Hiểu các giá trị của Mỹ và tìm hiểu về những gì quan trọng đối với người Mỹ. Đọc lý do tại sao người Mỹ coi trọng sự độc lập, bình đẳng và đúng giờ. Bạn sẽ thấy tại sao người Mỹ thẳng thắn và tùy nghi, và tại sao sự cạnh tranh, đạo đức làm việc và mua đồ đạc đều quan trọng ở Hoa Kỳ.
Giá trị Mỹ là gì?
Ở đất nước của bạn, có những truyền thống và văn hóa mạnh mẽ mà bạn coi trọng. Ở Hoa Kỳ, cũng có những giá trị Mỹ quan trọng. Giá trị Mỹ là những thứ quan trọng nhất đối với người Mỹ.
Độc lập
Một trong những giá trị chính của Mỹ là sự độc lập. Độc lập đôi khi còn được gọi là chủ nghĩa cá nhân. Người Mỹ rất tự hào về sự tự lực, hoặc khả năng tự chăm sóc bản thân, và họ có xu hướng nghĩ rằng những người khác cũng nên tự lực. Khi ai đó đạt được mục tiêu, điều đó thường được xem là kết quả từ sự chăm chỉ của chính người đó. Điều này khác với nhiều nền văn hóa khác mang tính tập thể hơn. Các nền văn hóa tập thể có xu hướng xem thành tựu là sự phản ánh của cả một gia đình hoặc cộng đồng.
Dưới đây là một ví dụ về cách người Mỹ coi trọng sự độc lập:
- Con cái ở Mỹ có xu hướng ra riêng sớm hơn so với các nền văn hóa khác. Ví dụ, sau khi tốt nghiệp trung học, nhiều người chuyển nhà để đi học đại học hoặc bắt đầu đi làm. Nếu họ tiếp tục sống ở nhà, họ có thể bị yêu cầu trả tiền thuê hoặc đóng góp cho gia đình.
- Người Mỹ trông đợi bất cứ ai có khả năng làm việc sẽ đi làm để tự lo cho bản thân.
Riêng tư
Người Mỹ coi trọng sự riêng tư và không gian riêng của họ. Trong khi ở một số nền văn hóa, đòi hỏi sự riêng tư có thể bị coi là một điều xấu, nhiều người Mỹ thích có thời gian riêng một mình và có thể giữ bí mật về một số chủ đề nhất định.
Dưới đây là một vài tình huống liên quan đến giá trị riêng tư của người Mỹ:
- Trong các cuộc trò chuyện, nhiều người Mỹ bí mật về một số điều nhất định và không muốn nói về chúng, chẳng hạn như tuổi tác, số tiền họ kiếm được, hoặc quan điểm chính trị, tình dục và tôn giáo của họ. Một số người không thích nói về những chủ đề này ở nơi công cộng vì họ sợ mọi người sẽ tranh luận. Tuy nhiên, nếu bạn có câu hỏi về những chủ đề này, bạn có thể hỏi chúng tôi. Hầu hết người Mỹ sẽ rất vui khi chỉ bạn cách người Mỹ nhìn thế giới.
- Người Mỹ thường dành cho nhau nhiều không gian hơn trong các tình huống công cộng so với những người ở các nền văn hóa khác. Họ có xu hướng đứng cách xa nhau một khoảng, thường là một sải tay.
- Nhiều người Mỹ xây hàng rào xung quanh nhà để đảm bảo mình có sự riêng tư. Nếu con bạn làm rơi một quả bóng hoặc đồ chơi qua hàng rào hàng xóm, việc nhảy qua hàng rào nhặt lại đồ chơi thường là một ý tưởng tồi. Thay vào đó, hãy đi ra cửa trước và gõ cửa hoặc nhấn chuông. Nếu không ai trả lời, hãy để lại một ghi chú trên cửa, xin phép lấy lại đồ chơi trong khoảng từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Điều này vừa tôn trọng họ vừa an toàn, vì một số người có chó canh hoặc có thể rất lo bảo vệ quyền riêng tư của họ. Đặc biệt, người cao tuổi cần thư thái, yên tĩnh hơn và có thể không muốn bị làm phiền. Nếu bạn mở một cánh cổng, bạn phải đóng nó lại. Tuy nhiên, nếu khi bạn đến cổng đã mở sẵn, hãy cứ để cổng mở.
