Sẽ thật thiếu sót nếu nền văn học – nghệ thuật Việt Nam không có thơ, một thể loại làm tăng xúc cảm cho con người, ở đó ta được sống và thể hiện tình cảm của bản thân tự do. Người yêu thơ là người lãng mạn, mang tâm hồn hòa hợp với cuộc đời và con người.
1. Thơ là gì?
Thơ là thể loại văn học đã có tự bao đời, thậm chí còn được ra đời trước văn xuôi. Trong Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”.
Thơ đa phần sử dụng ngôn từ mộc mạc, chứa đựng những cảm xúc dạt dào, cô đọng và giàu hình ảnh gợi tưởng. Kết hợp cùng quy luật gieo vần chặt chẽ nên âm điệu trầm bổng.
Mặc dù, thơ thường không đề cập trực tiếp đến sự kiện và số lượng chữ có phần ít hơn so với các thể loại văn học khác. Nhưng thông qua ngôn ngữ đầy chất trữ tình, thơ ca đã tinh tế truyền tải đầy đủ ý nghĩa và trọn vẹn câu chuyện ẩn chứa phía sau đó.
Nhà văn M. Gorki khẳng định “Không có cuộc sống, không có thơ”. Thực vậy, tác giả sẽ khó viết nên dòng thơ sâu lắng nếu không có sự góp nhặt tình cảm, kinh nghiệm của bản thân lấy từ cuộc sống.
Để khi đọc những vần thơ ấy, độc giả như bắt gặp hình ảnh chính mình, chạm đến từng cung bậc của cảm xúc. Thơ là nội tâm của tác giả, cũng chính là tiếng lòng của mọi người, phản ánh chân thực quá trình sinh hoạt, lao động và tình cảm của con người.
Thơ trải dọc theo chiều dài lịch sử, đa dạng hình thức như: thơ sử thi, thơ tứ tuyệt, thơ thất ngôn bát cú, thơ lục bát,… Hoặc thơ ngắn chỉ với ba, bốn dòng vẫn đủ phản ánh hết nội tâm và mang đến bức tranh rõ nét về cuộc đời.
2. Tổng hợp một số bài thơ hay tiêu biểu
Dưới đây là những bài thơ trong giai đoạn văn học trung đại “để đời” ý nghĩa nhất. Cùng chúng tôi ôn lại những bài thơ này nhé!
2.1 Bánh Trôi Nước
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
(Tác giả: Hồ Xuân Hương)
2.2 Qua Đèo Ngang
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta
(Tác giả: Bà Huyện Thanh Quan)
2.3 Bạn Đến Chơi Nhà
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ;
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
(Tác giả: Nguyễn Khuyến)
2.4 Bài ca Côn Sơn
Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
(Tác giả: Nguyễn Trãi)
2.5 Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Tháng tám, thu cao, gió thét giả,
Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta.
Tranh bay sang sông rải khắp bờ,
Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa,
Mảnh thấp bay lộn vào mương sa.
Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,
Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật,
Cắp tranh đi tuốt vào lũy tre
Môi khô miệng cháy gào chẳng được,
Quay về chống gậy lòng ấm ức!
Giây lát, gió lặng, mây tối mực,
Trời thu mịt mịt đêm đen đặc.
Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt,
Con nằm xấu nết đạp lót nát
Đầu giưởng, nhà dột chẳng chừa đâu
Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt.
Từ trải cơn loạn ít ngũ nghệ Đêm dài ướt át sao cho trót ?
Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,
Che khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,
Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn!
Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,
Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!
(Tác giả: Đỗ Phủ)
3. Thơ mới là gì? Cuộc cách mạng giải phóng thơ ca khỏi sự “gò bó”
Thơ mới là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét nổi bật về thể loại thơ hiện đại này ngay dưới đây!
Thơ mới xuất hiện những năm 20 của thế kỷ XX đã làm thay đổi diện mạo nền thơ ca Việt Nam lúc bấy giờ. Bởi đây là cuộc cách mạng giải phóng thơ ca khỏi những ràng buộc lỗi thời, mà theo những tác giả của phong trào này cho rằng thể loại thơ trước đó quá gò bó về mặt nội dung lẫn hình thức.
