33 món đặc sản An Giang được tổng hợp từ tất cả các đặc sản nổi tiếng nhất của An Giang như đặc sản khô An Giang, trái cây, bánh kẹo… Đến từ Châu Đốc, Tân Châu, An Phú, Tri Tôn, Chợ Mới…
Có thể nói An Giang là mảnh đất đặt biệt nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vừa mang sự đặc trưng của vùng sông nước miền Tây cho nhiều tôm cá, cây trái xum xuê. Nhưng cũng là nơi có linh khí trời đất với núi cao rừng thẳm cho nhiều sản vật vùng cao.
Cùng với đó là sự giao thoa của nhiều cộng đồng người dân khác nhau. Mà tiêu biểu là người Chăm với văn hóa Óc Eo hàng ngàn năm. Cùng người Hoa, người Khmer, người Việt,… tạo nên một cộng đồng dân cư đa dạng.
Bởi thế mà một khi hỏi đặc sản An Giang là gì? Thì khó mà liệt kê cho hết được. Nào là đặc sản khô An Giang, đặc sản dân tộc Chăm ở An Giang, trái cây, thốt nốt… Đến các món ăn đặc sản của An Giang gắn liền với các địa phương như: Đặc sản Tân Châu, đặc sản An Phú, đặc sản chợ Mới, đặc sản Phú Tân, đặc sản Tri Tôn,…
VietFlavour đã tổng hợp lại tất cả các món đặc sản ở An Giang và xin giới thiệu tới bạn đọc 33 đặc sản An Giang nổi tiếng nhất:
-
Khô rắn An Phú
Trong các đặc sản khô An Giang như khô cá sặc, khô cá lóc, khô chạch… thì không thể không kể đến món khô nổi tiếng nhất của vùng huyện An Phú, đặc biệt là tại xã Vĩnh Hội Đông là khô rắn An Phú.
Hàng năm vào mùa nước nổi, các loại rắn nước ngọt như rắn nước, rắn ri, rắn bông súng,.. ở nơi đây sinh sôi và phát triển nhiều vô số kể. Cộng thêm rắn được người dân Campuchia mang sang đây bán. Nên người dân đã tìm cách chế biến để bảo quản lâu dài bằng cách làm khô.
Các loại rắn làm khô đều là loại rắn rẻ tiền, nên du khách dễ dàng được thưởng thức đặc sản khô rắn An Phú, thứ đặc sản An Giang làm quà dễ gây nghiền.
Ngoài khô rắn An Phú, khách có thể tìm thấy khô rắn Châu Đốc khi tới Tp. Châu Đốc, cũng là địa chỉ có khô rắn An Giang ngon nức tiếng.
-
Cốm dẹp An Giang
Nói về cốm, thì từ lâu ở miền Bắc nổi tiếng với món cốm làng Vòng Hà Nội, thứ quà vặt gây thương nhớ cho bao thế hệ người dân Hà Thành. Nhưng ít người biết được ở miền Tây cũng có một món cốm tương tự cũng nổi tiếng không kém đó chính là cốm dẹp An Giang.
Cốm dẹp của người Khmer gắn liền với lễ hội cúng trăng Ooc om boc vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay nó đã trở thành món đặc sản của An Giang. Nên du khách sẽ dễ dàng được thưởng thức và mua về làm quà khi ghé An Giang, nhất tới Tp. Long Xuyên.
-
Tung lò mò An Giang
Tung lò mò là tên của một loại lạp xưởng, đặc sản dân tộc Chăm ở An Giang. Không giống các loại lạp xưởng khác được làm từ heo. Tung lò mò được làm hoàn toàn từ thịt bò (người Chăm ở An Giang phần lớn theo đạo Hồi nên không ăn thịt heo).
Ban đầu, các phần thịt vụn sau khi mổ xẻ thịt bò được người Chăm tận dụng làm tung lò mò để sử dụng trong gia đình. Sau dần, nó trở thành món đặc sản ở An Giang được không chỉ người Chăm mà còn được thực khách thập phương ưa chuộng.
-
Bò cạp Bảy Núi
Không phải ngoa khi nói tới An Giang mà không thưởng thức các món ăn từ côn trùng thì chưa tới An Giang quả không sai. Nơi đây còn có hẳn một ngôi chợ sầm uất chuyên bán các loại côn trùng đó là chợ Tịnh Biên An Giang.
Ngôi chợ vùng biên nổi tiếng này của An Giang ngoài các mặt hàng chúng ta thường thấy. Thì khi tới đây, du khách sẽ còn được chứng kiến nào là rắn, rết, nhện độc,… tới bọ rầy. Và trong số đó ấn tượng nhất là bò cạp.
Những chậu bò cạp Bảy Núi đen sì to đùng bò lổm ngổm đầy “kinh dị” được người dân bày bán khiến cho chẳng mấy ai dám nhìn chứ chưa nói tới việc thưởng thức chúng.
Ấy vậy mà nếu lỡ nhắm mắt làm liều cắn một miếng bò cạp chiên giòn thì thôi rồi. Con côn trùng độc gớm ghiếc bỗng trở nên giòn rụm và béo ngậy khó mà cưỡng lại việc cầm đũa gắp tiếp con thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư. Chỉ có thể diễn tả bằng câu cửa miệng của người dân miền Tây – Ngon bá cháy.
