Bác Hồ với kiều bào

Trang chủBác Hồ với Nhân dân

Bác Hồ với kiều bào 

Sinh thời Bác Hồ luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt. Đặc biệt vì, kiều bào – những người con thân yêu của dân tộc đang phải sống xa quê hương, đất nước đều là con Hồng cháu Lạc, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Đặc biệt vì, dù xa cách bao lâu, dù ở đâu, làm gì, dù khó khăn, gian khổ đến đâu… kiều bào ta vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc, mong được trở về, góp phần tham gia xây dựng đất nước.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đón kiều bào ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên tại cảng Hải Phòng, ngày 10/1/1960. (Ảnh tư liệu)

Chính vì đặc biệt nên sự quan tâm của Bác Hồ đã đặt cơ sở cho việc hình thành những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào trong cả thế kỷ qua. Sự quan tâm của Bác Hồ với kiều bào không chỉ thể hiện ở những định hướng lớn của Người về việc tổ chức, xây dựng phong trào yêu nước của kiều bào những ngày đầu cách mạng mà còn trong những công việc cụ thể, thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

Gắn bó từ buổi đầu

Ngay từ những năm đầu trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã thường xuyên liên lạc với những người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài để tìm hiểu và nắm tình hình chung.

Trong những năm 1918-1923, khi đang sống và hoạt động tại Pháp, Người đã tham gia tích cực trong phong trào của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Năm 1919, cùng với việc gửi bản Yêu sách tám điểm đến Hội nghị Versailles đòi quyền dân tộc tự quyết cho nhân dân Việt Nam, Người còn biên soạn theo thể văn vần và bỏ tiền ra in để tuyên truyền rộng rãi trong kiều bào tại Pháp và gửi về nước.

Những năm sau đó, Người thường xuyên viết thư trao đổi tình hình với nhiều người Việt Nam tại Pháp và đề nghị họ giúp đỡ việc cung cấp tài liệu để tập hợp viết sách báo tuyên truyền, vận động kiều bào.

Thời kỳ này, phần đông kiều bào ta ở Pháp là những binh lính bị huy động sang Pháp trong những năm chiến tranh đang chờ ngày hồi hương. Họ không biết tiếng Pháp và không ít người còn chưa đọc thông thạo tiếng Việt. Để giáo dục tinh thần yêu nước cho đồng bào mình trên đất Pháp và để tuyên truyền cổ động về trong nước, Người vận động Hội những người Việt Nam yêu nước ra báo Việt Nam và viết một bài bằng văn vần, in thành truyền đơn, cổ động cho việc ra báo và kêu gọi mọi người tham gia mua báo.

Thông qua những hoạt động sôi nổi và tích cực, Nguyễn Ái Quốc đã giác ngộ, cuốn hút kiều bào tham gia hoạt động trong phong trào của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, từng bước đưa Hội những người Việt Nam yêu nước trở thành một đoàn thể của Hội Liên hiệp thuộc địa.

Từ đó, thông qua phong trào của kiều bào, những sách báo mang tư tưởng giáo dục tinh thần yêu nước và cách mạng, trong đó có Việt Nam yêu cầu ca do Nguyễn Ái Quốc biên soạn và in ấn, báo Người cùng khổ (Le Paria) do Người tham gia sáng lập và làm chủ bút… được truyền về Việt Nam, từng bước góp phần định hướng con đường cứu nước cho nhân dân ta.

Khi về hoạt động tại Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925-1927 và ở Thái Lan những năm 1928-1929, Nguyễn Ái Quốc đã liên lạc với những kiều bào yêu nước đang sống và hoạt động tại đây, từng bước “thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ” thành đội ngũ cán bộ đầu tiên cho phong trào cách mạng Việt Nam.

Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho kiều bào báo tin nước nhà độc lập, cám ơn kiều bào đã gửi thư, điện chúc mừng, quyên góp xây dựng đất nước và kêu gọi hãy phát huy truyền thống con Hồng cháu Lạc yêu nước, thương nòi, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau ổn định cuộc sống và làm cho thế giới văn minh nghe thấy tiếng nói của Tổ quốc…

Tình nghĩa một nhà

Đầu năm 1946, trong thư chúc Tết kiều bào, Người đã đánh giá cao tấm lòng yêu mến cố hương Tổ quốc, đồng thời khẳng định: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”.

Đặc biệt, trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên kiều bào. Cùng với những cuộc gặp gỡ, trao đổi, thỏa thuận với đại diện Chính phủ Pháp về việc binh sĩ Việt Nam ở Pháp muốn trở về Tổ quốc, đã có gần 30 cuộc gặp gỡ, trao đổi công việc giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu các giới kiều bào trong chuyến thăm lịch sử này.

