Viện dưỡng lão là nơi con cái thể hiện lòng hiếu thảo

Nhiều người nói ‘viện dưỡng dưỡng lão là nơi con cái chối bỏ trách nhiệm’, nhưng tôi thà làm vậy còn hơn để mặc cha mẹ tự lo.

“Đây là giai đoạn viện dưỡng lão xuất hiện ở các nước đang phát triển. Hồi còn trẻ, tôi cũng từng tranh luận khá nhiều với những “nhà xã hội học” về việc viện dưỡng lão có ý nghĩa như thế nào? Nhiều người nhìn vào mô hình này ở phương Tây mà cho rằng, đây là nơi con cái chối bỏ trách nhiệm của gia đình, tước đi sự tự do của ông bà, bỏ mặc đấng sinh thành cho sự ích kỷ riêng của bản thân.

Nhưng cho đến giờ, nhìn vào xã hội hiện tại, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm cũ: Không có thứ gì tự nhiên sinh ra cả. Viện dưỡng lão là kết quả khi xã hội bị thúc đẩy đến quay cuồng trong quá trình công nghiệp hóa, khi người con không thể, tôi xin nhấn mạnh là ‘không thể’, vừa lo cho gia đình, vừa lo cho sự nghiệp, lại phải hiếu thuận với cha mẹ già.

Để cho ông bà tự lo liệu tuổi già ở chốn thôn quê, để rồi nhỡ có chuyện không hay xảy ra cũng chẳng ai biết? Hay đưa các cụ vào một nơi làm dịch vụ có người chăm lo thay mình sẽ tốt hơn? Nói thật, tôi cũng không chắc lắm. Nhưng tôi cho rằng, viện dưỡng lão là kết quả từ lòng hiếu thuận của con cái. It nhất là vì họ không đành lòng bỏ mặc đấng sinh thành tự lo, tự diệt… chứ tuyệt nhiên không phải là “nơi chối bỏ trách nhiệm” như các bạn của tôi từng tranh luận”.

Đó là quan điểm của độc giả Master Harem xung quanh câu chuyện “Trẻ cậy cha, già cậy ai?”. Viện dưỡng lão là một khái niệm không còn quá xa lạ ở Việt Nam, được hình thành từ những giá trị rất thực tế của cuộc sống, sự chăm sóc quan tâm đến sức khỏe người cao tuổi, nơi các cụ được bầu bạn tâm sự với nhau, chăm sóc y tế, chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc tinh thần… Hiện nay, càng có nhiều người cao tuổi do hoàn cảnh con cái định cư nước ngoài, làm ăn xa… hoặc họ sống cùng gia đình nhưng vẫn lựa chọn tham gia viện dưỡng lão để giao lưu với người cùng thế hệ.

>> Trẻ cậy cha, già cậy viện dưỡng lão

Cũng có cái nhìn cởi mở với viện dưỡng lão, bạn đọc Vina cho rằng: “Theo tôi quan sát, viện dưỡng lão không chỉ là nơi để con cái gửi gắm cha mẹ vì quá bận rộn. Cuộc sống hiện đại giúp tuổi thọ con người được kéo dài và một trong những cách giúp kéo dài cuộc sống con người là được chăm sóc và chữa bệnh đúng cách. Người già có rất nhiều bệnh, nếu ở cùng con cháu không có kiến thức và phương tiện y tế sẽ không thể cứu giúp được trong lúc nguy cấp. Trong khi đó, ở những viện dưỡng lão đúng tiêu chuẩn sẽ có bác sĩ lão khoa, có y tá túc trực, những nhân viên y tế chăm sóc các cụ hàng ngày, được đào tạo kỹ năng chăm sóc người già chuyên nghiệp.

Tôi từng gặp trường hợp mẹ già nằm một chỗ, con vào giúp lật người nhưng làm không đúng cách làm cụ kêu ầm ĩ vì đau. Y tá nghe tiếng chạy tới mắng luôn vì đã dặn nếu cần giúp thì phải gọi họ vì không biết cách còn gây tổn thương cho các cụ hơn. Hay như có trường hợp cụ đã lẫn, nói thật lúc đó con chăm hay nhân viên y tế chăm cũng chẳng phân biệt được. Thậm chí, có khi con cháu nhìn cụ nhắm mắt lại tưởng là ngủ, nhưng hóa ra đã ngất xỉu rồi…

Vậy nên, xã hội cần thôi khắt khe với viện dưỡng lão mà nên xây dựng những quy chế quản lý chất lượng những cơ sở này để đảm bảo các cụ vào đây sẽ được hưởng các dịch vụ chăm sóc tốt. Còn niềm vui tinh thần thì mọi người cần xác định tự tìm kiếm cho mình trong từng giai đoạn của cuộc đời. Tình thân gia đình là giá trị nhất, nhưng không nên là thứ duy nhất có ý nghĩa. Người già nên có bạn già, lúc con cái vào chơi thì vui cùng con cháu, còn những lúc khác cũng nên có sở thích và mối quan tâm khác”.