-
Bún cá Long Xuyên
Nói đến bún cá An Giang thì nhiều người sành ăn sẽ nghĩ ngay tới bún cá Châu Đốc – Món đặc sản An Giang nổi tiếng khắp nơi xa gần. Nhưng khi đến An Giang, bạn sẽ dễ nhận ra đâu đâu cũng có món bún cá không riêng gì ở huyện Châu Đốc mới có. Và nếu có dịp trải nghiệm, bạn sẽ nhận ra được dư vị khác biệt của mỗi nơi mỗi khác. Và bún cá Long Xuyên cũng mang trong mình cái dư vị rất riêng, riêng trong cái riêng của bún cá An Giang.
Cần phải nói thêm, ngoài côn trùng, An Giang còn được biết tới là cái rốn của lũ, và tất nhiên cũng là cái rốn của cá. Mỗi mùa nước nổi, cá về nơi đây rất nhiều. Bởi thế, bún cá là một hình thức chế biến món ăn từ cá của người dân An Giang. Và nếu có dịp về đây, đừng quên thưởng thức món bún cá nổi tiếng này nhé.
-
Gỏi sầu đâu An Giang
Gỏi sầu đâu ở An Giang bắt nguồn từ món ăn của người dân Khmer sống dọc biên giới với Campuchia. Nguyên liệu làm gỏi sầu đâu bao gồm rau sầu đâu ( cây sầu đâu còn được gọi là cây xoan miền Tây) vị đắng. Kết hợp với các loại khô vị mặn ngọt cho ra tên gọi như gỏi sầu đâu cá sặt, gỏi sầu đâu khô cá lóc,… Trở thành món đặc sản của An Giang gây thương nhớ cho bao người phương xa.
-
Dưa Xoài Cù Lao Giêng
Còn gì thú vị hơn khi trong lúc chờ đợi đồ ăn lên hoặc khi bạn bè tụ tập lại với nhau lại được nhâm nhi đĩa dưa xoài chua ngọt chấm với muối ớt cay xè vô cùng hấp dẫn. Mà đã nhắc đến món ăn này sao có thể không nhắc đến đặc sản Dưa xoài Cù Lao Giêng.
Cù Lao Giêng, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được thiên nhiên ưu ái, quanh năm cây trái tươi tốt. Người ta kể lại rằng, cứ mỗi lần đến mùa, xoài non rụng trắng cả mặt đất. Xót xoài phải đem bỏ, ông Nguyễn Hoàng Liệt (người dân ở Cù Lao Giêng) thử đem chế biến chúng bằng cách ngâm với nước đường… Thế là từ ấy món dưa xoài Cù Lao Giêng được ra đời.
Đưa miếng dưa xoài Cù Lao Giêng vàng giòn giòn đủ vị chua cay ngọt hòa quyện với nhau lên miệng thì khó ai có thể cưỡng lại nổi vị ngon của món đặc sản An Giang này.
-
Mắm Châu Đốc
Về miền tây sông nước mênh mông mà chưa ghé qua thăm chợ mắm Châu Đốc với đủ các loại mắm, khô cá quả là một điều thiếu sót. Mắm Châu Đốc được xem là đặc sản độc đáo của người dân ở đây nói riêng và cả miền Tây Nam bộ nói chung.
Nằm ở vùng đầu nguồn của hai con sông Tiền và sông Hậu, nguồn nguyên liệu cá nước ngọt quanh năm đa dạng phong phú nên mắm Châu Đốc là món đặc sản sẵn có bốn mùa. Nhưng đặc biệt tươi ngon và dồi dào nhất vẫn phải kể đến từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch – mùa nước lũ hàng năm. Biết bao loại mắm thơm ngon nức mũi mà khách có thể tha hồ lựa chọn đặc biệt có thể kể đến như mắm cá lóc, mắm cá trén, mắm cá sặc, mắm cá chốt và mắm cá linh.
Quy trình làm mắm Châu Đốc cũng khá phức tạp và công phu với 4 – 5 công đoạn tùy từng loại cụ thể. Nhưng chung nhất vẫn là làm cá – châm nước muối – vào thính – chế biến mắm. Chế biến xong, chờ khoảng 2 tháng là có thể thưởng thức được vị ngon đậm đà của mắm.
Vị ngọt thơm ngon của mắm Châu Đốc thì khó có một loại mắm nào có thể sánh bằng. Ngon nhờ quy trình chế biến và tay nghề làm mắm lâu năm của người dân nơi đây. Và quan trọng hơn nữa ngon là vì con cá nơi đây được sống trong điều kiện ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
-
Cơm Nị – Cà Púa An Giang
Ai trong chúng ta có lần về An Giang chắc hẳn đã nghe nói đến hoặc được thưởng thức món cơm nị – cà púa, một trong những đặc sản nức tiếng của miền này. Đây là món ăn truyền thống kết hợp bổ sung của hai món cơm nị và cà púa tạo nên một sự độc đáo và cầu kì mang đậm vị Chăm.
