Các món ăn ngon ở Khánh Hòa
Khánh Hòa
Các món ăn ngon ở Khánh Hòa
(Cập nhật 07/2022)
Cùng Phượt – Ngoài các địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn, du khách đến với Khánh Hòa còn đặc biệt yêu thích nét văn hóa ẩm thực nơi đây. Các món ăn ngon ở Khánh Hòa chịu ảnh hưởng sâu sắc từ biển, với nguyên liệu chủ yếu được chế biến từ hải sản. Đồng thời cư dân Khánh Hòa xưa chủ yếu di cư vào từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Ngãi nên phong cách ẩm thực cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các tỉnh trên. Cùng với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái thì du lịch ẩm thực hứa hẹn cũng sẽ là yếu tố để níu chân du khách khi đến Khánh Hòa.
©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả fantastecy, duyen_minnie, kisimpham, meillee_, yingmeowm, stv.da227, nga.june, daovudnu, vanpinky, taytruong2212, soueats, builengoctran, hoainguyen2508, tholovesfood, quangthanh28, Luu M Tu, quangducpve và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Hải sản Khánh Hòa
Đến Khánh Hòa đừng quên thưởng thức các loại hải sản (Ảnh – duyen_minnie)
Là một trong những vựa hải sản nổi tiếng của miền Trung, các loại hải sản ở Khánh Hòa luôn đa dạng, tươi ngon, rất xứng đáng để thử các bạn nhé. Đến bất cứ vùng đất nào ven biển Khánh Hòa, các bạn đều có thể đặt người dân mua và chế biến giùm. Ngon nhất sẽ là hải sản được mang về sau mỗi chuyến tàu đêm, các bạn có thể ghé các chợ hải sản của người dân địa phương để tìm mua.
Bánh canh Nha Trang
Bánh canh là món đặc sản rất nổi tiếng ở Nha Trang mà hầu như du khách nào đến đây cũng phải một lần thưởng thức. Cái ngon của tô bánh canh nơi đây không chỉ ở thứ nước lèo ngọt ngọt, chua chua mà nhiều người “mê mệt” còn bởi độ chất của những khúc cá thu mềm, ngọt, thơm và không có một chút xương.
Bún chả cá Nha Trang
Một tô bún chả cá luôn có hai loại chả là chả cá chiên và chả cá hấp để làm phong phú thêm khẩu vị. Chả cá được dùng là chả cá thu để có độ dai và ngọt. Chả cá hấp còn được tráng một lớp lòng đỏ trứng gà trên bề mặt. Nước lèo của bún chả cá được nấu bằng cá cờ hoặc xương cá thu. Chất cá này làm cho vị nước lèo thanh ngọt, mát.
Bún sứa
Tương tự với bún cá nhưng được làm từ sứa, tôm, cua, thịt ba chỉ, chả cá hấp hoặc chả cá viên có điểm thêm mùi thơm của đậu phụng rang, rau ghém… Người ta thường dùng sứa chân để chế biến món bún sứa. Chả cá chế biến từ cá thu, một phần phần viên thành viên tròn nhỏ rán vàng, một phần ém vào khuôn, thoa lòng đỏ trứng lên trên, hấp chín và thái nhỏ. Nước dùng được chế biến từ mắm ruốc và nạc cá thu.
Bánh căn
Bánh căn ở Khánh Hòa có bề ngoài như bánh khọt Vũng Tàu, nhưng bột là bột gạo và đặc hơn, được đúc trong khuôn đất, không kèm theo dầu mỡ nên bánh có phần đáy cháy cạnh, vàng giòn. Các bạn có thể thường thức các loại bánh căn nhân hải sản ở Bình Ba hay Nha Trang.
Cơm gà xé Nha Trang
Cơm gà Nha Trang là cơm gà xé, ăn với rau răm, dưa leo, đồ chua, nước mắm gừng và sốt vàng ươm, béo ngậy.
