Bé có thể bị bỏng do vô tình va vào chậu nước nóng hay chảo mỡ nóng khi mẹ làm bếp, thậm chí sờ vào ổ điện bị giật… Bỏng là tai nạn rất nguy hiểm nên mẹ cần trang bị sẵn những kiến thức để có thể sơ cứu và xử lý đúng cách cho bé. Bài viết bên dưới sẽ hướng dẫn mẹ cách xử lý khi bé bị bỏng. Cùng tham khảo nhé!
Các cấp độ của vết bỏng
+ Bỏng độ 1:
- Da ửng đỏ nhưng không phỏng nước.
- Chỉ lớp da ở nông nhất bị ảnh hưởng.
- Vết bỏng lành nhanh, không để lại sẹo.
+ Bỏng độ 2:
- Da bị tổn thương sâu hơn, tạo phỏng nước, gây đau đớn (tuyệt đối không được chọc phá các bọng nước này).
- Một phần da ở sâu bên trong vẫn còn nên có thể tái tạo được.
- Được điều trị đúng sẽ không để lại sẹo, trừ khi diện tích bỏng quá rộng.
+Bỏng độ 3:
- Bề dày của da bị hủy hoại toàn bộ. Thường không có bóng nước vì lớp trên cùng của da đã bị phá hủy.
- Vùng da bỏng có màu trắng hoặc cháy sém. Có thể bỏng sâu tới cơ và xương.
- Để lại sẹo kể cả được điều trị đúng.
Lưu ý: Mẹ phải đưa bé đi khám bác sĩ nếu bé bị bỏng ở mặt, bỏng diện rộng hoặc bỏng từ độ 2 trở lên.
Các bước sơ cứu vết bỏng
- Khi bé bị bỏng nhẹ, nhanh chóng ngâm chỗ bỏng của bé vào nước, dội nước lã sạch để hạ nhiệt độ chỗ bỏng, làm dịu cơn đau.
- Bôi thuốc trị bỏng
- Trong trường hợp bé bị bỏng ở mắt, miệng hay bộ phận sinh dục, dù chỉ bỏng nhẹ, phải ngay lập tức đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.
Lưu ý: Mẹ không được chọc vỡ các nốt phồng rộp hoặc tự gỡ những thứ bị dính trên vết bỏng mà nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý
Các bước xử lý vết bỏng nước sôi
+ Bước 1 Làm nguội bớt vết thương
- Để vết bỏng không lan rộng, làm vết bỏng nhỏ hơn và ít đau đớn hơn, hãy rửa vết thương dưới vòi nước lạnh đang chảy từ 15 đến 25 phút hoặc đến khi bé hết đau.
- Trường hợp bị bỏng do chất lỏng (dầu, nước sôi, axit), cần cởi bỏ y phục bị ướt trước khi vết bỏng hình thành bọng nước. Sau đó mới xả nước lạnh vào chỗ bỏng. Nếu quần áo bị dính vào vết thương, đừng cố cởi bỏ để không làm đau bé thêm, rửa ngay vết thương dưới nước lạnh bên ngoài lớp vải và sau đó đưa bé đến bác sĩ.
+ Bước 2: Giữ sạch vết bỏng nước, không được động chạm gì trong vòng 24 giờ sau khi bị bỏng. có thể dùng băng vải đắp lên nếu vết bỏng ở những chỗ dễ đụng chạm.
+ Bước 3: Sau 24 giờ, rửa vết bỏng nước với xà phòng cùng với nước lạnh hoặc dung dịch nước muối sinh lý. Rửa vết bỏng mỗi ngày một lần, nhớ lau khô vết bỏng sau khi rửa.
+ Bước 4: Dùng lá nha đam tươi hoặc kem chứa tinh chất nha đam bôi lên vết bỏng. Nha đam có tác dụng làm vết thương mát hơn, dễ chịu hơn và không bị khô nứt.
+ Bước 5: dùng các loại kem bôi vết bỏng có chứa thành phần kháng sinh chống nhiễm trùng có bán tại các hiệu thuốc sau khi thực hiện sơ cứu để tránh khả năng nhiễm trùng làm vết thương lan rộng và lâu khỏi hơn.
Những lưu ý khi chăm sóc bé bị bỏng
- Khi bé bị bỏng nước sôi, mẹ cần cho bé ăn một số thực phẩm, nước trái cây có chứa vitamin C để tăng sức để kháng cho cơ thể như vitamin C, D…. Có trong cam, chanh.
- Chú ý không dùng một số phương pháp dân gian như đổ nước mắm, bôi vôi, kem đánh răng lên vết bỏng để tránh cho vết bỏng bị nhiễm trùng.
- Dỗ dành, an ủi cho bé không khóc, cho bé uống nước nhiều hơn và đặt bé ở tư thế không ảnh hưởng tới vết bỏng.
- Bỏng ở trẻ em có thể dẫn đến mất nước và rối loạn vi tuần hoàn. Trong quá trình sơ cứu, cần quan sát xem bé có bị sốc hay không. Nếu bé có hiện tượng huyết áp giảm, mạch nhanh, khó thở, cần đưa bé ngay tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời nếu không có thể dẫn đến tử vong.
Hãy nhắc nhở bé phòng tránh tai nạn bỏng như không đùa nghịch hoặc tự tiện sờ, chạm đến các dụng cụ trong bếp
Trên đây là các bước xử lý khi bé bị bỏng. Để phòng tránh bị bỏng cho bé, mẹ cần chú ý để các vật dụng nóng sôi, dễ cháy, sinh lửa và đồ điện ngoài tầm với của bé. Đồng thời, nghiêm cấm bé đùa nghịch với phích cắm điện, các thiết bị điện hay tự ý mở vòi nước nóng. Chúc bé của mẹ luôn vui khỏe nhé!
PGS.TS Trần Đình Toán
Trung tâm dinh dưỡng VNM