Cơm nị được nấu với sữa hoặc nước cốt dừa nêm thêm gia vị vừa miệng tạo nên vị béo ngọt đặc trưng. Một số người có thể bỏ thêm nho khô để tăng hương vị độc đáo cho món ăn. Đi kèm theo đó là cà púa được làm từ nguyên liệu chính là thịt bò tươi. Sau khi khử mùi sẽ được xào và chế biến để vừ đủ kết hợp tạo nên sự hòa quyện mà người ăn một khi đã thưởng thức khó có thể quên được cái tên cơm nị – cà púa này.
-
Bánh canh Vĩnh Trung
Du lịch đến An Giang, ghé qua thăm vùng Bảy Núi, các bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức món bánh canh Vĩnh Trung Châu Đốc vô cùng nổi tiếng. Theo nhân gian kể rằng, cách đây hàng chục năm, có một cô gái tên Neang Oanh rất yêu thích cái hương vị thơm ngon của Neang Nhen. Nên cô đã mài công tìm kiếm ra cách chế biến món bánh canh từ loại gạo của vùng núi này. Rồi cũng từ đó mà dần dần món bánh canh Vĩnh Trung ra đời, ngày một nổi tiếng được người dân nơi đây và du khách gần xa yêu thích.
Nguyên liệu chính của món bánh canh Vĩnh Trung bao gồm: xương heo, thịt bò, bò viên, cá lóc, bánh canh… thêm ít ngò thơm, ngò rí ăn kèm với giá, hẹ và nước mắm dằm ớt thì không còn gì bằng. Nước dùng được hầm từ xương và tôm khô vị ngọt đậm đà. Sợi bánh canh day ngon, thịt cá ăn kèm với rau sống khiến người dùng không bị ngán.
Ngày mưa mà cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh canh Vĩnh Trung khói nghi ngút. Hay đi đâu dừng chân ghé lại vùng núi non này thưởng thức món đặc sản nơi đây quả là một điều thú vị và tuyệt vời.
-
Quả Trúc Thất Sơn
Quả trúc từ lâu đã được nhiều người biết đến như một loại quả đặc sản của vùng núi Thất Sơn (An Giang). Cây trúc ở vùng Bảy núi này nhìn gần giống như cây chanh nhưng vỏ ngoài thì sần sùi. Lá trúc to hơn lá chanh và vị của nước quả trúc thì chua hơn vị nước của chanh.
Hiện nay, phong trào chơi cây kiểng ngày một phát triển, một số người thích sưu tầm trúc cổ nên về vùng núi này đa số chỉ còn những cây trúc nhỏ. Trước đây, người dân ở Thất Sơn thường trồng cây trúc ở trước nhà để lấy quả và nấu ăn. Hái một lá trúc, vò nhẹ đưa lên mũi là chúng ta có thể ngửi thấy hương thơm nồng nàn từ loại cây đặc trưng này.
-
Cháo Bò Tri Tôn
Có người từng nói rằng Miền Tây là nơi có vô số các loài cháo: Cháo gà, cháo vịt, cháo rắn, cháo lòng… Nhưng góp phần làm đặc sắc thêm trong số đó phải kể đến cháo bò Tri Tôn, một đặc sản của vùng Tri Tôn An Giang.
Tri Tôn là một trong những huyện có đàn bò đông nhất tỉnh An Giang. Bò nơi đây thịt ngon lại nhiều nạc nên đem chế biến thành các món ăn thì nơi khác khó mà sánh bằng. Cháo bò Tri Tôn được nấu trên bếp than hồng, lòng bò được người làm kỹ cho thật sạch rồi đem luộc. Bát cháo bò nóng ăn kèm với giá và rau thơm thịt tươi ngon thêm lòng bò dai dai thì quả là làm người khác khó lòng cưỡng lại hương vị hấp dẫn này.
-
Chè Thốt Nốt An Giang
Ngày nắng hanh hao mà được ăn một bát chè thốt nốt thanh mát thì quả là tuyệt vời quá rồi đúng không?
Nhắc đến chè thì không biết phải kể đến bao giờ cho hết. Nhưng trong số đó không thể nào quên được món chè đặc trưng của vùng quê An Giang, chè thốt nốt. Bổ quả thốt nốt ra, bên trong là những múi trắng dẻo mềm vị thơm thơm khiến ai đã ăn một lần khó mà quên được. Đem chúng nấu với đậu xanh kèm nước cốt dừa ăn giải nhiệt quả là một món vô cùng hấp dẫn.
-
Bọ Rầy Bảy Núi
Ngày nay, nghe nhắc đến các loại thức ăn làm từ côn trùng mọi người chắc cũng không còn gì quá lạ lẵm nữa. Vào mùa mưa, ai có dịp ghé qua vùng Bảy Núi tỉnh An Giang nên dừng chân ghé lại mà thưởng thức một món ăn vô cùng dân dã nhưng đã trở thành thứ đặc sản vô cùng độc đáo – Bọ rầy Bảy Núi.
Tùy vào mùa mưa hàng năm đến sớm hay muộn mà vùng núi của huyện An Giang này sẽ xuất hiện một loài con trùng cánh cứng gọi là bọ rầy. Ngày trước bọ rầy thường bị người dân nơi đây tiêu diệt vì chúng cắn phá đọt non của cây trồng. Dần về sau, bà con vùng này lại phát hiện ra loại côn trùng này có thể đem chiên lên trở thành đặc sản thơm ngon được nhiều người ưa chuộng.
