Giải đáp các vấn đề thắc mắc liên quan đến đào tạo và đào tạo tín chỉ tại Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà.
Q1. Có phải Trường ĐHQT Bắc Hà áp dụng Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ? Nội dung cơ bản của Quy chế này gồm những gì?
Đúng. Đây là Quy chế đào tạo mới, được ban hành theo Quyết định số 43/2007/QĐ – BGDĐT ngày 15/08/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong Quy chế này có những quy định cụ thể về tổ chức đào tạo; kiểm tra và thi học phần, xét và công nhận tốt nghiệp áp dụng đối với sinh viên các khóa đào tạo hệ chính quy trong các trường đại học, cao đẳng thực hiện theo hình thức tích lũy tín chỉ.
Q2. H ọc phần trong Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ là gì?
Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích lũy trong quá trình học tập. Phần lớn học phần có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ. Kiến thức trong mỗi học phần phải gắn với một mức trình độ theo năm học thiết kế và được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học. Từng học phần phải được ký hiệu bằng một mã số riêng do trường quy định.
Q3. Sự khác nhau giữa 2 loại học phần trong Quy chế này?
Hai loại học phần khác nhau ở chỗ:
- Học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc sinh viên phải tích lũy;
Học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của trường nhằm đa dạng hóa hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tùy ý (trong số những học phần tự chọn) để tích lũy đủ số học phần quy định cho mỗi chương trình.
Q4. Tín chỉ được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên như thế nào?
Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết (mỗi tiết học được tính bằng 50 phút); 30 – 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 – 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 -60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khóa luận tốt nghiệp.
Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân.
Q5. Theo Quy chế này tổ chức đào tạo được tiến hành như thế nào?
Các trường đại học, cao đẳng vẫn tổ chức đào tạo theo khóa học, năm học và học kỳ, trong đó khóa học là thời gian thiết kế để sinh viên hoàn thành một chương trình cụ thể. Theo Quy chế này, tùy thuộc chương trình đào tạo, trình độ cao đẳng được thực hiện từ hai đến ba năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo; trình độ đại học được thực hiện từ bốn đến sáu năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ hai năm rưỡi đến 4 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo; một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng ngành đào tạo.
Mỗi năm học có hai học kỳ chính, mỗi học kỳ chính có ít nhất 15 tuần thực học và 3 tuần thi. Ngoài hai học kỳ chính, Hiệu trưởng xem xét quyết định tổ chức thêm một học kỳ phụ với ít nhất 5 tuần thực học và 1 tuần thi để sinh viên có điều kiện được học lại, học bù hoặc học vượt.
Căn cứ vào khối lượng và nội dung kiến thức tối thiểu quy định cho các chương trình, Hiệu trưởng dự kiến phân bổ số học phần cho từng năm học, từng học kỳ.
Trong Quy chế này có quy định thời gian tối đa hoàn thành chương trình, tức là thời gian tối đa được phép học tại trường, để hoàn thành một chương trình, bao gồm thời gian thiết kế cho chương trình cộng với 2 học kỳ đối với các khóa học dưới 3 năm, 4 học kỳ đối với các khóa học từ 3 đến dưới 5 năm, 6 học kỳ đối với các khóa học từ 5 đến 6 năm. Tuy nhiên, Quy chế này cho phép Hiệu trưởng quy định thời hạn tối đa cho mỗi chương trình, nhưng không được vượt quá 2 lần so với thời gian thiết kế cho chương trình đó. Các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy không bị hạn chế về thời gian tối đa để hoàn thành chương trình.
Q6. Vào học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ sinh viên phải làm thủ tục đăng ký nhập học?
Đúng như vậy. Ngoài các giấy tờ phải nộp theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy sinh viên phải nộp cho phòng đào tạo đơn xin học theo hệ thống tín chỉ theo mẫu do trường quy định. Sau khi xem xét thấy đủ điều kiện nhập học, phòng đào tạo trình Hiệu trưởng ký quyết định công nhận người đến học là sinh viên chính thức của trường và cấp cho họ thẻ sinh viên, sổ đăng ký học tập, phiếu nhận cố vấn học tập. Sinh viên nhập học được trường cung cấp đầy đủ các thông tin về mục tiêu, nội dung và kế hoạch học tập của các chương trình, quy chế đào tạo, nghĩa vụ và quyền lợi của sinh viên.
