Cà tím xào là món ăn ngon có cách làm vô cùng đơn giản, lại linh hoạt với khả năng kết hợp được nhiều loại nguyên liệu, gia vị khác nhau, nên được rất nhiều người yêu thích bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày của gia đình. Kết cấu mềm, dai của cà tím đặc biệt phù hợp với công thức nước sốt đa dạng. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn 10 cách chế biến cà tím ít dầu, ít béo, thơm ngon, cùng mẹo sơ chế cà khử vị đắng, chát, không bị thâm đen. Bạn đừng bỏ lỡ những mẹo vặt nấu ăn hữu ích này, để chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn mỗi ngày cho cả gia đình mình nhé.
1. Cách làm cà tím sốt gừng tỏi sốt nước tương ăn với cơm chay
1.1. Nguyên liệu
Công thức cà tím xào với sốt gừng tỏi này thích hợp với cả người ăn mặn, ăn chay. Hơn nữa, thành phần nguyên liệu lại rất đơn giản, dễ tìm mua, các bước chế biến không hề phức tạp. Bí quyết nấu món này ngon đúng chuẩn là khâu sơ chế cà tím và nấu với nước sốt. Trước khi đến với phần hướng dẫn chi tiết, bạn hãy cùng webnauan.vn ra chợ và chuẩn bị sẵn các nguyên liệu sau nhé:
- 300 gram cà tím nhỏ
- 1 thìa cà phê muối ăn
- 1 muỗng canh bột bắp
- Nguyên liệu làm sốt nước tương: 1 muỗng canh nước tương đậu nành, 1 muỗng canh nước lọc, nửa thìa cà phê xì dầu, 2 thìa cà phê đường trắng, 1 thìa cà phê bột ngô.
- Gia vị nêm món xào: 2,5 muỗng canh dầu đậu phộng, 1 thìa cà phê gừng băm, 3 tép tỏi băm.
Mẹo chọn cà tím tươi ngon: Chọn trái cà tím kết cấu chắc chắn, da bóng, không có vết thâm để có độ tươi ngon nhất nhé. Ngoài ra, nên lựa những trái có trọng lượng vừa phải.
Nên chọn trái cà tím dài, da căng bóng, kích cỡ vừa để ít độ đắng, chát và còn tươi. Ảnh: Internet
1.2. Cách xào cà tím với gừng, tỏi sốt nước tương cho người ăn chay
1.2.1. Cách sơ chế cà tím không bị thâm đen
Cà tím thường có vị chát. Thế nên, bạn cần biết cách sơ chế loại quả này để khử vị chát đó, giữ được độ chắc, ăn ngon và không nát khi nấu. Theo đó, bạn có thể sơ chế cà tím theo 2 mẹo như sau:
- Cách sơ chế cà tím thứ nhất: Bạn cùng cho cà tím với nước sạch vào thau. Sau đó, đổ 1 thìa cà phê muối vào, hòa tan với nước ngâm. Lấy nắp đậy thau nước ngâm lại, để yên 15 phút. Sau thời gian này, bạn vớt cà ra, vẩy nhẹ cho nhanh ráo nước.
Các bước sơ chế trái cà tím với nước muối theo cách thứ nhất.
- Cách sơ chế cà tím thứ hai: Xếp cà tím đều lên một tấm khăn giấy khô và sạch. Sau đó, lấy muối biển Kosher rắc đều lên các mặt cà. Để yên như vậy ít nhất 45 phút (tối đa 1 tiếng). Sau thời gian này, lấy khăn giấy khô khác lau sạch cà và cắt miếng vừa ăn chứ không cần rửa nước. Phương pháp sơ chế này giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn.
1.2.2. Cách xào cà tím với nước tương sốt gừng tỏi
- Kết hợp các nguyên liệu làm nước tương sốt trộn với bột bắp trong một cái chén nhỏ.
Trộn chén nước tương sốt bột bắp trước khi chế biến. Ảnh: Internet
- Cho cà tím đã thái miếng nhỏ vừa ăn vào một cái tô, rắc đều bột ngô lên, dùng tay trực tiếp trộn đều. Thực hiện liên tục đến khi cà tím được phủ đều bởi một lớp bột mỏng là được.