Vị thơm béo độc đáo của món đặc sản này sẽ để một ấn tượng khá mạnh đối với người dùng. Bởi nó còn nhắc nhớ đến sự dân dã cũng như hùng vĩ của miền Bảy Núi. Nhưng bọ rầy chỉ xuất hiện vào mùa mưa nên đây cũng là một món ăn khiến thực khách phải tranh thủ thời gian và cơ hội để có thể thưởng thức được hương vị của thứ đặc sản độc đáo này.
-
Bò Leo Núi Tân Châu
Nghe cái tên “Bò leo núi Tân Châu” chắc hẳn ăn cũng nghỉ rằng đây là món ăn được chế biến từ thịt những con bò nuôi trên núi đúng không nào? Nhưng thật ra cái tên bò leo nói này lại xuất phát từ vĩ nướng không bằng phẳng như các vỉ nướng khác. Mà nó lại nhô lên như hình một quả núi chứ không phải như chúng ta vẫn nghĩ.
Đến Tân Châu – An Giang ngoài việc ngắm nhìn phong cảnh nên thơ hữu tình. Còn được ngồi lại nướng một mẻ thịt bò ăn kèm rau sống quả là một điều vô cùng tuyệt vời. Bò nướng nơi đây cũng chỉ là loại thịt bò được mua từ chợ. Qua bàn tay chế biến thần kỳ và tẩm ướp hương vị độc đáo của người đầu bếp mà nó trở thành món đặc sản với vị ngon mang một nét hết sức đặc trưng.
-
Bánh Phồng Cá Linh An Giang
Đối với chúng ta, bánh phồng tôm có lẽ đó đã là một món vô cùng quen thuộc, vậy còn bánh phồng cá linh thì sao nào?
Cá linh là một loài cá đặc sản của miền Tây thường có vào mùa nước lũ hàng năm. Cá nhỏ, xương không quá cứng lại ăn có vị béo. Nên mỗi năm đến thời điểm này dường như trong bữa cơm của người dân miền Tây không thể thiếu món ăn đặc sản này. Và để tận dụng thêm hương vị thơm ngon đặc trưng của cá linh người ta còn chế biến nó thành một món ăn vô cùng đặc biệt là bánh phồng cá linh.
Cá để làm bánh phải được lựa chọn từ những con cá còn non tươi ngon. Làm sạch cắt bỏ đầu đuôi đem giã nhuyễn rồi trộn với lòng trắng trứng và bột mỳ theo một tỷ lệ nhất định. Nêm thêm gia vị sao cho vừa ăn và đặc biệt phải có thêm tiêu sọ.
Sau khi hoàn thành các bước trên tiếp theo là đến công đoạn gói bánh. Thịt cá được đem gói như gói bánh tét hấp cách thủy để nguội rồi đem cắt ra thành từng lát mỏng đem phơi khô là trờ thành món bánh phồng cá linh đặc sắc.
-
Bánh Chăm An Giang
Đến huyện An Phú tỉnh An Giang nơi có đông đúc người Chăm sinh sống các bạn nhớ ghé qua nếm thử món bánh đặc sản có hương vị thơm ngon độc đáo nơi đây nhé – bánh Chăm.
Bánh Chăm An Giang có màu vàng ươm nhìn rất bắt mắt được làm từ bột mì trọn với trứng vịt và đường thốt nốt đánh đều. Để có được chiếc bánh giòn ngon người ta chiên bánh trên chảo nhôm dày lửa cháy đỏ rực. Khi chảo nóng ta tráng chảo bằng một lớp dầu mỏng rồi cho bột vừa đánh trên vào rắc thêm mè đã rang thơm lên. Sau đó đậy nắp và chờ bánh chín.
Hoàn tất mọi công đoạn ta được một chiếc bánh hình nón ngộ nghĩnh. Bên ngoài giòn, phía trong lại xốp mềm ăn rất vừa miệng. Thưởng thức vị bánh chăm vừa dân dã mộc mạc vừa gọi nhớ tuổi thơ nơi chốn miền quê xa xưa làm dậy lên trong lòng ta bao nỗi niềm khó tả.
-
Xôi Xiêm Châu Đốc
Nhắc đến xôi chắc có lẽ đã không còn gì xa lạ với mỗi con người Việt Nam chúng ta. Một món ăn vừa đơn giản lại ngon miệng với rất nhiều hương vị độc đáo. Trong đó không thể không kể đến xôi xiêm Châu Đốc.
Xôi xiêm được chế biến từ bàn tay khéo léo của người làm từ nếp Thái, trứng vịt, bột mỳ và đường thốt nốt. Để tăng thêm hương vị cho món ăn này người ta còn kết hợp thêm lá dứa. Sau khi xôi chín người ta cho nó ra dĩa, rưới thêm nước cốt dừa lên trên. Vậy là đã sẵn sàng để được thưởng thức vị ngọt béo và thơm ngon của món đặc sản miền Châu Đốc An Giang này rồi.