Q7. Nghe nói, cách tổ chức lớp học trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ khác với hệ thống đào tạo theo niên chế. Trường ta có thể làm ngay theo Quy chế này không?
Trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ lớp học được tổ chức theo từng học phần dựa vào đăng ký khối lượng học tập của sinh viên ở từng học kỳ. Hiệu trưởng quy định số lượng sinh viên tối thiểu cho mỗi lớp học tùy theo từng học phần được giảng dạy trong trường. Nếu số lượng sinh viên đăng ký thấp hơn số lượng tối thiểu quy định, thì lớp học sẽ không được tổ chức và sinh viên phải đăng ký chuyển sang học những học phần khác có lớp, nếu chưa đảm bảo đủ quy định về khối lượng học tập tối thiểu cho mỗi học kỳ.
Trong một số năm học đầu Trường chúng ta chưa tổ chức lớp theo từng học phần mà vẫn xếp sinh viên cùng ngành đào tạo vào các lớp học, các học phần với số tín chỉ như nhau. Sau này, khi có số sinh viên đủ lớn và điều kiện phòng học bảo đảm hơn, chúng ta sẽ chuyển sang cách tổ chức lớp theo từng học phần bảo đảm sự lựa chọn tự do, đa dạng của người học.
Q8. Khi đó sinh viên phải đăng ký khối lượng học tập cho mỗi học kỳ?
Đúng như vậy. Khi đó, trước khi bắt đầu mỗi học kỳ, trên cơ sở lịch trình học tập dự kiến cho từng chương trình, từng học kỳ, danh sách các học phần bắt buộc và tự chọn dự kiến sẽ dạy, đề cương chi tiết, điều kiện tiên quyết để được đăng ký học cho từng học phần, lịch kiểm tra và thi, hình thức kiểm tra và thi đối với các học phần, tùy theo khả năng và điều kiện học tập của bản thân, từng sinh viên phải đăng ký học các học phần dự định sẽ học trong kỳ đó.
Q9. Quy chế này có đặt ra khối lượng học tập tối thiểu mà mỗi sinh viên phải đăng ký trong mỗi học kỳ hay không?
Vì các trường đều phải quy định thời gian tối đa cho mỗi chương trình học,nên cũng đặt ra khối lượng học tập tối thiểu mà mỗi sinh viên phải đăng ký, cụ thể như sau: 14 tín chỉ cho mỗi học kỳ, trừ học kỳ cuối khóa học, đối với những sinh viên được xếp hạng học lực bình thường; 10 tín chỉ cho mỗi học kỳ, trừ học kỳ cuối khóa học, đối với những sinh viên bị xếp hạng học lực yếu. Ở học kỳ phụ (nếu có) không quy định khối lượng học tập tối thiểu.
Sinh viên đang trong thời gian bị xếp hạng học lực yếu chỉ được đăng ký khối lượng học tập không quá 14 tín chỉ cho mỗi học kỳ. Không hạn chế khối lượng đăng ký học tập của những sinh viên xếp hạng học lực bình thường.
Việc đăng ký các học phần sẽ học cho từng học kỳ phải bảo đảm điều kiện tiên quyết của từng học phần và trình tự học tập của mỗi chương trình cụ thể.
Q10. Sau khi đã đăng ký khối lượng học tập sinh viên có được rút bớt học phần đã đăng ký hay không?
Được, với điều kiện sinh viên phải tự viết đơn gửi Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên của trường, được cố vấn học tập chấp thuận hoặc theo quy định của Hiệu trưởng, nhưng chỉ được chấp nhận sau 6 tuần kể từ đầu học kỳ chính, nhưng không muộn quá 8 tuần; sau 2 tuần kể từ đầu học kỳ phụ, nhưng không muộn quá 4 tuần. Ngoài thời hạn trên, học phần vẫn được giữ nguyên trong phiếu đăng ký học và nếu sinh viên không đi học sẽ được xem như tự ý bỏ học và phải nhận điểm F.
