CHUYÊN MỤC CÂY XOÀI

 

XOÀI (Mangifera indica)

Theo Dương Minh, Võ Thanh Hoàng, Lê Thanh Phong – NXBNN-1996

Giống: Các giống xoài hiện được trồng tại Việt Nam gồm: Xoài Cát (Hòa Lộc), Xoài Thơm, xoải Bưởi (Ghép). Xoài có thể được trồng bằng hạt hay ghép.

Trồng xoài: Nên trồng đầu mùa mưa, từ tháng 5 – 7 dương lịch. Với cây tháp nên tháp trước 4 – 6 tháng. Khoảng cách trồng 8 – 9 m, trồng hình vuông hay nanh sấu.

Xử lý ra hoa: Trong tự nhiên ở các vùng có 2 mùa mưa, nắng, xoài rất dễ ra hoa, tuy nhiên để điều khiển thời gian ra hoa và cho trái thích hợp, thường dùng các biện pháp xử lý như:

Xông khói : Un khói vào đầu mùa khô (thời gian un khói kéo dài 1 – 2 tuần đến khi cây ra mấm hoa). Trường hợp cây không ra hoa phải lập lại sau 1 tháng (phương pháp này ít tốn kém nhưng hiệu quả không cao).

Phun Ethephon (Ethrel): Dùng ở nồng độ 500 ppm (0,5 cc/lít) phun lên các đầu cành để ức chế sinh trưởng, tạo mấm hoa.

Phun KNO3 : Dùng ở nồng độ 1 – 1,25% phun lên các lá ở đầu canh (lượng 35 – 50 lít/cây)

Tăng đậu trái : Tại Thái Lan, người ta dùng 2,4D ở nồng độ 20 – 40 ppm, phun lên cây lúc ra hoa để giúp cho trục phát hoa và cuống trái dày hơn, làm trái ít rụng và chín tốt hơn. Với trái xoài non (2 – 7 tuần sau khi trổ hoa) người ta xử lý bằng cách phun NAA (50 ppm) 3 lần vào lúc trổ hoa, 3 và 6 tuần sau trổ sẽ giúp giảm rụng trái non, đồng thời cũng giúp tăng trọng lượng trái.

Côn trùng phá hại : Gây hại cho cây xoài gồm: ruồi đục trái (Dacus dorsalis), rầy xanh (Idioscopus elypealia và I. nivesparsus), bọ dục cành (Niphonolea i và Niphonoclea capito), sâu ăn bông, rệp sáp (Icerya seycheltarum và Planococous lilacinus), rệp dính (Cocus viridia, C. mangiferae và Pulvanaria psidii).

Bệnh hại xoài : Bệnh Thán thư nấm (Colletotrichum gloeosporioides), Bệnh Thối trái-khô đọt (Diplodia natalensis), Bệnh Cháy lá (Macrophoma mangiferae), Bệnh Đốm lá (Pestalotia mangiferae), Bệnh Bồ hóng (Capnodium mangiferae), Bệnh Phấn trắng (Oidium mangiferae), Bệnh Đốm vi khuẩn (Pseudomonas mangiferae – indica).

Thu hoạch

Khoảng 3 – 4 tháng sau khi trổ hoa thì trái đã đủ già và chín. Năng suất tăng dần từ năm cho trái đầu tiên đến sau 5 năm thì ổn định. Trái được hái khi đã già, da láng, lúc đó trái hơi nặng hơn nước. Có thể quan sát bằng kinh nghiệm trên mỗi giống để ấn định thời gian thu hoạch.

TTKN TIỀN GIANG giới thiệu KỸ THUẬT TRỒNG XOÀI

ThS. Lê Văn Quân; KS. Đỗ Văn Chuông; KS. Trần Thanh Phong; KS. Trương Quốc Luận

GIỚI THIỆU

Xoài là cây ăn quả nhiệt đới, phần lớn các tác giả đều cho rằng nguồn gốc cây xoài ở miền Đông Ấn Độ và các vùng giáp ranh như Miến Điện, Việt Nam, Malaysia.