-
Bánh Bò Thốt Nốt Châu Đốc
Thành phố Châu Đốc – An Giang là một địa điểm du lịch nổi tiếng với rất nhiều các đặc sản đa dạng và độc đáo. Trong đó không thể không nhắc đến một loại bánh đã có từ rất lâu “Bánh bò thốt nốt Châu Đốc“.
Bánh bò thốt nốt có màu vàng tươi bắt mắt, ăn bánh lúc nóng ta sẽ thưởng thức được vị vừa mềm vừa xốp lại thơm hòa quyện với nhau. Người ta thường kết hợp bánh với nước cốt dừa béo béo ngọt ngọt. Nếu chưa từng được thưởng thức món bánh bò thốt nốt Châu Đốc. Thì quả là một thiếu sót của du khách khi đặt chân đến miền quê dân dã này.
-
Xôi Phồng Chợ Mới
Một trong những đặc sản nổi tiếng níu chân du khách khi đến An Giang chắc hẳn phải kể đến Xôi Phồng Chợ Mới. Nếp dẻo thơm được chiên lên vàng ươm ăn cùng với gà quay là sự kết hợp vô cùng hấp dẫn mà khi đã thưởng thức một lần sẽ để lại hương vị khó quên được.
Nằm ở vùng đầu nguồn sông Hậu, phù sa quanh năm bồi đắp chẳng trách lúa nếp ở vùng Chợ Mới luôn có vị thơm, dẻo ngon lại tròn hạt. Kết hợp với đậu trồng trên đất rẫy từ đó mà cho sinh ra món xôi phòng vô cùng hấp dẫn.
Để làm ra món xôi phòng này đầu tiên người ta đem nấy chín đậu và nếp. Sau đó đem quết nhuyễn rồi cho thêm dầu ăn vào để chống dính cũng như khi chiên tạo độ phồng. Quết xôi xong sẽ cho vào khay hoặc quấn tròn khi ăn cắt khoanh và chiên cho căn phòng lên.
Sau khi chiên, xôi phồng Chợ Mới có hình dạng như quả bóng màu vàng, cắt ra từng miếng mỏng ăn giòn thơm rất ngon. Để tăng thêm hương vị cho món ăn độc đáo này ta có thể chấm với xì dầu hoặc tương ớt. Nhưng ngon nhất vẫn phải kể đến ăn xôi phồng kèm với gà quay. Nào hãy thử và thưởng thức hết vị thơm ngon hấp dẫn này ngay nhé!
-
Mắm Ruột An Giang
Chắc bạn đọc có thể thắc mắc chắc tác giả viết sai chính tả, phải là mắm ruốc chứ? Nhưng kỳ thực đây đúng là mắm ruột. Bởi trong quá trình chế biến các loại cá để làm mắm, khô… thì ruột cá luôn được lọc bỏ ra. Để tận thu và tránh lãng phí, nên người dân đã ủ chúng làm mắm. Khác với mắm ruốc được muối từ con ruốc (tép).
Hương vị của mắm ruột An Giang được đánh giá là đậm đà hơn hẳn mắm ruốc. Có thể sử dụng cho nhiều món ăn, như làm mắm chấm xoài, rau, thịt. Hay thậm chí ăn với cơm nóng, làm mắm ruột kho,…
-
Bánh phồng Phú Mỹ
Ghé qua thăm làng nghề bánh phồng Phú Mỹ An Giang, chúng ta có thể tìm được rất nhiều loại đặc sản nổi tiếng. Và tất nhiên trong cái tên của địa danh này cũng đã một phần nhắc nhớ đến một món ăn vô cùng đặc trưng: Bánh phồng Phú Mỹ.
Với rất nhiều cơ sở sản xuất, làng nghế bánh phồng Phú Mỹ đã hình thình, tồn tại và phát triển hơn 70 năm qua. Bánh phồng được làm từ những hạt gạo nếp ngon của vùng đồng bằng phù sa bồi đắp quanh năm dẻo thơm, trắng trong mà khó có nơi nào sánh được. Nhìn chiếc bánh khá đơn giản nhưng trong đó chất chứa biết bao công sức từ bàn tay khéo léo của người làm thợ làng nghề.
Sau khi lựa chọn được những hạt nếp thơm ngon người ta đem ngâm 3 ngày 3 đêm sả cho trong nước rồi bắt đầu quết trong cối. Đến khi nếp thật nhuyễn rồi lại tiếp tục cán thành bánh đem phơi nắng lần một. Sau đó đem nhúng và nước đường rồi lại phơi nắng lần nữa. Ngoài ra, bánh còn được thêm vào các phụ gia như đậu, mè, sữa… để tăng độ thơm ngon.
Bánh phồng Phú Mỹ khi được đem nướng chín sẽ phồng to như hình cái quạt nan. Bánh xốp, mềm, giòn tan trong miệng kèm theo vị ngọt, béo, thơm của đủ các loại nguyên liệu tươi ngon kết hợp thì quả là khiến người dùng một lần lại muốn dùng thêm những lần sau và sau nữa.
