Thế giới rộng lớn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Cho đến nay, vẫn còn những địa danh con người chưa thể chạm đến. Một trong số đó là rừng Amazon. Vậy, rừng Amazon ở đâu? Rừng Amazon rộng bao nhiêu và có những gì?
1. Rừng Amazon là gì?
Phần lớn đều biết rằng Amazon là tên của một cánh rừng. Nhưng cụ thể rừng Amazon là gì và rừng Amazon rộng bao nhiêu?
Rừng mưa Amazon là cánh rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới có diện tích khoảng 5,5 triệu km² (1,4 tỷ mẫu Anh). Amazon chiếm hơn một nửa diện tích rừng mưa của Trái Đất và sở hữu dải rừng mưa nhiệt đới lớn với số lượng sinh vật phong phú nhất trên thế giới.
Tính đến nay, cánh rừng đã hơn 10 triệu năm tuổi. Đây là nơi sinh sống của hàng tỷ cây xanh, lưu vực sông rộng lớn ngự trị trên Nam Mỹ và là một tổ hợp đa dạng sinh học.
Rừng Amazon cũng là nơi sinh sống của gần 500 cộng đồng bản địa. Có thể nói đây là một hệ sinh thái đa dạng sinh học, là nơi sinh sống của vô số loài động thực vật, ảnh hưởng đến khí hậu trên khắp thế giới.
2. Rừng Amazon ở đâu?
Vì là cánh rừng lớn nhất thế giới, nhiều người tò mò rằng rừng Amazon thuộc châu lục nào? Thêm vào đó, cánh rừng rộng lớn như vậy thì trải dài ở bao nhiêu quốc gia và cụ thể rừng Amazon ở nước nào?
Rừng nhiệt đới Amazon nằm ở Châu Mĩ và chiếm giữ phần lớn lưu vực thoát nước của sông Amazon và các phụ lưu của nó ở miền bắc Nam Mỹ. Ước tính, Amazon chiếm khoảng 40% tổng diện tích của Brazil, phía bắc là Cao nguyên Guiana, phía tây giáp với dãy Andes, phía nam gần với cao nguyên trung tâm Brazil và phía đông tiếp xúc với Đại Tây Dương.
Amazon là một quần xã sinh vật rộng lớn trải dài trên lãnh thổ của 9 quốc gia bao gồm khoảng 60% thuộc Brasil, 13% thuộc Peru, và 27% còn lại nằm ở Ecuador, Colombia, Venezuela, Bolivia, Guyana, Surinam cùng Guyana (Pháp).
Một phần rừng Amazon. Ảnh: JustGlobetrotting
3. Điều kỳ lạ trong rừng Amazon
Ở rừng Amazon có những gì là điều mà nhiều người quan tâm. Chúng ta vẫn thường nghe nói đây là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên thế giới nhưng ít ai biết rằng cánh rừng là nơi sinh sống của 10% số loài trên thế giới, theo Quỹ Động vật Hoang dã thế giới. Vì rừng Amazon có diện tích vô cùng rộng lớn nên cho đến nay, loài người vẫn chưa thể giải mã hoàn toàn.
Dưới đây là những điều kỳ lạ khiến rừng Amazon nguy hiểm và thôi thúc sự khám phá đối với con người.
3.1. Những con chim biến mất trên đảo Barro Colorado
Đảo Barro Colorado của Panama là một khu rừng nhiệt đới từng có hơn 200 loài chim các loại. Một số trong số chúng hiện đã tuyệt chủng, lý do vẫn đang được điều tra.
Cụ thể, 45 loài chim đã biến mất kể từ năm 1914. Khi kênh đào Panama hoàn thành vào năm đó, hồ Gatun dâng cao lấp đầy các thung lũng xung quanh Barro Colorado. Các nhà sinh thái học đưa ra giả thuyết vào năm 1980 rằng sau khi những kẻ săn mồi lớn hơn chết vì thiếu không gian, các quần thể động vật có vú cỡ trung bình như khỉ và coatis (một loài tương tự như gấu trúc) đã bùng nổ.
Các nhà khoa học tin rằng những loài động vật có vú đã ăn trứng chim. Tuy nhiên theo các chuyên gia, vẫn cần thêm bằng chứng để xác nhận giả thuyết này.
3.2. Geoflyphs ở Amazon
Hàng trăm rãnh lớn có hình dạng đặc biệt đã được khoét sâu vào lòng đất của rừng nhiệt đới Amazon. Chúng được ước tính là hàng nghìn năm tuổi, và các nhà khoa học không biết tại sao chúng tồn tại.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng các geoglyphs có thể là một không gian tụ họp cho các nghi lễ của người xưa. Nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa có đủ bằng chứng để chứng minh cho sự tồn tại của chúng.
