Trong ăn uống hằng ngày, bạn có thể gặp phải một số các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa như chứng đầy bụng và khó tiêu. Vậy đây là dấu hiệu như thế nào? Đồng thời, hãy cùng chuyên mục Mẹo vào bếp tìm hiểu rõ hơn về 7 cách chữa đầy bụng khó tiêu nhanh nhất hiệu quả mà bạn có thể cân nhắc khi sử dụng nhé!
1. Đầy bụng khó tiêu là bệnh gì?
Đầy bụng khó tiêu là bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, biểu hiện một số dấu hiệu như: gây cảm giác chướng bụng, đầy hơi, ợ hơi, buồn nôn (nôn) và đau bụng (nhất là đau ở vùng thượng vị).
Ngoài ra, việc đầy bụng khó tiêu không bao gồm triệu chứng ợ nóng mà nhiều người hay nhầm lẫn. Vì ợ nóng là tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, đi kèm với cảm giác nóng rát ở khu vực xương ức sau khi ăn.
Trong khi đó, đầy bụng khó tiêu vừa liên quan đến chứng trào ngược axit dạ dày, vừa là biểu hiện của một số bệnh khác như nhiễm trùng hay tác dụng phụ của thuốc trị bệnh gây ra.
2. Nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu
Không ít người gặp phải chứng đầy bụng khó tiêu, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến như:
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Nguyên nhân đầu tiên gây chứng đầy bụng khó tiêu là do thói quen sinh hoạt không lành mạnh của bạn, cụ thể:
- Ăn không đúng giờ, vừa hại cho dạ dày vừa khiến bạn có xu hướng ăn nhiều, ăn nhanh mà không nhai kỹ.
- Thói quen ăn uống không đúng cách, như ăn quá nhanh, nhai không kỹ, mới ăn no đã vội đi nằm, vừa ăn vừa xem phim (vì không kiểm soát được lượng thức ăn tiêu thụ),…
- Thói quen bỏ bữa ăn sáng, ăn bù cho bữa trưa có thể gây chướng bụng đầy hơi.
Tốt nhất, bạn nên ăn sáng trong vòng một giờ sau khi thức dậy, ăn trưa vào khoảng từ 11 – 13h và dùng bữa tối trước 19 giờ. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm bữa ăn nhẹ vào buổi sáng và xế chiều tùy theo chế độ ăn uống của bạn.
Rối loạn tiêu hóa
Chứng rối loạn tiêu hóa có thể do độc tố từ các loại thức ăn mà bạn tiêu thụ, mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột (như sự phát triển quá mức của nấm men, xuất hiện ký sinh trùng ở cơ quan tiêu hóa hay vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiêu hóa), suy nhược cơ thể, tiêu chảy hoặc giảm cân không chủ ý.
Vì thế, để khắc phục tình trạng này, bạn cần làm một số xét nghiệm khi đến thăm khám bác sĩ để điều trị kịp thời.
Bệnh về đường tiêu hóa
Nếu cơ thể đang bị bệnh về đường tiêu hóa, như loét dạ dày – tá tràng, viêm niêm mạc dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày thì đều ảnh hưởng đến hoạt động co bóp thức ăn khi được tiêu hóa tại dạ dày.
Tương tự, bệnh tuyến tụy, bệnh sỏi mật và viêm gan cũng làm giảm việc bài tiết men tụy, bài tiết mật và enzyme tiêu hóa, ảnh hưởng đến hiệu quả quá trình tiêu hóa thức ăn gây chướng bụng khó tiêu.
Phối hợp thức ăn không đúng cách
Trong bữa ăn, bạn có thể kết hợp nhiều loại thực phẩm với nhau để cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và thay đổi hương vị giúp được ngon miệng hơn.
Tuy nhiên, có một số thực phẩm khi được kết hợp với nhau sẽ gây cản trở cho quá trình tiêu hóa, như tránh ăn salad trái cây hoặc ăn dưa sau khi vừa mới dùng cá, hoặc cân nhắc hợp lý giữa nhóm thực phẩm giàu tinh bột và chất đạm với nhau.
Thiếu men tiêu hóa
Tuyến tụy phụ trách việc phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng để cơ thể hấp thụ nhờ việc bài tiết enzyme tiêu hóa. Do đó, nếu cơ thể bạn không sản xuất đủ enzyme tiêu hóa, đồng nghĩa với việc bạn sẽ gặp phải chứng đầy bụng khó tiêu thường xuyên hơn.
3. Đầy bụng khó tiêu nên ăn gì?
Để khắc phục chứng đầy bụng khó tiêu, bạn có thể dùng một số thực phẩm có lợi như:
Gừng
Gừng là loại củ có hương thơm đặc trưng kèm với thịt màu vàng tươi hoặc màu trắng, vị nóng có thể khắc phục được triệu chứng buồn nôn và nôn khi cơ thể bị đầy bụng khó tiêu.
Bạn có thể dùng gừng ở dạng sống, nấu chín hoặc ngâm trong nước nóng để cải thiện bệnh.
