Nhắc đến sân khấu Idecaf (Số 28 Lê Thánh Tôn và số 7 Trần Cao Vân, quận 1, TP.HCM) người yêu kịch nói đều xem đây là sân khấu lý tưởng để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Những vở chính kịch chất lượng, những chương trình thiếu nhi và cả những vở hài kịch nhẹ nhàng nhưng nội dung sâu sắc, ý nghĩa đã làm những người xem khó tính nhất cũng hài lòng.
Sân khấu kịch Idecaf ra đời vào thàng 09.1997 với vở “Khoảng khắc tình yêu” đã nhanh chóng gây tiếng vang bởi chất lượng nghệ thuật, nội dung kịch bản sâu sắc, dàn diễn viên nổi tiếng và quan trọng nhất là thái độ phục vụ, tôn trọng khán giả của nhân viên phục vụ lẫn diễn viên của vở. Chỉ sau một thời gian ra mắt, sân khấu Idecaf trở thành một địa chỉ quen thụôc của khán giả mê kịch. Sau 6 năm hoạt động (tính đến hết tháng 12.2003), Idecaf đã dàn dựng 47 vở kịch dành cho người lớn, 15 vở kịch thiếu nhi, 6 chương trình ca múa nhạc kịch thiếu nhi “Ngày xửa… ngày xưa” và phối hợp với với Đài truyền hình TP.HCM dàn dựng chương trình “Chuyện ngày xưa”. Hơn sáu năm hoạt động, Idecaf đã đạt 2.649 suất diễn quả là một con số không nhỏ khi tình hình sân khấu nói chung đang trong tình trạng kén chọn khán giả.
Sáu năm trôi qua nhưng người yêu kịch vẫn nhớ và nhắc đến Idecaf với những vở diễn gắn liền với tên tuổi sân khấu này như một thương hiệu: Xóm nhỏ Sài Gòn, Khúc nguyệt cầm, Bí mật vườn Lệ Chi, Tin ở hoa hồng, Người trong bóng tối, Mười hai bà mụ, Tám người đàn bà, Người đàn bà đức hạnh… Một điều không thể phủ nhận để tạo yếu tố thành công ở sân khấu kịch Idecaf đó là dàn diễn viên tài sắc, tâm huyết với nghề. Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc Công ty sân khấu nghệ thuật Thái Dương chính là nhịp cầu nối kết và quy tụ một dàn diễn viên mà bất cứ sân khấu kịch nào cũng “thèm”. Đó là Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thành Lộc, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Thành Hội, Hữu Châu, Minh Nhí, Trung Dân… đến các diễn viên trẻ đang khẳng định tên tuổi của mình như: Hương Giang, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Hồng Ánh, Minh Trí, Nguyễn Sơn, Thiện Hùng… Với dàn diễn viên “như mơ”, chất lượng nhiều kịch bản đã được nâng lên rất nhiều. Idecaf đã mạnh dạn mời những đạo diễn, tác giả, họa sĩ thiết kế, nhạc sĩ nổi tiếng tham gia dàn dựng vở như: các Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành và Doãn Hoàng Giang, các NSƯT Trần Minh Ngọc, Đoàn Bá, các hoạ sĩ Lê Văn Định, Nguyễn Văn Tòng…
Rất chân thành, giám đốc Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Tôi chỉ là người đứng ra tổ chức nhưng tôi rất may mắn được nhiều anh em có tâm, tài cộng tác. Chính họ đã truyền “lửa”, truyền nổi đam mê nghệ thuật cho tôi giúp tôi làm tốt hơn công việc của mình”. Nhưng để quản lý những nghệ sĩ để họ cùng chung một chí hướng là một điều không hề đơn giản. Thông thường mỗi người một ý nhưng nghệ sĩ có khi một người mười ý, giám đốc Huỳnh Anh Tuấn đã phải “hóa giải” để tất cả cùng bắt tay nhau, cùng nhau nhìn về một hướng: hết lòng vì nghệ thuật, vì khán giả. Anh Tuấn giải thích khá đơn giản: “Tôi không có bí quyết gì cả, ai cũng có cuộc sống riêng, ai cũng có cá tính riêng; dĩ nhiên nghệ sĩ rất nhạy cảm nên họ “đặc biệt” hơn một chút. Tôi đến với họ như người bạn chân tình, cái gì chưa thông thì tháo gỡ, giải thích bằng cả cái tâm và trách nhiệm”. Có chứng kiến một ngày làm việc của Anh Tuấn với diễn viên và cán bộ công nhân viên của Idecaf mới thấy hết đam mê, nhiệt huyết và sự hòa đồng của lãnh đạo và nhân viên, không có một phân biệt, khoảng cách nào hết. “Làm nghệ thuật là thế”, anh Tuấn giải thích.
Sân khấu Idecaf hướng đến mọi khán giả, nhưng chính khán giả đã chọn Idecaf không chỉ để giải trí mà còn đòi hỏi ngày càng cao về tính thẩm mỹ, nghệ thuật. Chính vì thế, ban giám đốc công ty luôn đặt ra tiêu chí hàng đầu là chất lượng vở diễn phải gắn liền đạo đức diễn viên. Hàng năm, công ty đều chọn những diễn viên trẻ từ các trường nghệ thuật để bồi dưỡng thêm tạo gương mặt mới, kế thừa lớp diễn viên đàn anh, đàn chị. Công ty đã tính việc nâng cao chất lượng các vở diễn, xây dựng các thể loại nhạc kịch để phục vụ yêu cầu thưởng thức nghệ thuật đa dạng của khán giả. Đến nay Idecaf được đánh giá là sân khấu kịch thu hút đông khán giả nhất hiện nay ở TP.HCM. Mỗi xuất diễn ở Idecaf hầu hết đều kín chỗ và có những vở đã bán vé hết trước cả tuần.
Sân khấu kịch Idecaf cũng là đơn vị đầu tiên giảm 50% giá vé cho sinh viên học sinh và duy trì đến nay; tính đến nay đã có gần 1.000 xuất kịch diễn phục vụ sinh viên với 400.000 lươt người xem; 70 xuất diễn kịch, rối cho trẻ em đường phố, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Liên tục trong 6 năm qua, sân khấu Idecaf cũng đã tặng tiền, quà, gạo… cho các bệnh viện, Trường mù Nguyễn Đình Chiểu, Cô nhi viện, Trung tâm nuôi dưỡng người già, tàn tật… với số tiền trên 400 triệu đồng, xây nhà tình nghĩa và tặng tập vở cho trẻ em nghèo tại Phước Tân, Bình Phước.
Nhiều vở diễn của sân khấu kịch Idecaf đã đoạt giải cao trong các hội hội sân khấu toàn quốc và thành phố. Sân khấu kịch Idecaf đã trở thành một thương hiệu, một địa chỉ quen thụôc của người yêu kịch nói, chính là từ những vịêc làm thầm lặng kể cả những hy sinh của một tập thể yêu nghề và trân trọng nghề nghiệp. Thành quả hôm nay chính là sự trân trọng của khán giả dành cho họ.