Thánh Gióng

Thánh Gióng

1. Vị trí con đường

Đường Thánh Gióng nằm trên địa bàn hai phường Tây Lộc và Thuận Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Nguyễn Trãi, qua ngã ba các đường Lê Văn Miến, Phan Huy Chú, Trần Nhật Duật, Nguyễn Xuân Ôn đến đường Trương Hán Siêu, dài 1140m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải.

2. Lịch sử con đường

Nguyên là xứ ruộng thấp, sau năm 1960 san lấp lấy mặt bằng xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường này. Trước năm 1976 là đường Nguyễn Hữu Hiến. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên mới là đường Thánh Gióng.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Thánh Gióng Là nhân vật huyền sử thời Hùng Vương thứ 6 dựng nước, hiệu là Phù Đổng Thiên Vương. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Gióng (làng Phù Đổng), huyện Gia Lâm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Lúc sinh ra đến 3 tuổi rồi mà chẳng chịu cười, chịu nói. Nhưng khi nghe lời kêu gọi của nhà vua tìm người tài ra giúp nước đánh giặc Ân, cậu bé Gióng bỗng vươn vai đứng dậy ăn một lúc hết “Bảy nong cơm, ba nong cà. Uống một hớp nước, cạn đà khúc sông” rồi từ biệt mẹ, nhảy lên lưng ngựa sắt nhổ tre làng xông thẳng ra trận, đánh đuổi quân giặc. Đất nước thanh bình anh hùng Gióng không trở về làng dự phần nữa mà cưỡi ngựa sắt đến núi Vệ Linh, ngắm nhìn lần cuối nơi mình sinh ra rồi vỗ nhẹ vào mông chiến mã vút thẳng về trời, nên ông có hiệu là Phù Đổng Thiên Vương, nhân dân phong ông là Thánh. Thời Lê Thánh Tông, nữ sĩ nổi tiếng Ngô Chi Lan nhân một lần đến núi Vệ Linh, bà đã viết bài thơ vịnh sử về anh hùng Gióng như sau (qua bản dịch của Ngô Văn Phú), Đổng Thiên Vương: “Vệ Linh mây trắng dọc rừng xuân Muôn tía nghìn hồng ngát cõi trần Ngựa sắt lên trời, tên chép sử Nước non vang dậy một uy danh”… Ông là một trong Tứ thánh bất tử của Việt Nam. Tôn vinh ông như một biểu tượng truyền thống anh hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Tại làng Phù Đổng cũng như nhiều nơi khác trên đất nước Việt Nam đều có lập đền thờ ông. Hằng năm ở làng Phù Đổng nhân dân thường tổ chức Hội Gióng vào tháng tư âm lịch để tưởng nhớ đến sự tích đánh giặc Ân cứu nước của ông. Có câu: “Thứ nhất là hội Cổ Loa. Thừ nhì Hội Gióng. Thứ ba Hội Chèm”, đều là những ngày hội nhớ ơn các anh hùng chống ngoại xâm cứu nước. Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật nằm trên đường này.

Rate this post

Viết một bình luận