Thơ mới là hình thức theo lối tự do, phá vỡ mọi niêm luật của thể thơ thời kỳ trung đại. Bởi thi sĩ tự do gieo vần, hiệp vần, thay đổi nhịp điệu trong bài. Khiến lời thơ có phần uyển chuyển, mềm mại và tiếp xúc gần hơn với bạn đọc.
Trong giai đoạn 1932 – 1945, thơ ca thể hiện cái “tôi” cá nhân đặc sắc. Đối diện chân thực với hoàn cảnh rối ren của đất nửa thực dân, nửa phong kiến. Cùng những tâm tư sầu uất, lạc lõng giữa cuộc đời.
Trong những bài thơ mới, ta dễ nhìn thấy tinh thần dân tộc từ vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, hình ảnh dòng sông – bến nước – con đò, cùng nỗi đau mất nước đau đáu trong trái tim của nhân dân.
Thơ mới cũng là giai đoạn hình thành nên những con người lý tưởng, tràn đầy khát vọng độc lập, tự do và hướng đến niềm hạnh phúc như: chiến sĩ cách mạng uy nghi trong bài “Con voi già” của tác giả Huy Thông hay người khách chinh phu trong “Tiếng gọi bên sông” của Thế Lữ.
Bên cạnh đó, thơ mới còn thể hiện tình cảm đôi lứa, trải qua nhiều chặng đường của tình yêu từ xa lạ thành thân quen, ‘chung đường chung lối’ đến duyên tình dang dở.
4. Top những bài thơ mới ý nghĩa nhất
Thơ mới với nhiều chủ đề phong phú về quê hương, đất nước, tình mẫu tử thiêng liêng và tình yêu lứa đôi Dưới đây là một số bài thơ ý nghĩa nhất:
4.1 Nằm Trong Tiếng Nói
Nằm trong tiếng nói yêu thương
Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời
Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi
Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con.
Tháng ngày con mẹ lớn khôn,
Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha.
Đời bao tâm sự thiết tha
Nói trong tiếng nói lòng ta thuở giờ…
(Tác giả: Huy Cận)
4.2 Mang nặng đẻ đau
Đời con vừa viết xong
Xin cúi đầu dâng mẹ
Bao nhiêu sự đau lòng
Xin lòng mẹ đoái trông
Đời mẹ nhiều cay đắng
Lòng con mang vẫn nặng
Những cơn lệ ngập ngừng
Mẹ chưa hề khóc đặng
Mẹ buồn mà chẳng nói
Chỉ chờ lòng con gọi
Là mẹ khóc. Trời ơi!
Mẹ tôi buồn quá đỗi.
Mới ngoài bốn mươi tuổi
Mà xâu kim phải nhờ
Em con. Lòng mẹ tủi
Mắt trong khóc đã mờ.
Mẹ cho con thân con
Mẹ cho con tâm hồn
Đẻ con và mang nặng
Con lớn, mẹ hao mòn.
Và mặt mẹ, con nhìn
Sao không thương cho được!
Đường ngang và nét dọc
Là dấu vết sầu in.
Phải chăng cả thân mẹ
Quặn lại mà sinh ra
Máu xương cho con sống
Cho con đủ thịt da?
Mẹ ơi! Sao mẹ giống
Đất nước sinh ra con
Cũng một bầu khổ thống,
Cũng bấy nhiêu đau buồn.
Đời con vừa viết xong
Xin cúi đầu dâng mẹ
Bao nhiêu sự đau lòng
Xin hai Mẹ đoái trông!
(Tác giả: Huy Cận)
4.3 Những Giọt Lệ
Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?
Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa…
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
(Tác giả: Hàn Mặc Tử)
4.4 Tương tư
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
(Tác giả: Nguyễn Bính)
4.5 Yêu
Yêu, là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu:
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt.
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
– Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt,
Những người si theo dõi dấu chân yêu;
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu.
Và tình ái là sợi dây vấn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
(Tác giả: Xuân Diệu)
Thơ nói chung và thơ mới nói riêng đều ẩn chứa nhiều bài học ý nghĩa, mang giá trị nhân văn quý giá. Mong rằng, qua bài viết trên bạn đã có thêm những kiến thức và rút ra nhiều bài học bổ ích từ thơ ca nước nhà.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet