Có thể nói rằng thực đơn bữa ăn hàng ngày của người Việt vốn rất đa dạng, bởi bên cạnh cơm trắng, bún, phở hay bánh canh,…nếu muốn “đổi vị” thì cũng có thể thay thế bằng món ăn dạng sợi như miến dong. Vậy bạn đã biết miến dong làm từ đâu và tác dụng của miến dong với sức khỏe là gì chưa? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1. Miến dong làm từ đâu?
Trong số những “chủng loại” miến phổ biến, miến dong có lẽ nổi tiếng và được yêu thích nhiều hơn cả. Miến dong làm từ bột củ dong, là thành phẩm của quá trình sản xuất kì công, từ xay nhuyễn củ dong, lắng lọc tinh bột tới ép và phơi khô, cho ra đời những sợi miến dong trắng xám, dai, giòn với hương thơm đặc trưng.
Hiện nay tại nước ta, làm miến dong được biết đến như một nghề truyền thống của nhiều vùng đất, kể đến như Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Nội hay Thanh Hóa,…
Miến dong làm từ bột củ dong (Nguồn: Internet)
2. Tác dụng của miến dong
Miến dong không chỉ “cứu nguy” cho chúng ta trong những ngày “ngán cơm”, nguyên liệu ẩm thực này còn mang tới lợi ích sức khỏe. Dưới đây là một số tác dụng của miến dong nếu bạn sử dụng với lượng hợp lý và đúng cách:
2.1 Làm mát cơ thể
Vốn được sản xuất trực tiếp từ củ dong – loại củ với vị ngọt và tính hàn mát nên miến dong thuộc nhóm thực phẩm có đặc tính thanh nhiệt, làm mát cơ thể hữu hiệu. Cụ thể, vào những ngày thời tiết oi bức, bạn có thể kết hợp nấu miến dong với rau củ tươi mát để giải nhiệt, ăn ngon miệng hơn và giảm cảm giác mệt mỏi.
2.2 Kích thích tiêu hóa
Nhờ có tính hàn mát nên các món ăn từ miến dong cũng có khả năng kích thích tiêu hóa, hỗ trợ cải thiện chứng đầy bụng khó tiêu tương đối hiệu quả.
2.3 Cung cấp năng lượng cho cơ thể
Theo phân tích dinh dưỡng, hàm lượng tinh bột được tìm thấy trong miến dong khá dồi dào, trung bình 100g chứa khoảng 82g, thậm chí cao hơn gạo tẻ thông thường (76.1g). Lượng chất này sẽ góp phần quan trọng tạo ra năng lượng để duy trì sự sống tế bào ở khắp các cơ quan của cơ thể.
2.4 Cải thiện hệ vận động
Cùng với tinh bột, chất xơ, miến dong còn cung cấp các nhóm khoáng chất rất cần thiết cho hệ vận động, điển hình như canxi, photpho hay vi chất sắt. Theo đó, khi vào cơ thể, chúng sẽ gắn kết vào tế bào xương, thúc đẩy tăng mật độ khoáng xương và duy trì hệ xương khớp khỏe mạnh.
3. Ăn miến dong có béo không?
Miến dong là một trong những thực phẩm thường được xem xét để thêm vào thực đơn ăn kiêng giảm cân bởi lượng calo không quá cao, chỉ đạt khoảng 332kcal/100g. Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý rằng hàm lượng tinh bột của miến khá lớn, nếu không chế biến các món ăn khoa học và kết hợp tập luyện “đốt cháy” năng lượng thì ăn miến dong vẫn khiến bạn tăng cân “vèo vèo”.
4. Gợi ý cách nấu miến dong thơm ngon
Giống như sợi bún hay sợi phở, bạn có thể “biến tấu” sợi miến dong thành hàng loạt món ăn hấp dẫn, gồm món xào, món nước hoặc những món gỏi trộn thanh đạm.