Công đoạn trộn cà tím với bột bắp.
- Bắc chảo, thêm 2 muỗng dầu đậu phộng vào chảo và bật bếp lửa lớn. Dầu nóng, hạ lửa xuống mức vừa.
- Rải cà tím lên chảo và đảo nhẹ sao cho cà không xếp chồng lên nhau. Trong lúc nấu, nhớ lật mặt cà để chín đều 2 bên (mất khoảng 8 – 10 phút). Sau đó, vớt cà riêng ra dĩa, để qua một bên.
- Tráng nửa muỗng dầu đậu phộng còn lại vào chảo trên, thêm gừng, tỏi băm vào xào, đến khi mùi thơm đặc trưng bốc lên thì đổ cà tím trở lại chảo.
Các bước xào cà tím với nước tương sốt gừng, tỏi.
- Bạn rưới phần nước tương sốt vào chảo cà tím, nhẹ nhàng trộn đều lên.
- Xào cà đến khi phần nước sốt gừng tỏi sệt lại, có vị vừa ăn thì tắt bếp. Dọn món xào lên dĩa và trang trí tùy theo sở thích.
Cà tím sốt tương gừng tỏi ăn với cơm trắng là ngon nhất.
2. Cách làm cà tím xào hành tỏi với rau thơm
2.1. Nguyên liệu
- 5 trái cà tím vừa (đã sơ chế, cắt khúc nhỏ)
- 3 muỗng canh dầu đậu phộng
- 1 muỗng canh dầu mè đen
- Ít muối Kosher và tiêu đen mới xay
- 2 nhánh hành lá thái lát xéo, để riêng phần gốc trắng và lá xanh
- 1 miếng gừng tươi nhỏ, khoảng 4 cm, gọt vỏ và băm nhỏ
- 3 tép tỏi băm nhỏ
- 1 trái ớt tươi thái lát
- Nửa chén nước dùng gà
- 3 muỗng canh nước tương đậu nành
- 1 muỗng canh giấm gạo
- 1 thìa cà phê đường nâu (hoặc đường trắng)
- 1 muỗng canh bột bắp
- 1 muỗng canh hạt mè nướng, hoặc rang chín
- Vài nhánh húng quế, rau mùi tươi đã nhặt lá, rửa sạch và để ráo (trang trí món ăn)
2.2. Cách chế biến cà tím sốt hành tỏi và rau thơm
- Trong một cái chén nhỏ, trộn nước tương, giấm gạo, đường, bột bắp cho đến khi nguyên liệu hòa tan hoàn toàn. Để nước sốt qua một bên, đợi ngấm vị.
Pha sẵn chén nước sốt giấm tương để ngấm vị. Ảnh: Internet
- Bắc chảo, thêm 2/3 dầu đậu phộng vào và đun nóng với lửa lớn. Nhớ nghiêng chảo để dầu tráng đều trên bề mặt nhé.
- Dầu nóng, bạn cho cà tím đã sơ chế vào xào đều. Khi này, hạ lửa xuống mức trung bình, trở mặt cà để nấu chín vàng nâu 2 mặt. Khoảng 8 – 10 phút sau, bạn vớt cà tím ra một cái dĩa, để riêng.
- Đổ phần dầu đậu phộng còn lại, với dầu mè đen, vào chảo, đun nóng.
- Sau đó, thêm hành lá, gừng, tỏi, ớt vào chảo, xào khoảng 1 phút. Khi hỗn hợp dậy mùi thơm, bạn đổ nước dùng vào nấu cùng.
- Đổ hỗn hợp nước sốt giấm tương vào chảo, nấu cùng với hành gừng tỏi.
- Nấu đến khi nước sốt đặc lại, bạn đổ cà vào chảo, đảo đều.
Món cà tím sốt nước tương giấm hành tỏi thơm phức vừa nấu. Ảnh: Internet
- Xào đến khi cà phủ đều lớp nước sốt bên ngoài thì tắt bếp.
- Dọn món cà tím lên dĩa, trang trí rau thơm, mè rang, muối tiêu và thưởng thức với cơm nóng.