Xem thêm: Tác dụng của gừng, cách sử dụng và những lưu ý khi sử dụng gừng
Hoa cúc La Mã
Hoa cúc La Mã là một loại cây thảo dược có hoa màu trắng, từ rất lâu nó được sử dụng trong việc điều trị bệnh đau bụng cũng như cải thiện chứng khó chịu diễn ra ở dạ dày và đường ruột.
Bạn có thể dùng hoa cúc La Mã ở dạng sấy khô hoặc tươi đem đi pha trà để cải thiện chứng đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn và nôn, kể cả tiêu chảy.
Xem thêm: 10 tác dụng của trà hoa cúc và các tác dụng phụ cần lưu ý khi dùng
Bạc hà
Bạn có thể sử dụng lá bạc hà hoặc tinh dầu bạc hà, đều có thể giảm đau dạ dày, đầy hơi và tiêu chảy ở những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS).
Xem thêm: Tác dụng của lá bạc hà, cách phân biệt bạc hà và húng lủi.
Cam thảo
Rễ cam thảo có tác dụng làm dịu đường ruột, hỗ trợ làm giảm viêm và nhiễm trùng khi bạn bị đau bụng, thậm chí từ lâu nó được dùng như một phương thuốc phổ biến để khắc phục chứng khó tiêu và ngăn ngừa loét dạ dày.
Xem thêm: Cam thảo là gì? 10 công dụng của cam thảo đối với sức khỏe và lưu ý sử dụng.
Hạt lanh
Hạt lạnh là một loại hạt có kích thước nhỏ, nhìn trông như hạt chia nhưng có nhiều tác dụng nổi bật cho sức khỏe hơn so với hạt chia.
Bạn có thể dùng hạt lạnh nguyên hạt, dạng bột hoặc dầu hạt lanh, để cải thiện tình trạng đau bụng, táo bón và hỗ trợ điều hòa nhu động ruột hoạt động, giảm bớt chứng đầy hơi khó chịu.
Đu đủ
Đu đủ là loại trái cây có vị ngọt, phần thịt màu cam và có mùi hơi nồng. Đây là loại quả có lợi cho sự hoạt động tiêu hóa nhờ enzyme papain có khả năng phân hủy chất đạm từ thức ăn, nhờ đó giảm thiểu chứng táo bón, đầy hơi và loét dạ dày.
Xem thêm:
Chuối xanh
Dùng chuối xanh nấu chín có thể khắc phục được chứng tiêu chảy và đau bụng do nhiễm trùng hoặc ngộ độc thực phẩm. Vì trong chuối xanh chứa một loại chất xơ đặc biệt gọi là tinh bột kháng có tác dụng tốt trong việc điều trị chứng đầy bụng khó tiêu.
Thực phẩm chứa pectin
Pectin cũng là một loại chất xơ được tìm thấy nhiều nhất trong một số loại trái cây như táo và trái cây thuộc họ cam quýt.
Nó có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột có lợi, nhờ đó giúp việc tiêu hóa thức ăn được nhanh hơn và giảm bớt triệu chứng đầy hơi, khó chịu do vi khuẩn đường ruột gây ra.
Thực phẩm ít FODMAP
Thực phẩm FODMAP là những loại thực phẩm sẽ bị vi khuẩn đường ruột lên men nhanh chóng và tạo ra nhiều khí, gây chứng đầy bụng khó tiêu.
Vì thế, việc hạn chế cũng như chọn những loại thực phẩm ít FODMAP sẽ giúp cơ thể tránh khỏi các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy.
Thực phẩm giàu Probiotic
Các loại thực phẩm giàu probiotic phổ biến như sản phẩm từ sữa (sữa chua, sữa bơ,…) và kefir đều có tác dụng trong việc điều hòa nhu động ruột hoạt động và giảm bớt tình trạng táo bón, tiêu chảy và đầy hơi.
Vì nhóm thực phẩm này cung cấp các vi khuẩn có lợi cho đường ruột, giúp cân bằng số lượng vi khuẩn có lợi để cải thiện các bệnh về đường tiêu hóa.
Nhóm thực phẩm giàu carbohydrate đơn giản
Nhóm thực phẩm giàu carbohydrate đơn giản như bột yến mạch, gạo và các sản phẩm làm từ loại thực phẩm này đều thân thiện cho các dấu hiệu của chứng đầy bụng khó tiêu.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng với liều lượng vừa phải và nhanh chóng bổ sung cũng như quay lại chế độ ăn uống bình thường để giúp cơ thể tránh được việc thiếu hụt vitamin và các khoáng chất khác.
Nước điện giải
Ngoài việc uống đủ nước, bạn có thể nghĩ đến việc bổ sung nước điện giải, khắc phục hiệu quả cho chứng nôn mửa và tiêu chảy vì lúc này cơ thể dễ bị mất nước.
Việc bổ sung các chất điện giải (như kali và natri) giúp cân bằng chất lỏng trong cơ thể và giữ cho hệ thần kinh hoạt động bình thường.