Trên thế giới hiện nay có 87 nước trồng xoài với diện tích khoảng 1,8 – 2,2 triệu hécta. Vùng Châu Á chiếm 2/3 diện tích trồng xoài trên thế giới, trong đó đứng đầu là Ấn Độ (chiếm gần 70% sản lượng xoài thế giới với 9,3 triệu tấn), Thái Lan, Pakistan, Philippin, và Miền Nam Trung Quốc, Zimbabuê, Ghinê, Cônggô, Nam Phi, Keynia, Modămbích, Mali, Ai Cập, Brazin, Mêhicô, Hoa kỳ. Ngoài ra, xoài còn được trồng ở vùng ven biển nước Úc.

Ở Việt Nam xoài được trồng từ Nam chí Bắc, vùng trồng xoài tập trung là từ Bình Định trở vào nhiều nhất là các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long như: Tiền Giang (trên 6.000ha, trong đó đang cho trái 4.000ha), Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, … .

Quả xoài chín có màu vàng hấp dẫn, có vị chua ngọt, mùi thơm ngon được nhiều người ưa thích và được xem là một loại quả quí. Trái xoài chứa nhiều vitamin A, C, đường (15,4%), các acid hữu cơ nên xoài được sử dụng rộng rãi cả trái chín và trái già còn xanh. Xoài chín được ăn tươi, đóng hộp, làm nước trái cây, mứt kẹo, kem, sấy khô để tiêu thụ nội địahay xuất khẩu.

1. Đặc điểm sinh học

– Rễ: Phần lớn rễ phân bố ở tầng đất 0 – 50 cm ở những vùng có mực nước ngầm thấp hay đất cát rễ có thể ăn rất sâu (6 – 8m). Tuy nhiên, phần lớn rễ tập trung trong phạm vi cách gốc khoảng 2m.

– Thân, tán cây: Xoài là loại cây ăn quả thân gỗ mọc rất khỏe. Ở những nơi trảng, chiều cao cây và tán cây có đường kính tương đương. Tán cây lớn hoặc nhỏ tùy theo giống.

– Lá và cành: Một năm xoài có thể ra 3 – 4 đợt chồi tùy theo giống, tùy vào tuổi cây, thời tiết khí hậu và tình hình dinh dưỡng; cây con ra nhiều đợt chồi hơn so với cây đang cho quả; cây già rất khó ra chồi. Lá non sau 35 ngày mới chuyển xanh hoàn toàn, mỗi lần ra lá, cành xoài dài thêm 20 – 30 cm.

– Hoa: Hoa ra từng chùm ở ngọn cành, chùm hoa dài khoảng 30 cm, có 200 – 400 hoa. Mỗi chùm thường có 2 loại hoa: hoa lưỡng tính và hoa đực. Tỉ lệ hoa đực và hoa lưỡng tính trên cây phụ thuộc vào giống và điều kiện khí hậu ở địa điểm trồng. Thường thì hoa lưỡng tính chiếm từ 1 – 36%. Xoài là cây thụ phấn chéo, thụ phấn nhờ côn trùng là chủ yếu. Thời gian tiếp nhận hạt phấn của nhụy rất ngắn, chỉ sau vài giờ. Ở xoài nhụy thường chín trước, thời gian tốt nhất để nhụy tiếp nhận hạt phấn là lúc mặt trời mọc, trong khi đó nhụy đựctung phấn chỉ vào khoảng 8 – 10 giờ sáng. Sự không trùng hợp này là nguyên nhân cản trở sự thụ phấn và thụ tinh của xoài.

Những nguyên nhân khác làm xoài đậu quả kém là ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh như: vào thời gian hoa nở gặp mưa, lạnh, độ ẩm và nhiệt độ không khí cao.

– Quả: Sau khi thụ tinh thì quả phát triển. Thời gian từ thụ tinh đến chín là 2 tháng đối với giống chín sớm, 2 – 3,5 tháng đối với giống chín trung bình, 4 tháng đối với giống chín muộn.

2. Yêu cầu ngoại cảnh

Xoài có thể chịu đựng được nhiệt độ 10oC – 46oC nhưng thích hợp nhất ở nhiệt độ 24 – 27oC, nhiệt độ cao và ẩm độ không khí cao gây hại cho sự phát triển của cây. Xoài không kén đất, xoài có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau miễn là có tầng mặt sâu vì rễ xoài là loại rễ cọc. Chính nhờ bộ rễ khỏe ăn sâu nên xoài chịu hạn tốt. Xoài phát triển tốt trên đấtphùsa ven sông như ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, độ pH thích hợp nhất là 5,5 – 7.