3. Cách nấu cà tím xào thịt heo bằm sốt cay kiểu Tứ Xuyên
3.1. Nguyên liệu
Công thức gốc chuẩn vị Tứ Xuyên (Nguồn: The Spruce Eats ) này thích hợp với cà tím Trung Quốc. Loại cà này có lớp vỏ mỏng, độ dài nhỉnh hơn so với cà tím thông thường. Các thành phần nguyên liệu cần dùng như sau:
- 2 trái cà tím Trung Quốc (có thể thay bằng cà tím thường)
- Nguyên liệu nước sốt: 4,5 thìa cà phê nước tương đậu nành; 4,5 thìa cà phê xì dầu; 1 muỗng canh giấm gạo đỏ Trung Quốc (hoặc thay bằng giấm rượu vang đỏ); 1 thìa cà phê rượu gạo Thiệu Hưng; 1/2 thìa cà phê đường trắng và 1/3 chén nước dùng gà. Khuấy sẵn các nguyên liệu này trong chén nhỏ, để qua một bên.
- Nguyên liệu làm thịt heo chiên: 1/4 chén thịt nạc heo bằm, ít tiêu đen xay, 1/4 thìa cà phê bột bắp, 1 muỗng canh dầu thực vật, 2 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê gừng băm, 1 nhánh hành lá (thái nhỏ cả phần gốc và lá), 1 muỗng canh tương ớt tỏi , 1 muỗng canh nước lọc.
- Nguyên liệu thêm: 1/4 thìa cà phê bột bắp và nửa chén nước lọc.
Trộn sẵn chén nước sốt tương đậu nành với giấm gạo đỏ Trung Quốc trong chén sạch. Ảnh: Internet
3.2. Cách làm cà tím nấu với thịt heo bằm chiên sốt tỏi cay kiểu Tứ Xuyên
3.2.1. Cách cắt cà tím Trung Quốc
- Nấu một nồi nước sôi trên bếp. Trong lúc đó, bạn chuẩn bị cà tím.
- Cắt bỏ 2 đầu trái cà, rồi thái dọc trái thành 4 miếng dài. Với mỗi miếng dài đó, bạn tiếp tục thái xéo cà thành các khúc nhỏ vừa ăn như hình.
- Đợi nước nấu sôi, bạn cho cà tím vào luộc sơ trong 1 phút.
Các bước cắt cà tím thành miếng xéo nhỏ và luộc sơ.
- Sau đó, vớt cà ra, để lên các miếng khăn giấy khô, sạch để ráo nước.
Vớt cà tím luộc ra, xếp lên miếng khăn giấy khô để ráo nước. Ảnh: Internet
3.2.2. Ướp thịt heo bằm và chiên chín
- Cho thịt lợn xay vào tô sạch, thêm bột bắp và tiêu xay vào, trộn đều. Bột bắp sẽ giúp thịt bằm không bị dính, còn tiêu sẽ giúp tăng hương vị của món thịt sau khi chế biến.
- Bắc chảo lên bếp, đổ 1 muỗng dầu thực vật vào chảo và nấu lửa lớn cho nóng. Khi dầu nóng lên, bạn thêm tỏi, gừng và hành lá vào đảo đều cho đến khi dậy mùi thơm.
Các bước ướp thịt heo xay và chiên viws sốt tỏi tương ớt, hành lá.
- Cho thịt lợn xay vào chảo, rưới tương ớt tỏi và nước lọc vào chảo nấu cùng. Chiên đến khi thịt lợn chuyển sang màu gần với nước sốt là được.
3.2.3. Xào cà tím với thịt lợn xay kiểu Trung Quốc
- Đổ phần cà tím đã luộc vào chảo thịt bằm chiên, trộn đều các nguyên liệu với nhau.
- Vặn lửa xuống mức trung bình thấp, đậy nắp chảo lại, nấu thêm 10 phút nữa cho cà chín mềm.
- Khuấy đều bột bắp vào chén nước lọc, rồi đổ vào chảo cà, đảo đều. Nấu hỗn hợp đến khi nước sốt sệt lại, vừa miệng thì tắt bếp.