Q11. Trong trường hợp nào sinh viên phải hoặc được quyền đăng ký học lại?
Sinh viên có học phần bắt buộc bị điểm F phải đăng ký học lại học phần đó ở một trong các học kỳ tiếp theo cho đến khi đạt điểm A, B, C hoặc D.
Sinh viên có học phần tự chọn bị điểm F phải đăng ký học lại học phần đó, hoặc học đổi sang học phần tự chọn tương đương khác.
Ngoài các trường hợp nêu trên sinh viên được quyền đăng ký học hoặc đổi sang học phần khác đối với các học phần bị điểm D để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy (TBCTL).
Q12. Trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ (không theo niên chế) việc xếp hạng năm đào tạo và học lực được thực hiện như thế nào?
Theo hệ thống tín chỉ sinh viên có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập, nên sau mỗi học kỳ, căn cứ vào khối lượng kiến thức tích lũy, sinh viên được xếp hạng năm đào tạo như sau:
- Sinh viên năm thứ nhất, nếu khối lượng kiến thức tích lũy dưới 30 tín chỉ;
Sinh viên năm thứ hai, nếu khối lượng kiến thức tích lũy từ 30 tín chỉ đến dưới 60 tín chỉ;
Sinh viên năm thứ ba, nếu khối lượng kiến thức tích lũy từ 60 tín chỉ đến dưới 90 tín chỉ;
Sinh viên năm thứ tư, nếu khối lượng kiến thức tích lũy từ 90 tín chỉ đến dưới 120 tín chỉ;
Sinh viên năm thứ năm, nếu khối lượng tích kiến thức tích lũy từ 120 đến 150 tín chỉ;
Sau mỗi học kỳ, căn cứ vào điểm TBCTL sinh viên được xếp hạng về học lực như sau:
- Hạng bình thường, nếu điểm TBCTL đạt từ 2,00 trở lên;
Hạng yếu, nếu điểm TBCTL đạt dưới 2,00, nhưng chưa rơi vào trường hợp bị buộc thôi học.
Kết quả học tập trong học kỳ phụ (nếu có) được gộp vào kết quả hoc tập trong học kỳ chính ngay trước học kỳ phụ để xếp hạng sinh viên về học lực.
Q13. Sinh viên học theo hệ thống tín chỉ có được quyền nghỉ học tạm thời không?
Sinh viên được quyền viết đơn gửi Hiệu trưởng xin nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả đã học trong các trường hợp sau:
- Được điều động vào các lực lượng vũ trang;
Bị ốm hoặc tai nạn phải điều trị thời gian dài, nhưng phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế;
Vì nhu cầu cá nhân. Trường hợp này, sinh viên phải đã học ít nhất một học kỳ ở trường, không rơi vào các trường hợp bị buộc thôi học quy định tại Quy chế đào tạo này và phải đạt điểm TBCTL không dưới 2,00. Thời gian nghỉ học tạm thời, vì nhu cầu cá nhân phải được tính vào thời gian học chính thức.
Q14. Trong trường hợp nào sinh viên bị buộc thôi học?
Sau mỗi học kỳ, sinh viên bị xử lý về mặt học tập ở mức buộc thôi học, nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:
- Có điểm TBCHK đạt dưới 0,80 đối với học kỳ đầu khóa học, đạt dưới 1,00 đối với các học kỳ tiếp theo, hoặc đạt dưới 1,10 đối với 2 học kỳ liên tiếp;
Có điểm TBCTL đạt dưới 1,20 đối với sinh viên năm thứ nhất, dưới 1,40 đối với sinh viên năm thứ hai, dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khóa;
Vượt quá thời gian tối đa được phép học tại trường;
Bị kỷ luật lần thứ hai, vì lý do đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ hoặc bị kỷ luật ở mức xóa tên khỏi danh sách sinh viên của trường.
