Xào mì tôm với rau xanh và thịt bò sẽ thành một món ngon lành, giàu dinh dưỡng
Mì tôm (hay còn gọi là mì ăn liền) thường được chiên qua dầu. Trong dầu thường chứa chất chống lên men thực phẩm – đây là chất có thể làm suy giảm chức năng sinh sản, gây bất thường nhiễm sắc thể và tăng nguy cơ mắc bệnh gan. Hơn nữa, gói gia vị có trong mì cũng chứa hàm lượng muối natri cao, khiến cơ thể bị giữ nước và dễ bị tăng huyết áp.
Tuy vậy, ăn mì tôm không đúng cách lại dễ rước họa vào thân. Cách ăn mì thường thấy là cho vắt mì ra bát tô, cắt gói gia vị cho vào, đun sôi nước rồi châm nước vào bát mì, úp lại khoảng 3 phút là ăn được. Cầu kỳ hơn, nhiều người đun sôi nước trong nồi, rồi cho thêm quả cà chua hay chút rau xanh rồi cho mì và gia vị vào ăn. Nhưng cả hai cách ăn mì này đều tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Hơn nữa, bột ngọt trong gói gia vị khi được đun sôi cũng dễ biến thành chất độc có hại.
Nên ăn mì tôm thế nào mới đúng?
PGS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, các gia đình nên hạn chế ăn đồ ăn nhanh, kể cả mì tôm. Bởi đồ ăn nhanh từ lâu đã được cho là nguyên nhân gây ra ung thư, đái tháo đường và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Theo PGS Lâm, nếu không có thời gian nấu nướng, thay vì ăn mì tôm, bạn nên chọn bánh chưng, bánh giò, xôi sẽ lành hơn.
Nếu muốn ăn mì tôm, không phải là không có cách để phần nào loại bỏ bớt chất độc hại.
Cách ăn mì tôm đúng chuẩn:
– Chần mì: Đun sôi nước rồi cho vắt mì vào chần, bước này sẽ giúp loại bỏ bớt lớp dầu chiên mì. Đợi đến khi các sợi mì rời nhau và chín tái, bạn hãy đổ nước sôi đi và trút mì ra rổ cho chảy hết nước.
– Nấu mì: Đun sôi nồi nước mới rồi đổ phần mì vào, đun thêm khoảng 1 – 2 phút rồi tắt bếp để mì không bị nát và nồng. Sau đó mới cho gói gia vị vào nồi mì. Nếu muốn ăn mì khô thì trút hết nước đi, chỉ giữ lại mì và trộn 1/2 gói gia vị vào.
– Nấu thêm rau xanh, thịt, trứng: Cho thêm thịt, trứng hay rau xanh vào mì sẽ giúp bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho bạn, bởi mì tôm chủ yếu là tinh bột, thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác. Hơn nữa, cho thêm rau xanh, hành vào mì cũng giúp giảm bớt các acid béo bão hòa, cho thêm thịt giúp bổ sung chất đạm, tốt cho sức khỏe.