Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nhà văn Trần Gia Thái- Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, Nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội về những vấn đề này.
Nhà văn Trần Gia Thái
+ Thưa ông, hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội trở thành một “thế giới ảo” thu hút người dân, đặc biệt là giới trẻ sử dụng, thậm chí là chìm đắm vào đó. Vấn đề văn hóa ứng xử trong thế giới ảo này đang là hiện tượng đáng báo động bởi việc “bóc phốt”, nói xấu, chửi bới nhau, truyền bá những hình ảnh, clip khiêu dâm…Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề văn hóa trên không gian mạng?
– Phải thừa nhận mạng xã hội là một phát kiến mang giá trị to lớn, nó giúp kết nối mọi con người, mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, qua trao đổi những tri thức của nhân loại đương đại, những tài nguyên thông tin, dữ liệu…Nó thực sự là một phát minh lớn. Gọi mạng xã hội là ” thế giới ảo” là một cách gọi theo kiểu kí hiệu, đặt tên, chứ theo tôi nó không ảo một tí nào, nó là thật.Lợi ích cho con người là thật. Giá trị tinh thần, vật chất, mà nó mang lại cho chúng ta là thật. Song mặt trái trên mạng xã hội như chửi nhau là thật, lừa đảo là thật, nhố nhăng là thật, vô học là thật, và những chế tài xử phạt cũng bằng tiền thật chứ đâu phải tiền ảo. Thật như ánh sáng, như ban ngày. Ngoài những cái được, cái tốt, cái lợi lộc không nhỏ mà nó mang lại thì con dao hai lưỡi này cũng đang hàng ngày hàng giờ làm mệt làm khổ con người ở các quốc gia trên hành tinh này trong đó có Việt Nam.
Chúng ta đang phải đối mặt với thách thức mà mạng xã hội mang tới như một nguy cơ dẫn đến thảm họa chứ không còn là hiện tượng đáng báo động nữa một khi có không ít người tham gia mạng xã hội thiếu hiểu biết và kém ý thức. Sự gây nghiện của mạng xã hội đang thu hút người dân, đặc biệt là giới trẻ sử dụng, thậm chí đắm chìm vào đó như chị nói. Cái mặt trái, cái không tốt của mạng xã hội chính ở chỗ nó phát tán những thông tin không được kiểm chứng, những thông tin giả thật lẫn lộn, không ai chịu trách nhiệm. Ở đó đang tràn ngập các loại thông tin từ vô bổ, nhảm nhí, giả mạo, phản khoa học, phản đạo đức, phản văn hóa, xúc phạm danh dự nhân phẩm lẫn nhau. Những cái xấu lan truyền trên mạng xã hội còn nhanh và nguy hơn cả dịch bệnh. Đó là mối nguy dẫn tới băng hoại đạo đức, méo mó, lệch lạc thuần phong mĩ tục. Không biết đã có cơ quan tổ chức nào thống kê sau khi hứng chịu ” ném đá”, ” đánh hôi”, ” đánh hội đồng” đã có bao nhiêu vụ oan sai, có bao nhiêu con người bị tổn thương đau đớn, thậm chí phải tìm đến cái chết?
Chúng ta đều biết, mạng xã hội hay sự phát triển của công nghệ là những phát minh khoa học, suy cho cùng đều để phục vụ con người. Con người phải làm chủ nó và phải sống có trách nhiệm với nó. Ngược lại nếu con người làm nô lệ cho nó thì tai hại vô chừng, những hậu quả mà tôi vừa nêu trên là ví dụ.
Chúng ta cũng cần xác định rõ văn hóa trên không gian mạng thực chất là văn hóa giao tiếp của cá nhân và cộng đồng. Cần phải được thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Quyền tự do ngôn luận cá nhân phải được đặt ra cùng với sự tôn trọng quyền của cộng đồng. Việc tham gia mạng xã hội của cá nhân cần phải tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp và của đạo đức xã hội. Dưới chuẩn đó thì anh sẽ là người đứng ngoài cộng đồng và phải tự chịu trách nhiệm cho sự thiếu hiểu biết của mình. Đáng tiếc là vẫn còn nhiều người chưa biết, chưa hiểu điều đó khi tham gia mạng xã hội.
Ảnh minh họa: 35express.org
+ Theo ông, những hiện tượng đã nêu trên ảnh hưởng như thế nào đến đời sống thật, đặc biệt là văn hóa của một dân tộc?
– Tác hại và ảnh hưởng nói trên đã quá rõ rồi. Nó ảnh hưởng lớn, ảnh hưởng trên mọi bình diện đối với đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là văn hóa dân tộc. Theo số liệu thống kê mới nhất Việt Nam hiện có 97,7 triệu dân, nhưng có tới 154,4 triệu thuê bao di động, 68,72 triệu người dùng mạng internet và 72 triệu người dùng mạng xã hội ( chiếm 73,7% dân số ) các bạn thử tưởng tượng mỗi một cái xấu cái hại xuất hiện trên mạng thì nó sẽ toang đến đâu. Nó làm xấu xí hình ảnh con người Việt Nam, hình ảnh đất nước Việt Nam. Trong thời hội nhập, trong thế giới phẳng, thay vì lan tỏa những tốt đẹp của ta, những truyền thống, những bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn, phát triển để thế giới, nhân loại hiểu và yêu hơn con người Việt Nam nhân văn, chuộng hòa bình gắn kết, từ đó mà hợp tác giúp đỡ thì mạng xã hội với những thành phần tham gia thiếu hiểu biết, thiếu ý thức kia vô hình chung đã làm nhọ nhem hình ảnh của đất nước của con người việt nam chúng ta. Thế giới hiểu sai lệch về chúng ta là điều không tránh khỏi. Nói về tác hại khi gần đây các chỉ số tín nhiệm trên trường quốc tế của người việt bị giảm đáng kể thì chỉ những người làm công tác ngoại giao, chính trị hay văn hóa, kinh tế xã hội, hay những người quan tâm tới những lĩnh vực đó mới thấy rõ. Nhưng có một ví dụ mà hầu hết ai cũng biết, cũng rõ, nhất là các bạn trẻ, đó là sự bức xúc của cư dân mạng trên thế giới, qua các trang quốc tế về những bình luận khiếm nhã, vô văn hóa của những cổ động viên quá khích. Chính họ, lượng không ít fan cuồng bóng đá kiểu này đã làm tổn thương đến danh dự con người và đất nước chúng ta.