- Phòng ngủ thường được coi là không gian riêng tư. Hàng xóm và bạn bè chỉ được giải trí trong nhà bếp, phòng ăn hoặc phòng khách. Cha mẹ và con cái có phòng ngủ riêng, và trẻ em Mỹ thường đều có phòng ngủ riêng.
Vừa rồi chỉ là một số ví dụ về sự riêng tư có thể khác với văn hóa của bạn.
Thẳng thắn
Người Mỹ thường rất thẳng thắn. Điều này có nghĩa là họ thường nói với bạn những gì họ nghĩ và quyết đoán những gì họ muốn. Quyết đoán thường được xem là một điều tốt ở Mỹ.
Dưới đây là một số ví dụ về sự thẳng tính theo phong cách Mỹ:
- Trong một số nền văn hóa, từ chối lời mời là thô lỗ – ví dụ, nếu ai đó mời bạn đi ăn trưa, bạn có thể nhận lời, nhưng sau đó lại không đi. Ở Mỹ, hầu như lúc nào cũng tốt hơn khi nói, “Không được, nhưng cảm ơn bạn”, hay ‘Cảm ơn, nhưng tôi hẹn khác rồi”. Nếu bạn nói nhận lời mời nhưng không tới, người mời có thể bực mình.
- Khi trò chuyện, nếu một người Mỹ không đồng ý với ý kiến của bạn, họ sẽ nói với bạn. Điều này không có nghĩa là họ không thích bạn, chỉ là họ có thể có suy nghĩ khác.
- Khái niệm “mất mặt” rất khác ở Mỹ. “Mất mặt” được hiểu là “xấu hổ”, ít nghiêm trọng hơn. Ví dụ, người Mỹ có thể xấu hổ nếu bị chỉ trích hoặc phạm sai lầm. Vì vậy, người Mỹ có thể chỉ ra những sai lầm hoặc chỉ trích bạn, nhưng chỉ đơn giản là coi đó là điều chỉnh hoặc cung cấp thông tin hữu ích.
- Ở lớp, người Mỹ có thể phản bác ý kiến của giáo viên. Trong một số nền văn hóa, bất đồng ý kiến với giáo viên là bất lịch sự.
- Yêu cầu giúp đỡ không bao giờ là thô lỗ. Nếu một người bạn hoặc hàng xóm hỏi bạn có cần gì không, thì họ thực sự muốn giúp đỡ. Cứ thoải mái nói, “Nếu bạn đi mua đồ mà ghé qua quầy bán cam, xin vui lòng lấy cho tôi một túi, tôi sẽ trả tiền chúng cho bạn.” Hoặc, nếu bạn cần quần áo mùa đông chẳng hạn, nhưng không chắc nên mua ở đâu, bạn có thể hỏi, “Bạn có gợi ý chỗ nào tôi có thể mua áo khoác và ủng rẻ rẻ cho con tôi không?” Hầu hết người Mỹ đều thích giúp đỡ, và có thể trở thành bạn và hàng xóm tốt mà không cần nhắc nhiều.
Nói chung, nên nhớ rằng những điều trông có vẻ thô lỗ thật ra không cố ý như vậy. Người Mỹ không cố tỏ ra thô lỗ – họ chỉ thẳng thắn mà thôi.
