Công trình vừa công bố trên Science Advances thực hiện bởi Đại học Leeds, Đại học Oxford (Anh), Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc, Đại học Palermo và Đại học Padova (Ý) dựa trên nhiều phiến đá cổ đại được thu thập ở nhiều địa điểm trên thế giới. Các dấu vết địa hóa học đã tái hiện lại thời kỳ khủng khiếp 201,3 triệu năm về trước, khi một loạt sinh vật trên Trái Đất đồng loạt bị giết chết, trong đó nhiều loài tuyệt chủng hoàn toàn.
Đại dương kỷ Tam Điệp đầy những “quái thú” ngày nay không còn tồn tại – ảnh: LIVE SCIENCE
Đó chính là đại tuyệt chủng cuối kỷ Tam Điệp (Trias) – đầu kỷ Jura nổi tiếng bí ẩn trong hồ sơ cổ sinh vật học. Nhóm nghiên cứu đã phân tích một số thành phần hóa học, nhất là tỉ lệ 2 đồng vị lưu huỳnh 32S và 34S trong nhiều phiến đá từng hiện diện dưới đáy biển thời kỳ đó, tìm thấy ở British Columbia, Scily và Bắc Ireland ngày nay.
Vì bản chất của lưu huỳnh, tỉ lệ 34S và 32S sẽ cao hơn khi có ít oxy hơn, nên sự hiện diện cao đột ngột của các đồng vị này trong đá cổ đã cho thấy thời kỳ đó, đại dương hoàn toàn nghẹt thở. Thời kỳ đó, đại dương vẫn là nơi sinh sống chủ yếu của “cư dân” địa cầu, vì vậy sự thiếu oxy hòa tan trong nước là một thảm họa cực lớn.
Trái Đất hơn 200 triệu năm trước, thời toàn bộ đất đại còn là một siêu lục địa, đã trải qua “ngày tận thế”- ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Nguyên nhân đại dương đột ngột trở nên nghẹt thở vẫn khá bí ẩn, nhưng các nhà khoa học đưa ra giả thuyết dựa trên các bằng chứng chưa đầy đủ rằng hoạt động núi lửa đã đột ngột gia tăng thời kỳ đó.
Sự phun trào hàng loạt khiến một lượng carbon dioxide lớn bị giải phóng, dẫn đến ấm lên toàn cầu. Nước ấm thường khó khả năng lưu giữ oxy kém hơn, trong khi sinh vật biển sống trong vùng nước ấm sẽ cần nhiều oxy hơn để tồn tại. Nghịch lý đó đã mang đến đại tuyệt chủng nhanh chóng.