12/07/2021 08:30
Trong vô số nghề nghiệp hiện nay, có một vị trí không được tuyển dụng rộng rãi nhưng lại là công việc rất thú vị và có triển vọng, đó là làm PA. Thế nhưng đã bao giờ bạn nghe tới vai trò PA nhưng không hiểu PA là gì? Viết tắt của từ tiếng Anh nào?
PA có thể là từ viết tắt của nhiều cụm từ, thuật ngữ trong tiếng Anh, tuy nhiên, ở bài viết này, JobOKO sẽ giới thiệu đến bạn PA như một công việc, nghề nghiệp để qua đó, bạn hiểu rõ PA là gì và vì sao nhiều bạn trẻ có năng lực xuất sắc lại chọn trở thành PA.
Hiểu thế nào về PA? cơ hội việc làm ra sao?
1. PA là gì? hỗ trợ những ai?
PA là từ viết tắt của nhiều từ tiếng Anh khác nhau, ví dụ như: Personal Assistant (Trợ lý cá nhân), Physical Assistant (Phụ tá bác sĩ) và một số thuật ngữ, kỹ thuật trong marketing như Print Ad hay Page Authority. Trong bài viết này, chúng ta sẽ hiểu PA là gì theo nghĩa Personal Assistant.
Từ tên gọi đã có thể thấy PA là gì – chính xác là một trợ lý cá nhân chỉ hỗ trợ cho duy nhất một cá nhân, chủ yếu là các công việc hành chính, thủ tục và sắp xếp theo yêu cầu. Các cá nhân thường là quản lý, chủ tịch của một doanh nghiệp, tổ chức thương mại, tổ chức phi lợi nhuận. Vai trò của PA sẽ là sắp xếp thời gian, lịch trình. Trước đây, PA có thể được gọi là thư ký cá nhân nhưng từ này hiện bị cho là đã lỗi thời và không phổ biến nữa.
Có thể bạn sẽ thấy PA nghe có vẻ giống với công việc của một trợ lý nhưng trong nhiều trường hợp, PA là người được chính quản lý, giám đốc, chủ tịch… tuyển về và chỉ làm việc cho cá nhân người đó – có thể không thực sự chịu sự quản lý hay sắp xếp của doanh nghiệp, tổ chức. Dĩ nhiên, với tư cách là PA, bạn sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhân viên để hỗ trợ hành chính và sắp xếp lịch trình, xử lý các nhiệm vụ điều hành trong khả năng và theo yêu cầu.
PA cần có hiểu biết về cá nhân bạn hỗ trợ cũng như rõ ràng về cơ cấu của công ty, tổ chức, biết rõ nhân sự chủ chốt là ai, hiểu mục tiêu chung. Thực tế, các nhà quản lý thường phụ thuộc rất nhiều vào PA của họ, tin tưởng rằng công việc vẫn sẽ được xử lý hiệu quả khi họ vắng mặt. Do đó, sự thận trọng và tính bảo mật là những thuộc tính cần thiết của một PA thành công.
PA có thể làm việc cho một gia đình hoặc cá nhân giàu có, thay vì cho một công ty. Ngoài ra, PA cũng có thể là trợ lý cho các minh tinh, diễn viên, người nổi tiếng hoặc người khuyết tật (phổ biến ở nước ngoài) – lúc này sẽ được gọi là người hỗ trợ cá nhân.
2. Cần có bằng cấp hay kỹ năng gì để trở thành PA?
Hầu như không có quy định cụ thể nào về bằng cấp hay trình độ của một PA nhưng thông thường, nhiều nhà tuyển dụng sẽ tìm ứng viên có trình độ đại học trở lên. Các ngành học về truyền thông, kinh tế, quản trị kinh doanh hay công nghệ thường có lợi thế.
Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng có thể có yêu cầu đối với kinh nghiệm trước đó của bạn trong các vai trò trợ lý cá nhân hay liên quan tới quản trị, hành chính, thường là từ 2 năm trở lên. Ngoài kiến thức chuyên môn, để làm tốt trong vai trò PA bạn sẽ cần có các kỹ năng và phẩm chất như:
- Thận trọng và đáng tin cậy: Bạn sẽ được yêu cầu ký các cam kết bảo mật để không tiết lộ thông tin cả về cá nhân người được hỗ trợ cũng như các đặc điểm tính cách, thói quen hay nội dung công việc…
- Tính linh hoạt và khả năng thích ứng: Quan trọng để bạn nhanh chóng thích nghi và hoàn thành các nhiệm vụ, xử lý tình huống hiệu quả.
