Ngày đăng: 28-05-2019 | Lượt xem: 1379
Thất nghiệp trong những năm gần đây đã trở thành nỗi lo đối với sinh viên, đặc biệt là sinh viên sư phạm. Câu hỏi sinh viên sư phạm thất nghiệp nên làm gì được nghe đến rất nhiều lần ở các trường đại học.
Có thể nói, nỗi lo lớn nhất của sinh viên nói chung và sinh viên sư phạm nói riêng là không tìm được việc làm. Khắp nơi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong những câu chuyện hàng ngày, chúng ta đều nghe nhắc đến tình trạng thất nghiệp của sinh viên sư phạm. Việc tìm ra một nghề tay trái có thể làm khi ra trường rất được quan tâm.
Sinh viên sư phạm khó xin việc, nhưng cũng có nhiều cơ hội việc làm khác dành cho họ. Vì vậy, nhiều người đã lựa chọn đi theo những con đường khác nhau khi thất nghiệp. trong bài này, chúng tôi xin trình bày hai hướng đi chính cho các bạn sinh viên.
Thất nghiệp không phải là điểm cuối. Ảnh: internet
Sinh viên sư phạm thất nghiệp có thể chuyển hướng
Chuyển hướng nghề nghiệp là điều đầu tiên các bạn nghĩ đến khi đã chạy khắp nơi để xin việc nhưng vẫn thất bại. Những nghề này cũng rất đa dạng, dựa trên năng lực, sở thích của các bạn.
Với những bạn không có ước mơ và năng lực tốt, có thể làm những việc như bán hàng, tư vấn khách hàng, làm việc tự do, thậm chí là làm việc tay chân. Tất nhiên lựa chọn này không được khuyến khích.
Với những ai đã nuôi dưỡng đam mê, các bạn có thể một lần nữa theo đuổi ước mơ của mình. Các bạn có thể thiết kế thời trang, đóng phim, dựng phim, làm họa sĩ, nhà văn, chụp ảnh hay kinh doanh… Có những người đã thành công với ước mơ của mình, thậm chí đã trở thành ông chủ một công ty nào đó. Với lựa chọn này, bạn phải có kiên trì, và hầu như phải bắt đầu lại từ đầu. Kiến thức học ở trường sư phạm có ích không nhiều đối với những công việc này.
Tham gia các dự án giáo dục, dạy học trong các trung tâm cũng là lựa chọn của nhiều sinh viên sư phạm. Với những công việc này, bạn sẽ không hoài phí những kiến thức đã học ở trường sư phạm. Tuy nhiên, đây cũng không phải là công việc lâu bền. Bạn sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều người, và việc không có kinh nghiệm sẽ gây khó khăn rất lớn cho các bạn.
Một lựa chọn hợp lý dành cho những sinh viên sư phạm thất nghiệp là làm những công việc có liên quan đến chuyên ngành của mình.
Ví dụ, sinh viên khoa Ngữ Văn có thể viết văn, viết báo cho các tòa soạn, làm cộng tác viên viết bài cho các công ty,… Với các bạn sinh viên khoa Ngoại Ngữ, dịch thuật, cộng tác viên viết bài, hướng dẫn viên du lịch là lựa chọn không tồi. Sinh viên Địa lý có rất nhiều lựa chọn trong các ngành du lịch, kinh tế, các viện nghiên cứu khoa học, các nghề liên quan đến công nghệ thông tin, trong các cơ quan về khí tượng – thủy văn, địa chất, thậm chí các ngành vốn là thế mạnh của sinh viên các khoa nhân văn. Thậm chí, sinh viên các khoa nghệ thuật có thể mở cho mình những lớp dạy hát, múa, đàn, dạy vẽ riêng.
Sinh viên sư phạm thất nghiệp có thể làm gì. Ảnh: internet
Một số các sinh viên khác lựa chọn đi gia sư, trong thời gian tìm việc phù hợp.
Sinh viên sư phạm thất nghiệp làm lại mình
Thế nào là làm lại mình?
Có thể thấy, nguyên nhân khiến sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều như hiện nay không chỉ do lượng công việc ít trong khi giáo viên quá nhiều. Thực ra, nhiều trường vẫn đang thiếu rất nhiều giáo viên, nhưng thứ họ thiếu là những người giỏi và bản lĩnh. Sinh viên sư phạm hiện nay rất nhiều, nhưng lại rất thiếu những người giỏi thực sự, bản lĩnh thực sự.