Ngoài ra, theo Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên bị xếp loại rèn luyện kém trong cả năm học, thì phải tạm ngừng học một năm học ở năm học tiếp theo và nếu bị xếp loại rèn luyện kém cả năm lần thứ hai cũng sẽ bị buộc thôi học.
Q15. Trong quá trình học hoặc trong kỳ thi nếu chẳng may bị ốm, sinh viên phải làm gì?
Phải viết đơn xin phép nghỉ ốm gửi trưởng khoa trong vòng một tuần kể từ ngày bị ốm, kèm theo giấy chứng nhận của cơ quan y tế trường, hoặc y tế địa phương, hoặc của bệnh viện.
Q16. Sinh viên có thể đồng thời (cùng lúc) học thêm một chương trình thứ hai để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng?
Có thể, với những điều kiện sau:
- Ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo ở chương trình thứ nhất;
Sau khi kết thúc học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình thứ nhất;
Sinh viên không thuộc diện xếp hạng học lực yếu ở chương trình thứ nhất;
Điều đáng lưu ý là: sinh viên đang học thêm chương trình thứ hai, nếu rơi vào diện bị xếp hạng học lực yếu của chương trình thứ hai, phải dừng học thêm chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo. Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học đồng thời hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất. Khi học chương trình thứ hai sinh viên được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất. Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất.
Q17.Việc đánh giá học phần được thực hiện như thế nào?
Theo Quy chế này, đối với các học phần chỉ có lý thuyết hoặc có cả lý thuyết và thực hành tùy theo tính chất của học phần, điểm tổng hợp đánh giá học phần (sau đây gọi tắt là điểm học phần) được tính căn cứ vào một phần hoặc tất cả các điểm đánh giá bộ phận bao gồm điểm chuyên cần, điểm kiểm tra thường xuyên hoặc giữa kỳ, điểm bài tập, điểm tiều luận, điểm kết thúc phần, trong đó điểm thi kết thúc học phần là bắt buộc cho mọi trường hợp và có trọng số không dưới 50%. Việc lựa chọn các hình thức đánh giá bộ phận và trọng số của các điểm do Hiệu trưởng quy định. Đối với các học phần thực hành, sinh viên phải tham dự đầy đủ các bài thực hành. Điểm trung bình cộng của điểm các bài thực hành trong học kỳ được làm tròn đến một chữ số thập phân là điểm của học phần thực hành.
Q18. Kỳ thi kết thúc học phần được tổ chức như thế nào?
Cuối mỗi học kỳ trường tổ chức một kỳ thi chính và nếu có điều kiện, tổ chức thêm một kỳ thi phụ để thi kết thúc học phần.
Kỳ thi phụ dành cho những sinh viên không tham dự kỳ thi chính hoặc có học phần bị điểm F ở kỳ thi chính và được tổ chức sớm nhất là hai tuần sau kỳ thi chính.
Sinh viên vắng mặt trong kỳ thi kết thúc học phần, nếu không có lý do chính đáng, coi như đã dự thi một lần và phải nhận điểm 0 ở kỳ thi chính. Những sinh viên này, khi được trưởng khoa cho phép được dự thi một lần ở kỳ thi phụ ngay sau đó (nếu có).
Sinh viên vắng mặt có lý do chính đáng ở kỳ thi chính, nếu được trưởng khoa cho phép được dự thi ở kỳ thi phụ ngay sau đó (nếu có); điểm thi kết thúc học phần được coi là điểm thi lần đầu. Trường hợp không có kỳ thi phụ, hoặc thi không đạt trong kỳ thi phụ, những sinh viên này sẽ phải dự thi tại các kỳ thi kết thúc học phần ở các học kỳ sau hoặc học kỳ phụ.
Q19. Trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ có rất nhiều loại điểm với các thang điểm khác nhau. Xin nói rõ thêm về các loại điểm, thang điểm, các tính điểm và xếp loại học lực?