Miến dong có thể làm nguyên liệu của nhiều món ngon độc đáo (Nguồn: Internet)
Trong số đó, xin mách bạn một vài cách nấu miến dong đơn giản như:
- Miến xào lòng gà
- Miến xào cua
- Miến măng gà
- Gỏi miến đậu hũ
- Cá hấp miến
- Miến lươn
- Miến sò nướng bơ tỏi
5. Ăn miến dong bị cồn ruột phải làm sao?
Có lẽ không ít lần bạn cảm thấy cồn cào, đói bụng sau khi ăn miến dong. Điều này là bởi miến dong giàu tinh bột nhưng “nghèo” chất đạm, khi hấp thu quá nhiều lượng tinh bột từ miến dễ khiến tuyến tụy “hưng phấn” tiết thêm insulin làm giảm nồng độ đường huyết, gây đói bụng.
Chính vì thế, nếu ăn miến dong bị cồn ruột, bạn nên chú ý chế biến miến dong với thực phẩm giàu chất đạm (protein) khác như các loại nấm, thịt,…nhằm giảm cơn đói. Cùng với đó, phương pháp nãy sẽ phần nào hạn chế tách protein dự trữ ở khối cơ để sinh năng lượng, giảm tình trạng teo cơ.
6. Một số lưu ý khác cần biết khi ăn miến dong
Trong quá trình sử dụng miến dong, bạn nên lưu ý thực hiện một số khuyến cáo an toàn sau:
6.1 Chọn mua miến dong sạch
Tìm mua miến dong sạch và đạt chất lượng vừa giúp bảo vệ sức khỏe, vừa đảm bảo hương vị thơm ngon của các món ăn. Do đó, bạn hãy chú ý lựa miến có màu sắc trắng xám, hơi chuyển nâu, tránh chọn loại trắng tinh vì có thể đã được ngâm tẩm hóa chất. Ngoài ra, sợi miến dong “thật” có hương thơm dịu, tương đối nhỏ, suôn thẳng và độ dài đồng đều.
6.2 Ngâm rửa trước khi chế biến
Trước khi bắt tay vào chế biến, lời khuyên là bạn nên rửa và ngâm miến trong nước từ 5 – 7 phút để loại sạch bụi bẩn cũng như đảm bảo độ dai giòn.
Nên ngâm rửa miến trước khi dùng để chế biến món ăn (Nguồn: Internet)
6.3 Không ăn quá nhiều
“Đổi gió” thực đơn với miến dong giúp bạn hứng thú với bữa ăn hơn nhưng không nên ăn quá nhiều và liên tục dài ngày. Tốt nhất mỗi tuần chỉ nên ăn khoảng 1 – 2 bữa, với 200 – 300g miến một lần là hợp lý.
6.4 Người bệnh tiểu đường ăn miến dong được không?
Người bệnh tiểu đường có thể ăn miến dong được nhưng tuyệt đối không nên lạm dụng bởi chỉ số đường huyết khá cao (đạt 95). Bên cạnh đó, hãy tăng cường ăn thêm rau xanh cùng các thực phẩm giàu chất xơ khác để kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định.
Xem thêm: Gợi ý về chế độ ăn và thực đơn lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường
6.5 Hạn chế ăn khi bị tiêu chảy
Trong trường hợp đang mắc chứng tiêu chảy, cần cắt giảm hoặc tạm ngưng dùng các món ăn từ miến dong, tránh làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
7. Thành phần dinh dưỡng của miến dong
Hàm lượng chất dinh dưỡng trong 100g được tính toán như sau:
- Nước: 14.5g
- Calo: 332kcal
- Chất xơ: 1.5g
- Protein: 0.6g
- Tinh bột: 82g
- Canxi: 40mg
- Photpho: 120mg
- Sắt: 1mg
Hy vọng rằng sau khi hiểu thêm về thành phần dinh dưỡng cũng như tác dụng của miến dong với sức khỏe bạn sẽ yên tâm sử dụng nguyên liệu để “lên thực đơn”. Đồng thời đừng quên thực hiện đúng các khuyến cáo trên đây nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe bạn nhé!