GIỐNG VÀ NHÂN GIỐNG

1. Xoài nội: Xoài Cát Hòa Lộc: Xuất phát từ Cái Bè (Tiền Giang), xoài có trái to, trọng lượng trái 400 – 600gr, thịt trái vàng, dẽ, thơm, ngọt, hạt dẹp, được coi là giống xoài có phẩm chất ngon. Thời gian từ trổ bông đến chín trung bình 3,5 – 4 tháng.

Xoài Cát Chu: Phẩm chất trái ngon, thịt thơm ngọt có vị hơi chua, dạng trái hơi tròn, trọng lượng trái trung bình 250 – 350gr, vỏ trái mỏng. Đây là giống xoài ra hoa rất tập trung và dễ đậu trái, năng suất rất cao.

Xoài Xiêm: Phẩm chất tương đối ngon, cơm vàng, thịt dẽo, mịn, hạt nhỏ, vỏ trái dày. Đây là giống dễ đậu trái, năng suất cao.

Xoài Bưởi: Còn gọi là xoài ghép hay xoài 3 mùa mưa, trọng lượng trái trung bình 250 – 350gr, có nguồn gốc từ Cái Bè (Tiền Giang), giống xoài nầy có thể trồng đượctrên nhiều loại đất kể cả đất nhiễm phèn, mặn. Cây phát triển nhanh, nếu trồng từ hột cây cho trái sau 2,5 – 3 năm.

2. Xoài Thái Lan nhập nội: Nam-dok-mai: Tán thưa, lá to bản, mép gợn sóng. Trái nặng trung bình 320gr, hình bầu dục, đầu trái nhọn, vỏ mỏng láng, màu vàng đẹp, ngọt, thơm, hạt nhỏ. Từ khi nở hoa đến thu hoạch 115 ngày.

Khiew-sa-woei: Là giống xoài ăn xanh, cây phát triển mạnh, lá thon dài, đầuhơi nhọn, trái dài hơi cong, nặng trung bình 300gr.

Ngoài ra còn một số giống xoài như: Xoài Hòn, xoài Châu, xoài Thanh, xoài Thanh Ca, … dễ trồng cho trái ổn định, năng suất cao.

3. Nhân giống: Xoài được trồng bằng hai phương pháp chính:

a. Trồng từ hột:

+ Chọn cây mẹ có phẩm chất ngon, năng suất cao, cho trái ổn định.

+ Chọn trái già, bao hạt cứng hoàn toàn.

+ Cách ương: Lột bỏ bao cứng của hạt, xếp úp mặt bụng của hạt xuống mặt đấtnhuyễn, sau đó phủ lên cho kín hạt bằng tro trấu hoai, phân hữu cơ hoai mục và tưới nước giữ ẩm sau 1 – 2 tuần cây con sẽ mọc lên ( một hạt có 2 – 5 cây ). Khi cây con cao 20 – 25 cm, lá đã xanh đậm, tiến hành tách cây con đưa ra liếp ương; nên chọn những cây phát triển đồng đều nhau, loại bỏ những cây phát triển quá nhanh, những cây ốm yếu.

Liếp ương phải được vun cao 20 – 30 cm để cho đất thoát nước, kích thước liếp ương: ngang 1 – 1,5m, chiều dài tùy ý. Khoảng cách đặt cây con 20 – 25 cm. Có thể đặt cây con thẳng vào bầu nylon ( kích thước bầu 10 x 20 cm ) thay cho liếp ương.

Để cây con phát triển nhanh, khi cây con còn trong liếp ương hoặc trong bầu nylon cần phải bón phân, tưới nước và phòng trị sâu bệnh kịp thời, nhất là các bệnh ở gốc, rễ làm chết cây.

Sau 6 tháng có thể đem đi trồng ngoài vườn , cây con đem trồng cần loại bỏ những cây có thân lá khác với đặc tính cây giống đã chọn để tránh cây có khả năng biến đổigiống.

b. Trồng từ cây ghép:

Xoài trồng bằng phương pháp ghép sẽ cho trái sau 3 năm và ổn định sau 5 năm. Nếu trồng bằng cây ghép cần lưu ý các việc sau: Cây làm gốc ghép phải chọn các giống xoài có tính thích nghi rộng, cây phát triển mạnh, chịu được úng, phèn mặn và ít sâu bệnh như các giống xoài Lai, xoài Thanh Ca, xoài Hòn, Cát Chu, … .