Bình đẳng
Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ tuyên bố, “Tất cả Mọi người Sinh ra đều Bình đẳng.” Trên thực tế, một số người ở Mỹ không phải lúc nào cũng đối xử bình đẳng với mọi người, nhưng phần nhiều người Mỹ có ý niệm rất mạnh mẽ về bình đẳng. Trong lịch sử Hoa Kỳ có rất nhiều ví dụ về việc không phải tất cả mọi người đều được đối xử bình đẳng, như công dân Mỹ gốc Phi (da đen) bị coi là nô lệ. Tuy nhiên, người Mỹ thích tin rằng tất cả mọi người nên có cơ hội như nhau. Điều này là một phần của cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”. Nhiều người nhập cư trước đây đến Mỹ để theo đuổi Giấc mơ Mỹ. Họ tin rằng nếu làm việc chăm chỉ thì có thể thăng tiến trong xã hội.
Hiện nay, ngày càng nhiều người nhận ra Giấc mơ Mỹ không có thật. Nhiều người làm việc rất chăm chỉ nhưng vẫn không có nhiều tiền. Thông thường, người có gia cảnh khá giả dễ dàng thăng tiến hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, khái niệm bình đẳng là một phần quan trọng của văn hóa Hoa Kỳ.
Dưới đây là một số ví dụ về sự bình đẳng trong văn hóa Mỹ:
- Trong các tình huống pháp lý, mọi người Mỹ đều được đối xử bình đẳng và có quyền có luật sư đại diện.
- Trong lớp, tất cả học sinh nên được giáo viên đối xử bình đẳng. Không ai được thiên vị.
- Đàn ông và phụ nữ nên được đối xử bình đẳng, và đàn ông không được xem trọng hơn phụ nữ. Trên thực tế, trong xã hội Mỹ, nhiều phụ nữ vẫn không có địa vị như đàn ông, đặc biệt trên phương diện số tiền kiếm được.
- Ở Mỹ không áp đặt một hệ thống phân cấp xã hội hay đẳng cấp nào. Đôi khi, những người mà bạn mong đợi sẽ tôn trọng mình có thể chỉ coi bạn ngang hàng. Ví dụ, trẻ em có thể gọi người lớn tuổi bằng tên. Nếu điều này xảy ra với bạn, hãy cố gắng nhớ rằng không phải họ thô lỗ, nhưng giá trị văn hóa của họ khác.
- Đôi khi người Mỹ sẽ cho bạn biết họ muốn được gọi thế nào khi tự giới thiệu bản thân. Nếu một giáo viên hay bác sĩ tự giới thiệu mình là “Lucy” hay “Giáo sư / Bác sĩ Lucy”, bạn nên gọi như vậy. Nếu cô ấy tự giới thiệu mình là Giáo sư / Bác sĩ Wilson, cô ấy thích được gọi như thế.
Bạn cũng nên biết rằng vẫn có thể có sự phân cấp vô hình giữa mọi người. Điều này thường dựa vào các thành tựu cá nhân: ví dụ như công việc, tiền bạc hay giáo dục.
Tùy nghi là một giá trị Mỹ
Xã hội Mỹ thường tùy nghi và thoải mái.
Dưới đây là một số ví dụ cho thấy Hoa Kỳ là một nền văn hóa tùy nghi:
- Người Mỹ có thể ăn mặc giản dị, chẳng hạn như mặc quần jean hoặc quần short ngay cả ở nơi làm việc, trường học hoặc nhà thờ. Khi bạn mới bắt đầu một công việc, tốt hơn là nên ăn mặc lịch sự, rồi sau đó chọn trang phục dựa theo những gì mọi người xung quanh bạn mặc.
- Khi chào hỏi, người Mỹ có xu hướng nói, “Hi” hay “Hello.” Bạn sử dụng cùng một lời chào bất kể đang nói chuyện với ai: con bạn hay giáo viên của con bạn. Ngôn ngữ này không có hình thức chào hỏi suồng sã hay lịch sự.
- Người Mỹ có xu hướng gọi nhau bằng tên riêng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tốt hơn hết là nên lịch sự và gọi người khác bằng họ cho đến khi họ yêu cầu bạn gọi tên riêng – ví dụ như trong việc kinh doanh hoặc ở trường.
Mặc dù sự tùy nghi của văn hóa Mỹ có thể làm bạn ngạc nhiên, điều này không phải là thô lỗ. Trên thực tế, nếu có người chào bạn cách thân mật và gọi bạn bằng tên, điều đó có thể là vì họ xem bạn rất thân thiết.
