Nôn ra máu và nguyên nhân

Nôn ra máu và nguyên nhân

Nôn ra máu với thuật ngữ là hematemesis, có thể phát xuất từ nhiều bệnh – đơn giản như chảy máu mũi hoặc nghiêm trọng như xuất huyết đường tiêu hóa, bệnh về gan. Đây không phải là trường hợp có những vệt máu trong chất nôn mà máu thường ra nhiều, còn đỏ tươi hoặc đã chuyển sang nâu.

Nguyên nhân và đối tượng dễ mắc phải

Thông thường, bệnh nhân vì lý do nào đó nôn quá nhiều cũng có thể nôn ra máu. Những nguyên nhân khác nghiêm trọng hơn có thể là: vết rách hoặc mô niêm mạc dạ dày bị tổn hại hoặc loét dạ dày; mạch máu ở thực quản hoặc ruột phình to; có khối u hoặc thương tổn ở thực quản hoặc dạ dày do bức xạ hay nguyên nhân khác; nhiễm virus viêm gan hoặc nhiễm khuẩn H. Pylori; sử dụng thuốc aspirin, thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc loãng máu hoặc bị ngộ độc.

Thêm vào đó, một số bệnh có thể khiến nôn ra máu: viêm dạ dày, ruột; trào ngược dạ dày; rối loạn mạch máu ruột; viêm thực quản, ruột hoặc tuyến tụy; ung thư tuyến tụy; một vài bệnh gan như suy gan cấp, xơ gan; dạng bệnh hiếm gặp gọi là thương tổn Diulafoy gây xuất huyết dạ dày và ruột; rách dạ dày hoặc thực quản trong hội chứng Mallory-Weiss; bệnh dạ dày do tăng áp lực tĩnh mạch cửa; bệnh về máu như tiểu cầu thấp, rối loạn đông máu, thiếu máu hoặc bệnh bạch cầu.

Đối với thai phụ, nôn ra máu có thể là hậu quả từ nôn quá nhiều do ốm nghén. Tuy nhiên, cũng có một vài nguyên nhân gây nôn ra máu khác cần lưu ý: mất nước hoặc thiếu ăn, viêm đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, cao huyết áp, bệnh xơ gan, stress hoặc do dùng một số loại thuốc.

Dù do bất kỳ nguyên nhân nào, nôn ra máu nên được xem là trường hợp khẩn cấp cần can thiệp. Ảnh: WISEGEEK

Dù do bất kỳ nguyên nhân nào, nôn ra máu nên được xem là trường hợp khẩn cấp cần can thiệp. Ảnh: WISEGEEK

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể có những nguyên nhân gây nôn ra máu khác: trẻ chào đời bất thường, rối loạn đông máu, thiếu vitamin K, dị ứng sữa, nuốt máu hoặc nuốt dị vật.

Ở những người dùng nhiều rượu, nôn ra máu cũng có thể xuất phát từ dấu hiệu bệnh tật khác. Theo đó, vết rách ở đường tiêu hóa có thể làm tăng áp lực lên thực quản, dạ dày và ruột do cố sức nôn mạnh và có khi đe dọa tính mạng do máu ra nhiều. Những triệu chứng kèm theo có thể gồm đau ngực, bụng, đau lan ra sau lưng, đổ mồ hôi, khó thở. Những vết sẹo hình thành vì xơ gan và tổn hại khác do rượu cũng có thể khiến mạch máu phình to và vỡ dẫn tới triệu chứng nôn rất nhiều máu tươi, yếu sức, ngất xỉu và xuất huyết trực tràng. Xuất huyết tiêu hóa dễ xảy ra hơn ở những người dùng nhiều rượu do lượng axít cao từ rượu. Trong trường hợp này, bệnh nhân nôn nhiều máu; đi tiêu phân đen kèm theo đau bụng nhiều.

Chẩn đoán và điều trị

Màu sắc và độ sánh của máu bệnh nhân nôn ra thay đổi theo nguyên nhân xuất huyết, giúp thầy thuốc chẩn đoán và điều trị. Máu cũng có thể thay đổi từ màu đỏ tươi sang màu nâu cà phê. Bệnh nhân nên ghi nhận triệu chứng, trao đổi với thầy thuốc. Bệnh nhân cần được chăm sóc y tế ngay khi nôn ra máu, nhiều trường hợp cần được chữa trị tại phòng cấp cứu. Lưu ý là nôn ra máu cần chữa trị kịp thời và tìm ra đúng nguyên nhân xuất huyết.

Chữa trị nôn ra máu tùy thuộc vào nguyên nhân xuất huyết và thường đòi hỏi vài xét nghiệm kèm theo như thử máu và thử phân. Nội soi và những biện pháp chẩn đoán hình ảnh X-quang và CT scan có thể giúp tìm ra chính xác nguyên nhân xuất huyết. Sau chẩn đoán, bệnh nhân có thể được cho dùng thuốc, truyền máu hoặc phẫu thuật. Một số trường hợp nghi chảy máu động mạch, bệnh nhân được yêu cầu chụp mạch máu. Triển vọng điều trị nôn ra máu cũng tùy thuộc vào việc xác định đúng nguyên nhân và tiếp theo là bệnh trạng dẫn đến nôn ra máu.

Triệu chứng kèm theo nghiêm trọng:

– Chóng mặt, bệnh nhân cảm thấy gần bị ngất, ngất xỉu.

– Có biểu hiện nhầm lẫn.

– Da lạnh, nhợt nhạt hoặc tái xanh.

– Tim đập nhanh, khó thở, yếu sức.

– Mờ mắt.

– Đồng tử giãn nở.

Rate this post

Viết một bình luận