Câu chuyện về những vị “chúa ngục” trong tình yêu…

Bây giờ tìm được một người yêu mình thật lòng khó lắm thay, thế nên ghen như một hàn thử biểu cho tình yêu và thể hiện cho bạn bè… ghen tị.

Chàng thấy tôi nói chuyện với con trai. Ghen. Bạn bè đồng nghiệp đùa, bá vai bá cổ. Ghen. Người yêu cũ đi công tác xa về, tới thăm hỏi bố mẹ tôi. Ghen. Ghen như một điệp khúc lặp đi lặp lại không mệt mỏi. Thôi đành ví tình yêu tựa món cari mà ghen là gia vị chính còn cay hơn ớt hiểm. Ấy thế mà nhìn ra thiên hạ, tôi thấy bản thân mình vẫn còn may mắn lắm. Bởi ghen không đã tốt, nhiều người còn sinh ra trò quản lý người yêu như… chúa ngục.

Nhận được tin báo của Phong, đứa bạn thân từ nhỏ, sẽ ra Hà Nội công tác một tháng, tôi khá bất ngờ. Vừa tốt nghiệp đại học, Phong đã vào ngay TP.HCM để lập nghiệp, có gặp lại nhau cũng là chuyện khó. Tôi hào hứng chạy ra sân bay đón bạn. Vẫn nụ cười, kiểu tóc như cũ, có chăng nắng gió Sài Gòn làm cậu bạn đen và béo thêm ra.

Nhưng vừa hoan hỉ dang tay chào tôi, chuông điện thoại trong túi quần Phong đã rung lên bần bật. Phong lập cập rút điện thoại ra, chưa kịp alô đã nghe vọng ra từ máy chất giọng kim của một cô gái vang lên xối xả: “Anh làm gì mà bây giờ mới mở máy? Chậm những nửa tiếng so với quy định rồi đấy”. Thế là trước sự ngạc nhiên của tôi, Phong luống cuống giải thích muộn giờ do chuyến bay chứ nào bản thân dám trễ.

Hóa ra lần nào cũng thế, cứ chàng đi công tác xa là Diệp lại căn ke từng chút thời gian của người yêu, từ giờ máy bay tới khách sạn, tiếp khách, họp hành, làm việc… Thậm chí mỗi ngày xa nàng, chàng chỉ được dùng bao nhiêu thời gian cho ăn uống, vệ sinh cá nhân, thời gian còn lại là ngay lập tức lên mạng để chat và mở webcam, chứng minh đang… cô đơn cho nàng tin.

“Mệt mỏi lắm, bà ạ. Yêu hai năm rồi, tôi cũng quyết định tiến lên cho các cụ mừng, nhỡ mai cưới mà vẫn thế… thì chết mất” – Phong thở dài thườn thượt. Thế là cuộc nói chuyện chóng vánh của chúng tôi trong quán cà phê liên tục bị nàng cắt thành từng đoạn. Chỉ đến khi tôi mạn phép “alô”, nói vài lời, Diệp mới hết tra vấn Phong mà chuyển qua thủ thỉ với tôi: “Khổ lắm chị ạ, em nào muốn thế. Nhưng anh ấy “ngon lành” thế, gái nào chả muốn lăn xả vào nên phải giữ chặt”.

Hóa ra chuyện không dừng ở đó. Diệp còn ghen với cả bạn trai của Phong. Phong và Hải cùng chơi tennis, lại chung nhiều sở thích, thế nên chuyện qua đêm xem bóng đá, nhậu nhẹt, cà phê hay thậm chí lăn ra ngủ cùng nhau cũng chẳng có gì lạ. Thế nhưng Diệp lại ghen lồng lên. Không ít lần bạn bè ái ngại khi thấy nàng tra vấn họ xem có thấy sự bất thường nào của Hải không.

Thậm chí qua sự lo lắng của Diệp, bố mẹ Phong cũng tỏ ra nghi ngờ con trai mình có vấn đề về giới tính. Còn nàng hồn nhiên nghĩ: “Gay chẳng xấu, nhưng đôi khi gay là do đua đòi, thử cảm giác lạ, say rượu hoặc chẳng may… khám phá nhau. Em là em cứ phòng từ xa”. Nên dù Phong hết lời giải thích, Diệp vẫn nằng nặc ngăn ngừa khiến Hải và đám bạn rượu dần xấu hổ mà tự động giãn tần suất gặp nhau.

Thời gian đầu mới yêu, được nàng gọi điện đánh thức lúc sáng sớm Phong cảm động bao nhiêu thì bây giờ lại bực bội bấy nhiêu. Nhiều khi mệt mỏi, muốn nướng thêm giấc cũng không được, vì càng không nhấc máy nàng càng gọi dữ.

Dẫu biết rằng có yêu mới tìm cách chiếm hữu, giữ gìn hay thậm chí cô lập, để thênh thang mình ta… riêng một góc trời. Nhưng bị kiểm soát như tù nhân trước “chúa ngục” oai hùng thì kể cũng… toát mồ hôi, nơm nớp lo sợ cho một tình yêu không bền.

Rate this post

Viết một bình luận