Mỗi sinh viên cần nắm chắc những quy định dưới đây:
1. Cơ sở để tính các loại điểm là điểm đánh giá bộ phận của từng học phần theo thang điểm 10 làm tròn đến 1 chữ số thập phân.
Theo quy định của Trường ĐHQT Bắc Hà các điểm đánh giá bộ phận bao gồm: điểm chuyên cần với trọng số do Trường quy định và đã thông báo từ ngày 12/11/2008 là 10%, điểm kiểm tra giữa học kỳ là 30%, điểm thi kết thúc học phần là 60%. Riêng môn tiếng Anh điểm chuyên cần 10%, điểm hai bài tập mỗi bài 10%, điểm kiểm tra giữa kỳ 20%, điểm thi cuối kỳ là 50%.
2. Điểm học phần là tổng điểm của tất cả các điểm đánh giá bộ phận của học phần nhân với trọng số tương ứng.
Điểm học phần làm tròn đến một chữ số thập phân, sau đó chuyển thành điểm chữ và được xếp hạng học lực đối với từng học phần như sau:
a) Loại đạt:
A(8,5 – 10) Giỏi
B (7,0 – 8,4) Khá
C (5,5 – 6,9) Trung bình
D (4,0 – 5,4) Trung bình yếu
b) Loại không đạt:
F (dưới 4,0) Kém
c) Đối với những học phần chưa đủ cơ sở để vào tính điểm TBCHK, khi xếp mức đánh giá, được sử dụng các ký hiệu sau
I Chưa đủ dữ liệu để đánh giá
X Chưa nhận được các kết quả thi
d) Đối với những học phần được nhà trường cho phép chuyển điểm, khi xếp mức đánh giá được sử dụng các ký hiệu R viết kèm với kết quả. Theo Quy chế này ký hiệu R được áp dụng cho các trường hợp:
- Điểm học phần được đánh giá ở các mức điểm A, B, C, D trong đợt đánh giá đầu học kỳ (nếu có) đối với một số học phần được phép thi sớm để giúp sinh viên học vượt.
Những học phần được công nhận kết quả khi sinh viên chuyển từ trường khác đến hoặc chuyển đổi giữa các chương trình.
Việc xếp loại các mức điểm A, B, C, D, F được áp dụng cho các trường hợp sau đây:
- Đối với những học phần mà sinh viên có đủ điểm đánh giá bộ phận, kể cả trường hợp bỏ học, bỏ kiểm tra hoặc bỏ thi không có lý do phải nhận điểm 0.
Chuyển đổi từ mức điểm I qua, sau khi đã có các kết quả đánh giá bộ phận mà trước đó sinh viên được giảng viên cho phép nợ.
Chuyển đổi từ các trường hợp X qua
Việc xếp loại mức điểm F còn áp dụng cho các trường hợp sinh viên vi phạm nội quy thi, có quyết định phải nhận điểm F.
Việc xếp loại theo mức điểm I được áp dụng cho các trường hợp sau đây:
- Trong thời gian học hoặc trong thời gian thi kết thúc học kỳ sinh viên bị ốm hoặc tai nạn không thể dự kiểm tra hoặc thi, nhưng phải được trưởng khoa cho phép.
Sinh viên không thể tham dự kiểm tra bộ phận hoặc thi vì những lý do khách quan, được trưởng khoa chấp thuận.
Trừ các trường hợp đặc biệt do Hiệu trưởng quy định, trước khi bắt đầu học kỳ mới kế tiếp, sinh viên nhận mức điểm I phải trả xong các nội dung bộ phận còn nợ để được chuyển điểm. Trường hợp sinh viên chưa trả nợ và chưa chuyển điểm nhưng không rơi vào trường hợp bị buộc thôi học, thì được vào học tiếp ở các học kỳ kế tiếp.
Việc xếp loại theo mức điểm X được áp dụng đối với những học phần mà phòng đào tạo của trường chưa nhận được báo cáo kết quả học tập từ khoa chuyển lên.