- Kỹ năng tổ chức và khả năng đa nhiệm: Sắp xếp công việc khoa học và hợp lý, quản lý thời gian, giải quyết nhiều công việc cùng lúc.
- Khả năng chủ động: PA sẽ không phải người thụ động “chỉ đâu đánh đó”, thay vào đó, bạn phải có sự nhạy bén, tinh tế, biết đoán ý và có thể làm trước các công việc trong khả năng và trong chức trách để cung cấp sự hỗ trợ tối đa với chất lượng, hiệu quả tốt nhất.
- Giao tiếp và ngoại giao: Biết lắng nghe, tiếp nhận thông tin, biết bày tỏ quan điểm hay ý kiến đúng lúc hoặc giữ im lặng khi cần đều là kỹ năng giao tiếp cơ bản mà một PA cần có. Không chỉ vậy, trong nhiều trường hợp, PA sẽ là người đại diện cho hình ảnh của sếp, vì thế mà khả năng xây dựng mối quan hệ, ngoại giao cũng sẽ quan trọng.
- Kỹ năng công nghệ: Giải quyết các nhiệm vụ liên quan đến điều hành, cần hợp tác nhóm với các phòng ban trong công ty….
3. Thu nhập của PA
PA có thể được thuê theo giờ, theo từng dự án hoặc thuê dài hạn. Mức thu nhập của mỗi PA phụ thuộc vào hình thức làm việc và thời gian làm việc của bạn. Ở Mỹ, một PA có năng lực sẽ kiếm được khoảng gần 70.000 USD/năm (hơn 1,5 tỷ đồng), trong khi các PA hỗ trợ theo giờ có thể nhận lương trung bình từ 15 USD/ giờ trở lên (khoảng 350.000 đồng).
Tại Việt Nam, rất khó để thống kê mức lương trung bình của PA vì nhiều người chọn tuyển theo mối quan hệ, tìm kiếm qua headhunter. Tuy nhiên, tính trung bình thì thu nhập của bạn sẽ ở trong khoảng từ 10 – 16 triệu/tháng và có thể cao đến 30 – 40 triệu/tháng khi có kinh nghiệm, uy tín và được tin tưởng. Đây là một mức lương rất cao khi so sánh với nhiều công việc văn phòng khác.
Mức lương của PA cao hay thấp?
4. Những người trẻ có nên làm PA hay không? có triển vọng thăng tiến không?
Đa số PA là người trẻ và có năng lực. Làm việc trong vai trò này, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều, nhất là thái độ, sự tỉ mỉ, cẩn thận, khả năng phán đoán cũng như chủ động xử lý các công việc khác nhau, phát triển kỹ năng đa nhiệm. Trong khoảng độ tuổi từ 25 – hơn 30 tuổi một chút, nếu có thể thì trải nghiệm trong vai trò PA là lựa chọn không tồi.
Vừa có thu nhập cao, ổn định lại tích lũy được nhiều mối quan hệ, có mạng giao thiệp rộng, những gì bạn đạt được từ công việc PA khá hữu ích để phát triển sự nghiệp trong tương lai, cho dù bạn theo hướng tự khởi nghiệp, kinh doanh. Tuy nhiên, thông thường thì nhà tuyển dụng sẽ ít hoặc không tuyển những người đã lớn tuổi vào vị trí này, nghĩa là nếu bạn muốn gắn bó lâu dài trong suốt sự nghiệp thì sẽ không phù hợp.
Bạn không thể thăng tiến khi làm PA nhưng đổi lại, bạn có nhiều cơ hội và triển vọng khác để xây dựng danh tiếng cá nhân cũng như tìm được các vai trò ở trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Với tất cả thông tin trên, bạn đã hiểu PA là gì? Rõ ràng, đây là một công việc vừa thú vị lại hấp dẫn vì có không gian phát triển, mức lương cao. Nếu như muốn thử sức trong vai trò này, bạn nên bắt đầu bằng việc chuẩn bị cho mình kiến thức rộng, kỹ năng thành thạo và tích lũy công việc qua những vai trò liên quan tới quản trị, trợ lý, hành chính nhé.