Tác hại nữa mà tôi muốn nhấn mạnh, muốn báo động đó là tiếng Việt đang bị hiếp đáp. Sự trong sáng của chữ của nghĩa của văn hóa đọc văn hóa viết, của ngôn ngữ Việt Nam đang bị thứ ngôn ngôn ngữ nhố nhăng của một bộ phận người dùng trên mạng xã hội kia dị hóa. Không biết từ ai, từ đâu ra cái thứ ngôn ngữ biến dạng được cổ súy để trở thành như sự đặc trưng của ngôn ngữ mạng. Một số người lớn tuổi tham gia mạng không biết sử dụng những ” ngoại ngữ” mạng này đều bị cười cợt, chế giễu. Tôi có một anh bạn nhà thơ hơn tuổi, năm nay đã gần tám mươi tính tình trẻ trung, cấp tiến, muốn hòa đồng với lớp trẻ nên anh có gắng sử dụng các “siêu ngôn ngữ” đó vào các giao tiếp của mình dần dà thành quen. Bây giờ đọc tin nhắn của anh tôi cứ phải vừa đọc vừa luận vừa đoán vừa suy ra, đôi lúc bí bỏ qua chỉ hiểu lờ mờ là vậy. Chẳng hạn như: Ăn gì khum; đúng roài; hu! hu! chít rùi; sin lũi iu. Có lúc cao hứng anh còn dạy tôi ngôn ngữ của cộng đồng gen z : J z tr (gì zậy trời); Xu cà na (Xui xẻo); big+C=bự+c (bực); Phanh xích lô( hôn)… bạn thử tưởng tượng một ngày đẹp trời thứ tiếng lóng này bước vào các trang văn, vào giao tiếp thường thức thì tiếng Việt sẽ ra sao?
+ Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản yêu cầu các địa phương quản lý và xử phạt nghiêm những vi phạm văn hóa trên mạng xã hội. Theo ông, ngoài chế tài xử phạt, cần những yếu tố gì để hạn chế những vi phạm văn hóa trên không gian mạng?
– Vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 1800/BTTTT-PTTH&BĐT về việc tăng cường công tác quản lí, xử lí thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Điều này cho thấy động thái vào cuộc có vẻ mạnh hơn của cơ quan quản lí. Dư luận cho rằng lẽ ra phải nhanh hơn, sớm hơn và quyết liệt hơn, đồng bộ hơn. Áp dụng các hình phạt là cần thiết vào lúc này. Nhưng mức phạt thế nào, có đủ sức răn đe không. Vu cáo, dựng chuyện, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí làm nguy hại đến tính mạng con người, làm thiệt hại cho đất nước liệu đã được định tính, định lượng đúng và đủ trong các chế tài? Mà chế tài là ở khúc cuối. Điều cần thiết và quan trọng là chúng ta phải quan tâm từ nguồn gốc từ khởi thủy. Đây là việc của giáo dục xã hội.
Tôi nghĩ trước hết:
Cần phải xây dựng và hình thành chuẩn mực cộng đồng mạng theo những chuẩn mực của đạo đức xã hội của những cộng đồng lớn nhỏ. Ví dụ nhà báo thì phải theo quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo đã được xây dựng và đang thực hiện. Hay chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, của thầy thuốc, rồi văn hóa công sở của công chức, viên chức, của người hành nghề từ các hiệp hội. Mỗi quy định xây dựng và tự giác thực hiện của từng cộng đồng sẽ tác dụng rất tốt cho xây dựng văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp,để khi tham gia vào mạng xã hội các cá nhân đó đã ý thức được rằng mình đang đại diện cho cộng đồng mình, mình phải nâng cao nhận thức và có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Cần khơi gợi lòng tự tôn dân tộc để bảo vệ văn hóa truyền thống của đất nước con người chúng ta.
Cần lên án mạnh mẽ những hành vi xấu, biểu dương những việc làm hay, nhân rộng những điển hình tốt. Đây là việc của tất cả, không của riêng ai. Nhưng người cầm trịch, người đi đầu là các cơ quan lãnh đạo,quản lí nhà nước các cấp và các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Với thái độ quyết liệt, đồng bộ vào cuộc, đồng bộ thực hiện các giải pháp căn cốt, chúng ta sẽ từng bước ngăn chặn được các nội dung xấu, nội dung độc hại phát tán trên mạng xã hội.
+ Xin cảm ơn nhà văn Trần Gia Thái!