Người đã tiếp và nói chuyện với đại biểu các đoàn thể kiều bào: thuỷ thủ, công nhân, trí thức, phụ nữ, thiếu nhi; đi thăm kiều bào ở một số nơi trên nước Pháp và đặt vòng hoa trước mộ binh sĩ Đông Dương chết trong Thế chiến I…

Trong các cuộc gặp gỡ ấy, Người cảm ơn kiều bào đã ủng hộ Chính phủ, đã quyên tiền và thuốc men gửi về giúp Tổ quốc, đánh giá cao việc kiều bào đã biết xử sự như người con của một dân tộc đã có một nền văn hóa lâu đời, tranh thủ được sự quý mến và cảm tình của nhân dân Pháp đối với nước Việt Nam ta…

Người căn dặn kiều bào phải triệt để đoàn kết, tranh thủ sự cảm tình và sự giúp đỡ của nhân dân Pháp; phải ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc; thực hành đời sống mới Cần, Kiệm, Liêm, Chính và ra sức học hỏi, mỗi người cần thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho công cuộc xây dựng đất nước…


Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt kiều tại Pháp, năm 1946. (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao)

Kết thúc chuyến thăm nước Pháp, trước khi tàu chuyển bánh, Người còn ngó đầu qua cửa sổ vẫy chào như muốn nói với kiều bào: “Tôi đi nhưng ý nghĩ của tôi bao giờ cũng vẫn gần gũi đồng bào”. Cùng về với Người trong chuyến đi này có một số kiều bào toại nguyện ước mong được trở về Tổ quốc để trực tiếp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhiều người sau đó đã trở thành những nhà khoa học đầu ngành, gánh vác những trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước, góp một phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc như Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước.

Trong những năm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn “nhớ đến kiều bào ở hải ngoại, đã ra sức hy sinh phấn đấu, dù cực khổ bao nhiêu cũng một lòng trung thành với Tổ quốc”. Người thường xuyên gửi thư, điện thăm hỏi và động viên kiều bào ở nước ngoài phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau, thi đua học hỏi và giúp nhau tiến bộ, luôn một lòng ủng hộ Tổ quốc, đồng thời mở rộng tình thân thiện giữa nhân dân ta và nhân dân thế giới…

Người nhắc nhở các cán bộ làm công tác ngoại giao ở nước ngoài: từ lời nói đến việc làm, bất kỳ việc to hay nhỏ đều phải “đem tình thân ái của Tổ quốc cho kiều bào và để giúp đỡ họ, để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam”.

Một trong những mong muốn của kiều bào là được trở về quê hương, tham gia xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng và Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi để đón tiếp kiều bào về nước.

Ngày 10/1/1960, Người xuống cảng Hải Phòng trực tiếp đón kiều bào từ Thái Lan về nước chuyến đầu tiên. Trong buổi gặp mặt đầy cảm động này, Người tin tưởng họ nay trở về xứ sở sẽ cùng đồng bào cả nước “đồng cam cộng khổ, vượt mọi khó khăn, hăng hái thi đua, thực hành tiết kiệm, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, vui tươi…”.
Người nhắc nhở các cán bộ làm công tác ngoại giao ở nước ngoài: từ lời nói đến việc làm, bất kỳ việc to hay nhỏ đều phải “đem tình thân ái của Tổ quốc cho kiều bào và để giúp đỡ họ, để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam”.

Để giúp đỡ kiều bào về nước xây đời sống mới, Người chú trọng đến những vấn đề cụ thể, như việc bố trí nơi ăn, chốn ở, việc sử dụng hợp lý khả năng chuyên môn… và trường học cho con em.

Người thường xuyên nhắc nhở các ngành, các cấp chính quyền: “Kiều bào về đến địa phương nào, thì cán bộ và nhân dân ta ở đó cần phải hết lòng giúp đỡ kiều bào, đúng như Đảng và Chính phủ đã chỉ thị”.

Những năm sau đó, Người dành nhiều thời gian đến thăm các gia đình kiều bào mới về nước, động viên họ cố gắng vượt qua những khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống mới. Sự gần gũi, thân mật, chu đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm xúc động lòng người, làm cho kiều bào càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước.

Bộ phận không thể tách rời

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, kế thừa và phát triển tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng,

Đảng và Nhà nước ta luôn coi kiều bào là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước; đồng thời, mong muốn, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài nêu cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng đất nước…

Những chủ trương và việc làm cụ thể của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành đã và đang cổ vũ kiều bào phát huy truyền thống yêu nước, thương nòi, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, cùng góp phần vào việc xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Sắp tới dịp kỷ niệm 53 năm ngày Bác Hồ gửi lá thư cuối cùng cho kiều bào (27/1/1969 – 27/7/2022), ôn lại những lời căn dặn của Bác để thấy được rõ hơn sự quan tâm sâu sắc của Người đối với kiều bào và mong được góp phần vào việc cổ vũ toàn dân ta, đặc biệt là kiều bào, tin tưởng vào con đường phát triển đất nước mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, đoàn kết phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới như Bác Hồ hằng mong muốn.

Theo https://baoquocte.vn/

[Trở về]

Các tin đã đăng:

  • Đậm sâu tình cảm, tư tưởng của Bác Hồ với Hà Nội 
  • Bác Hồ và sự nghiệp xây dựng đội ngũ doanh nhân 
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh với phụ nữ Việt Nam 
  • Tình cảm của Bác Hồ với các cháu thiếu nhi mỗi dịp Tết Trung thu 
  • Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình 

Rate this post

Viết một bình luận