Bước nấu kết hợp cà tím với thịt heo xay sốt tỏi cay Tứ Xuyên.
- Dọn món ăn lên dĩa, trang trí tùy theo sở thích và thưởng thức ngay cho nóng.
4. Cách làm cà tím dài xào bơ tỏi cay nồng, thơm ngon
4.1. Nguyên liệu
Món cà tím om nước sốt bơ tỏi này có độ mềm mịn, dần tan trong miệng rất ngon. Hương vị món ăn là sự hài hòa giữa vị giấm chua, ngọt và mặn mà tự nhiên, không chứa gluten. Các thành phần nguyên liệu rất đơn giản gồm có:
- 700 gram cà tím Trung Quốc (trái dài) đã sơ chế
- 3 muỗng canh dầu bơ
- 250 gram thịt heo nạc xay
- Nửa thìa cà phê muối ăn
- 1/4 thìa cà phê tiêu đen xay
- 2 muỗng canh tỏi băm
- 1/2 thìa cà phê bột ớt đỏ (Xem cách làm ớt bột nghiền mịn)
- Nguyên liệu nước sốt: 3 muỗng canh nước tương dừa, 2 muỗng canh giấm rượu thơm, 2/3 chén nước dùng gà (hoặc nước luộc rau củ), 2 muỗng canh giấm gạo.
- Nguyên liệu thêm: 1 thìa cà phê bột bắp, 2 muỗng canh nước lọc, 2 nhánh hành lá xắt nhỏ, ít hạt mè nướng (hoặc rang).
4.2. Cách làm cà tím chiên sốt bơ tỏi cay
- Sơ chế cà tím, cắt thành các miếng dài nhỏ khoảng 6 – 7 cm.
- Trộn các nguyên liệu nước sốt giấm tương vào một cái chén sạch và để qua một bên.
Bước sơ chế và thái miếng cà tím, trộn sẵn chén nước sốt giấm tương. Ảnh: Internet
- Bắc chảo, đổ 3/2 muỗng canh dầu bơ vào tráng đều và bật bếp làm nóng. Cho thịt bằm vào chảo, xào sơ cho thịt chín sẵn lại. Khoảng 2 – 3 phút sau, thêm muối, tiêu xay vào trộn chung với thịt.
- Thêm tỏi, bột ớt vào chảo thịt, đảo nguyên liệu thêm 1 phút nữa thì cho cà tím vào. Đổ phần dầu bơ còn lại vào chảo, nêm thêm ít muối, xào 3 – 4 phút nữa thì rưới nước sốt giấm tương vào.
- Nhấn nhẹ cà tím cho ngập nước sốt giấm tương bơ tỏi, rồi đậy nắp chảo.
- Nấu hỗn hợp với lửa vừa thêm 3 – 4 phút nữa thì mở nắp chảo.
- Bạn hòa tan bột bắp với nước, đổ vào chảo cà, khuấy đều 2 phút.
Nấu cà chín mềm và nước sốt bơ tỏi sệt lại vừa ăn là được. Ảnh: Internet
- Khi cà tím mềm hơn, nước sốt sánh đặc lại vừa miệng thì tắt bếp.
- Dọn món cà lên dĩa, trang trí với hành lá, mè rang. Món ăn này dùng nóng là ngon nhất, có thể phục vụ kèm theo salad rau, cơm trắng.
Thưởng thức ngay món cà tím chiên bơ tỏi với thịt heo xay cho nóng nhé.
5. Cách chế biến món cà tím xào chao, đậu hũ ăn chay
5.1. Nguyên liệu
- 2 trái cà tím (đã sơ chế, thái miếng nhỏ)
- 2 miếng chao trắng
- Nửa thìa cà phê ớt băm
- 2 trái ớt tươi
- 1 miếng đậu hũ đã chiên vàng (Xem cách làm đậu phụ đơn giản tại nhà)
- Nửa thìa cà phê sả tươi băm nhỏ
- Nửa thìa cà phê tỏi băm
- 1 thìa cà phê muối ăn
- Nửa thìa cà phê bột ngọt
- 1 thìa cà phê bột nêm ăn chay
- 2 thìa cà phê dầu thực vật
5.2. Các bước nấu cà tím với chao và đậu phụ sốt sả tỏi
- Cắt miếng đậu hũ đã chiên thành các khối hình chữ nhật nhỏ vừa ăn.
