Tại sao sinh viên “Không hứng thú trong học tập”

Tại sao sinh viên hiện nay không hứng thú học tập khi mà học tập là “Một phần tất yếu trong cuộc sống” của họ? 

Phải chăng sinh viên “ngày nay” và sinh viên “ngày xưa” rất khác nhau và chính sự khác nhau này tạo nên hiện trạng như vậy? 

Thực trạng sinh viên hiện nay không hứng thú trong học tập có rất nhiều nguyên nhân. Chúng ta thử điểm qua một vài nguyên nhân như sau: 

1. Học không có mục đích: đại đa số các sinh viên khi được hỏi tại sao lại chọn chuyên ngành này để học? Thì câu trả lời nhận được đa số là do sở thích nhưng khi được hỏi tiêu chí nào chỉ ra việc sinh viên thích ngành học đấy thì câu trả lời là con số không tròn trĩnh. 

Tiếp nữa đại đa số các sinh viên khi được hỏi mục tiêu và kế hoạch khi tốt nghiệp thì chỉ khoảng 5% có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó. 

2. Không có sự tác động đúng đắn và kịp thời: khi sinh viên còn đang theo học, họ luôn nhận được những bài tập, những đề tài, … và được yêu cầu phải hoàn thành trong khi họ tìm kiếm sự trợ giúp từ phía Giáo viên và nhà trường thì gần như được đáp lại rất ít so với những gì họ mong đợi và họ cần. Họ luôn được hô hào và khuyến khích nghiên cứu khoa học, xây dựng đề tài, … Tuy nhiên, cái mà họ cần không phải những đợt sóng hô hào, khuyến khích suông như vậy từ phía nhà trường. Cái mà họ cần trong trường hợp này chính là việc làm gương của chính những người làm công tác giáp dục và đang trực tiếp giảng dạy họ, nhưng sự thực thì ngược lại. Chính tình hình như vậy dẫn đến tình trạng như một làn sóng dội lên rồi nhanh chóng tan biến. Có chăng chỉ le lói sự đối phó hay sự hứng khởi nhất thời mà thôi. 

3. Không có phương hướng: sinh viên tại sao không quyết định hay thậm chí mang tính chất biết được mình sẽ làm gì sau khi ra trường? Học thế nào để đạt kết quả tốt nhất? Nên học và nghiên cứu những gì thì phù hợp với xu thế thời đại và thời điểm hiện tại? 

Họ cần có những người có trách nhiệm cho họ những phương hướng cụ thể hay nói cách khác họ cần có người phân tích cho họ thấy rằng họ đang học để làm gì, đã và chưa làm được những gì, nên học gì và làm gì trong thời điểm hiện tại. 

Sinh viên thậm chí còn chưa hiểu đúng về chuyên ngành của mình học, chưa hiểu được công việc hay nói cách khác là những gì mình học sẽ áp dụng thế nào trong tương lai khi họ tốt nghiệp ra trường và đi làm? 

4. Xã hội hiện nay có quá nhiều cám dỗ khiến họ đang dần bị kéo xa ra khỏi trường lớp mà đến gần với những “hoạt động” mà theo họ đó là quan hệ xã hội. Vậy trước tình trạng như vậy, nhà trường và các nhà chức trách có trách nhiệm thế nào và tác động ra sao đến bản thân sinh viên để giúp họ có thể đứng vững và yên tâm học tập? 

5. Môi trường học tập và quan hệ của chúng ta hiện nay trong nhà trường chưa thức tỉnh được những điểm mạnh trong sinh viên. Môi trường học thụ động theo kiểu Giáo viên cứ giảng cho hết bài, sinh viên cứ ngồi cho hết giờ đang hàng ngày diễn ra trong môi trường mà ta gọi là lớp học, là nhà trường. 

6. Một vấn đề rất quan trọng nữa là việc xu thế từ trước đến thời gian gần đây là “Đào tạo con người theo hướng toàn diện” nghĩa là cố gắng trang bị cho họ hầu như tất cả các kiến thức để họ trở thành những con người “toàn diện” nhưng sự thực thì họ hầu như không biết gì. Tại sao? 

Để trả lời câu hỏi, chúng ta thử điểm qua nền Giáo dục của các nước phương Tây. Tại các nước phương Tây, chủ trương Giáo dục của họ là “Đào tạo những gì xã hội cần” hay nói cách khác “Xã hội cần gì đào tạo đấy”, vậy nghiễm nhiên phải chăng họ không được gọi là một con người “toàn diện”? Nhưng sự thức họ đã hơn hẳn sinh viên chúng ta về sự chuyên sâu và chuyên nghiệp trong học tập cũng như trong công việc sau khi tốt nghiệp ra trường. 

Quay trở lại với vấn đề sinh viên tại Việt Nam, họ làm sao có được sự chuyên sâu, họ làm sao có được sự chuyên nghiệp khi mà hàng ngày họ phải “ngốn” một khối lượng kiến thức khổng lồ mà thực chất hầu như chưa giúp ích được gì cho họ tại thời điểm hiện tại. Có cahwng chỉ đảm bảo sinh viên được điểm cao nếu chịu khó học nhưng sự thật thì số sinh viên chịu khó học quá ít vì bản chất số lượng môn học và nội dung chương trình học không cho họ sự hứng khởi và chuyên sâu để học bớt ngại khi phải nghiên cứu nhiều vấn đề cùng một thời điểm. 

Trên đây chỉ là một số trong vô vàn những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “Không hứng thú trong học tập” của sinh viên chúng ta. 
 

Tags:

Rate this post

Viết một bình luận