-
Mây Gai An Giang
Đến Châu Đốc, ngoài việc thưởng thức những trái me Thái chín ngọt bán khắp nơi. Du khách còn có cơ hội bắt gặp và bỏ vào trong kho những món đặc sản miền quê này một loại quả cũng đặc biệt tươi ngon không kém là quả mây gai (hay được gọi là mây Thái).
Mây gai thường chỉ được bắt gặp nhiều nhất ở vùng Châu Đốc An Giang, quả thuộc họ nhà dừa mọc thành bụi trong rừng có nhiều gai. Quả mây gai có hình bầu dục, thân xù xì màu nâu đỏ. Vỏ của quả rất mỏng, có thể dùng tay bóc ra. Thịt mây gai chia thành tưng nhánh giống như nhánh tỏi. Ngoài công dụng là một món ăn thơm ngon mấy gai còn giúp chúng ta thanh nhiệt cơ thể, giải độc và bổ sung nước bởi nó chứa rất nhiều nguyên tố vi lượng.
Mây gai khi chín, ruột có màu vàng vị chua chua ngọt ngọt, ăn rất ngon miệng. Thưởng thức mây gai mà kèm thêm một dĩa muối ớt cay cay thì đúng là món ngon dân dã nhưng lại vô cùng thú vị.
-
Khô Châu Đốc
Từ khi nào mà trong bữa ăn của người dân miền Tây khô đã trở thành một thứ rất đỗi quen thuộc lại thơm ngon tiện dụng. Đặc biệt nhắc đến chợ Châu Đốc chắc ai cũng sẽ nhớ đến hình ảnh của một vương quốc khô, mắm với đủ các loại cho khách tham quan tha hồ lựa chọn.
Vào mùa nước nổi hàng năm là lúc người dân nơi đây đánh bắt được rất nhiều loại tôm cá tươi sống khác nhau. Với sự phong phú đa dạng chủng loại mà từ đó biết bao loại khô được đem lên bày bán khắp các sạp hàng. Tuy nhiên đặc trưng nhất vẫn là khô cá lóc, khô cá trèn, khô cá sặc, khô cá chốt, khô cá linh, khô cá rô, khô cá mè…
Tùy theo sự ưa thích của người dùng mà có nhiều vị khô từ khô ngọt đến khô mặn. Người dùng có thể chế biến khô Châu Đốc thành nhiều món ăn mang nét mộc mạc chân chất của miền quê miệt Thứ
-
Cá Leo Nướng Muối Ớt An Giang
Cá leo nướng muối ớt là một trong những đặc sản dân dã thơm ngon nổi tiếng của miền quê An Giang. Ghé qua nơi đây mà chưa được thưởng thức một đĩa cá nướng béo ngậy, hấp dẫn thì quả là đáng tiếc.
Nằm ở vùng đầu nguồn hai con sông lớn của miền Tây nên sản lượng cá tôm ở An Giang quanh năm dồi dào. Trong số vô ngàn loài cá nước ngọt ấy phải kể đến đó là cá leo, một loài cá da trơn, mình dài và khá to, mỗi con nặng trung bình từ 1 đến 2kg.
Thịt cá leo rất săn chắc, đem chế biến sẽ trở thành những món ăn thơm ngon bổ dưỡng trong mỗi bữa cơm gia đình nhưng ngon nhất vẫn là món cá leo nướng muối ớt. Cá được đem nướng phải là những con tươi sống. Sau khi làm sạch nhớt bỏ mang, ruột, vây đi rồi ướp thêm gia vị như chút tỏi, ớt và hạt nêm để thấm, rồi đem đi nướng là được một món ăn vô cùng hấp dẫn.
Cá leo không chỉ là một món ăn đặc sản thơm ngon mà nó còn chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Cá nướng lên thơm phức ăn kèm nước chấm chua ngọt hoặc muối ớt chanh thêm chút rau sống và rau thơm thì khó gì có thể sánh bằng.
-
Đường Thốt Nốt An Giang
Thốt nốt là loại cây được trồng ở khá nhiều nơi, nhưng nổi bật và đông đúc nhất vẫn phải kể đến quê hương vùng Châu Đốc tỉnh An Giang. Cây thốt nốt được dùng để chế biến ra rất nhiều loại thức ăn như trái thốt nốt, nước thốt nốt, thạch thốt nốt, bánh bò thốt nốt nhưng đặc trưng nhất vẫn là đường thốt nốt Châu Đốc.
Đường thốt nốt có màu vàng nhạt, làm thành từng khoang tròn to, vị thơm béo, đem nấu ăn sẽ có vị ngọt thanh rất đặc trưng. Nguồn nguyên liệu chính để nấu đường thốt nốt là nước mật hứng từ thân buồng hoa hon của cây. Đây cũng là công đoạn khá phức tạp và công phu để tạo ra độ ngon của sản phẩm.
Vì có vị thơm ngon lại thanh ngọt mà đương thốt nốt rất phù hợp đẻ nấu chè nhất là kết hợp với đậu xanh thì lại càng hấp dẫn hơn. Không những vừa là một loại đồ ăn ngon mà chè nấu từ đường thốt nốt và đậu xanh còn đem đến tác dụng làm mát cơ thể có lợi cho sức khỏe người dùng.