- Cho dầu thực vật vào chảo, bắc lên bếp và nấu cho nóng lên. Sau đó, cho sả, tỏi và ớt đã băm nhỏ vào xào. Đến khi hỗn hợp dậy mùi thơm thì bạn đổ chao vào, khuấy cho tan đều.
- Đổ cà tím cùng với đậu phụ vào chảo, đảo đều với mức lửa vừa.
Các bước nấu cà tím với chao, đậu hũ.
- Sau đó, nêm các gia vị còn lại vào chảo, xào thêm 4 – 5 phút nữa cho nước sốt sệt lại, vừa khẩu vị và cà cũng chín mềm thì tắt bếp.
- Dọn món cà lên dĩa, thêm chén nước tương pha ớt xắt kế bên chấm kèm, thưởng thức cùng cơm nóng.
Cà tím chiên đậu hũ sốt chao sả tỏi đơn giản để ăn chay ngày Rằm. Ảnh: Internet
6. Cách làm món cà tím xào ớt chuông sốt tương miso kiểu Nhật
6.1. Nguyên liệu
- 400 gram cà tím đã sơ chế, thái miếng nhỏ
- 3 muỗng canh tương miso
- 150 gram ớt chuông xanh rửa sạch, cắt lát mỏng
- 1,5 muỗng canh rượu mirin
- 1,5 muỗng canh đường trắng
- 2 muỗng canh dầu thực vật
Miso là sốt gia vị được lên men từ đậu nành truyền thống của Nhật Bản. Ảnh: Internet
6.2. Hướng dẫn nấu cà tím sốt miso với ớt chuông kiểu Nhật
- Trộn tương miso, rượu mirin, đường trong một cái chén nhỏ, để qua một bên.
- Cho dầu thực vật vào một cái chảo vừa, bắc lên bếp đun nóng.
- Cho cà vào chảo, đảo đều khoảng 8 phút cho mềm đều 2 mặt.
- Thêm ớt chuông xanh vào nấu cùng cà tím cho đến khi nguyên liệu chín đều.
- Hạ lửa xuống mức liu riu, thêm hỗn hợp sốt tương miso vào chảo, trộn đều.
- Nấu thêm 1 – 2 phút cho nước sốt sệt lại thì tắt bếp. Dọn món ăn lên dĩa, thưởng thức ngay cho nóng.
Kết hợp món cà tím chiên sốt tương miso ăn với cơm trắng kiểu Nhật rất ngon. Ảnh: Internet
7. Cách làm món cà tím xào thịt gà thơm ngon
7.1. Nguyên liệu
- 2 trái cà tím vừa đã sơ chế, cắt miếng tùy sở thích
- 1 phần ức gà thái lát mỏng
- 3 muỗng canh dầu đậu phộng
- 1 muỗng canh dầu mè đen
- Ít muối kosher, tiêu đen xay
- 2 nhánh hành lá xắt nhỏ, 3 tép tỏi băm, 1 miếng gừng băm nhỏ, 1 trái ớt tươi thái lát
- 1 chén nước dùng gà
- Gia vị nước sốt: 6 muỗng canh nước tương đậu nành, 2 muỗng canh giấm gạo, 2 thìa cà phê đường trắng, 2 muỗng canh bột bắp. Trộn sẵn hỗn hợp này trong một cái chén sạch, để riêng.
- Trang trí: ít rau húng quế, mùi tươi thái nhỏ, mè rang.
Các bước sơ chế thịt gà và các nguyên liệu cho món xào.
7.2. Hướng dẫn các bước làm cà tím chiên với thịt gà
- Đun chảo lớn với 1/2 dầu đậu phộng cho nóng.
- Thêm cà tím vào chảo, đảo đều cho đến khi mềm (3 phút).
- Nêm muối, tiêu cho cà tím, đảo thêm vài cái nữa thì vớt ra dĩa riêng.
- Thêm phần dầu đậu phộng còn lại vào chảo, cho thịt gà vào chiên cho chín mềm thì vớt ra riêng.