Hình vẽ bí ẩn trong rừng Amazon. Ảnh: Live Science
3.3. Nhà thám hiểm mất tích
Nhà thám hiểm kiêm chuyên gia vẽ bản đồ người Anh Percy Fawcett đã biến mất ở Amazon vào năm 1925. Fawcett là một cựu chiến binh trong Thế chiến thứ nhất thường xuyên thám hiểm và vẽ bản đồ của rừng Amazon.
Ông đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để tìm kiếm một thành phố tinh vi và cổ kính mà ông gọi là “Z”. Fawcett và các người cộng sự đã khởi hành từ New Jersey vào tháng 1 năm 1925, và đến tháng 4, họ đã đến được Brazil.
Họ thuê hướng dẫn viên bản địa và tiếp tục đi đến cuối tháng 5. Vào ngày 29 tháng 5, Fawcett gửi các hướng dẫn viên trở lại thành phố Cuiabá một gói thư.
Đến năm 1927, ông và nhóm của mình vẫn chưa trở lại, và không ai rõ chuyện gì đã xảy ra với họ. Nhiều nhà thám hiểm đã đi theo Fawcett để tìm kiếm nhóm của ông, và một vài người trong số họ cũng biến mất. Theo History, Fawcett coi rừng nhiệt đới Amazon là “khoảng trống tuyệt vời cuối cùng trên thế giới.”
3.4. Sinh vật Mapinguary
Mapinguary là một sinh vật giống con lười trong thần thoại của một số bộ tộc ở Amazon. Sinh vật này được cho là cao hơn 2 mét, nhiều lông và có mùi cơ thể đặc trưng.
Theo truyền thuyết, nếu chạm trán với Mapinguary, người ta nói rằng cách tốt nhất để giết nó là bắn vào đầu nó. Nhưng hành động khôn ngoan nhất là trèo lên cây và trốn thật kỹ. Loài Mapinguary được cho là đặc biệt hung dữ với những ai không đối xử tôn trọng với tự nhiên.
Sinh vật kỳ bí. Ảnh: Science Sensei
Theo New York Times, các nhà khoa học đã bắt đầu tìm kiếm sinh vật này nhưng vẫn chưa tìm thấy gì. Nhà khoa học David Oren cho biết, “Tôi thấy truyền thuyết về Mapinguary dựa trên những lần chạm trán của con người với những con lười cuối cùng trên mặt đất”.
3.5. Khỉ Titi đuôi lửa và các loài mới
Từ năm 2014 đến năm 2015, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận hơn 300 loài mới trong rừng nhiệt đới Amazon. Nhiều loài may mắn đã được phát hiện trong các khu bảo tồn.
Khỉ Titi lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2010. Chúng được đặt theo tên nhà khoa học Milton Thiago de Mello, người có công trong việc phát triển lĩnh vực linh trưởng học Brazil.
Chúng có chiếc đuôi màu cam rực rỡ và thường trốn trên các ngọn cây cao. Thay vào đó, chúng ta có thể tìm thấy khỉ titi thông qua tiếng kêu vào buổi sáng. Chúng có thể được tìm thấy trong các khu bảo tồn được bảo vệ và các vùng lãnh thổ bản địa của Brazil.
3.6. Cá voi chết ở Amazon
Một con cá voi lưng gù đã chết được tìm thấy gần rìa rừng nhiệt đới Amazon vào tháng 2 năm 2019. Người ta vẫn chưa rõ bằng cách nào mà con cá voi này lại có thể tiến vào khu rừng nhiệt đới này.
Con cá voi lưng gù được ước tính có kích thước của một con bê (chưa đầy một năm tuổi), chỉ dài 8 mét. Nó được tìm thấy trên đảo Marajo ở cửa sông Amazon, cách bờ 15 mét, không có vết thương nào. Cá voi lưng gù thường di cư hàng nghìn dặm đến các đại dương ở Nam Cực vào mùa hè, vì vậy việc chúng ở Amazon hoàn toàn không hợp lý.
Các nhà khoa học tin rằng con nó đã bị tách khỏi mẹ của nó trong quá trình di cư và có thể đã bị sóng mạnh xô vào bờ và mắc kẹt tại đây. Một giả thuyết khác cho rằng nó chết do ăn phải chất thải nhựa, và xác dạt vào bờ biển.