Cây lấy bo (mắt ghép) hoặc lấy đọt (cành ghép) thì chọn cây khỏe mạnh, có phẩm chất trái ngon.

ĐẤT TRỒNG

1. Thiết kế mương liếp:

Đất trồng cây ăn trái ở Tiền Giang phải xẻ mương lên liếp và xây dựng hệ thống đê bao, cống bọng để chủ động tưới nước trong mùa nắng và thoát nước trong mùa mưa lũ. Kích thước của mương liếp phụ thuộc vào các yếu tố sau đây: – Mực thủy cấp trong mương vườn – Độ dày tầng đất mặt – Độ sâu của tầng phèn – Giống cây trồng và chế độ nuôi xen trong vườn

Những vùng đất có độ dày tầng mặt mỏng, đỉnh lũ cao, tầng phèn cạn thì thiết kế liếp đơn 4 – 5m thích hợp cho lối độc canh. Đất có độ dày tầng mặt sâu, đỉnh lũ vừa phải thì thiết kế liếp đôi 8 – 10m để thuận tiện cho việc trồng xen các loại cây khác.

2. Chuẩn bị mô trồng:

Mô được đắp bằng lớp đất mặt rộng 0,8 – 1m, cao 30 – 50 cm; trộn đất mô với 10 – 20kg phân chuồng hoai và 200gr super lân. Mô phải được chuẩn bị 1 tháng trước khi trồng.

CÁCH TRỒNG

1. Thời vụ trồng: Nếu chủ động được nước thì có thể trồng bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên nếu trồng được vào đầu mùa mưa thì đỡ công tưới.

2. Khoảng cách trồng: Tùy theo giống xoài mà bố trí khoảng cách cho hợp lý, thường thì: – Xoài Bưởi khoảng cách trồng 6 – 8m, – Xoài Cát Hòa Lộc khoảng cách trồng 8 – 10m, – Xoài Cát Chu, Xoài Hòn, Xoài Châu khoảng cách trồng 10m.

3. Cách trồng: Khoét lỗ trên mô vừa bầu cây con, đặt cây vào lấp đất lại vừa bằng mặt bầu, cắm cọc buộc dây giữ không cho cây lung lay.

CHĂM SÓC CÂY CON

– Tưới nước: Cần tưới đủ nước cho cây xoài khi nắng hạn để giúp cây con hấp thụ dinh dưỡng tốt, ra đọt được liên tục.

– Bón phân: Đối với cây trên 1 năm tuổi, mỗi năm bón 300gr phân 20 – 20 – 15, chia làm nhiều lần bón vào thời điểm lá trên ngọn đã xanh đậm. Năm đầu tiên nên hòa phân vào nước để tưới.

Vào đầu mùa nắng hàng năm có thể xới gốc bón thêm 5 – 10kg phân chuồng hoai kết hợp với việc bồi bùn non lắp phân lại.

– Tỉa cành, tạo tán: Khi cây con được 4 – 5 tầng lá (cao 0,8 – 1m) thì bấm đọt để cho cây ra cành cấp 1, tỉa bỏ chừa lại 3 chồi mọc về 3 hướng đều nhau. Khi chồi cấp 1 được 2 tầng đọt tiến hành bấm đọt, tiếp tục như thế đến khi cây có đọt cấp 5. Việc bấm ngọn này giúp cho cây có tán tròn đều, thấp, tiện cho việc chăm sóc bông, trái sau nầy.

CHĂM SÓC XOÀI ĐANG CHO TRÁI

1. Tỉa cành: Hàng năm cần tiến hành tỉa cành, ít nhất là 2 lần trong năm: – Lần 1: Sau thu hoạch, -Lần 2: Trước khi xử lý ra hoa, Cắt bỏ những cành già cỗi, cành bị che khuất ánh sáng, cành sâu bệnh.

2. Xới xáo, bồi bùn: Hàng năm, sau khi thu hoạch cần tiến hành xới xáo đất quanh tán cây kết hợp với việc bón phân và bồi một lớp bùn non nhằm kích thích cho cây ra rễ, ra đọt sớm, cho đọt khỏe.

3. Bón phân: Tùy theo độ tuổi cây, tình trạng cây mà gia giảm lượng phân bón, năm trúng mùa phải bón nhiều hơn năm thất mùa, đặc biệt phải bón đầy đủ ở lần sau thu hoạch.