-
Khô Bò Châu Đốc
Về An Giang ghé mua mắm, khô cá các loại du khách cũng đừng quên mất một món đặc sản thơm ngon không kém phần đó chính là khô bò Phú Vinh Châu Đốc nhé.
Quanh một vòng chợ Châu Đốc, qua các cửa hàng thực phẩm, cửa hàng bia rượu hay nhà hàng sẽ dễ dàng tìm thấy món khô bò trứ danh của miền quê nơi đây. Khô sẽ được chế biến thành 3 loại chính: Loại cứng giòn có màu vàng, loại cứng mà không giòn có màu nâu sẫm và loại giòn dẻo có màu nâu.
Để có được miếng khô bò ngon thì người làm phải chọn lọc từ những miếng thịt thật tươi, chắc, thịt sử dụng chính là phần đùi trong của con bò. Quy trình chế biến khô bò chủ yếu được làm thủ công, quan trọng nhất vẫn là giai đoạn tẩm ướp. Tùy theo mỗi công thức của người thợ mà hương vị của mỗi loại khô bò sẽ có một mùi vị đặc trưng riêng.
Đậm đà đủ vị mặn ngọt, béo cay và thơm ngon nên khô bò rất được ưa chuộng. Dùng khô trong các bữa tiệc làm khai vị hoặc ăn kèm trong các cuộc vui chè chén thì quả là món ăn tuyệt vời khó lòng cưỡng lại được.
-
Cà Na Đập An Giang
Cũng không biết từ bao lâu mà nhắc đến cây cà na lại khơi dậy một thân quen quá đỗi gần gũi trong lòng biết bao con người quê hương miền Tây.
Từ những búp xanh hoa trắng hết sức dân dã mộc mạc nhưng cũng không kém phần xinh đẹp. Mùa nước nổi lên hoa sẽ cho ra những trái cà na xanh căng mọng. Trái cà na non có màu xanh hình bầu dục to bằng đầu ngón tay, khi chín ngả sang màu vàng nhạt vị chua chua chát chát hấp dẫn vô cùng.
Cà na đập, cái tên cũng đã phần nào giúp ta hình dung được cách chế biến món đặc sản này. Nhưng quan trọng vẫn là sự khéo léo của người làm để tạo nên hương vị đặc trưng của nó. Quả cà na được đem đi đập không quá nát, vẫn còn giữ lại được màu tươi xanh. Vắt bớt nước để giữ lại độ giòn đem trộn chung với đường, muối và ớt vậy là đủ để làm mê hoặc người dùng.
-
Cơm Tấm Long Xuyên
Cơm tấm là một món ăn bình dân, được bán ở nhiều nơi. Nhưng đã đặt chân đến Long Xuyên An Giang thì du khách nên dừng chân ghé lại để thưởng thức đặt vị thơm ngon của món ăn vừa quen thuộc nhưng cũng vừa có những nét đặc trưng này.
Ở Sài Gòn thường người ta sẽ quen với món cơm tấm có miếng sườn để nguyên hoặc cắt to theo yêu cầu của khách nhưng Cơm tấm Long Xuyên thì khác. Cơm tấm ở đây hạt nhuyễn các thứ ăn kèm theo đều được cắt nhỏ ra tiện lợi và rất dễ dùng. Một đĩa cơm sẽ bao gồm sườn, bì, đồ chua và đặc biệt món trứng ở đây sử dụng là loại trứng kho giống với trứng kho tàu ngày Tết.
Có thể thấy rằng món cơm tấm ở đâu cũng sẽ có những điểm chung nhất định nhưng đối với cơm tấm Long Xuyên điểm đặc trưng nhất là ở công đoạn ướp nguyên liệu và cách trình bày thức ăn bên trên cho người dùng cảm thấy được sự tinh tế và mới mẻ để lại điểm riêng lưu luyến cho du khách nơi xa.
-
Gà Hấp Lá Trúc An Giang
Quả trúc Bảy Núi không chỉ là một loại “chanh” của người Bảy Núi An Giang. Người dân nơi đây còn biết dùng lá của nó để biến tấu nên một đặc sản nổi tiếng – Gà hấp lá trúc.
Để có được món gà hấp lá trúc ngon đầu tiên phải là khâu chọn nguyên liệu. Gà phải được tuyển chọn từ những con gà vườn còn tơ rồi làm sạch đem đi ướp gia vị. Nếu muốn tăng thêm độ thơm ngon cho món ăn ta có thể cho thêm nấm và hành vào bụng gà.
Tiếp đến ta sẽ đem gà đi hấp và một công đoạn không thể thiếu tạo nên nét đặc trưng của món ăn là việc lót một lớp lá trúc phía dưới gà. Đợi khoảng 30 đên 40 phút đến khi gà chín sẽ rắc thêm một lớp lá trúc được sắc nhuyễn lên trên nữa. Gà khi ăn được xé nhỏ trộn với bắp chuối vừa ngon lại không khiến cho người ăn bị ngấy.
Nhìn đĩa gà hấp lá trúc An Giang đủ mùi vị thơm lừng kèm theo màu sắc hấp dẫn như màu vàng óng của gà, màu xanh của lá trúc kèm theo chút dưa leo và ớt xanh quả là hấp dẫn người dùng. Ngày mưa cùng gia đình quây quần bên nhau thưởng thức món hà hấp lá trúc này thì quả là không gì có thể tuyệt vời hơn.