- Cho dầu mè đen vào chảo trên, tiếp tục làm nóng. Thêm hành, gừng, tỏi và ớt vào chảo, xào khoảng 1 phút thì đổ nước dùng gà vào.
- Nấu cho nước dùng sôi nhẹ thì thêm nước sốt tương giấm vào, khuấy đều.
- 1 phút sau, đổ cà tím và thịt gà vào chảo, trộn đều. Nấu thêm 2 – 3 phút nữa cho nước sốt sệt lại, bám quanh cà và thịt gà thì tắt bếp.
Các bước chiên cà tím với thịt gà sốt gừng tỏi ớt cho món ăn đủ dinh dưỡng.
- Dọn món ăn lên dĩa, trang trí với húng quế, rau mùi, mè rang và thưởng thức ngay cho nóng nhé.
8. Cách làm cà tím xào thịt bò kiểu Hàn Quốc
8.1. Nguyên liệu
- 2 trái cà tím vừa (đã sơ chế, thái miếng dài khoảng 6 cm)
- 150 gram thịt thăn bò, thái dạng sợi như que diêm
- 4 nhánh hành lá xắt nhỏ
- 1 – 2 trái ớt đỏ cắt bỏ hạt, thái lát
- 1 tép tỏi băm
- 1 muỗng canh nước tương đậu nành
- 1 thìa cà phê đường trắng
- 1 muỗng canh rượu gạo
- 1,5 muỗng canh dầu mè
- 1 muỗng canh nước tương của Hàn Quốc (hoặc thay bằng 1 thìa cà phê nước mắm)
- Ít tiêu đen mới xay
- 1/2 thìa cà phê bột tôm
- 1 thìa cà phê vừng rang và ít rau thơm (tùy chọn) để trang trí
Các thành phần nguyên liệu làm món thịt bò nấu với cà tím kiểu Hàn. Ảnh: Internet
8.2. Các bước chế biến món thịt bò chiên cà tím chuẩn vị Hàn
- Rửa sạch thịt bò, lấy khăn giấy khô thấm nước. Sau đó, cho thịt bò cùng với nước tương đậu nành, đường, rượu gạo, 1/2 dầu mè vào tô sạch, trộn đều, ướp 15 phút.
Bước thái thịt bò và ướp gia vị.
- Cho cà tím vào nồi, hấp 5 – 7 phút cho chín mềm. Sau đó, cho cà tím vào tô khác, thêm hành lá và ớt lên trên, để qua một bên.
Bước hấp cà tím cho chín mềm. Ảnh: Internet
- Bắc chảo nóng, thêm thịt bò đã ướp gia vị vào chiên sơ cho chín nâu. Khoảng 1 phút, thịt bò vừa chín tới thị vớt ra, cho vào tô trộn cà tím với hành lá.
Sau khi xào thịt bò, đem trộn với cà tím, hành lá, ớt và nước sốt.
- Thêm phần dầu mè còn lại với nước tương Hàn Quốc, tiêu xay, vừng đen, bột tôm vào tô hỗn hợp, xóc đều. Thưởng thức món ăn ngay khi thịt bò còn nóng nhé. Bạn có thể dùng món cà xào này với canh kim chi Hàn Quốc , cơm trắng để tận hưởng hương vị ngon nhất đến từ “xứ củ sâm”.
Món cà tím nấu với thịt bò hấp dẫn, thơm ngon chuẩn vị Hàn.