Mỗi năm cần bón cho cây 5kg phân NPK 20 – 20 – 15 chia làm bốn lần bón (cây 6 – 7 năm tuổi). – Lần 1: Ngay sau thu hoạch 2kg/gốc, – Lần 2: 1 tháng trước khi xử lý ra hoa 1kg/gốc, – Lần 3: 1 tháng sau khi đậu trái 1kg/gốc, – Lần 4: 1 tháng trước khi thu hoạch 1kg/gốc,

Hàng năm bổ sung thêm 20 – 30kg phân chuồng cho 1 gốc ở lần sau khi thu hoạch kết hợp bồi bùn non để cải tạo độ tơi xốp cũng như tăng khả năng thoát nước cho đất.

4. Xử lý ra hoa, tăng đậu trái

a. Quá trình ra hoa xoài:

– Giai đoạn đâm chồi (tháng 5 – 6 dl): Sau khi thu hoạch trái tiến hành cắt tỉa cành, bón phân, tích cực tưới nước giữ mực nước trong mương vừa phải. Sau khoảng 15 ngày lá non bắt đầu mọc ra, giai đoạn nầy chú ý các đối tượng sâu bệnh hại như: bệnh thán thư (nếu gặp mưa), châu chấu cắn lá, ghẻ trên lá xoài, … .

– Giai đoạn tích lũy dưỡng chất: Sau khi đâm đọt non 30 – 40 ngày thì lá trưởng thành, lá chuyển xanh đậm hoàn toàn, chồi sẽ tích lũy dưỡng chất để nuôi trái sau nầy.

– Giai đoạn phát triển rễ: Sau khi chồi phát triển, rễ sẽ hoạt động mạnh để hấp thu dưỡng chất. Đây là giai đoạn thích hợp để bón phân cho xoài lần 2.

– Giai đoạn nghỉ ngơi: Ở giai đoạn nầy có thể kích thích ra hoa nhưng thường bông và lá đi kèm nhau.

– Giai đoạn đủ khả năng ra hoa (tháng 9 – 10 dl): Khi đọt đâm ra được trên 4 tháng, đây là giai đoạn thích hợp để kích thích xoài ra hoa.

– Giai đoạn miên trạng: Sau khi hình thành mầm hoa sẽ đi vào thời kỳ miên trạng, nếu không có điều kiện thích hợp để ra hoa. Thời kỳ miên trạng càng dài thì cây càng khó ra hoa.

– Giai đoạn quyết định sự ra hoa (tháng 10 – 11 dl): Giai đoạn nầy cây có thể ra hoa mà không cần phải kích thích nếu có điều kiện thích hợp như: + Có mùa khô kéo dài, + Cây ra đọt nhiều đợt nhưng không ra hoa 1 hay 2 vụ trước, + Có những đợt lạnh (nhiệt độ dưới 20oC trong ngày) theo sau là nhiệt độ cao.

– Giai đoạn ra hoa (tháng 11 – 12 dl): Các tác nhân như: nhiệt độ, ngập úng, hoặc hóa chất như KNO3, Predict 10% (Paclobutazol), có ảnh hưởng lớn đến sự ra hoa.

b. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự ra hoa xoài:

– Yếu tố môi trường: + Nhiệt độ: Thường trong mùa đông có nhiều ngày nhiệt độ thấp dưới 20oC sẽ giúp xoài dễ ra hoa. + Ngập úng: Là một dạng sốc; ở vùng lũ, một số xoài bưởi ra hoa sau khi ngập 30 ngày. + Sự khô hạn: Có ảnh hưởng nhưng không lớn.

– Giống xoài:

+ Nhóm dễ ra hoa: Xoài Thanh Ca, xoài Hòn, xoài Bưởi.

+ Nhóm tương đối khó ra hoa: Cát Hòa Lộc, Cát Chu, Cát Trắng.

+ Nhóm khó ra hoa: Xoài Thơm, xoài Cát Bồ, xoài Tượng.

– Tuổi cành:

+ Tuổi cành 4 – 6 tháng cho ra hoa tốt,

+ Nhỏ hơn 4 tháng, nếu kích thích xoài thường cho ra lá,

+ Trên 9 tháng tuổi khó kích thích ra hoa,

– Tình hình sinh trưởng:

+ Cây suy thoái có khả năng đâm chồi kém, thường không đủ khả năng ra hoa nên thường có hiện tượng cách niên (năm có hoa, năm không).