-
Lẩu Mắm Châu Đốc
Về đến miệt Châu Đốc An Giang ta sẽ nhanh chóng cảm nhận được cái bình yên, thân thiện và nhiệt tình của miền quê bình dị dân dã. Cùng vô vàn những món đặc sản phong phú mang một sắc màu hết sức đặc trưng riêng biệt mà những nơi khác khó có được. Trong số những nét đẹp về văn hóa ẩm thực trên thì lẩu mắm Châu Đốc như một món quà mà người dân nơi đây muốn gửi đến du khách để cùng thưởng thức vị thơm ngon hấp dẫn của nó.
Từ rất lâu đời nay mà mắm đã trở thành một món ăn thân thiết và quen thuộc của người dân miền Tây. Cùng với sự phát triển của xã hội các món ăn cũng như văn hóa ẩm thực của người dân ngày càng được gia tăng. Mắm ngày nay không chỉ còn là một món ăn đơn điệu. Mà đã được người ta chế biến thành vô số những đặc sản hấp dẫn điển hình như món lẩu mắm đầy tinh tế.
Nguyên liệu để chế biến ra món lẩu mắm khá đa dạng với nhiều loại rau của miền Tây sông nước như bông lục bình, bông điên điển, rau đắng, bông súng, càng cua… Cá nấu lẩu sẽ là những loài cá tươi ngon như cá kèo, cá linh, lươn…
Ngồi bên nồi lẩu mắm Châu Đốc khói nghi ngút hương lan tỏa cùng với vô vàn loài cá và rau tươi ngon của miền quê. Thưởng thức vị đậm đà từ nước dùng được nấu qua bàn tay khéo léo của người chế biến thì còn gì ấm lòng hơn cho những người con xa quê.
-
Cá Lóc Nướng Trui An Giang
Cá đầy sông, rau đầy rừng là những điều mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng Nam Bộ từ lâu nay. Và cũng từ đó mà rất nhiều các món ăn đặc sản mang bản chất quê hương ra đời. Cá lóc nướng trui, món ăn không cầu kì nhưng đã đi sâu vào lòng biết bao người thưởng thức.
“Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa”
Quả thật cá lóc nướng trui đã thân thuộc đến nỗi đi vào thơ ca của người dân miền Tây bởi sự dân dã của kiểu nướng đặc trưng không sử dụng thêm bất cứ gia vị nào. Và cũng chính bởi lẽ ấy mà nó giữ được hết hương vị của món ăn, không bị lấn át bởi một mùi vị nào khác.
Để làm ra món cá lóc nướng trui này, ban đầu người ta sẽ rửa sạch cá và xiên một thanh tre dọc qua thân cá sau đó đem phủ rơm khô lên rồi nướng. Tại sao người ta lại chọn rơm để nướng cá? Vì bên cạnh tận dụng nguyên liệu sẵn có của chốn quê bình yên. Cá nướng bằng rơm còn tăng thêm độ ngon bởi mùi hương của rạ lúa vương vấn trong món ăn.
Quả thật về miền Tây mà chưa thưởng thức được món cá lóc nướng trui ăn kèm với rau sống hoặc xoài xanh cùng nắm chấm chua ngọt quả là một điều vô cùng thiếu sót.
-
Vũ Nữ Chân Dài An Giang
“Vũ nữ chân dài” nghe cái tên ấy chúng ta có nghĩ nó là một món ăn không nhỉ?
Nhắc đến khô chắc chắn không khỏi nhớ đến miền Tây sông nước cá tôm phong phú quanh năm. Ngoài những loại khô cá quen thuộc thì còn một món đặc sản hết sức đặc biệt đốn tim thực khách gần xa chính là khô nhái. Món khô mà người dân đặt cho cái tên rất mỹ miều: Vũ nữ chân dài.
Hiện nay, khô nhái nổi tiếng nhất nhất ở xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên (An Giang). Nhái thường chỉ xuất hiện nhiều vào mùa mưa, người dân phải đi soi vào ban đêm và chế biến qua nhiều công đoạn thành khô.
Khô nhái được xem như là một tinh túy trong những loài khô vì nó chứa thành phần dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon. Ngoài tác dụng làm thức ăn, khô còn giúp thanh nhiệt, giải độc, chống viêm,.. rất tốt cho sức khỏe. Thịt nhái dai và ngon không kém bất cứ một loại thịt nào.
Người ta thường chế biến khô nhái bằng cách đem chiên giòn lên để nhai cả xương và thịt. Món ăn là sự kết hợp hòa quyện giữa vị cay ngọt, mằn mặn rất đặc trưng để một khi đã thưởng thức một lần thì khó có thể quên được.
Từ khóa: bánh đặc sản An Giang, trái cây đặc sản An Giang, đặc sản khô An Giang, món ngon An Giang, đặc sản An Giang làm quà
Hình ảnh: Internet
Nếu bạn đọc biết thêm các món đặc sản của An Giang nào mà chưa được liệt kê trong bài viết. Xin vui lòng chia sẻ cho mọi người được biết thêm tại phần bình luận bên dưới nhé!