9. Cách nấu cà tím xào cà chua sốt tương ớt giấm chua ngọt cay
9.1. Nguyên liệu
- 1 miếng đậu hũ trắng chiên vàng (cắt khối chữ nhật nhỏ)
- 1 muỗng canh nước tương đậu nành
- 2 1/3 muỗng canh nước lọc
- 1 thìa cà phê dầu mè đen
- 4 trái cà tím nhỏ (đã sơ chế, cắt miếng dài vừa ăn)
- 6 tép tỏi băm, 1 miếng gừng tươi băm nhỏ
- 3/4 chén nước rau củ luộc (hoặc thay bằng nước lọc)
- 1 muỗng canh sốt hoisin chay
- 3 muỗng canh nước tương dừa
- 3 muỗng canh giấm gạo (hoặc thay bằng giấm táo cũng được)
- Nửa muỗng canh đường trắng
- 1 thìa cà phê tương ớt cay (Xem cách làm tương ớt ngon nhiều vị tại nhà)
- 1 muỗng canh sốt cà chua
- 1 trái cà chua tươi xắt nhỏ
- Ít mè rang
Xắt nhỏ cà chua để chuẩn bị chế biến món ăn. Ảnh: Internet
9.2. Cách chế biến món cà tím nấu sốt chua ngọt với cà chua
- Hòa tan nước tương đậu nành với 2 muỗng canh nước lọc, nửa thìa cà phê dầu mè đen trong một cái tô sạch. Sau đó, cho các khối đậu phụ vào chén nước sốt, ướp 10 phút.
- Đun nóng chảo không, cho các miếng đậu hũ vào chảo. Rang đậu phụ cho đến khi chuyển màu vàng nâu cả 2 mặt thì vớt ra dĩa riêng.
Bước rang đậu hũ ướp sốt nước tương.
- Đổ phần dầu mè đen còn lại vào chảo trên, đun nóng thì cho cà tím với 1/3 muỗng canh nước lọc vào. Đậy nắp chảo, lâu lâu khuấy đều và trở mặt cà. Nấu cà tím khoảng 6 – 8 phút cho đến khi chuyển màu nâu thì thêm tỏi, gừng vào xào thêm 2 phút nữa.
- Trộn nước rau luộc, sốt hoisin, nước tương dừa, giấm, đường, tương ớt, sốt cà trong một cái chén nhỏ.
- Đổ phần nước sốt vừa trộn vào chảo cà tím, đảo đều. Hạ lửa nhỏ nhất, nấu cho đến khi cà tím chín hoàn toàn thì cho đậu phụ với cà chua vào. Nấu thêm 2 phút cho các nguyên liệu chín mềm hết thì tắt bếp, dọn lên dĩa, rắc mè rang và thưởng thức.
Món cà tím xào cà chua đậu hũ chua ngọt thân thiện với người ăn chay. Ảnh: Internet
10. Cách chiên cà tím với hành tây sốt mắm sa tế ngon lạ miệng
10.1. Nguyên liệu
- 4 trái cà tím đã sơ chế, thái miếng nhỏ
- 2 muỗng canh dầu thực vật
- 65 ml nước cốt dừa
- 1 muỗng canh sa tế (Xem cách làm ớt sa tế không bị nổi váng)
- Nửa nhánh hành lá tươi xắt khúc nhỏ
- 62 ml rượu trắng
- 1 củ hành tây thái lát (ngâm nước cho bớt mùi hăng)
- 1 thìa cà phê tỏi băm
- 125 ml nước dùng gà
- 30 ml nước mắm ngon
- 1 thìa cà phê đường trắng
Ngâm hành tây với nước khử mùi hăng trước khi nấu ăn. Ảnh: Internet
10.2. Cách làm cà tím chiên hành tây sốt nước mắm sa tế
- Đổ 1/2 dầu thực vật vào chảo và bắc lên bếp, bật lửa lớn đun nóng. Sau đó, cho nửa phần tỏi vào chảo xào đều.
- Thêm cà tím đã thái miếng vào chảo, đảo đều với tỏi. Đây là mẹo chế biến cà tím mà không ngấm nhiều dầu.
- Nấu cà khoảng 3 – 4 phút, trở mặt nấu thêm 2 phút thì vớt ra dĩa.
- Cho phần dầu cùng tỏi băm còn lại vào chảo trên phi thơm. Sau đó, cho hành tây vào, nấu đến khi chuyển màu trắng đục thì cho cà tím trở lại chảo.
- Thêm rượu vào nấu với cà, nhớ đừng đậy nắp chảo nhé.
Bước nấu cà tím với hành tây và nêm nước mắm, sa tế, nước cốt dừa.
- Tiếp đến, đổ nước dùng gà, nêm đường, nước mắm vào nấu với cà tím, hành tây. Nước sốt sôi nhẹ, bạn đổ nước cốt dừa vào để tạo độ sánh đặc.