Tại Việt Nam, viện dưỡng lão chia thành ba loại, bao gồm: trung tâm điều dưỡng người có công và viện bảo trợ xã hội do Nhà nước thành lập, các cơ sở chăm sóc của các tổ chức tôn giáo và cơ sở chăm sóc người cao tuổi cung cấp dịch vụ trả phí do tư nhân thành lập. Theo thực tế khảo sát và thống kê tháng 12/2020, nước ta hiện có khoảng 80 cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập.

Nhấn mạnh sự cần thiết của viện dưỡng lão, độc giả Nguyễn Thành Phát chia sẻ câu chuyện thực tế về người già trong xã hội hiện đại: “Vợ tôi làm trong mảng ngân hàng, giao dịch và nói chuyện với nhiều đối tượng người cao tuổi. Trong đó có một câu chuyện khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Có một vị khách hàng gần 60 tuổi, không rõ vì lý do gì mà sống một mình đến giờ. Bà cũng có vài người thân, nhưng ở tầm tuổi này thì ai cũng có gia đình nương tựa, nên có giúp đỡ cũng ở giới hạn nào đó.

Hiện, bà ở trọ bên ngoài (nhà cửa đã bán) với số tiền còn lại trong tài khoản (gần 500 triệu) để chi tiêu trong thời gian còn lại. Ở độ tuổi này, bà bị bệnh đau khớp và một số bệnh của người già, và mỗi lần bệnh phải “tự vác thân” đến bệnh viện. Bà tâm sự rằng nỗi sợ lớn nhất là bị đãng trí, không còn minh mẫn để tự chăm sóc mình.

Bà kể có một đứa cháu gái, cũng thân thiết và chăm sóc bà nhiều, nhưng khi đề nghị việc nương tựa nhờ thì gia đình cháu cũng không đồng ý. Bà cũng tìm kiếm một số viện dưỡng lão nhưng chi phí là quá cao so với số tiền hiện có. Bà cũng nhiều lần gặp và đề nghị vợ tôi hỗ trợ một số việc, đề phòng trường hợp nếu lỡ xảy ra chuyện không hay. Và nếu bạn quan sát, xung quanh chúng ta sẽ có nhiều hoàn hoàn cảnh người già sống lay lất, mưu sinh qua ngày như vậy”.

>> Để viện dưỡng lão không thành nơi giam cầm tuổi già

Khẳng định viện dưỡng lão là giải pháp hoàn hảo nhất để chăm sóc người cao tuổi ở xã hội hiện đại, bạn đọc Real Man nếu ý kiến: “Nghĩ cho cùng, đến một lúc mà ta không thể điều khiển được chân tay mình như ý muốn, con người sẽ cảm thấy muốn sống nhất và muốn có con cháu ở bên để không cảm thấy cô đơn, tủi phận. Điều này tôi đã thấy ở đa số những người già. Nhưng một vấn đề khó giải quyết ở đây là con cái lại không muốn cha mẹ mình bị thua thiệt so với người khác, cũng không ai cam lòng đứng nhìn cha mẹ mình chơi vơi giữa dòng mà không có lấy một nơi để bám víu.

Nhưng để thỏa mãn được đạo hiếu của mình thì đôi khi đứa con lại phải hy sinh công việc và thậm chí cả gia đình hiện tại. Những mâu thuẫn vợ chồng do trách nhiệm phụng sự cha mẹ già đôi bên là có thật, con cái phải bỏ việc ở thành phố để về quê chăm sóc cha mẹ cũng có, những vấn đề này như cái mạng nhện níu lấy cuộc sống của những người nghèo.

Và giải pháp cho vấn đề này ở các nước tiên tiến là viện dưỡng lão. Phải có một nơi làm hậu phương, giúp chăm sóc người già để những người trẻ toàn tâm toàn ý học tập, làm việc, dựng xây đất nước phát triển, đi lên. Hiệu quả của viện dưỡng lão đã được chứng minh ở các nước phát triển, chúng ta cũng nên cởi bỏ sợi dây văn hóa đã lỗi thời để thu hẹp khoảng cách kinh tế và khoa học kỹ thuật với các nước tiên tiến trên thế giới”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Rate this post

Viết một bình luận