– Các yếu tố dinh dưỡng: + Đạm: Yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự ra hoa. + Lân: Hàm lượng lân cao trong chồi sẽ kích thích sự phân hóa mầm hoa, thúc đẩy tạo chồi, tạo rễ. + Kali: Cải thiện khả năng ra hoa, đậu trái, tăng phẩm chất trái.

c. Xử lý ra hoa xoài: Trước khi xử lý ra hoa 10 – 15 ngày nên dùng phân MKP (0 – 52 – 34) 30gr/10 lít nước phun lên lá để giúp cho lá mau trưởng thành, cây dễ ra hoa.

– Xử lý hóa chất:

+ Phun KNO3 lên hai mặt lá liều lượng 150 – 200gr/10 lít nước. Nếu sau 7 ngày không thấy dấu hiệu ra hoa thì phun lại lần 2.

+ Tưới vào gốc Predict 10%: với liều lượng 20gr pha trong 1 lít nước cho cây có đường kính tán cây 2m, tưới quanh gốc.

d. Tăng đậu quả:

– Giai đoạn rớt nhụy:

+ Khi bông dài 10 – 12 cm phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kết hợp với phân bón lá có công thức 15 – 30 – 15 để tăng cường khả năng đậu trái.

– Giai đoạn phát triển trái:

•           + Bón phân NPK cho cây để nuôi trái,

•           + Tưới đủ nước cho cây hấp thu dưỡng chất tốt,

•           + Phòng trị sâu bệnh định kỳ để giữ năng suất và phẩm chất trái.

PHÒNG TRỊ SÂU BỆNH

Đây là khâu quan trọng để giữ được năng suất và phẩm chất trái xoài.

1. Sâu hại:

– Sâu đục bông: Gây hại từ khi bông bắt đầu nhú ra đến khi hoa đổ nhụy, sâu non đục bên trong làm chết cả bông hoặc chết một đoạn bông. Phòng trị: Phun các loại thuốc có tác dụng lưu dẫn như Cyper Alpha liều lượng 10 – 20cc/bình 8 lít nước khi mới phát hiện.

– Rầy bông xoài: (Idiocerus niveosparsus) Gây hại nặng giai đoạn cây ra hoa, rầy chích hút nhựa ở bông và đọt non làm bông bị khô héo, rầy tiết mật tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm đen bông, đen lá; làm giảm khả năng đậu trái.

Phòng trị: Phun các loại thuốc: + Sevin 85% với liều 20gr/bình 8 lít + Trebon với liều 20cc/bình 8 lít + Sumi Alpha với liều 10cc/bình 8 lít

– Sâu đục trái: (Noorda albizanalis): Gây hại từ khi đường kính trái được 1,5 cm đến khi trái già, bướm đẻ trứng ở chót trái, sâu non nở ra đục vào trái và ăn phần hột làm cho trái bị hư và rụng. Phòng trị: Phun thuốc khi thấy có sâu non xuất hiện bằng các loại thuốc như: Basudin 50ND, Sumi Alpha, Karaté, Cymbus liều lượng theo hướng dẫn trên chai thuốc. Thu gom và tiêu hủy trái bị hại để không bị sâu non hóa nhộng tấn công ở lứa tiếp theo.

– Ruồi đục trái: (Dacus dorsalis): Gây hại trên hầu hết các loại cây ăn trái và trái họ bầu, bí, dưa, ruồi tấn công từ lúc trái già đến chín. Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc thủng vỏ trái cây và đẻ trứng dưới lớp vỏ, ấu trùng (dòi non) nở ra đục ăn thịt trái thành những đường ngoằn ngoèo làm trái hư và rụng. Phòng trị: Tiêu hủy những trái bị dòi, không neo trái quá già trong vườn, bao trái. Dùng thuốc trừ sâu giống như sâu đục trái.

– Rệp sáp: (Pseudococus sp): Gây hại trên cuống bông, cuống trái, lá non hoặc mặt dưới lá. Rệp chích hút nhựa và thải phân tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm đen đầu trái xoài. Phòng trị: Phun thuốc Supracide liều lượng 10 – 15cc/bình 8 lít nước, nên phun khi thấy rệp xuất hiện.