Cạnh tranh là một giá trị Mỹ
Người Mỹ có tính cạnh tranh và thường làm việc chăm chỉ nhằm đạt được mục tiêu của mình. Cạnh tranh thường khiến người Mỹ rất bận rộn. Nhiều người Mỹ xem sự cạnh tranh là một điều tốt.
Dưới đây là một số ví dụ về giá trị cạnh tranh của người Mỹ:
- Cạnh tranh trong kinh doanh phần lớn là do nền kinh tế tư bản. Mô hình kinh doanh ở Mỹ là cạnh tranh giành khách hàng với giá tốt nhất.
- Người Mỹ sẽ sắp xếp rất nhiều hoạt động. Ngay cả trẻ nhỏ cũng tham gia rất nhiều hoạt động ngoài việc đi học, như chơi thể thao, học nhạc và làm tình nguyện. Đôi khi bạn cảm thấy như người Mỹ đang “chạy đua” vì có quá ít thời gian nghỉ ngơi. Nhưng nhiều người Mỹ thấy vui khi họ làm được nhiều việc.
- Bạn có thể bắt gặp sự cạnh tranh ở trường, nơi làm việc và cả trong thể thao. Ví dụ, học sinh học hành chăm chỉ để đạt được điểm cao nhất. Nhiều khi cạnh tranh còn theo nhóm, chẳng hạn như một đội bóng hoặc một nhóm cùng học.
- Người Mỹ cũng “cạnh tranh” với chính bản thân. Nhiều người Mỹ cố gắng cải thiện những điều mình làm. Ví dụ, họ có thể muốn chạy đua nhanh hơn so với lần tham gia trước, hoặc trong công việc, họ muốn bán được nhiều hàng hơn so với năm ngoái.
Nói chung, giá trị cạnh tranh có thể khiến bạn bị sốc văn hóa, đặc biệt nếu bạn đến từ một nền văn hóa hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh.
Thời gian và hiệu quả là giá trị Mỹ
Người Mỹ rất coi trọng thời gian. Họ thấy bực bội nếu có ai hay điều gì làm phí thời gian của họ. Một số người Mỹ cẩn thận lên kế hoạch thời gian, sử dụng lịch hàng ngày cho cả cuộc sống cá nhân và công việc. Có một câu nói ở Mỹ: thời gian là tiền bạc. Điều này nghĩa là nhiều người Mỹ thích sử dụng thời gian của họ một cách “hiệu quả” – họ muốn hoàn thành nhiều việc nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Điều này có thể khác với những gì bạn quen thuộc. Khi thỏa thuận kinh doanh, có thể bạn sẽ dành thời gian làm quen đối tác khi uống trà hay cà phê. Ở Mỹ thường không có chuyện đó.
Dưới đây là một số tình huống mà bạn nên để ý thời gian:
- Họp hành, nhất là trong công việc: Bạn nên cố gắng đến đúng giờ – thậm chí sớm hơn 5 phút.
- Cuộc hẹn: Nếu bạn có hẹn với bác sĩ hay các kiểu hẹn khác, bạn phải đến đúng giờ. Có thể bạn sẽ phải chờ tới hẹn. Tuy nhiên, điều quan trọng là đúng giờ, nếu không bạn có thể phải hẹn lại lần khác.
- Hoạt động với bạn bè: Nếu bạn được mời đến nhà ai đó để ăn tối, hãy cố gắng đến đúng giờ – bạn có thể trễ 5 hoặc 10 phút, nhưng nếu muộn hơn thế, có lẽ bạn nên gọi và cho họ biết.
- Tiệc tùng: Đối với tiệc nhỏ, không trễ giờ hẹn quá 15 phút. Đối với tiệc lớn có nhiều người, bạn có thể trễ 30 đến 40 phút.
Một nguyên tắc là bất cứ khi nào biết sẽ đến muộn, bạn nên gọi và cho người bạn gặp biết bạn sẽ đến muộn. Nếu không thể gọi điện, bạn nên xin lỗi vì đến muộn khi đến nơi.