- Đảo hỗn hợp đến khi cà chín mềm, sốt sền sệt thì bắt đầu thêm ớt sa tế vào. Món ăn chín đều, vừa vị thì tắt bếp.
- Rắc hành lá lên dĩa món xào và thưởng thức.
Món cà tím xào hành tây sốt sa tế cay nồng kích thích vị giác ngày hè.
11. Ăn cà tím có tốt cho sức khỏe không?
11.1. Tác dụng của những món ngon nấu từ cà tím
Cà tím là một loại thực phẩm giàu chất xơ, ít calo, giàu chất chống oxy hóa nhờ sở hữu lớp da mỏng màu tím bên ngoài. Trong cà tím có chứa một số chất có khả năng giúp chống lại các tế bào ung thư. Chẳng hạn: solasodine rhamnosyl glycosides (SRGs) là một loại hợp chất có thể giết chết tế bào ung thư, giúp ngăn ngừa một số loại ung thư tái phát.
Cà tím còn là nguồn thực phẩm có thể dễ dàng kết hợp vào thực đơn món ngon mỗi ngày của gia đình với nhiều cách chế biến linh hoạt. Với phương pháp chiên, nướng, xào, luộc,…đây sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo để thay thế cho các thành phần nguyên liệu chứa hàm lượng calo cao. Nhờ đó, giúp tăng cường chất xơ và nhiều thành phần dinh dưỡng có trong bữa ăn hàng ngày của gia đình bạn.
Cà tím là nguồn bổ sung chất xơ dồi dào, hỗ trợ ngăn ngừa ung thư. Ảnh: Internet
11.2. Bà bầu ăn cà tím có tốt không?
Cà tím là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng đem đến rất nhiều lợi ích sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi. Một số công dụng có thể kể đến như: bảo vệ thai nhi khỏi dị tật bẩm sinh, cung cấp vitamin C, niacin, vitamin A, E,…cần cho sự phát triển tối ưu của bé yêu trong bụng. Ngoài ra, cà tím còn giúp bổ sung các chất như kali, đồng, mangan, sắt, giúp duy trì cân bằng điện giản và tăng huyết sắc tố đáng kể cho bà bầu suốt thai kỳ.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy, cà tím chứa lượng lớn phytohormone có đặc tính gây kinh nguyệt. Nếu ăn cà tím hàng ngày có thể dẫn đến chuyển dạ, sinh non, hoặc thậm chí sảy thai. Do đó, bạn cần ăn cà tím đúng cách, nấu chín kỹ càng, hàm lượng vừa phải mỗi tuần để tránh những rủi ro tiềm ẩn vừa nêu.
Bà bầu chỉ nên ăn lượng nhỏ cà tím được nấu chín kĩ trong thai kỳ để đạt lợi ích sức khỏe tốt nhất. Ảnh: Internet
11.3. Cà tím có ăn được vỏ hay không?
Cà tím có thể được nấu chín thành món ăn ngon mà không cần gọt vỏ. Trong đó, nếu sử dụng cà tím từ Trung Quốc, lớp vỏ bên ngoài sẽ mỏng hơn nhiều so với cà thường. Hơn nữa, cà tím nấu chín có vị ngọt tự nhiên, nên bạn chế biến kiểu này cũng ngon cả!
Cà tím là nguồn thực phẩm có thể ăn được khi sống hoặc đã nấu chín. Khi còn sống, cà tím có vị đắng, dai dai, nhưng khi nấu chín, hương vị bên trong lập tức chuyển sang vị ngọt với độ đậm đà, mềm thơm rất quyến rũ, thậm chí còn có kết cấu mịn như kem. Hầu hết các công thức làm cà tím xào trên đây đều sử dụng sốt tỏi nấu kèm. Nhờ đó, không chỉ là một món xào ngon, phần gia vị nước sốt tỏi còn giúp tăng cường thêm nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Khi bận rộn, bạn có thể chế biến ngay một đĩa cà tím với nước sốt hấp dẫn trên đây để ăn với cơm nóng siêu ngon đấy nhé!
Bích Tuyền tổng hợp