3. Điểm trung bình trung học kỳ (TBTHK) là điểm trung bình có trọng số của các học phần mà sinh viên đã học trong học kỳ đó, với trọng số là số tín chỉ tương ứng của từng học phần.
4. Khối lượng kiến thức tích lũy là khối lượng tính bằng tổng số tín chỉ của những học phần đã được đánh giá theo thang điểm A, B, C, D tính từ đầu khóa học.
5. Điểm trung bình trung tích lũy (TBCTL) là điểm trung bình của các học phần và được đánh giá bằng các điểm chữ A, B, C, D mà sinh viên đã tích lũy được, tính từ đầu khóa học cho tới thời điểm được xem xét vào lúc kết thúc mỗi học kỳ.
6. Để tính điểm TBCHK và điểm TBCTL, mức điểm chữ của mỗi học phần phải được quy đổi qua điểm số như sau:
A tương ứng với 4
B tương ứng với 3
C tương ứng với 2
D tương ứng với 1
F tương ứng với 0
Điểm TBCHK và điểm TBCTL được tính theo công thức sau và được làm tròn đến 2 chữ số thập phân:
trong đó, A là điểm TBCHK hoặc điểm TBCTL
ai là điểm của học phần thứ i
ni là số tín chỉ của học phần thứ i
n là tổng số học phần
7. Điểm TBCHK để xét học bổng, khen thưởng sau mỗi học kỳ chỉ tính theo kết quả thi kết thúc học phần ở lần thi thứ nhất. Điểm TBCHK và điểm TBCTL để xét thôi học, xếp hạng học lực sinh viên và xếp hạng tốt nghiệp được tính theo điểm thi kết thúc học phần cao nhất trong các lần thi.
8. Điều rất đáng lưu ý là trong các công thức tính điểm trung bình đều có tính đến trọng số (tỉ lệ phần trăm đối với các điểm đánh giá bộ phận khi tính điểm học phần hoặc số tín chỉ của những học phần khi tính điểm TBCHK và điểm TBCTL). Mức điểm chữ D được coi là loại đạt nhưng chỉ là loại trung bình yếu và khi quy đổi qua điểm số chỉ tương ứng với 1, nên khi tính điểm TBCHK và điểm TBCTL của những sinh viên bị nhiều điểm D, nhất là ở những học phần có số tín chỉ lớn, có thể xảy ra trường hợp điểm TBC nhân, chia theo thang điểm 10 lớn hơn hoặc bằng 5 nhưng điểm tính được sau khi quy đổi mức điểm chữ qua điểm số có thể ở mức mà sinh viên bị xếp vào diện buộc thôi học như đã xảy ra ở nhiều nơi, mà báo chí đã từng nói đến.
Q20. Thực tập cuối khóa, làm khóa luận tốt nghiệp được tiến hành như thế nào?
Đầu học kỳ cuối khóa, các sinh viên được đăng ký làm đồ án , khóa luận tốt nghiệp hoặc học thêm một số học phần chuyên môn theo quy định sau đây:
- Sinh viên đạt mức quy định của trường được làm đồ án hoặc khóa luận tốt nghiệp. Đồ án , khóa luận tốt nghiệp là học phần có khối lượng không quá 14 tín chỉ cho trình độ đại học và 5 tín chỉ cho trình độ cao đẳng. Tùy theo điều kiện cụ thể và đặc thù của trường Hiệu trưởng quy định điều kiện để sinh viên được đăng ký làm đồ án hoặc khóa luận tốt nghiệp, hình thức và thời gian làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp, hình thức chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp, nhiệm vụ của giảng viên hướng dẫn, trách nhiệm của khoa và bộ môn đối với sinh viên trong thời gian làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp.
Sinh viên không được giao làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp phải đăng ký học thêm một số học phần chuyên môn, nếu chưa tích lũy đủ đủ số tín chỉ cho từng chương trình.
Q21. Quy trình chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp như thế nào?