Xác cá voi dạt vào rừng Amazon. Ảnh: TipHero
3.7. Các bộ lạc nguyên thủy
Có nhiều bộ lạc sống trong rừng nhiệt đới Amazon đã chọn cách không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Brazil được cho là có 100 bộ lạc không liên hệ với nhau. Đôi khi, các thành viên đã mạo hiểm ra ngoài thế giới vì những lý do như bệnh tật nên họ vẫn rất thận trọng.
Cộng đồng người Piripkura ở Brazil chỉ có khoảng 20 người vào những năm 1980. Bộ lạc Gavião lân cận gọi họ là “người bướm” vì lối sống du mục của họ. Năm 1998, hai người đàn ông Piripkura rời rừng để nhập viện vì bệnh tật. Trong thời gian nằm viện, họ đã mô tả lại cuộc tàn sát bộ tộc của mình bởi những kẻ xâm lược thù địch. Một phụ nữ Piripkura còn sống hiện đang sống trong khu bảo tồn của người dân Karipuna.
3.8. Sông sôi
Rừng nhiệt đới Amazon có một dòng sông sôi ít được biết đến. Nó được cho là có thể giết chết bất cứ thứ gì rơi vào đó. Người dân địa phương thì coi dòng sông là địa điểm linh thiêng và sử dụng nước của nó để làm thuốc.
Theo Atlas Obscura, nước có nhiệt độ từ 49 đến gần 93 độ C. Nếu ai đó rơi vào, họ sẽ bị bỏng độ 3 trong vòng vài giây.
Nhà địa chất học Andres Ruzo quyết định nghiên cứu sâu hơn về dòng sông sôi sau khi nghe những câu chuyện về nó. Ông ghi nhận nhiệt độ trung bình của nó là 86 độ C. Vì vậy có thể kết luận nó không sôi, nhưng chắc chắn đủ nóng để giết những con vật nhỏ không may mắn rơi vào.
Tuy nhiên, nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải vì sao con sông lại có thể sôi trong khi quanh đó không hề có núi lửa.
Sông sôi không rõ nguyên nhân. Ảnh: Forbes
3.9. Thành phố thần thoại El Dorado
Các nhà thám hiểm châu Âu tin vào thành phố El Dorado đã tồn tại cách đây hàng trăm năm. Họ nghĩ rằng có một nền văn minh phong phú ẩn giấu trong rừng nhiệt đới Nam Mỹ.
Vốn dĩ thành phố này xuất hiện trong thần thoại và được nhắc đến là nơi chứa đầy vàng. Người châu Âu đến đây vì những tin đồn về kho báu và thành phố thần thoại El Dorado. Nhiều thế kỷ sau, phần lớn vàng được khai thác từ đây đã bị nấu chảy, mang theo bí ẩn của Colombia vĩnh viễn bị xóa sổ.
4. Rừng Amazon có vai trò gì
Amazon là cánh rừng hoang sơ và có diện tích hàng đầu thế giới. Đồng thời, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của rừng Amazon. Rốt cuộc ý nghĩa của rừng Amazon là gì? Dưới đây là 5 ý nghĩa chính của khu rừng này.
4.1. Môi trường sống của quần thể sinh vật phong phú
Hơn 40.000 loài thực vật đã được tìm thấy trong rừng mưa nhiệt đới Amazon. Nhiều trong số chúng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của nhân loại. Điển hình là sô cô la, vani, quế, tiêu và cà phê được trồng trong rừng nhiệt đới.
Thực vật của Amazon đóng một vai trò tích cực trong việc điều hòa hệ sinh thái. Khi cây cối ở Amazon quang hợp, chúng tạo ra “thời tiết” của riêng mình. Thông qua quá trình thoát hơi, thực vật giải phóng hơi nước từ các lỗ rỗng dọc theo mặt dưới của lá. Dòng hơi ẩm này duy trì sự sống bằng cách tạo ra những dải mây dày giữ nước trong rừng và chảy ra sông cung cấp cho các cộng đồng ở hạ lưu.
Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến thời tiết ở Amazon. Khi mưa rơi xuống khu rừng, không khí ấm áp bốc lên cao vào bầu khí quyển, kéo theo nhiều hơi ẩm hơn từ đại dương cách xa hàng nghìn dặm.
Rừng Amazon là nơi trú ngụ của nhiều loài khác nhau. Ảnh: CGTN
4.2. Nơi sinh của người bản địa
Nhiều người dân bản địa đã sống hòa hợp với rừng nhiệt đới trong hàng nghìn năm, phụ thuộc vào nó để kiếm thức ăn, nơi ở và thuốc men. Khi các công ty khai thác dầu mỏ đến chặt phá những khu rừng rộng lớn, họ đã mang theo những căn bệnh mà người bản địa không có, đe dọa sức đề kháng và tính mạng của các cư dân bản địa.
