Lạc không chỉ thơm ngon mà còn tốt cho sức khỏe
Thành phần dinh dưỡng
Ngoài hàm lượng chất béo không bão hòa đơn dồi dào, lạc (đậu phộng) còn là nguồn cung cấp Vitamin E, Niacin, Folate, Protein và Mangan… Ngoài ra, củ lạc cung cấp resveratrol – một loại Polyphenol tương tự được tìm thấy trong quả nho đỏ và rượu vang.
Bảng đánh giá tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong 36,5gr lạc
Lợi ích sức khỏe
Tốt cho tim mạch
Lạc rất giàu chất béo không bão hòa đơn có lợi cho tim và được coi là một “đồng minh lớn” của trái tim khỏe mạnh. Một nghiên cứu với sự tham gia của 86.000 phụ nữ đã cho thấy, những người thường xuyên ăn các loại hạt trong đó có lạc có thể hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh tim mạch 35%. Đặc biệt là phụ nữ, phụ nữ mãn kinh thường xuyên ăn lạc có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh mạch vành.
Hỗ trợ tuần hoàn máu
Mangan có trong lạc là một khoáng chất đóng vai trò quan trọng để chuyển hóa chất béo, carbonhydrate, hấp thụ calci và ổn định lượng đường trong máu.
Nguồn chất chống oxy hóa
Những nghiên cứu mới cho thấy, các cây họ đậu nói chung và lạc giàu các chất chống oxy hóa như nhiều loại trái cây. Trong lạc có chứa nồng độ cao các chất chống oxy hóa polyphenol. Chất chống oxy hóa ở lạc cao hơn so với táo, cà rốt, củ cải đường. Những chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.
Giảm nguy cơ đột tử
Resveratrol được chứng minh có thể giúp cải thiện lưu lượng máu trong não bộ đến 30%, do đó giúp giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.
Resveratrol là chất chống oxy hóa trong nho đỏ và rượu vang đỏ, nhưng bây giờ cũng tìm thấy trong lạc
Chống ung thư
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chất dinh dưỡng được tìm thấy trong lạc, bao gồm Acid folic, Phytosterol, Acid phytic (inositol hexaphosphate) và Resveratrol, có thể có tác dụng chống ung thư. Ăn lạc 2 lần/tuần có thể giảm 58% nguy cơ ung thư ruột ở phụ nữ và 27% ở nam giới.
Phòng bệnh Alzheimer, giảm căng thẳng
Tiêu thụ thường xuyên các loại thực phẩm giàu niacin như lạc sẽ giúp chống lại bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức do tuổi tác. Lạc cũng là loại thực phẩm rất giàu Vitamin B, Kẽm và Vitamin E giúp loại bỏ căng thẳng nhanh chóng.
Giảm cân
Resveratrol gia tăng biểu hiện gene giúp tăng cường oxy hóa các chất béo trong khẩu phần ăn. Các chất này chuyển hóa chất béo, đốt cháy lipid thành nhiệt giúp giữ cơ thể cân bằng, giảm cân và giải quyết rối loạn chức năng trao đổi chất.
Lựa chọn và bảo quản
Lạc khô được bán quanh năm ở hầu hết các quầy hàng trên thị trường. Khi mua lạc nhân nên quan tâm tới mùi của chúng để đảm bảo chúng không có mùi ôi hoặc mốc. Đối với lạc còn nguyên vỏ, nên chọn thử vài củ lạc và lắc, nếu phát ra tiếng, cầm hạt nặng tay thì nhân lạc bên trong sẽ mẩy, không bị hư hại. Ngoài ra nên để ý các vết nứt, đốm đen ở vỏ vì chúng là dấu hiệu củ lạc đã bị sâu bọ xâm nhập.
Lạc rất dễ bị nấm mốc và ẩm. Vì thế để bảo quản lạc giữ được mùi vị lâu, với lạc nhân nên trữ lạc trong các hộp kín đặt trong ngăn lạnh hoặc ngăn đá của tủ lạnh, nên giữ cả hạt chứ không nên giã nhỏ. Đối với lạc còn vỏ thì nên bọc trong túi nilon hoặc các vật chứa chất liệu sành, để nơi khô ráo, thoáng mát để không bị mất độ giòn và tránh bị ẩm mốc.
Chế biến
Dùng lạc nhân nấu canh bí đao, xào cùng su su, su hào, củ quả… đều rất thơm ngon và đưa cơm
Với lạc, bạn có thể chế biến thành món lạc rang, muối vừng để ăn kèm cơm, xôi. Bạn cũng có thể dùng lạc giã nhỏ làm gỏi, nộm, ăn kèm với các loại rau hoặc làm kho quẹt. Khi rang lạc, không nên để quá lửa vì lạc nhanh cháy đen.
Những trường hợp không nên ăn lạc
Bên cạnh những lợi ích dinh dưỡng và sức khỏe thì lạc cũng mang theo một ít rắc rối. Lạc là một trong số ít các thự phẩm có chứa oxalate. Khi oxalate tập trung lượng lớn trong cơ thể có thể gây ra sỏi thận. Người có vấn đề về thận, túi mật nên hạn chế ăn lạc. Những người bị bệnh: Tì yếu, phân nát, hay bốc hỏa, bị bệnh dạ dày, bị bệnh gout, đái tháo đường… cũng không nên ăn lạc.
Lạc rất dễ bị nấm mốc. Khi nấm mốc, lạc dễ bị nhiễm aflatoxin, một chất độc gây ung thư, gây chậm phát triển tinh thần và giảm trí thông minh.