vị ngọt và mềm, dễ để chế biến các món ăn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người, măng sặt ăn ngon nhất khi ngọn măng mới nhú mập mạp, thân mầu trắng còn tươi nguyên mùi đất rừng. Chọn được những cây măng ngon thì cần biết cách chế biến để có những món ăn ngon hấp dẫn nhất. Măng sặt có thể chế biến được rất nhiều các món ăn như: món luộc, món om, món xào, món nướng…
Măng sặt luộc chín, đem rán vàng rồi om với thịt vịt và tỏi, ăn nóng với hạt tiêu, hành, mùi rất lạ miệng. Măng sặt chẻ nhỏ, ngâm với dấm ớt, ớt phải nhiều và cay, đóng lọ ăn dần cũng rất đưa cơm và ngon miệng.
4. Bánh chim gâu
Gọi là đặc sản bởi sự cầu kỳ trong cách làm bánh và câu chuyện về chiếc bánh mang ý nghĩa của tình mẫu tử. Chuyện xưa kể rằng, tháng ba vào mùa nương rẫy, các bà, các chị tất bật, làm lụng cả ngày thu quả tra hạt vắng nhà. Đi làm nương, nhưng người mẹ luôn hướng về những đứa con đang ngóng mẹ. Lúc nghỉ trên nương, người mẹ Dao tranh thủ dùng những chiếc lá dừa rừng này đan vỏ bánh chim, để cuối ngày trở về gia đình nhồi gạo làm bánh cho con. Chiếc bánh chim gâu như món quà đầy tình mẫu tử dành cho những đứa con yêu của mình.
Bánh được gói theo hình dáng giống con chim gâu, nhỏ xinh vừa phải. Người dân gọi chung là bánh chim gâu. Để làm được chiếc bánh độc đáo, gạo nếp là nguyên liệu chính không thể thiếu trong bánh chim gâu. Ngoài ra, món bánh còn có thể thêm nhiều nguyên liệu như đỗ xanh, các loại lá cây, nước tro, thịt lợn để tạo thêm hương vị độc đáo, đa dạng và ngon hơn. Ngoài gạo nếp, bánh chim gâu phải có nguyên liệu là lá dứa rừng, một loại cây rất quen thuộc với người dân Yên Bái. Lá có màu xanh, hình dáng dài. Khi gói, người ta sẽ đan các chiếc lá lại với nhau để bao bọc lấy nhân, sau đó thả bánh vào nồi rồi luộc lên. Ngoài làm nguyên liệu gói bánh chim gâu, lá dứa rừng còn là vị thuốc chữa bệnh dạ dày lên được không ít gia đình mang về trồng quanh nhà để làm vị thuốc chữa bệnh. Bánh chim gâu là đặc sản của người dân tộc Dao và Cao Lan ở huyện Yên Bình. Chiếc bánh tượng trưng cho tình cảm gia đình, tượng trưng cho tình cảm cha con, tượng trưng cho tình cảm mẹ con. Người dân ở đây thường mang thứ bánh này khi đi làm nương rẫy để dùng tạm bữa trưa hay làm đồ ăn cho trẻ em đến trường. Đây là món ăn phổ biến và được yêu thích của đồng bào dân tộc địa phương. Đặc biệt bánh chim gâu được tặng như một thứ đặc sản để chia xẻ tình cảm với nhau, là món quà quý người mẹ dành cho mà trẻ em rất thích.
5. Gạo Nếp Tan Tú Lệ
Nếp Tú Lệ còn gọi là nếp Tan Lả (theo tiếng của người Thái) là loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái.Ai đã từng thăm Yên Bái vào Nghĩa Lộ, lên Tú Lệ, Mù Cang Chải sẽ cảm nhận được sự trong lành của khí hậu, bao la hùng vĩ của núi đồi và tấm lòng hồn hậu, mến khách của người dân Tây Bắc.
Nếp Tú Lệ được xếp vào một trong những loại nếp ngon nhất nước ta, đồ lên thành xôi có vị thơm ngọt và dẻo, rời từng hạt chứ không dính chặt lấy nhau như đa phần các loại nếp thường khác. Nếp Tú Lệ còn gọi là nếp Tan Lả (theo tiếng của người Thái) là loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái.Gạo nếp ở đây rất ngon, dẻo thơm nổi tiếng là vì cánh đồng lúa được tưới mát bởi con suối đầu nguồn Mường Lùng, lúa được gieo trồng trên một nền đất hiếm, tầng phong hóa mỏng, nồng độ kali cao, thung lũng Tú Lệ lại nằm gọn giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song nên biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày. Thêm nữa là cấu tạo của đất Tú Lệ tơi xốp, dễ thấm nước và khí hậu trong lành, thuận lợi cho cây lúa phát triển tự nhiên nên cây nếp Tan Lả trồng xuống bén rễ xanh non mơn mởn. Chính vì vậy nếp Tan Tú Lệ được coi là gạo sạch và có mùi thơm rất lạ. Điều đặc biệt hơn nữa là không nơi nào trồng được loại lúa này mà cho thứ gạo thơm, dẻo như vùng thung lũng Tú Lệ.