4.3. Điều hòa khí hậu
Rừng nhiệt đới lưu trữ nước giống như một miếng bọt biển khổng lồ. Trên thực tế, người ta tin rằng chỉ riêng các rừng Amazon đã lưu trữ hơn một nửa lượng nước mưa trên Trái đất! Cây rừng nhiệt đới hút nước từ tầng rừng và giải phóng trở lại bầu khí quyển dưới dạng sương mù và mây xoáy. Nếu không có các khu rừng nhiệt đới liên tục tái chế lượng nước khổng lồ, cung cấp cho các sông, hồ và hệ thống tưới tiêu, hạn hán sẽ trở nên phổ biến hơn, có khả năng dẫn đến nạn đói và dịch bệnh trên diện rộng.
4.4. Chống xói mòn đất
Điều đáng ngạc nhiên là đất trong rừng nhiệt đới rất nghèo chất dinh dưỡng. Điều này là do các chất dinh dưỡng được lưu trữ trong vô số cây cối và thực vật chứ không phải trong đất. Rễ cây liên kết đất với nhau, trong khi tán cây bảo vệ đất khỏi những trận mưa lớn.
Khi một cái cây chết và thân cây của nó rơi xuống nền rừng, nó sẽ phân hủy và các chất dinh dưỡng chứa nó sẽ được tái chế.
Tuy nhiên, nếu cây cối bị chuyển khỏi rừng, các chất dinh dưỡng sẽ bị lấy đi cùng với nó. Đất không được bảo vệ sau đó chỉ đơn giản là bị rửa trôi trong những trận mưa lớn, gây tắc nghẽn và lũ lụt ở các sông ở vùng thấp, đồng thời làm khô sông ở vùng cao.
4.5. “Hiệu thuốc’’ của thế giới
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng hơn 25% các loại thuốc hiện đại của chúng ta có nguồn gốc từ thực vật rừng nhiệt đới. Mặc dù vậy, chúng ta mới chỉ học được cách sử dụng 1% trong số những loài thực vật tuyệt vời này.
5. Rừng Amazon hiện nay
Cách đây 5 thập kỷ, Brazil đã khuyến khích hàng triệu người của mình đến định cư ở Amazon. Ngày nay, các bãi khai thác gỗ, chuồng gia súc và trang trại đậu nành của con người đang dần khiến diện tích rừng thu hẹp lại.
Rừng Amazon đang bị hủy hoại. Ảnh: CNBC
Khi hoạt động của con người ở Amazon gia tăng, tương lai của nó càng nguy hiểm hơn. Các nhà khoa học cảnh báo rằng hoạt động trong nhiều thập kỷ của con người kết hợp với biến đổi khí hậu đã đưa khu rừng đến gần “điểm giới hạn”. Sự cân bằng đó bị gây ra bởi nạn phá rừng, cháy rừng và sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Các chuyên gia cảnh báo rằng vòng tuần hoàn nước sẽ sớm bị phá vỡ không thể phục hồi, dẫn đến xu hướng giảm lượng mưa và mùa khô kéo dài hơn đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước. Ít nhất một nửa diện tích rừng bị thu hẹp sẽ nhường chỗ cho xavan. Với khoảng 17% diện tích rừng đã bị mất, các nhà khoa học tin rằng mức độ tàn phá rừng sẽ đạt từ 20% đến 25% ngay cả khi biến đổi khí hậu được khắc phục.
Theo dự đoán, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 4 độ C, phần lớn miền trung, đông và nam Amazon chắc chắn sẽ trở thành vùng đất cằn cỗi.
Những đám cháy hoành hành khắp Amazon vào tháng 8 năm 2021 đã giúp làm sáng tỏ điều mà cả thế giới lo ngại. Nếu mọi thứ tiếp tục như hiện tại, Amazon có thể sẽ không tồn tại trong một vài thế hệ nữa, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho tất cả sự sống trên trái đất.
Số liệu thu được vào năm 2019 cho thấy tại đây đã ghi nhận hơn 46.000 vụ cháy, tăng 111% so với năm trước đó.
Có thể nói, rừng Amazon là “lá phổi” của Trái đất, góp một phần giúp cho hành tinh của chúng ta được cân bằng. Tại đây vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa thể khám phá. Để bảo tồn và gìn giữ sự an toàn và khu vực rừng tự nhiên ở nơi đây cho thế hệ tương lai, chúng ta cần thay đổi ý thức và hành động ngay hôm nay.
Tổng hợp
https://soha.vn/rung-amazon-la-gi-o-dau-va-nhung-bi-an-chua-loi-giai-20220128113111137.htm