Bò nướng Lạc Cảnh
Bò nướng trực tiếp trên than hoa theo hình thức nướng lụi, khách tự đặt bò lên vỉ nướng, chờ khoảng 15 phút là thịt tới độ chín, có thể thưởng thức. Trong 15 phút ấy, ai ai cũng háo hức, thị giác dán chặt vào lò than hừng hực lửa, tiếng mỡ cháy xèo xèo cùng hương thơm ngây ngất xực tỏa khắp nơi. Bò chín tới vừa ngọt vừa mềm, màu đỏ au như ướp ớt mà không quá cay, chỉ chấm cùng thứ nước chấm cực kì giản đơn là muối chanh ớt đã đủ đậm đà, lại thơm lựng.
Tôm hùm Bình Ba
Bình Ba còn nổi tiếng với hải sản đặc biệt là tôm hùm, bởi thế được gọi là đảo tôm hùm cũng là điều dễ hiểu. Trong đảo có khá nhiều hộ gia đình nuôi tôm hùm, những bè tôm nằm lặng lẽ trên biển nhưng luôn đượm nét bình yên hiếm thấy. Tôm hùm ở đây rất ngon và to, có con to bằng cả bắp chân người. Món ăn chế biến từ tôm hùm đơn giản và ngon nhất là nướng, thịt tôm rất ngọt và dai. Với những con tôm to, huyết tôm được trích ra hòa rượu uống có mùi vị rất đặc biệt. Khi dùng xong còn lại vỏ tôm cũng rất hữu dụng, có thể giữ lại làm vật trang trí rất sống động và vui mắt. Ngoài món tôm nướng còn có món cháo tôm hùm rất đặc biệt, sẽ khiến bạn nhớ thật lâu hương vị đậm đà của nó.
Gỏi cá mai
Ở Khánh Hòa, gỏi cá mai là món ăn thường được nhiều người lựa chọn để chiêu đãi khách. Cá mai to cỡ ngón tay cái, mình trơn, dẹp, có vẻ hơi giống cá cơm nhưng không vảy, sọc dọc, thịt ngọt và rất ít tanh. Loại cá này hầu như chỉ dùng để chế biến độc một món nổi tiếng là bóp gỏi.
Gỏi cá mai thường tốn thời gian ở khâu chế biến nếu muốn đảm bảo chất lượng và hợp vệ sinh. Cá được chọn phải thật tươi, mới bắt từ biển về. Mất công nhất là khâu rút xương, thực hiện trên từng con cá và lấy giấy thấm thật ráo thì món gỏi mới ngon.
Nem Ninh Hòa
Là tên gọi chung cho thứ nem chua và nem nướng của Ninh Hòa. Nguyên liệu chính làm nem Ninh Hòa là thịt nạc ròng ở hai bắp đùi heo đất đỏ (một loại heo đặc trưng của địa phương). Bên ngoài nem chua được gói thêm lớp lá chuối hột hoặc chuối mốc, cột bằng lạt giang, kết từng chiếc lại thành xâu nem chua, ăn kèm với tép tỏi để có hương vị đặc biệt và độ dai, giòn. Ngoài nem chua, còn có nem nướng cũng được chế biến từ thịt nạc giã nhuyễn và mỡ xắt hạt lựu cùng một số gia vị, viên lại rồi nướng trên than hồng. Nem nướng được cuốn bằng bánh tráng mặn chiên vàng kèm nhiều loại rau, dùng với nước chấm hỗn hợp đặc trưng
Bánh ướt Diên Khánh
Còn gọi là bánh ướt Thành là một đặc sản của Diên Khánh. Những quán bánh ướt thường được bày theo kiểu nhà quê: quán ngay trước nhà, có lò tráng bánh đắp bằng đất và đặt những bộ bàn ghế rất sơ sài. Chiếc bánh khi tráng ra bày rất mỏng trên đĩa để đổ nhân là ruốc tôm, hành mỡ, còn nước chấm là mắm nêm, mắm nước. Ngày xưa, bánh ướt Diên Khánh có đủ bộ “tam sên” là hành mỡ, đậu xanh, ruốc tôm. Nay người ta giản lược đi chỉ còn hai thứ: nếu có đậu xanh thì không có ruốc tôm và ngược lại. Cái ngon của quán bánh ướt nhà quê là nước chấm, đặc biệt là mắm ruột. Việc pha chế mắm cũng đơn giản nhưng mỗi quán có mỗi cách làm và nêm nếm riêng.
Lẩu mực Đại Lãnh
Lẩu mực là món ăn khá phổ biến ở Đại Lãnh, mực ở đây nhiều loại, nhưng khi chế biến Lẩu mực thì các nhà hàng dùng loại mực có kích cở vừa, mực lá hoặc mực ống. Mực luôn tươi và có sẳn, nên khi chế biến thì hương vị của Lẩu mực luôn có vi ngon nguyên chất không lẩn lộn đâu cả. Chế biến khá đơn giản nhưng Lẩu mực ở đây mang nét đặc trưng của địa phương này là nấu ngọt. Không chỉ mực mà còn với các loại cá như cá thu, hồng, cá phèn, cá bè… chấm với nước mắm nguyên chất dầm thêm vài trái ớt xiêm xanh nồng.
Đặc sản Khánh Hòa mua về làm quà
Mực một nắng
Mực một nắng sơ chế rất đơn giản, chỉ là mực tươi rửa sạch bằng nước muối rồi phơi đúng một nắng, vô bao hút chân không, cất trong ngăn đá, khi ăn thì lấy ra nướng. Mực một nắng dễ dàng tìm thấy ở Khánh Hòa, nhất là những vùng đảo như Bình Ba hay Bình Hưng.
Yến sào
Yến sào, hay tổ chim yến, là tên một loại thực phẩm dược phẩm nổi tiếng được làm bằng tổ chim yến. Ở Việt Nam, các địa phương có yến sào tự nhiên là một số hòn đảo của một số tỉnh thành Nam Trung Bộ như Phú Yên, Khánh Hòa…Nha Trang cũng là nơi du khách có thể thưởng thức món yến sào thường xuyên tại các nhà hàng sang trọng.
Khô nai Diên Khánh
Ngày xưa, thị trấn Diên Khánh bao gồm cả huyện miền núi Khánh Vĩnh là một nơi có số lượng nai nhiều nhất trong cả tỉnh. Ngày trước, nai còn nhiều, người dân thường hay đặt bẫy đánh bắt. Thịt nai tươi sống được ướp nướng, xào… dư thừa thì đem phơi khô để dành. Dần dà, món nai khô trở thành đặc sản mà ai đến Diên Khánh đều muốn được thưởng thức.
Bánh tráng xoài
Bánh tráng xoài là một món ăn đặc sản khá nổi tiếng của huyện Cam Lâm và một số địa phương lân cận của tỉnh Khánh Hòa. Bánh được làm chủ yếu từ trái xoài chín và mạch nha.
Xoài chín được gọt vỏ, sau đó cho vào máy xay thành dạng lỏng nhưng không quá nát. Dung dịch này được nấu trên bếp than trong khoảng 2 đến 3 giờ tùy theo thời tiết và chất lượng xoài nguyên liệu. Đây cũng là khâu quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm cũng như bí quyết của mỗi người thợ. Sau đó người làm bánh thực hiện công đoạn tráng bánh thành từng lớp mỏng trên bề mặt nilon được lót sẵn trên một khuôn thép, cách mặt đất 100–120 cm. Bánh sau khi tráng được phơi dưới ánh nắng tự nhiên. Bánh xoài sau 1 ngày trên khung kim loại sẽ khô đều, vàng óng. Bánh được thu gom và đưa vào khu vực đóng gói.
Tìm trên Google:
- các món ăn ngon ở Khánh Hòa
- đặc sản Khánh Hòa làm quà
- ăn gì khi du lịch Khánh Hòa
- các quán ăn ngon ở Khánh Hòa
- đến Khánh Hòa nên ăn gì
- địa điểm ăn uống Khánh Hòa
- ẩm thực Khánh Hòa
5/5 – (1 đánh giá)