Trên thị trường dược phẩm hiện nay, thuốc tẩy giun là sản phẩm được bán rất dễ dàng và cách dùng rất thông dụng vì đây là thuốc bán không cần kê đơn của bác sĩ. Các thuốc thường dùng là Mebendazol, Albendazol, Pyrantel Pamoat. Tuy nhiên, thời gian gần đây cơ quan chức năng đã phát hiện thuốc tẩy giun Fugacar giả.
Những ca tai biến do uống thuốc tẩy giun giả
Cách đây chục ngày, bệnh nhân Nguyễn Văn Ngọc (12 tuổi, ngụ xã Tân Kim, Cần Giuộc, Long An) nhập viện tại bệnh viện tỉnh với biểu hiện đau bụng kéo dài, nôn thốc tháo, hoa mắt chóng mặt, toàn thân ngứa ngáy, nổi mẩn sau khi uống thuốc tẩy giun mua ở nhà thuốc gần nhà.
Sau khi xem xét vỏ hộp thuốc, các bác sĩ đối chiếu với bảng hướng dẫn của Cục Quản lý dược thì phát hiện đây là thuốc tẩy giun Fugacar giả nên gây đau bụng, ngộ độc toàn thân và dị ứng.
Sau đó ít ngày, bé Lâm Kim Quyên, bảy tuổi, ngụ xã Long Trì, huyện Châu Thành cùng tỉnh cũng phải nhập viện cấp cứu vì bị nổi mề đay toàn thân sau khi em uống “thuốc xổ lãi”.
Đây là những trường hợp phát hiện kịp thời và là những ca đầu tiên được phát hiện do sử dụng thuốc giả trong địa bàn tỉnh. Hiện nay hầu hết người dân đều tự tiện ra hiệu thuốc mua thuốc tẩy giun về uống mà không quan tâm đến khuyến cáo của ngành chức năng về thuốc giả bởi thực tế chưa thấy có người chết vì thuốc tẩy giun giả.
Người sử dụng cần thật sự thông minh và cẩn thận khi mua thuốc tẩy giun để bảo vệ sức khỏe cho bản thân cùng gia đình.
Thuốc tẩy giun giả có gì mà độc hại?
Thuốc tẩy giun Fugacar thật có thành phần là Mebendazole với hàm lượng 500 mg được bào chế dưới dạng viên nén nhai được. Loại thuốc này được dùng trong trường hợp nhiễm các loại giun: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim.
Còn trong thực tế, tuy thành phần của viên Fugacar giả chưa được ngành chức năng công bố nhưng trong các loại thuốc giả phát hiện thời gian qua chứa những chất cực kỳ nguy hiểm như thủy ngân, nhôm, chì, asen, crom, selen, thậm chí một số loại thuốc giả còn có độc dược như thuốc diệt chuột, acid boric, chất chống đông. Ngoài ra còn có một số loại thuốc giả hoàn toàn không có dược chất mà chỉ có lactose, tinh bột, muối.
Đây là một cảnh báo nguy hiểm cho người sử dụng vì hầu hết mọi người đều phải thường xuyên tẩy giun định kỳ mỗi sáu tháng một lần nên tần suất và mức độ sử dụng thuốc tẩy giun rất cao.
Trên thực tế, khi uống phải thuốc tẩy giun giả có thể gặp phải tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc, có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc 15-30 phút hoặc một vài ngày. Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ như buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Cách tránh mua phải thuốc tẩy giun giả
Trước hết, chỉ mua thuốc tại nhà thuốc uy tín, nếu là nhà thuốc đạt tiêu chuẩn “thực hành tốt nhà thuốc” thì càng tốt. Tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi, mua bán kiểu trao tay.
Khi mua thuốc cần quan sát kỹ, nếu là loại thuốc đã quen dùng, cần xem kỹ bao bì, chữ in có sắc nét không, trong các chữ được in có bị thiếu không, ví dụ Fugacar giả thì ghi “nhiệt độ bảo quản 15-30C” (thiếu ký hiệu nhiệt độ °), mùi vị thuốc khi uống. Nếu có sự nghi ngờ như bao bì đóng gói kém chất lượng, nhãn mác kém thẩm mỹ hơn so với trước đây, viên thuốc có sự khác biệt với thuốc quen dùng, mùi vị thuốc uống không như trước thì có nguy cơ rất lớn là thuốc giả.
Cuối cùng, sau khi sử dụng thuốc, nhất thiết phải lưu giữ lại vỏ hộp thuốc ít nhất 72 giờ và mang theo để trình báo bác sĩ khi nhập viện nếu có vấn đề xảy ra sau đó nghi ngờ do uống phải Fugacar giả.
Phân biệt thuốc Fugacar thật và giả
Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã ra văn bản gửi các sở Y tế, khuyến cáo cách phân biệt thuốc tẩy giun Fugacar thật, giả.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đã ban hành Công văn 12099/QLD-Ttra đề nghị các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc mang tên Fugacar, SĐK: VN-16500-13, số lô 514015 và 1614007, trên nhãn hộp ghi mạo danh cơ sở nhượng quyền sản xuất là Công ty Janssen Pharmaceutica N.V., Beerse, Bỉ.
Cụ thể, mã số in trên bao bì hộp thuốc thật và thuốc giả sẽ khác nhau; số lô sản xuất, hạn dùng thuốc thật được in nổi, thuốc giả in thường. Cách viết hạn sử dụng trên vỉ thuốc thật cách nhau bằng dấu chấm, thuốc giả là dấu gạch chéo. Bề mặt thuốc thật có khắc dấu hiệu hãng, thuốc giả thì không.
Ngoài ra, Cục Quản lý dược còn tổ chức tiếp nhận thông tin báo cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.