Nhược điểm của sinh viên sư phạm hiện nay lại không nằm ở sự yếu kém về kiến thức, mặc dù vấn đề này rất nhức nhối hiện nay do việc đào tạo giáo viên đại trà và kém chất lượng. Thứ các bạn thiếu lại nằm ở những thứ như khả năng giao tiếp, sự sáng tạo, ngoại ngữ, khả năng tin học, thái độ tự tin, bản lĩnh.
Dễ thấy là một phần không nhỏ sinh viên sư phạm hiện nay khá rụt rè, chưa quan tâm nhiều đến ngoại ngữ và tin học. Thêm vào đó, đối với chuyên ngành của mình, các bạn cũng rất thiếu sự sáng tạo trong các phương pháp dạy học, dẫn đến không đạt được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Vì vậy, việc thoát khỏi tình trạng thất nghiệp của sinh viên sư phạm là làm lại chính mình.
Bạn đã đủ tự tin trong mắt các nhà tuyển dụng? Ảnh: internet
Thay vì dành vài năm làm trái nghề nhưng chẳng giúp ích gì cho năng lực chuyên môn, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới một hướng khác. Các bạn có thể hoàn toàn bổ khuyết những gì mình thiếu, bắt đầu với chuyên ngành của chính mình, với khởi điểm lương có thể không cao, nhưng an toàn, bền vững, lâu dài và đúng với những gì các bạn đã được đào tạo.
Những thứ cần phải thay đổi:
– Đầu tiên, cần phải thay đổi thái độ của bản thân. Hãy rèn luyện mình thành một người tự tin, bản lĩnh nhưng cũng khiêm tốn, có thái độ cầu thị, ham học hỏi. Điều đó khiến nhà tuyển dụng nhìn ra được năng lực, giá trị của bạn, tạo ấn tượng về một con người biết tiến, biết lùi trong mắt họ.
– Xem xét lại kỹ năng giao tiếp của bản thân. Không cần biết năng lực của bạn đến đâu, lần đầu tiên nhà tuyển dụng tiếp xúc với bạn là trong cuộc phỏng vấn. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp là vô cùng quan trọng, giúp bạn ghi điểm để vào vòng trong. Đặc biệt, các bạn cần nắm được tâm lý của họ, biết được họ cần gì để trả lời tốt nhất. Đó là nghệ thuật giao tiếp, nghệ thuật đoán bắt tâm lý mà không phải một ngày hai ngày có thể rèn luyện được.
– Nên học thêm một số khóa học như giao tiếp, ngoại ngữ, tin học.
– Đổi mới phương pháp dạy học. Mặc dù giao tiếp là bước đầu tiên, tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Chuyên môn, nghiệp vụ mới là thứ chính họ đánh giá về bạn. Xét về chuyên môn, nhiều người không kém, nhưng vẫn không có việc, kể cả người bằng xuất sắc. Nguyên nhân nằm ở giáo án của các bạn. Trong một thời đại mà giáo dục đang cải cách mạnh mẽ, các bạn nên làm mới phương pháp dạy học của mình theo đúng hướng phát triển năng lực cho người học.
Hãy bắt kịp xu hướng thời đại bằng phương pháp dạy học tiên tiến nhất. Ảnh: internet
Chúng ta nghe nhiều về sinh viên sư phạm thất nghiệp. Nhưng chúng ta cũng nghe nhiều về những sinh viên sư phạm thành công trong sự nghiệp, dù đúng ngành, hay trái ngành. Nhiều người đã từng là sinh viên sư phạm hiện nay đang là trụ cột của đất nước trong tất cả các lĩnh vực chính trị, khoa học, kinh tế, giáo dục, nhiều người là đại diện cho Việt Nam trên trường quốc tế.
Vì vậy, đừng bao giờ tự ti rằng tôi học sư phạm. Bởi vì, phần lớn những vĩ nhân, những nhà lãnh đạo trên thế giới và ở Việt Nam đều bắt đầu từ nghề giáo. Hãy tự hào về nghề nghiệp tương lai của mình, học tập và rèn luyện tốt nhất để không cần phải trả lời câu hỏi “Sinh viên sư phạm thất nghiệp nên làm gì”.
CTV Myteacher