4. Cách chữa đầy bụng khó tiêu
Dưới đây là một số gợi ý giúp khắc phục được chứng đầy bụng khó tiêu mà bạn có thể áp dụng:
Thay đổi thói quen ăn uống
Thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh giúp bạn khắc phục được chứng đầy bụng khó tiêu, như:
- Ăn từ từ, nhai kĩ vừa giúp dạ dày làm việc ít, vừa tránh phải việc nuốt nhiều không khí – cũng là nguyên nhân gây đầy bụng.
- Hạn chế dùng các loại đồ uống có chất kích thích như nước ngọt, bia, rượu,…
- Không nên hút thuốc lá vì dễ gây đầy bụng và buồn nôn.
- Hạn chế nhai kẹo cao su và kẹo mút thường xuyên tránh làm cho cơ thể bị dư thừa hơi khí.
- Tránh chạy nhảy, vận động mạnh sau khi vừa mới ăn xong.
Sử dụng nhiệt để giảm đau
Bạn có thể dùng túi chườm nhiệt hoặc vải thấm nước nóng để xoa dịu quanh vùng bụng, nhằm giảm bớt chứng đầy bụng, khó tiêu và kể cả táo bón.
Sử dụng baking soda
Nhờ thành phần natri hiđrocacbonat (natri bicacbonat), baking soda có thể cải thiện chứng đầy bụng khó tiêu vì có khả năng trung hòa axit dạ dày và giảm bớt triệu chứng ợ nóng trong một khoảng thời gian.
Uống các loại nước trà, thảo mộc
Việc dùng các loại nước trà, nước thảo mộc cũng giúp bạn cải thiện những triệu chứng đầy bụng khó tiêu. Chẳng hạn, nước thảo mộc từ gừng, thì là, bạc hà hoặc hoa cúc đều tốt cho hệ tiêu hóa nhờ thành phần tinh dầu có tác dụng giảm đau. Bạn có thể dùng 4 loại thảo mộc này cùng một lúc để giảm bớt chứng đầy bụng khó tiêu.
Ngoài ra, hoa cúc và gừng khô cũng mang lại công dụng như thuốc aspirin vì có thể hỗ trợ điều trị các hội chứng kích thích ruột như tiêu chảy và đau bụng.
Massage bụng
Với động tác đơn giản như massage bụng cũng mang lại cảm giác thư giãn và khắc phục chứng đầy hơi, khó chịu. Sử dụng các ngón tay xoa nhẹ theo chiều kim đồng hồ từ rốn ra phía ngoài bụng và làm ngược lại, đồng thời kết hợp thêm dầu gió để mang lại hiệu quả tốt hơn.
Bổ sung men vi sinh (lợi khuẩn) và prebiotic
Việc dùng các thực phẩm có chứa men vi sinh và prebiotic đều cải thiện số lượng và chất lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột, nhờ đó giảm bớt chứng đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy.
Kê cao gối khi nằm
Khi bị đầy bụng khó tiêu, bạn nên kê gối khi nằm ngủ giúp tránh được việc axit từ dạ dày trào ngược lên phía trên, dẫn đến việc ợ nóng cũng như khắc phục các dấu hiệu của bệnh đầy bụng khó tiêu.
5. Cách phòng ngừa đầy bụng khó tiêu
Sau khi tìm hiểu chứng đầy bụng khó tiêu là gì, nguyên nhân, các loại thực phẩm nên sử dụng cùng với cách điều trị bệnh, thì dưới đây là một số cách phòng ngừa đầy bụng khó tiêu mà bạn có thể tham khảo thử:
- Xem xét và cân nhắc số lượng thức ăn tiêu thụ cho mỗi bữa ăn, tránh ăn quá nhiều.
- Ưu tiên chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa như bông cải xanh, ngũ cốc, bắp cải, bánh mặn,…
- Tránh ăn khuya nhất là sau 20 giờ và nằm nghỉ ngơi sau khi dùng bữa.
- Duy trì cân nặng tối ưu để cơ thể khỏe mạnh.
- Tránh làm cho cơ thể bị quá căng thẳng.
- Tập trung ăn uống, ăn chậm, nhai kĩ.
- Vận động, tập thể dục mỗi ngày giúp nhu động ruột hoạt động tốt hơn, phòng ngừa và giảm được các dấu hiệu của chứng đầy bụng khó tiêu.
Với những chia sẻ phía trên, hy vọng bạn đã hiểu nhiều hơn về tình trạng đầy bụng khó tiêu ăn gì? 7 cách chữa đầy bụng khó tiêu nhanh nhất hiệu quả ra sao. Chúc bạn có nhiều sức khỏe cùng với món ngon và thông tin thực phẩm hữu ích từ Điện máy XANH.
*Tổng hợp và tham khảo thông tin từ nguồn Healthline.
Biên tập bởi Đoàn Huỳnh Bảo Duy • Đăng 03/02/2021