Hẹ nước, bồn bồn và cây năn bộp mọc bàn ngàn nơi xứ sở miền Tây nước nổi, đã có lúc bị coi như cỏ dại nay lại “một bước lên tiên”, trở thành món đặc sản bất cứ du khách nào cũng muốn được thưởng thức khi đến nơi đây. Cùng khám phá 3 món đặc sản “cỏ dại” đã từng cho không ai thèm lấy là những gì nhé!
1. Hẹ nước
Người dân miền Tây gọi hẹ nước là thứ lộc trời cho, vì cứ đến mùa là cây tự lên, không ai phải chăm bón. Khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, sau vài trận mưa đầu mùa, hẹ nước lên mơn mởn giữa những cánh đồng ngập lênh láng nước.
Chẳng ai biết hẹ nước từ đâu tới, cũng không phải nơi nào ở miền Tây hẹ nước cũng lên. Khu vực Đồng Tháp Mười, Sóc Trăng, Bạc Liêu có lẽ được hẹ nước ưu ái hơn cả.
Hẹ nước đến lúc thu hoạch dài chừng 5-6 tấc, mặt lá rộng hơn lá hành một chút, thân mảnh như cọng dây và mọc theo chùm. Vì là rễ chùm lại mọc trên đất đồng nên rất dễ dàng nhổ được chúng. Tuy nhiên khi thu hoạch, bà con nơi đây phải ngâm mình trong nước và rất khéo léo để tránh làm đục nước cũng như làm nát những luống hẹ chưa thu.
Khi thu hoạch xong người dân thường cắt rễ và sơ chế ngay, sau đó đem cân bán luôn cho các mối để đảm bảo độ tươi ngon của hẹ.
Hẹ nước ăn xốp, giòn, có mùi hương thanh thanh đặc trưng. Ngày nay hẹ nước đã trở thành món đặc sản riêng có của miền Tây. Người thành thị rất chuộng hẹ nước vì rau sạch, ăn mát mà hương vị lại đậm đà. Hẹ nước nhúng lẩu mắm cá linh, hẹ nước chấm mắm kho, cá kho… Bữa cơm miền Tây mùa nước nổi thiếu đi hẹ nước là thấy thiếu đi cả một nửa hoài niệm nhớ thương.
2. Bồn bồn
Nếu như hẹ nước chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi thì bồn bồn ở với người dân sông nước miền Tây quanh năm, nhưng sinh trưởng nhiều và tốt nhất trong mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm.
Bồn bồn thuộc họ lau sậy, ưa nước phèn, mọc lan trên nước như rau muống. Thân cây dài mảnh, gốc trắng, lá cũng vút dài như lá sả. Cây bồn bồn dễ mọc, cứ như bọn trẻ con ở quê, bỏ không đến cứ thế lớn, không cần chăm bón cầu kỳ.
Bồn bồn là món ăn rất lành, chế biến và kết hợp được với nhiều loại nguyên liệu khác tạo nên những món đặc sản hớp hồn du khách. Có lẽ vì sản lượng tiêu thụ bồn bồn ngày càng lớn nên thay vì mọc hoang như trước đây, người dân một số nơi đã chuyển đổi sản xuất sang trồng cây bồn bồn.
Bồn bồn sau khi thu hoạch chỉ giữ lại phần lõi non màu trắng ở gốc. Bạn đã được thưởng thức gỏi bồn bồn chưa? Hay bồn bồn xào mắm tép? Bồn bồn chua ngọt, bồn bồn nhúng lẩu, canh bồn bồn… Nếu chưa được thưởng thức những món bá cháy này thì còn nhiều thiếu sót với ẩm thực miền Tây lắm đấy nhé!
3. Năn bộp
Cây năn ở miền Tây có hai loại, là năn bộp (một số nơi gọi là bụp) và năn kim (hay còn gọi là cỏ năn), vốn là loài cỏ dại mọc hoang ở các đồng đất hoặc mương liếp. Ngày nay chúng không mọc hoang nữa mà đã trở thành một trong những món ăn đặc sản hái ra tiền cho người dân địa phương, nổi tiếng nhất là năn bộp.
Năn bộp thuộc họ cói. Cũng giống như bồn bồn, chúng mọc quanh năm nhưng có nhiều nhất vào mùa mưa. Năn ngon nhất là những cây vừa mới nhô lên mặt nước khoảng một gang, lúc này thân mềm, mọng. Người dân khéo léo tách lớp vỏ già bên ngoài, chỉ giữ lại phần thân trắng nõn bên trong để chế biến.
Cây năn thường được dùng như một loại rau ăn kèm các món lẩu, canh cá, canh cua. Đám trẻ con thì dân dã hơn, chúng chỉ cần lột vỏ và ăn luôn những cọng năn tươi non, khoái chí với vị thanh thanh, mát mát, giòn giòn mà vui cả buổi chiều.
Năn chế biến được nhiều món, ăn sống chấm mắm cá kho, mắm gừng hay năn xào tôm, làm nhân bánh xèo, nhúng lẩu, làm dưa, làm gỏi… Món nào cũng ngon “số dzách” và cực kỳ đưa cơm.
Và, chỉ với những loài cây dân dã mọc dại ấy, mà xứ sở sông nước miền Tây đã níu chân không biết bao nhiêu khách du lịch. Hẹ nước, bồn bồn, năn bộp… chúng cứ thế tự lớn lên, mạnh mẽ sinh trưởng như người dân miền Tây hào sảng, không tính toán.
Nếu có ý định đến miền Tây, nhất định bạn nên thử những món ăn đặc sản cỏ dại này nhé!
Miền Tây còn nhiều thú vị nữa đang chờ bạn khám phá nè:
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!