Hiệu trưởng quyết định danh sách giảng viên chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp. Việc chấm mỗi đồ án, khóa luận tốt nghiệp phải do 02 giảng viên đảm nhiệm. Điểm của đồ án, khóa luận tốt nghiệp được chấm theo thang điểm chữ. Kết quả chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp được công bố chậm nhất là 03 tuần kể từ ngày nộp đồ án, khóa luận tốt nghiệp.
Điểm đồ án, khóa luận tốt nghiệp được tính vào điểm TBCTL của toàn khóa học.
Sinh viên có đồ án, khóa luận bị điểm F phải đăng ký làm lại đồ án, khóa luận tốt nghiệp hoặc phải đăng ký học thêm một số học phần chuyên môn để thay thế sao cho tổng số tín chỉ của các học phần chuyên môn học thêm tương đương với số tín chỉ của đồ án, khóa luận tốt nghiệp.
Q22. Điều kiện để xét tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp là gì?
Để được trường xét và công nhận tốt nghiệp sinh viên phải có đủ các điều kiện sau:
- Cho đến thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập;
Tích lũy đủ số học phần quy định cho chương trình đào tạo: với khối lượng không dưới 180 tín chỉ đối với khóa học đại học 6 năm, 150 tín chỉ đối với khóa đại học 5 năm, 120 tín chỉ đối với khóa đại học 4 năm, 90 tín chỉ đối với khóa cao đẳng 3 năm; 60 tín chỉ đối với khóa cao đẳng 2 năm. Khối lượng kiến thức tối thiểu cụ thể cho từng chương trình đào tạo do Hiệu trưởng quy định.
Điểm TBCTL của toàn khóa học đạt từ 2,00 trở lên.
Thỏa mãn một số yêu cầu và kết quả học tập đối với nhóm học phần thuộc ngành đào tạo chính do Hiệu trưởng quy định.
Có chứng chỉ giáo dục quốc phòng và chứng chỉ giáo dục thể chất đối với các ngành đào tạo không chuyên về quân sự và thể dục thể thao.
Căn cứ các điều kiện công nhận tốt nghiệp. Hội đồng xét tốt nghiệp xem xét lập danh sách những sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp trình Hiệu trưởng ký quyết định công nhận tốt nghiệp.
Q23 Hạng tốt nghiệp được xác định như thế nào?
Hạng tốt nghiệp được xác định theo điểm TBCTL của toàn khóa học theo quy định sau đây:
- Loại Xuất sắc: Điểm TBCTL từ 3,60 đến 4,00
Loại Giỏi: Điểm TBCTL từ: 3,20 đến 3,59
Loại Khá: Điểm TBCTL từ : 2,50 đến 3,19
Loại Trung bình: Điểm TBCTL: từ 2,00 đến 2,49
Cần lưu ý: theo quy chế này hạng tốt nghiệp của những sinh viên có kết quả học tập toàn khóa loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm đi một mức,nếu rơi vào các trường hợp sau:
- Có khối lượng của các học phần phải thi lại vượt quá 5% tổng số tín chỉ quy định cho toàn chương trình;
Đã bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên trong thời gian học.
Q24 Cùng với bằng tốt nghiệp sinh viên còn được cấp bảng điểm?
Đúng như vậy. Kết quả học tập của sinh viên phải được ghi vào bảng điểm theo từng học phần để cấp cho sinh viên cùng với bằng tốt nghiệp.
Q25 Sinh viên không tốt nghiệp có được cấp giấy tờ xác nhận nào không và có quyền được học tiếp ở chương trình khác?
Sinh viên không tốt nghiệp được cấp giấy chứng nhận về các học phần đã học trong chương trình đào tạo của trường. Những sinh viên này cũng như các sinh viên thuộc diện bị buộc thôi học do kết quả học tập không đạt, nếu có nguyện vọng, được quyền làm đơn xin chuyển qua chương trình khác tại trường đã học hoặc tại những trường khác có chương trình đào tạo thấp hơn hoặc chương trình giáo dục thường xuyên tương ứng và được Hiệu trưởng xem xét cho phép bảo lưu một phần kết quả học tập ở chương trình cũ khi học ở chương trình mới này.