6. Mận tam hoa Mù Cang Chải
Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng với ruộng bậc thang, kỳ quan do bàn tay con người tạo nên, nổi tiếng với những phiên chợ vùng cao người Mông lung linh màu sắc mà còn làm say lòng du khách bởi hương vị đậm đà, giòn tan của Mận tam hoa. không chỉ bởi là món ngon mà còn là đặc sản nhiều người yêu thích vì quả to, màu đỏ, thịt bên trong hồng tươi bên ngoài có phủ 1 lớp phấn trắng mịn.
Với đặc sản Mận tam hoa Mù Cang Chải bạn chỉ cần rửa sạch hay thưởng thức ngay tại vườn.Du khách lên Mù Cang Chải vào mùa mận chín, không chỉ được ngắm và chiêm ngưỡng không gian kỳ vĩ, bao la, điệp trùng của ruộng bậc thang, những bản làng người Mông yên bình nằm nép mình chênh vênh bên vách núi đá, mà còn được thưởng thức vị ngọt chát giòn tan, mát lạnh của quả Mận tam hoa để quên đi cơn khát và mỏi mệt sau hành trình dài khắp núi rừng quanh co, trùng điệp.
7. Chè Shan Tuyết Suối Giàng
Vùng chè Shan Tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích khoảng 393ha, trong đó diện tích cây mọc tự nhiên là 293ha, chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp… với hơn 4 vạn cây có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm. Chè Shan Tuyết cổ thụ có thân cây to bằng vài người ôm, màu trắng mốc, tán cây rộng khoảng 20m², lá màu xanh đậm.Chè Shan Tuyết là loại cây mọc tự nhiên trên vùng núi cao, được nuôi dưỡng bằng sinh khí của đất, trời nên búp và lá chè rất to, có màu xanh đậm, trên mặt lá phủ một lớp lông tơ mỏng trắng như tuyết. Vì vậy mà chè có tên Shan Tuyết.
Vào mùa chế biến chè, Suối Giàng thơm ngào ngạt, mùi chè lá chè búp đã chín mềm bởi sức nóng của chảo gang, củi lửa gỗ rừng. Nhựa chè thơm chan chát, quyến rũ đến mức đi trong hương mùa vụ của chè, người ta đã có cảm giác đáy họng mình cũng có vị chan chát, ngầy ngậy. Đúng là một thứ chè rất được nước, rất nịnh hương, uống xong rồi dư âm của thứ hương rừng sắc núi ấy vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi.
Đến Suối Giàng huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, du khách sẽ được hòa mình vào bốn mùa bồng bềnh trong mây, được thưởng thức vị ngọt của chè Shan Tuyết cổ thụ, của mật ong tinh khiết và tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi cùng lời hát trao tình của các chàng trai, cô gái Mông réo rắt gọi mời.
8. Bánh chuối Lục Yên
Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon – bánh chuối – chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.
Với bánh chuối, sự hấp dẫn được thể hiện qua những bàn tay khéo léo, tài tình của các bà, các mẹ. Bánh được tạo nên chủ yếu từ chuối và một chút bột gạo mới. Để làm được một chiếc bánh chuối thơm ngon, giữ được hương vị nguyên vẹn của chuối, màu bánh vàng như nhúng mật họ phải chuẩn bị khá công phu từ khi chuối ra nải. Quả chuối chín, đem bóc vỏ, rồi được sấy khô để dành. Khi làm bánh, chuối sấy khô được đem ngâm nước ấm cho mềm rồi đem đi xay thành bột, bột gạo cũng phải xay bột nước cùng với bột chuối trộn đều làm vỏ bánh. Muốn có bánh thơm, ngọt thì nguyên liệu được chọn là chuối tiêu; muốn bánh có độ dai dẻo, màu sắc sáng thì chọn chuối goòng, chuối lá… tùy theo sở thích.
Điều hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây gói bánh cũng từ dây chuối đúng là chẳng giống với bất kỳ loại bánh nào. Chẳng thế mà bánh chuối rất dễ thưởng thức, vừa ngon vừa lạ, hấp dẫn du khách gần xa.