2. Bệnh hại

– Bệnh thán thư: (Collettotrichum glocosporioides) : Đây là bệnh quan trọng nhất trên xoài, bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa và khi có sương đêm. Nấm bệnh tấn công trên cành, lá non làm lá lủng, rách, co dúm rồi rụng. Thiệt hại nặng nhất là trên bông, trái; nấm tấn công làm khô, đen bông làm giảm hoặc mất khả năng đậu trái; bệnh cũng tấn công trên trái tạo ra triệu chứng “da cây” làm mất phẩm chất trái; nấm bệnh còn tấn công trên trái già làm thối trái sau khi thu hoạch và bệnh càng trầm trọng khi tồn trữ trong điều kiện nóng và ấm.

Phòng trừ: Trồng cây có khoảng cách vừa phải, thường xuyên vệ sinh vườn xoài, cắt tỉa cành tạo cho tán cây thông thoáng, bao trái.

Sử dụng các thuốc sau đây luân phiên phun định kỳ lên bông, trái non để tăng khả năng đậu trái và giữ phẩm chất trái như: – Thuốc gốc Mancozed như Dithane M45. Thuốc gốc Carbendazym như Benomyl hoặc Bavistin .- Antracol, Daconil, … Liều lượng: theo hướng dẫn của nơi sản xuất.

Lúc xoài ra hoa gặp mưa nên sử dụng phối hợp các loại như Topsin M với Benomyl hoặc Ridomil với Daconil để phòng ngừa phát sinh phát triển.

Trong điều kiện thoáng mát phun định kỳ 7 – 10 ngày/lần, nếu mưa nhiều và có sương mù kéo dài thì phun nhắc lại 3 – 5 ngày/lần. Sau 2 lần phun phải đổi thuốc vì nấm rất mau kháng thuốc.

– Bệnh phấn trắng:

Bệnh gây hại nặng vào giai đoạn trước khi thụ phấn đến lúc đậu trái non. Nấm đóng thành một lớp màu trắng hay xám trên phát hoa, nấm gây thiệt hại rất nhanh trong điều kiện thời tiết lạnh và sương mù kéo dài. Bệnh làm trái non méo mó, nhỏ và dễ rụng hoặc trái bị da cám.

Phòng trị: Phun phòng khi thấy có sương mù kéo dài hoặc trời lạnh, sử dụng các loại thuốc trị nấm như: Anvil, Microthiol, Topsin M, … dùng theo hướng dẫn của nơi sản xuất.

– Bệnh khô đọt (Diplodia natalensis): Bệnh tấn công nhanh nhất là lúc mưa nhiều, nấm tấn công rất sớm vào lúc đọt non còn màu đỏ làm cho đọt chết héo dần và chết khi lá vừa dày.

Phòng trị: Tỉa bỏ cành bị bệnh, phun phòng bằng các loại thuốc như Derosal, Anvil, Copper B, … phun đều lên đọt non còn đỏ, nên phun 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày.

– Bệnh bông đen da trái xoài (da ếch): Trong vài năm gần đây bệnh bông đen da trái xoài ngày càng nghiêm trọng, làm giảm giá trị thương phẩm của trái. Bệnh xuất hiện nhanh và tập trung vào giai đoạn cuối khi xoài đã cứng bao. Bệnh phát triển nhiều khi gặp ẩm độ cao hoặc mưa liên tục trong 1 – 2 ngày, các vườn xoài thu hoạch muộn khi gặp mưa bệnh rất nặng.

Để phòng bệnh nên xử lý cho xoài ra hoa tập trung và sớm, sử dụng các loại thuốc như: Ridomil, Daconil, Copper zinc (20gr/bình 8 lít nước) khi xoài đã cứng bao đầu để phòng bệnh, nếu gặp phải mưa hay sương mù nhiều thì phun nhặt hơn, 3 – 5 ngày/lần. Chú ý phải phun thuốc thật mịn để thuốc bám đều trái xoài thì hiệu quả mới cao, đồng thời nên hạn chế sử dụng các dạng phân bón lá phun trực tiếp vào trái trong giai đoạn sắp thu hoạch. Bao trái cũng giúp bảo vệ trái tốt.

 

 

Số lần xem trang: :20069
Nhập ngày: 28-01-2010
Điều chỉnh lần cuối:

Rate this post

Viết một bình luận