Một người trở nên thành hay bại, hạnh phúc hay khổ đau, vui vẻ hay u uất đa phần dựa vào “cái tôi” trong chính bản thân họ. Người biết được cái tôi của mình là gì từ đó điều chỉnh phù hợp với môi trường, cuộc sống sẽ gặt hái được nhiều thành công.
1. Cái tôi là gì?
Cái tôi (trong tiếng Anh còn được gọi là Ego) là sự tự nhận thức được giá trị, nhân phẩm, cốt cách của bản thân mình để phân biệt được mình với những cá nhân khác. Mỗi người đều là phiên bản duy nhất của chính mình, vì vậy ai cũng có cái tôi của riêng mình và không ai giống ai.
Cái tôi được hình thành và phát triển theo thời gian trong quá trình sống của mỗi người, tạo nên tính cách và bản chất riêng của từng người. Trong cuộc sống, người tốt bụng và người xấu tính như phản ánh hai khía cạnh của cái tôi là mặt tích cực và mặt tiêu cực.
Ở góc nhìn tích cực, cái tôi được hiểu là sự tự tin, tự hào, hãnh diện về phẩm giá và tài năng của bản thân. Cái tôi còn được thể hiện qua mong muốn khẳng định bản thân, khát khao chinh phục những thứ mình chưa có, từ đó trở thành động lực để bản thân phát triển và cố gắng hơn.
Trên phương diện tiêu cực, cái tôi là sự đề cao bản thân, luôn nhận định rằng bản thân mình luôn đúng, sinh ra tính tự cao, tự đại, kiêu ngạo và coi thường người khác. Người có cái tôi quá lớn nghĩ rằng bản thân mình là số một, không chịu hạ mình, không chịu thua kém bất cứ ai và thường bị mọi người xa lánh và ghét bỏ.
Có thể thấy rằng, cái tôi tuy không xấu nhưng nếu không biết điều chỉnh phù hợp sẽ gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và sẽ gây tổn thương tới chính bản thân mình.
Xem thêm: Nếu muốn làm chủ cuộc sống hãy học cách kiềm chế cảm xúc của chính mình
2. Làm thế nào để nhận ra “cái tôi quá lớn” của bản thân?
Đôi khi sự tự tin thái quá hay sự hãnh diện quá mức sẽ khiến cái tôi trở lên lớn hơn, biến sự tự tin thành sự kiêu căng, biến sự hãnh diện thành sự ngạo mạn. Đó cũng là tín hiệu báo động để bản thân bạn cần phải tiết chế và kìm hãm cái tôi của mình.
Ngay tại cuộc sống thường ngày, chúng ta rất dễ dàng để nhận ra cái tôi bản thân quá lớn chẳng hạn như trong công việc, người mang trong mình cái tôi quá cao thường sẽ không chịu lắng nghe ý kiến, đóng góp của đồng nghiệp hoặc cấp trên, luôn bảo thủ với ý kiến của mình và cứng nhắc trong mọi việc. Họ sẽ thường không hoặc hiếm khi nhận lỗi sai của mình, không chịu tiếp thu, học hỏi.
Cái tôi trong tình yêu đôi khi lại chính là nguyên nhân dẫn đến cãi vã và chia ly, bởi yêu nhau là một chuyện nhưng ta có bỏ cái tôi xuống để ở bên nhau không lại là một chuyện khác. Để có được một tình yêu lâu bền và hạnh phúc, hai người cần phải thấu hiểu, lắng nghe và nhường nhịn nhau, nhưng khi cái tôi quá lớn, mỗi người đều bảo thủ với suy nghĩ riêng của mình thì rất dễ dẫn đến cãi vã và tan vỡ.
Trong tình yêu, cái tôi giống như một mũi tên độc, chỉ vì nó mà hai bên đều đợi nhau lời xin lỗi, nhưng không ai dám hạ mình nói trước. Chỉ vì cái tôi bản thân quá lớn mà đánh mất nhau, vậy có đáng không ?
3. Khi cái tôi quá lớn, làm sao để hạ thấp?
Để cuộc sống được hạnh phúc, thành công và ý nghĩa, bản thân mỗi người cần phải “cởi bỏ” cái tôi để hòa nhập với mọi người. Vậy làm sao để giảm bớt cái tôi tiêu cực?
Hạ thấp cái tôi là chúng ta biết điều chỉnh, kìm hãm cái tôi trong bản thân, không để nó “tự do tự tại” mà điều khiển suy nghĩ, hành động của mình. Hãy hạ cái tôi xuống để cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa hơn bằng những việc làm sau:
3.1 Tiếp nhận sự góp ý của người khác
Khi ai đó góp ý để bạn hoàn thiện bản thân hơn, hãy hạ cái tôi xuống để lắng nghe và tiếp thu. Điều đó vô cùng có giá trị với bạn và giúp bạn nhận ra những thiếu sót của bản thân. Nếu cái tôi quá cao, bạn sẽ không bao giờ nhận ra cái sai của mình để sửa chữa, và từ đó sai lại càng thêm sai, bạn sẽ mãi không thể thành công được.
3.2 Hãy lắng nghe người khác
Lắng nghe ý kiến, phát biểu của ai đó cũng là một sự tôn trọng dành cho họ. Dù bạn có tán thành hay chấp nhận ý kiến đó hay không thì bạn cũng nên lắng nghe, biết đâu đó có thể là một ý tưởng mới lạ hơn so với những gì bạn tưởng tượng.
3.3 Biết nhìn nhận mọi người xung quanh
Mỗi người chúng ta ai cũng có điểm mạnh điểm yếu, sở trường và sở đoản, nếu bạn chỉ nhìn vào điểm mạnh của bản thân, tập trung vào điểm yếu của đối phương mà không thấy được giá trị khác của họ, bạn cũng sẽ không thể bước xa hơn được. Hãy quan sát và nhìn nhận một người để nhận ra nhiều điểm tốt, phẩm chất của họ, biết đâu chính bạn cũng cần phải học hỏi từ họ.
3.4 Hạn chế so sánh bản thân với người khác và coi thường mọi người
Việc so sánh bản thân với mọi người sẽ khiến chúng ta luôn trong trạng thái kiêng dè, đề phòng và khinh thường người khác, dẫn đến chủ quan và thất bại trong công việc. Khi cái tôi quá lớn, bạn chỉ cho rằng bản thân mình là tài giỏi nhất mà không hề biết rằng những người khác cũng vô cùng xuất sắc không kém.
3.5 Hãy dũng cảm mở lòng và thấu hiểu người khác
Cái tôi quá cao chính là sợi dây trói buộc sự dũng cảm của chúng ta. Và sợi dây đó cần được gỡ bỏ nếu ta sống biết cảm thông, thấu hiểu và can đảm hơn. Chẳng hạn như trong tình yêu, bạn đừng giữ vững quan điểm “ai xuống nước trước người đó sẽ thua”, hãy lắng nghe và thấu hiểu cho đối phương, bên cạnh đó ta cũng cần dũng cảm mở lòng trước bằng những câu xin lỗi chân thành để hàn gắn những vết rạn nứt.
Cái tôi không phải là xấu, cũng không phải tốt nếu để nó vượt quá mức, vì thế hãy điều chỉnh cái tôi của bản thân phù hợp để hòa nhập với cộng đồng. Hạ thấp cái tôi không có nghĩa là đánh mất chính mình mà để bạn mở lòng với mọi người, từ đó sống chan hòa, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet