Nông dân đào sùng đất kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày

Vào mùa, người dân Quảng Nam mang cuốc ra ruộng sắn bắt sùng đất. Loài ấu trùng bọ rầy này được bán 50.000-60.000 đồng một kg.

Đào bắt sùng đất làm món ăn

 

 

Đào bắt sùng đất làm món ăn

Người dân Trà Giang đào sùng đất bán.

Ngày cuối thu, trên cánh đồng sắn vừa thu hoạch bên sông Trường, xã Trà Giang (Bắc Trà My, Quảng Nam), hàng chục người dân đang cuốc đất. Từng nhát cuốc đưa xuống, đất bở tơi được xới lên, lộ ra một vài con vật màu trắng ngà, có 6 chân, to bằng ngón tay người lớn. 

“Sùng đất đấy, đặc sản xứ Quảng” – ông Phan Phước Quang nói và giải thích con bọ rầy (loài sâu hại mùa màng) đẻ trứng trong đất, trứng nở ra ấu trùng. Chúng ăn củ sắn, cỏ và phát triển thành nhộng. Hết vòng đời, nhộng sẽ thành bọ rầy, chui lên mặt đất.

Khoảng 5 năm trở lại đây, sùng đất được nhà hàng, quán nhậu thu mua giá cao để chế biến món ăn, bởi có nhiều sữa, chất béo. Cứ đến mùa (tháng 8-11 âm lịch), người dân xã Trà Giang lại rủ nhau săn bắt. 

nong-dan-dao-sung-dat-kiem-nua-trieu-dong-moi-ngay

Mỗi ngày đào 6 giờ, ông Phan Phước Quang bắt được 8 kg sùng đất, thu về 500.000 đồng. Ảnh: Đắc Thành.

Chỉ với cái cuốc sắc bén, ông Quang đào từ sáng đến gần trưa được 5 kg sùng. Biết chúng chui sâu xuống đất vài chục cm, thức ăn chủ yếu là củ sắn sót lại và cỏ, ông Quang cứ bới đất theo luống sắn đã thu hoạch. 

“Đào trúng ổ mỗi nhát cuốc bắt được gần chục con, nhưng có khi cuốc vài chục nhát không được con nào. Người đào sùng muốn bắt được nhiều phải chọn nơi trồng sắn đã nhổ để cuốc”, ông Quang giải thích.

Giá bán mỗi kg sùng 50.000-60.000 đồng. Với nông dân thì đây là khoản tiền lớn, so với công việc khác cao gấp nhiều lần. “Đến mùa, mọi người gác lại công việc chuyển qua đào loại côn trùng này. Hôm nào trời nắng quá không làm được, người dân thắp đèn đào ban đêm”, ông Quang chia sẻ.

Anh Dương Hiển Thương nói thêm, bắt sùng đất ngoài việc đem lại giá trị kinh tế còn giúp bà con thuận lợi trong sản xuất. Loại ấu trùng này nằm dưới đất phá hoại mùa màng, chúng cắn rễ cây gây chết hàng loạt.

Cánh đồng xã Trà Giang nhiều sùng nhất, vì đất bãi bồi, người dân trồng sắn – thứ mà chúng thích ăn nhất. Ngoài người trong xã, đến mùa người nơi khác cũng đến đào. Những năm trước mỗi người đào 15 kg nhưng nay chỉ được một nửa.

nong-dan-dao-sung-dat-kiem-nua-trieu-dong-moi-ngay-1

Sùng đất ăn củ sắn, cỏ, phá hoại mùa màng. Ảnh: Đắc Thành.

Theo anh Thương, để bắt được nhiều, mỗi lần đào thì bới đất lấp cỏ. Sau khi cỏ mục, sùng đất đến ăn và phát triển nhiều. Sùng đưa lên khỏi mặt đất, người dân thả vào thùng nước để chúng sống lâu, màu sắc giữ nguyên, bán mới được giá.

“Thương lái thu mua sùng còn nguyên vẹn, do đó từng nhát cuốc phải cẩn thận tránh chúng trầy xước. Sùng bị đứt lấy về cho gà ăn”, anh Thương cho hay.

Hàng ngày đến Trà Giang thu mua sùng đất, chị Trần Thị Kim Phượng cho hay Quảng Nam có nhiều nơi đào ấu trùng này, tuy nhiên chỉ loại ở ruộng hoa màu mới ăn được, còn ở môi trường bẩn, thân màu đen sẫm, chân đen không ăn được. Và chỉ đất Trà Giang sùng mới to và mập, bình quân 60-70 con/kg. 

Mỗi ngày chị Phương thu mua gần một tạ sùng, đưa về nhà làm ruột, rửa sạch và nhập cho các quán nhậu, nhà hàng. Cứ 2,5 kg sùng qua sơ chế được một kg sùng thành phẩm. Sùng có hai cách chế biến, cho vào dầu chiên giòn, hoặc tẩm gia vị và nướng chín quấn với lá lốt, lá mơ ăn. Sùng đất có vị ngọt đậm, nhai giòn và béo ngậy.

nong-dan-dao-sung-dat-kiem-nua-trieu-dong-moi-ngay-2

Một đĩa sùng đất chiên cuốn lá lốt giá 100 nghìn đồng. Ảnh: Đắc Thành.

Trong đông y, sùng đất được thầy thuốc sử dùng để điều trị một số bệnh như mụn nhọt. Một số nơi lưu truyền sùng đất có khả năng tăng cường chuyện “chăn gối”, tuy nhiên đến nay chưa có tài liệu nào ghi nhận công dụng này. 

Đắc Thành

Rate this post

Viết một bình luận