Đôi khi, bạn thấy có người rời đi rất nhanh hoặc vội vàng rời đi. Điều này có khi là do họ muốn “đúng giờ” cho cuộc hẹn tiếp theo, chứ không có nghĩa là họ không thích bạn.
Đúng giờ và để ý thời gian là một điểm khác biệt văn hóa mà bạn có thể cần phải thích nghi, bởi nếu đến trễ, bạn có thể mất việc, lỡ hẹn hoặc làm người khác tổn thương. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thích nghi với thời gian Mỹ, bạn có thể muốn mua đồng hồ hoặc điện thoại có báo thức để nhắc nhở bạn về thời gian, đặc biệt là dậy đi làm.
Đạo đức làm việc là một giá trị Mỹ
Người Mỹ có thể rất tập trung vào công việc của họ. Đôi khi, những người đến từ các nền văn hóa khác nghĩ rằng người Mỹ “sống để làm việc”, hoặc bị nghiện công việc. Điều này nghĩa là họ cho rằng người Mỹ làm việc quá nhiều. Một phần lý do người Mỹ hướng tới công việc là vì trở nên bận rộn và năng động thường được xem là điều hay. Mọi người cũng có xu hướng liên hệ mật thiết với công việc của họ. Chẳng hạn, khi lần đầu tiên bạn gặp người khác, một trong những câu hỏi đầu tiên họ có thể hỏi bạn là “Bạn làm nghề gì?” Ý họ là “Bạn làm công việc gì?”
Đàn ông hay phụ nữ nội trợ chăm sóc gia đình thường tự gọi mình là “home-maker”, người xây tổ ấm, và họ xứng đáng được tôn trọng với nghề này như bao người khác. Khi điền bất kỳ đơn từ nào, bạn điền nghề nghiệp là “home-maker” nếu không có công việc được trả lương bên ngoài.
Tiêu dùng là một giá trị Mỹ
Là người mới đến Hoa Kỳ, đôi khi bạn nghĩ rằng người Mỹ trọng vật chất – họ tập trung vào việc sở hữu và mua đồ đạc. Một phần lý do cho điều này là vì nhiều người Mỹ đề cao tính cạnh tranh và công việc. Bởi vì đề cao tính cạnh tranh, họ muốn “bắt kịp” với những người xung quanh. Có nghĩa là, ví dụ hàng xóm của bạn có xe mới, bạn cũng muốn một chiếc xe mới. Người Mỹ gọi điều này “Đua đòi với nhà người ta.”
Nhiều người Mỹ đề cao công việc và có đạo đức làm việc rất tốt. Nhiều người xem các thứ vật chất như TV hay giày là cách để tỏ ra thành công trong công việc. Người Mỹ có thể nghĩ các món hàng vật chất là phần thưởng cho công việc và nỗ lực của họ.
Một lý do khác khiến người Mỹ có thể hướng tới vật chất là vì đa phần họ coi trọng sự mới mẻ và đổi mới. Vậy nên, ngay cả khi điện thoại vẫn dùng được tốt, họ muốn có cái mới bởi vì nó có nhiều tính năng mới và thú vị.Bạn không cần nghĩ mình phải có nhiều tài sản mới được tôn trọng. Nên thoải mái sống đơn giản hay theo bất kỳ cách nào bạn thích, có thể tiết kiệm nhiều tiền hơn cho các trường hợp khẩn cấp, giáo dục và nghỉ hưu thay vì vung tiền vào vật chất để gây ấn tượng với người khác
Tất cả các thông tin trên chỉ khái quát các giá trị Mỹ. Khái quát không phải lúc nào cũng đúng, nhưng thường chính xác. Mục tiêu của USAHello là cung cấp những khái quát giúp bạn hiểu rõ hơn tại sao người Mỹ lại hành động theo kiểu bạn không hiểu được. Hãy nhớ rằng, kiểu nào cũng tốt, chỉ là mỗi người khác biệt nhau.